Captain America: Civil War - Bom tấn đưa dòng phim siêu anh hùng lên một chuẩn mực mới

Kênh 14 - 28/04/2016, 17:28

Giai đoạn 3 của Marvel đã có màn khởi động không thể tốt hơn với siêu phẩm "Captain America: Civil War" của anh em nhà Russo.

Năm 2008, bộ phim Iron Man tưởng chừng như đã kết thúc với lời khẳng định kiêu hãnh của Tony Stark: "Tôi là Người Sắt". Nhưng đến hết đoạn credits thì Nick Fury xuất hiện và nhắc đến chương trình bí ẩn mang tên Avengers.

Dù chỉ là một câu nói nhỏ, thế nhưng đó là khoảnh khắc mà cuộc chơi đã thay đổi mãi mãi. Viên gạch đầu tiên đã được đặt xuống hoàn hảo, và cứ thế, tòa tháp hùng vĩ cứ mỗi năm lại càng cao hơn. Có lẽ cho đến giờ khi nhìn lại, hẳn Kevin Feige và các đồng sự cũng không tin nổi chặng đường mà họ đã trải qua.

Một thập kỷ của Vũ trụ Điện Ảnh Marvel

Tám năm với 12 phim cùng các TV series, mặc cho những lời dị nghị và đàm tiếu, Marvel đã dựng nên một Vũ trụ điện ảnh với số nhân vật vượt xa tất cả các thương hiệu khác. Những con số không biết nói dối và ngày hôm nay, chúng ta đang nhìn thấy một thương hiệu ăn khách nhất lịch sử điện ảnh với 9 tỷ USD, vượt qua cả những cái tên lừng lẫy như Star Wars, James Bond hay Harry Potter.

 - Ảnh 1.

 

Tận dụng Vũ trụ điện ảnh được xây dựng trong gần một thập kỷ, đến nay, Marvel có khả năng sử dụng những sự kiện trong quá khứ hay lời thoại "đinh" mỗi nhân vật mà hầu hết đã trở nên thân thuộc với khán giả. Đây cũng là một trong những nhân tố chính đem lại sự thành công của C aptain America: Civil War , một tác phẩm sẽ thách thức bất kì nhà làm phim nào với số nhân vật nhiều gấp đôi The Avengers. 

Không chỉ mang trên mình trọng trách làm bản lề cho giai đoạn 3 của vũ trụ điện ảnh Marvel, Civil War còn phải là điểm hội tụ của tất cả những mâu thuẫn và xung đột trước đó. Cái cách mà các anh hùng giải quyết chúng sẽ không chỉ khiến thế giới thay đổi mãi mãi, mà còn cả chính bản thân họ nữa.

Xung đột lý tưởng giữa những siêu anh hùng

Điều thú vị khi nhìn lại chiều dài của vũ trụ điện ảnh Marvel là sự thay đổi trong tính cách của những người hùng. Black Widow từng là một đặc vụ tự tin tuyệt đối vào năng lực của bản thân, giờ đã nhận ra mình quá nhỏ bé trong thế giới hùng mạnh này. Cũng tương tự là Hawkeye với lời tự mỉa mai trong Age of Ultron: "Thành phố đang bay, chúng ta đang đấu với một đội quân robot… còn tôi thì chỉ có cung và tên".

Song không có sự thay đổi nào gây bất ngờ như với Captain America và Iron Man. Những khán giả tinh ý hẳn cũng còn nhớ cách đây bốn năm, trong The Avengers, Steve Rogers mới là người luôn rao giảng sự cần thiết của việc phục tùng mệnh lệnh, còn tay "thiên tài, tỉ phú, dân chơi, nhà hảo tâm" kia luôn coi trời bằng vung, tự ý hành động. Vậy điều gì đã đẩy họ về thái cực trái ngược trong Civil War? Tại sao khi Hiệp định Sokovia được đề xuất để kiểm soát các siêu anh hùng, Tony Stark lại ủng hộ chính phủ còn Captain America trở thành một kẻ đứng ngoài?

 - Ảnh 2.

 

Câu trả lời nằm ở hai bộ phim Captain America: The Winter Soldier và Avengers: Age of Ultron. Trong tác phẩm đầu tiên, Cap bắt đầu như một "viên chức" mẫn cán và phục vụ cho S.H.I.E.L.D, nhưng rồi anh nhanh chóng nhận ra sự quan liêu và hủ bại của các cơ quan quyền lực. Ở đây chúng ta cần hiểu rõ, Steve Rogers là một đại diện của tinh thần Mỹ chứ không phải chính phủ Mỹ, và khi chính phủ Mỹ không còn đại diện cho lý tưởng mà Captain America tôn thờ, anh đã sinh lòng ngờ vực vào những kẻ dùng vũ lực nhân danh hòa bình hay kiểm soát.

Trong khi đó, điều ngược lại xảy ra cho Tony Stark trong Age of Ultron. Vốn là kẻ kiêu ngạo, Tony cho rằng mình có thể một tay bảo vệ cả thế giới, nhưng rồi chính anh đã gián tiếp gây ra thảm họa của Ultron. Iron Man tin rằng cách nhìn nhận của mình là ưu việt, xây dựng nên những thứ mà anh ta nghĩ sẽ giúp thế giới an toàn hơn. Thế nhưng mọi thứ đã đổ vỡ và từ trong đống gạch đá, Tony Stark nhận ra những khuyết điểm của anh và đội Avengers. Thế giới không thể hoàn toàn đặt trong tay họ mà không có sự kiểm soát nào.

Điều ngược đời là giờ đây, Iron Man và Captain America lại là hình ảnh phản chiếu những gì mà đối phương đã loại bỏ. Tony Stark là một viên chức chính phủ còn Steve Rogers mới là kẻ ngoài vòng kiểm soát. Sự va chạm giữa cả hai cá tính thể hiện rõ qua đoạn đối thoại "quyền được chọn", trong đó cao trào là khi Tony nói: "Tôi đã từ bỏ việc sản xuất vũ khí." và Steve đáp lời: "Nhưng anh làm điều ấy là do tự mình chọn lựa". Đối với Iron Man, mục đích biện minh cho phương tiện, nhưng với Cap, những điều cơ bản như quyền tự do, tự quyết mới là giá trị then chốt.

 - Ảnh 3.

Khoảng 1/3 đầu phim tập trung vào các ý tưởng chính trị. Các siêu anh hùng thật sự đã có công cứu cả thế giới, nhưng số thiệt hại mà họ gây ra không phải ít. Và trong con mắt những người phàm, họ phải chịu trách nhiệm cho những tổn thất này.

Sự leo thang xung đột giữa hai siêu anh hùng lại chủ yếu xoay quanh Bucky, người bạn thân của Cap. Là một nhân vật đầy tranh cãi, Winter Soldier chính là nguồn cơn cho sự chia rẽ nội bộ trong nhóm Avengers. 

Một cựu sát thủ HYDRA như Bucky chắc chắn sẽ không nhận được sự dung thứ nào từ chính phủ, và chỉ có Cap là tin tưởng và bảo vệ anh đến cùng. Bên ngoài mối quan hệ với Bucky, Captain America còn bị thúc đẩy bởi một niềm tin khác rằng anh có thể cứu rỗi và hồi phục cho bạn mình. Trong khi đó với Iron Man, dù Bucky có ý định phạm tội hay không thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm và bị đem ra trước ánh sáng.

Sự chia rẽ nội bộ trong The Avengers

Tất nhiên, các anh hùng khác trong nhóm Avengers bị cuốn vào cuộc chiến này và mỗi cá nhân họ đều có những động cơ thích hợp trong việc chọn chỗ đứng cho mình. Về phe Iron Man có War Machine và Black Widow - hai viên chức của chính phủ, Vision - người dùng thuật toán để chứng minh rằng sự giám sát là một ý tưởng không tồi, Black Panther - người có mối thù với Bucky, cùng Spider-Man, một "người ngoài" bị Tony Stark lôi vào cuộc. 

 - Ảnh 4.

 Team Iron Man

Về phe Cap có Falcon - người cũng chán ghét chính phủ như Steve, Scarlet Witch - người bị nhà chức trách liệt vào dạng nguy hiểm và cần bị quản thúc còn Ant-Man là một gã siêu trộm có ác cảm với Stark. Một cái tên xuất hiện khá bất ngờ bên phía Cap là Hawkeye (vì anh vốn là người của S.H.I.E.L.D), song ở đoạn cuối phim, các biên kịch đã khéo léo lồng vào một đoạn đối thoại để thể hiện sự khinh ghét của nhân vật này dành cho Iron Man, qua đó giải thích được lý do của anh.

 - Ảnh 5.

 Team Captain America

Sự tương tác giữa các nhân vật trong Civil War được thể hiện mượt mà qua ngòi bút của Christopher Markus và Stephen McFeely. Một trong những cảnh quay xuất sắc là khi Black Widow tìm đến Captain America khi anh đang ngập trong nỗi buồn vô hạn. Chẳng có giọt nước mắt hay thứ ngôn ngữ khoa trương nào, Natasha chỉ đơn giản là trao cho Steve một cái ôm của tình bạn, sự cảm thông giữa hai chiến hữu đã sát cánh cùng nhau trong bao năm qua.

Phần còn lại của Civil War cũng ngập tràn những khoảnh khắc nho nhỏ nhưng tinh tế như vậy. Chúng ta có thể thấy sự gượng gạo của Vision khi cố học cách làm người, nỗi sợ hãi của Scarlet Witch đối với sức mạnh quá lớn của mình, cá tính hài hước của Ant-Man hay sự hoang mang của Bucky. 

Khán giả sẽ thật sự cảm nhận được phần "người" của các nhân vật, kết nối được với mạch cảm xúc mà họ mang lại từ các phim trước đó. Như đã nói ở trên, Marvel đã bỏ công sức trong suốt 8 năm để xây dựng thế giới của mình, do đó họ có đủ chất liệu để thực hiện một bộ phim với nhiều tuyến truyện như Civil War.

Màn xuất hiện ấn tượng của Black Panther và Spider-Man

Sự xuất hiện của Black Panther làm gia tăng sức nặng của câu chuyện. Sau khi mất cha, nhà vua của Wakanda đã lao vào cuộc báo thù với sự mãnh liệt như loài báo đen. Bỏ lại sau lưng vai diễn thần Thoth "phê cần" trong Gods of Egypt, Chadwick Boseman đã mang đến một màn trình diễn xuất sắc, thể hiện được sự lạnh lùng kiêm chút kiêu ngạo của một đấng quân vương. Và các biên kịch của Civil War lại một lần nữa chứng tỏ tài năng khi để Black Panther đi trọn quá trình tâm lý của mình.

 - Ảnh 6.

Với màn thể hiện của Black Panther, Marvel có thể thở phào với bộ phim sắp tới về anh. Đó cũng sẽ là lần đầu tiên một người hùng da màu trở thành nhân vật chính trong vũ trụ điện ảnh Marvel

Trong cảnh cuối, T’Challa đã đối diện được với kẻ giết cha, nhưng rồi anh nhận ra nếu xuống tay, mình cũng chẳng khác gì hắn. Vào giây phút cuối cùng kia, Black Panther đã kịp trấn tĩnh lại và không để "lửa hận" nuốt chửng mình. Đó là sự lựa chọn có ý nghĩa quyết định, một khoảnh khắc tối quan trọng để người xem nhận ra Black Panther đã đặt mình vào địa giới của các anh hùng, và từ giờ, anh hoàn toàn có đủ phẩm chất để sánh bước cùng với những Captain America, Thor hay Iron Man.

Và rồi chúng ta đến với Spider-Man, con át chủ bài của Civil War. Sau hơn 13 năm lưu lạc ở Sony, cuối cùng siêu anh hùng được yêu thích nhất Marvel đã quay về nhà. Trên thực tế, Người Nhện là nhân vật có thể cho thêm vào hoặc rút ra cũng không thay đổi câu chuyện trong phim. Thế nhưng sự xuất hiện quá hoành tráng của anh chàng đã khiến dân tình chao đảo. 

Thật vậy, chỉ hai mươi giây sau khi Iron Man hô: "Underoos", fan Marvel có thể nắm tay nhau mà hoan hỉ: "Người Nhện của chúng ta đây rồi!" Và những gì diễn ra sau đó còn tuyệt vời hơn thế, nhưng để tránh tiết lộ nội dung phim, người viết sẽ không mô tả tại đây.

 - Ảnh 7.

Không phải ngẫu nhiên mà hashtag #teamspiderman đã rộ lên sau các buổi chiếu thử Civil War

Nói cho công bằng, Tobey Maguire hay Andrew Garfield đã từng thể hiện thành công vai diễn Spider-Man, nhưng cả hai đều khá lớn tuổi khi bước lên màn ảnh trong bộ đồ bó. Marvel đã không đi theo con đường đó và chiêu mộ Tom Holland, một diễn viên tuổi teen đúng nghĩa. Kết quả là một Spider-Man đúng chất "trẻ trâu", lắm mồm và hài hước, thể hiện đúng tinh thần của nhân vật trong truyện tranh. 

Chỉ cần vài phân cảnh thì "Bé Nhện" của Marvel Studios đã chiếm trọn trái tim của khán giả, và sẽ chẳng ngạc nhiên gì nếu một năm sau, người ta lại xếp hàng dài trước rạp để đón chờ Spider-Man: Homecoming.

Trong một bộ phim tập trung nhiều vào các siêu anh hùng, có thể nói sự hiện diện của Baron Zemo khá mờ nhạt. Trên thực tế, nhân vật này giữ vai trò lớn trong câu chuyện, song kế hoạch của hắn còn phụ thuộc vào quá nhiều sự ngẫu nhiên để thành công. Ở nhiều chỗ, những người hùng của chúng ta đã có thể giải quyết tình huống tốt hơn, nhưng họ lại chọn con đường khó khăn để rơi vào bẫy của Zemo. 

 - Ảnh 8.

 

Điểm sáng là diễn xuất ổn định của tài tử người Đức Daniel Brühl, một trong những người có lối diễn khắc khổ mà không cần phải gồng mình (thể hiện rõ nét nhất qua bộ phim Rush cách đây hai năm). Với kết cục của Civil War, hẳn các fan Marvel đã nghĩ tới sự quay lại của Zemo trong… Thunderbolts, một nhóm siêu anh hùng chủ yếu gồm các tội phạm hoàn lương.

Hành động mãn nhãn

Các phim Marvel luôn ngập tràn những trận giao đấu hoành tráng, nhưng với Captain America: Civil War, điều này đã được nâng lên một tầm cao mới. Cũng như trong The Winter Soldier, anh em nhà Russo tiếp tục đem đến những màn cận chiến và truy đuổi xuất sắc có thể làm kha khá bộ phim hành động phải hổ thẹn. Và khi mọi thứ được nâng lên mức bom tấn trong trận chiến sân bay, chúng ta được chứng kiến một trong những trường đoạn mãn nhãn nhất của dòng phim siêu anh hùng.

 - Ảnh 9.

Cuộc đụng độ ở sân bay

12 nhân vật cùng nhau chiến đấu với đủ các thế đánh, đủ mọi vũ khí và năng lực. Ở một góc, Spider-Man (cùng cái miệng tía lia của mình) đọ sức với Falcon và Winter Soldier. Phía bên ngoài, Captain America chạm trán với địch thủ cân sức là Black Panther. Hawkeye bắn tên để Ant-Man tấn công Iron Man, và rồi đến lượt Black Widow tấn công Hawkeye. Cứ thế, cứ thế, các biên đạo hành động liên tục làm người xem phải choáng ngợp với những mảng miếng phối hợp đầy sáng tạo. Và rồi một tình tiết đầy bất ngờ được để dành đến gần đoạn cuối có thể khiến các fan Marvel vỡ òa trong sung sướng.

Thế nhưng trận chiến ở sân bay vẫn chưa phải là kết thúc. Sau đó, chúng ta còn được chứng kiến một cảnh chiến đấu nữa, quy mô nhỏ hơn nhưng giàu cảm xúc hơn. Đó có thể xem là cực điểm của tất cả những gì phim đã xây đắp từ đầu, là đích đến của những người anh hùng cũng như tên ác nhân. Trường đoạn này sẽ còn được nhớ đến rất, rất lâu nữa và nhắc người ta rằng, sau tất cả, đây vẫn là bộ phim của Steve Rogers, cậu bé nghèo ở Brooklyn không bao giờ từ bỏ những gì mình cho là đúng đắn.

 - Ảnh 10.

Một khung hình của phim được truyền cảm hứng từ truyện tranh gốc

Thành công mới của Marvel

Làm sao Civil War có thể vừa duy trì tính giải trí, vừa thể hiện được ý tưởng của bộ truyện gốc, lại vừa phải cân đong đo đếm đất diễn cho từng nhân vật để không ai bị lu mờ? Thật may mắn, anh em đạo diễn Russo đã đưa ra được đáp án cho tất cả những câu hỏi này. Ở đôi chỗ, bộ phim tạo cảm giác nhồi nhét nhưng lại nhanh chóng được giải quyết một cách hợp lý bằng những câu thoại thông minh. 

Nếu như The Winter Soldier đánh dấu bước chuyển mình của Marvel với chất liệu tăm tối hơn, thì đến Civil War, họ có thể hài lòng với sự tiến bộ của mình. Với nội dung đủ dày, sự cân bằng giữa các tuyến nhân vật và những màn chiến đấu đỉnh cao, tác phẩm mới này lại đánh dấu một chiến thắng nữa của Marvel, và tiếng chuông thắng lợi sẽ còn vang xa trên các phòng vé suốt nhiều tuần tới.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất