3 lý do khiến khán giả dần quay lưng với phim Trung Quốc

2 sao - 26/10/2016, 08:47

Đây là những lý do khiến phim truyền hình Trung Quốc ngày càng “mất điểm” với khán giả.

Sự xâm chiếm của phim chuyển thể ngôn tình, đam mỹ

Phim ngôn tình ngày càng nhiều trên màn ảnh Hoa Ngữ

Có lẽ chưa bao giờ mà các phim truyền hình chuyển thể từ ngôn tình lại “nở rộ” trên màn ảnh Hoa Ngữ như vậy. Trong 3-4 năm trở lại đây, thể loại phim ngôn tình đã đóng vai trò là những phim “chủ chốt” của các đài truyền hình Hoa Ngữ. Với sự phát triển của các tiểu thuyết mạng tại đất nước này, việc các tiểu thuyết ngôn tình với số lượng “hằng hà sa số” đã trở thành nguồn khai thác vô tận cho các nhà làm phim. Chi phí bản quyền không cao, nội dung dễ coi dễ hiểu cũng như có được lượng fan sẵn đảm bảo rating đã khiến cho các phim thể loại này ngập tràn màn ảnh.

Với đủ thể loại từ xưa đến nay, đây là nguồn kịch bản dồi dào cho các nhà làm phim

Ví dụ như năm 2016 này có thể kể đến các phim ngôn tình “đình đám” như “Yêu em từ cái nhìn đầu tiên”, “Người phiên dịch”, “Nữ y minh phi truyện”… Ưu điểm của tiểu thuyết ngôn tình chính là thể loại đa dạng, từ cổ trang, dân quốc cho đến hiện đại, cộng thêm những tình tiết lãng mạn với các nhân vật đậm chất “soái ca kiều nữ” đã thu hút giới trẻ say mê như “điếu đổ”.

Tuy vậy, phần nội dung của các tiểu thuyết ngôn tình lại không được đánh giá cao, bởi sự hời hợt về bối cảnh cũng như tình tiết xa rời thực tế. Vì thế không phải ai cũng “mặn mà” với phim ngôn tình, nhất là lứa tuổi trung niên đã có gia đình và đi làm. Nhiều ý kiến cho rằng việc phim ngôn tình tràn lan như hiện nay đã tạo nên “ảo tưởng” cho các khán giả trẻ vì mãi mơ mộng về các hình tượng nhân vật không có thật. Nếu năm xưa phim Quỳnh Dao bị đánh giá là “quá bi lụy, phi thực tế” thì ngôn tình ngày nay còn có “đẳng cấp” cao hơn nhiều.
 

Trào lưu chuyển thể phim đam mỹ bắt đầu nở rộ từ hiện tượng “Thượng Ẩn”

Không rầm rộ như ngôn tình, các phim chuyển thể từ tiểu thuyết đam mỹ cũng dần “công phá” trong 2 năm gần đây. Là nguồn khai thác dồi dào đầy tiềm năng, cùng các fan đông đảo, chả trách khi “Thượng Ẩn” đã tạo cơn sốt phim đam mỹ và mở màn cho trào lưu chuyển thể sau đó. Một số ý kiến cho rằng dẫu Trung Quốc là cái nôi của tiểu thuyết đam mỹ đi nữa thì việc chuyển thể những phim này lên màn ảnh hoàn toàn không phù hợp. Nếu ngôn tình có những tình tiết xa rời thực tế thì đam mỹ cũng giống như vậy.
 

Vì sự lạm dụng quá ào ạt nên phim chuyển thể từ tiểu thuyết đam mỹ đã bị Cục điện ảnh Trung Quốc “thổi còi”


Khán giả yêu phim Hoa Ngữ cho rằng phim Trung Quốc nên tập trung vào các thế mạnh của mình ngày xưa, như cổ trang và phim xã hội hiện đại. Thay vì chạy theo xu hướng lợi nhuận và hời hợt. Có lẽ vì vậy mà Cục điện ảnh Trung Quốc mới ngày càng “mạnh tay” với phim ngôn tình và đam mỹ trong những tháng vừa qua.

Dàn diễn viên trẻ chỉ được ngoại hình

Trịnh Sảng bị phàn nàn vì diễn kém, mặt đơ mà liên tục phủ sóng

Sự xuất hiện dày đặc của phim ngôn tình đã dẫn đến việc có những diễn viên trẻ “một bước thành sao” dù diễn xuất chỉ thường thường bậc trung. Điểm qua các “Tiểu Hoa Đán” của màn ảnh Hoa Ngữ hiện tại, nhiều khán giả thắc mắc vì sao diễn xuất cứng đơ của Trịnh Sảng vẫn được ưu ái cho tham gia liên tiếp nhiều phim ngôn tình. Hay Triệu Lệ Dĩnh chỉ có biểu cảm là ngây thơ và nhăn mặt lại được ưu ái nhiều phim đình đám. Có lẽ câu trả lời nằm ở chỗ họ đều nhờ phim ngôn tình mà bật lên.

Triệu Lệ Dĩnh cũng không khá khẩm hơn, khi diễn xuất tỷ lệ nghịch với lượng phim
 dày đặc của cô

Nếu ngày xưa, lứa của Triệu Vy, Châu Tấn, Lâm Tâm Như… phải trải qua nhiều phim để “bứt phá”, khẳng định diễn xuất thì ngày nay không cần phải mất nhiều thời gian như vậy. Chỉ cần đẹp, biết diễn xuất một ít và chọn phim ngôn tình “hay hay” mà đóng, thế là nắm chắc phần danh tiếng trong tay.

Ở phía nam diễn viên cũng tương tự, khi những cái tên như Trương Hàn, Dương Dương, Lý Dịch Phong… đều không được đánh giá cao về diễn xuất. Dẫu vậy thì với khán giả trẻ hiện tại, họ thích “ngắm, nhìn” hơn là “diễn xuất”. Vì thế cũng không lạ khi những phim truyền hình quy tụ dàn diễn viên thực lực lại khá kén người xem, dù nội dung hấp dẫn.

Cách thể hiện dài dòng với hàng chục tập

“Võ Mỵ Nương truyền kỳ” quá dài dòng với nội dung nhạt nhẽo


Một điểm trừ khác của phim Trung Quốc chính là sự kéo dài nội dung một cách không cần thiết, khiến bộ phim lên đến hàng chục tập. Đơn cử như “Võ Mỵ Nương truyền kỳ”, nội dung dông dài lan man, lại kéo đến 96 tập, trong khi thực chất phim có thể ít hơn. Hay “Tru Tiên: Thanh Vân Chí” có thể ngắn gọn, súc tích hơn, thay vì câu kéo những cảnh tình cảm dài dòng.

“Tân Anh hùng xạ điêu 2016” gây choáng với hơn 60 tập

Lý giải nguyên nhân của việc dài dòng này thì có lẽ đến từ việc hút tài trợ qua quảng cáo. Phim càng dài tập, nhà đài càng có lợi nhuận qua quảng cáo. Cho nên thay vì đầu tư kỹ xảo hay ngoại cảnh hoành tráng, nhà đài lại thêm những phân đoạn “buồn ngủ” vào nhằm giúp phim dài hơn. Có vẻ như xu hướng này sẽ còn tiếp tục, khi “Tân Anh hùng xạ điêu 2016” sắp chiếu vào cuối năm lên đến hơn… 60 tập, dù bản 1994 hay 2003 vốn tôn trọng nguyên tác cũng chẳng dài như thế.

Kết

Do đó, không lạ khi lượng khán giả thích phim Mỹ, Hàn ngày càng gia tăng, bởi sự ngắn gọn súc tích cùng nội dung luôn mới mẻ, hấp dẫn. Phim Trung Quốc từng có vị thế vững chắc nay đã sa đà vào những nguyên nhân trên, khiến các fan lâu năm tiếc nuối và không có hứng thú xem nữa.
 
Nhân Sư
Theo Vietnamnet

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất