"Dạ Cổ Hoài Lang" và "Lô Tô": Làm phim hay đâu có dễ!
Cuối tháng 3, điện ảnh Việt dường như có sự khởi sắc bởi hai cái tên "Dạ Cổ Hoài Lang" và "Lô Tô" ra mắt cùng nhau. Người ta vui mừng khi cuối cùng Việt Nam cũng có những bộ phim tử tế, nhưng liệu có đúng thế hay không?
Từ đầu năm 2017 đến giờ, ngoài một bộ phim xem được là Bạn Gái Tôi Là Sếp, điện ảnh Việt vẫn cứ "trêu ngươi" khán giả bằng những bộ phim hài nhảm như 49 ngày 2, Linh Duyên hay Nàng Tiên Có 5 Nhà (Phần 1 là Nhà Có 5 Nàng Tiên đấy, nghe vần quá!).
Rồi đến tháng 3, khi thời tiết ẩm ướt Hà Nội khiến con người ta phát điên và nắng nóng Sài Gòn khiến tất cả lắc đầu ngao ngán thì điện ảnh Việt lại có một dấu hiệu đáng mừng, khi có đến hai bộ phim được cho là tử tế cùng nhau ra mắt. Tại sao gọi là những bộ phim tử tế, vì ê-kíp của hai phim này đã đi một hướng khác, chọn những câu chuyện có tính bi kịch và xã hội hơn.
Dạ Cổ Hoài Lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, dựa trên vở kịch nói nổi tiếng nói về những con người phải tha phương cầu thực. Bên cạnh đó, Lô Tô của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng khiến cho mọi người chú ý khi làm phim về những thân phận "bóng gió" trôi sông lạc chợ. Vậy hai bộ phim này có thực sự đáng cho chúng ta mong đợi hay không?
Dạ Cổ Hoài Lang và những hạn chế về mặt điện ảnh
Có thể nói, Dạ Cổ Hoài Lang là một dự án tham vọng của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Rất nhiều cảnh trong phim được quay tại nước ngoài để tạo ra cảm giác đất khách quê người. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đoàn phim gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết, điều này dẫn đến việc phần lớn thời lượng của phim chỉ xuất hiện trong một bối cảnh. Đó là căn nhà của nhân vật Tư Lành và con trai của mình.
Rất hiểm những bối cảnh ngoài trời trong "Dạ Cổ Hoài Lang"
Hạn chế về mặt bối cảnh đã đành, bối cảnh ngôi nhà của Dạ Cổ Hoài Lang thực sự không đẹp. Bên cạnh đó, cộng thêm với những góc máy lặp đi lặp lại, bộ phim bị nhiều khán giả nhận xét bị giống như kịch, nhưng khổ một nỗi, lại không hay bằng kịch. Tuy nhiên, khó chịu vì hình ảnh một thì người xem cảm thấy khó chịu mười với cô cháu nội của nhân vật Tư Lành trong phim. Nhân vật Tammy, được sinh ra và lớn lên ở đất Mỹ. Từ bé đã không bao giờ được gặp ông Tư Lành. Khi Tammy lớn thì ông Tư Lành mới bán hết nhà cửa sang Mỹ để đoàn tụ với con cháu. Do những hiểu lầm mà cô cháu gái có phần ghét bỏ ông nội của mình.
Nhưng thực sự, câu chuyện của nhân vật này hay lối diễn xuất của cô có phần quá phản cảm và vô lễ. Là cháu, nhưng chỉ luôn dọa gọi cảnh sát bắt ông nội của mình và có một thái độ luôn hằn học. Bộ phim làm về những đứt gãy của thế hệ và văn hóa, nhưng xem thì không thể cảm thông nổi, nếu được làm ông Tư Lành, chắc phải cho cô cháu gái mấy cái bạt tai rồi.
Nhân vật gây ức chế nhất phim
Dù cho còn có nhiều điểm hạn chế, nhưng bộ đôi Hoài Linh và Chí Tài thực sự là điểm sáng không thể chối cãi trong Dạ Cổ Hoài Lang. Là bạn diễn lâu năm với nhau trên sân khấu kịch, cũng như là những người bạn thân thiết. Hoài Linh và Chí Tài phối hợp vô cùng nhịp nhàng, vừa tạo ra cái hài lẫn bi thương trong tình bạn của hai ông già cô quạnh phải sống xa quê. Đặc biệt, Chí Tài thực sự xuất sắc trong vai diễn của mình vì ông đã diễn một cách vừa đủ để cho nhân vật của Hoài Linh được tỏa sáng.
Và qua đó, Dạ Cổ Hoài Lang làm cho người xem tin được sự khổ sở của những con người xa quê, ở dốc cuối cuộc đời mà vẫn không được gần gũi với gia đình.
Diễn xuất của Hoài Linh và Chí Tài thực sự xuất sắc
Tuy nhiên, dù cho là một bộ phim về thân phận con người, Dạ Cổ Hoài Lang cũng có một phân đoạn khiến khán giả phải bật cười ngoài ý muốn, giống với nhiều bộ phim Việt khác. Đó là khi ông Tư Lành đưa cho cô cháu gái Tammy quyển nhật ký của bố cô. Ông hy vọng cô đọc và sẽ cảm thông cho ông nội lẫn bố của mình. Nhưng có một điều chắc chắn là quyển nhật ký đó được viết bằng tiếng Việt. Mà Tammy thì chắc chắn không hiểu vì đến từ quê hương mà Tammy còn chả hiểu.
Lô Tô và sự thiếu chiều sâu trong câu chuyện
Rồi đến Lô Tô, tác phẩm này gây được sự chú ý từ khán giả đại chúng vì làm về đề tài là những gánh hát rày đây mai đó, phiêu bạt khắp nơi. Một phần nữa, là nó lấy cảm hứng từ bộ phim tài liệu xuất sắc Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng. Vậy thì phim ra sao?
Điểm mạnh đầu tiên của Lô Tô là có hình ảnh đẹp, cầu kì nhưng có phần màu mè làm dáng cho những cuộc đời bóng gió kia. Nhưng với những bộ phim như kiểu Lô Tô, cốt lõi của nó vẫn là một bộ phim về thân phận, về những con người trôi dạt bên lề xã hội, mà ở đây là Lệ Liễu, được nghệ sĩ Hữu Châu thể hiện.
Trong phim, Hữu Châu thực sự có nhiều khoảnh khắc để thể hiện ra nhân vật Lệ Liễu, lúc thì dịu dàng, lúc thì mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Hải Triều còn là một nhân tố thú vị khi thể hiện được nhân vật của mình một cách khá tinh tế và đáng yêu.
Tuy nhiên, điểm yếu của Lô Tô nằm ở mặt câu truyện. Đầu phim, người xem biết được tên thật từ bé của Lệ Liễu là Đực, Đực luôn có một ước mơ trở thành phụ nữ, lúc nào cũng len lén mặc đồ con gái, vụng trộm mà soi gương kẻ mắt. Nhưng vì ông bố hung hăng và bạo lực cùng người mẹ độc ác nên Đực luôn phải chịu đòn roi và sự sỉ nhục về tinh thần. Rồi sau đó, Đực bị bố ép ngủ với con gái nhà người ta để thành đàn ông, xong Đực bỏ của chạy lấy người ngay trong sáng hôm sau. Đây là một trong những phân đoạn tối quan trọng, để cho người xem hiểu được nhân sinh quan của nhân vật. Tuy nhiên, Lô Tô lại được làm một cách minh họa đơn điệu nhất có thể để tiếp tục câu chuyện.
Hãy nhìn vào tác phẩm Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng, người xem không biết chị Phụng lớn lên, trước khi thành đàn bà thì chị như thế nào, nhưng chỉ cần một phân đoạn, trong một đêm thanh vắng, chị ngồi uống rượu say, nước mắt ngắn nước mắt dài, nói trong cái giọng không rõ là nam hay nữ của mình về khao khát về việc có một đứa con, được có một gia đình. Thực sự, nó tuyệt vời và đau lòng kinh khủng.
Và trong Lô Tô thì chúng ta không thấy được điều này, chỉ thấy Lệ Liễu cả phim cứ chửi mắng bọn trong đoàn như một người đàn ông, xong lúc sau thì thỏ thẻ với người tình nuôi từ tấm bé như một người phụ nữ. Chúng ta không hiểu được đằng sau Lệ Liễu, cô còn có ước mơ gì hay không, hay chỉ đơn giản là làm một người phụ nữ là đủ rồi.
Không biết người khác thế nào, nhưng tôi, người viết mong được xem cảnh Hữu Châu cất lời hát một ca khúc trọn vẹn, để có những giây phút thăng hoa, rũ bỏ lại cái vỏ bọc hình hài tầm thường để mà chính mình. Nhưng phim cũng cũng không có luôn. Thực ra, Lô Tô có những chi tiết để đẩy bộ phim hay nhân vật lên một mức nữa nhưng nó không được sử dụng hợp lý. Chi tiết gánh hát nhặt được một đứa bé ven đường khá thú vị, những tưởng đứa bé này sẽ khiến cho những con người trong gánh hát thay đổi, nhưng thực ra đứa bé chỉ xuất hiện vậy thôi và không làm thêm gì cả.
Phim sa lầy vào mối tình tay ba không cần thiết
Tiếp sau đó, bộ phim không tập trung vào nhân vật của Lệ Liễu mà đi sa lầy vào mối tình của Liễu với Quân cùng đứa con mà Liễu đã bỏ lại năm xưa. Thực ra, đây là một tình tiết sẽ trở nên đắt giá nếu như được xử lý một cách tinh tế. Để qua đó, thấy được Lệ Liễu vừa có cái bản năng tình yêu của một người phụ nữ nhưng đâu đó trong ông vẫn còn cái nghĩa tình của một người cha. Nhưng những phân đoạn sắp xếp vụng về trong phim đã biến mối tình tay ba trở nên khiên cưỡng và giản đơn hết mức có thể.
Và đến đoạn cuối, việc nhân vật Lệ Liễu bận đồ trở lại làm đàn ông để dự đám cưới của con gái. Dù có thể nó đúng với cái logic của nhân vật Lệ Liễu, dù là ai thì vẫn là cha của đứa con mình. Nhưng cả phim, người xem thấy Lệ Liễu phải khổ sở, chịu bao đau đớn để được làm một người phụ nữ. Vậy bên trong nhân vật Lệ Liễu nghĩ gì, có đấu tranh hay không, tuyệt nhiên người xem không hiểu, chỉ kiểu xem thì biết thế. Cho nên, dù cho Lô Tô có một mở đầu tiềm năng, một câu chuyện có nhiều chất liệu nhưng cuối cùng vẫn dừng lại ở một bộ phim có tính minh họa là chính.
Tạm kết
Và thế là tháng 3 lại kết thúc, dù cho Dạ Cổ Hoài Lang và Lô Tô là những cố gắng đáng ghi nhận, nhưng thực sự cả hai tác phẩm vẫn còn quá nhiều thiếu sót đẻ trở thành những bộ phim điện ảnh thực thụ. Hy vọng, trong thời gian tới, điện ảnh Việt sẽ có thêm nhiều những tác phẩm chỉn chu và hay thực sự.
Theo Kẻ Hủy Diệt/Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất