Yêu Miêu Truyện, tình sử Dương Quý Phi hay cách người Nhật lật mặt người Trung Quốc trong một ca xử lý khủng hoảng truyền thông!?

Kênh 14 - 08/01/2018, 18:49

Mượn tình sử Dương Quý Phi, mượn những biến cố từ giai thoại yêu miêu, Yêu Miêu Truyện của Trần Khải Ca lật lại một bí mật kinh khủng đời nhà Đường.

Yêu Miêu Truyện , siêu phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn tài ba Trần Khải Ca (người đã làm nên những Bá Vương Biệt Cơ, Vô Cực lừng lẫy một thời), đang được khán giả Đại Lục và nhiều nước trên thế giới đón nhận nồng nhiệt. Bộ phim có kinh phí đầu tư lên đến gần 15 tỷ yên Nhật (khoảng 133 đô la Mỹ) và đó là chưa tính chi phí phục dựng quang cảnh thành Trường An đời Đường trong thời gian 5 năm ròng rã.

Nếu đánh giá khách quan nhất, Yêu Miêu Truyện thực sự đã là một tác phẩm quá đáng thưởng thức bởi kĩ xảo, đại cảnh hoành tráng cùng một câu chuyện huyền thoại pha với chất liệu lịch sử được đặt dưới ngòi bút tài ba của nhà văn Baku Yumemakura (qua tiểu thuyết gốc Samana Kuhai) và thủ pháp kể chuyện tài tình của đạo diễn Trần Khải Ca. Nó khiến cho bộ phim trở thành một bữa đại tiệc với rất nhiều món ngon từ lịch sử, văn hóa, giả tưởng đến cả trinh thám, kinh dị.

Tuy nhiên, ngoài tầm vóc đồ sộ và một trang huyền sử được tái hiện cực kì bất ngờ, Yêu Miêu Truyện còn mang nhiều thông điệp ngầm rất hay ho về Phật giáo, chiêm nghiệm sinh tử cũng như góc nhìn văn hóa của người Nhật đối với một giai đoạn lịch sử nổi bật của Trung Quốc. Hay nói một cách đơn giản hơn, hiện đại hơn, tếu táo hơn thì Yêu Miêu Truyện chính là cách mà người Nhật đã "vạch trần" một ca xử lý khủng hoảng truyền thông của người Trung Quốc từ hàng nghìn năm trước.

 - Ảnh 2.

 

 - Ảnh 3.

 

Theo chân nhà sư Kuhai (Không Hải - Sometani Shota đóng) đến từ Oa Quốc (cách gọi nước Nhật thời bấy giờ) và nhà thơ Bạch Lạc Thiên (Huỳnh Hiên đóng), khán giả sẽ từng bước lật giở một sự thật bị chôn vùi của "Đại Đường mỹ nữ" Dương Quý Phi (Trương Dung Dung đóng), bắt đầu từ cái chết bí ẩn của nhà vua Đường Huyền Tông và sự loạn lạc của thành Trường An vì một con yêu miêu.

Ngay từ đầu phim, những khung cảnh hoành tráng, hưng thịnh của Đại Đường năm 805 được phục dựng tài tình từ trong đến ngoài cung, những tửu điếm và những phong tục về văn hóa thời bấy giờ như ca múa hay biểu diễn ảo thuật (thực chất là huyễn thuật) chắc chắn sẽ khiến khán giả choáng ngợp. Ngay sau đó là không khí bí ẩn, ma mị từ cái chết kì lạ của Đường Huyền Tông khiến bộ phim giống như được khoác thêm lớp áo cuốn hút của phim trinh thám, điều tra. Vụ thảm sát ở tửu điếm hay những hình ảnh ghê rợn trong gia trang của Trần Vân Tiều sẽ góp phần khiến cuộc điều tra của bộ đôi Không Hải - Lạc Thiên thêm phần kịch tính.

 - Ảnh 4.

 

 - Ảnh 5.

 

Đến gần giữa phim, khi âm mưu thật sự của yêu miêu được tiết lộ, khán giả sẽ tiếp tục bước vào một không gian mới đầy mê hoặc từ tình sử Dương Quý Phi cùng trường đoạn Cực Lạc Yến được đầu tư công phu và tâm huyết nhất phim. Đạo diễn Trần Khải Ca tiết lộ phân đoạn quan trọng này được quay trong suốt 23 ngày với hơn 1000 ngọn đèn được sử dụng để tạo nên những hiệu ứng ánh sáng hiệu quả nhất. Thật sự, với đoạn phim này, khán giả chắc chắn sẽ trầm trồ khi một loạt dụng ý nghệ thuật, kĩ xảo, tạp kĩ phối hợp với màu sắc, ánh sáng để mô tả sự thịnh vượng của thời Đường tại địa danh Hoa Ngạc Tương Huy lầu nổi tiếng. 

Trong bối cảnh đó, Dương Quý Phi xuất hiện kiêu sa, trở thành tâm điểm của buổi dạ yến và của cả bộ phim. Dù nhan sắc lai Pháp của Trương Dung Dung từng gây tranh cãi khi được công bố sẽ vào vai "mỹ nữ đời Đường" nhưng so với những gì về Dương Quý Phi được kể trên phim, cô lại khá phù hợp. Đó là một kẻ khiến nam nhân phải say đắm và phủ phục, từ hoàng đế Đường Huyền Tông đến Binh mã sứ An Lộc Sơn, đặc biệt là sứ giả Abe Nakamaro (Hiroshi Abe đóng) đến từ Oa Quốc.

 - Ảnh 6.

Trương Dung Dung trong vai Dương Quý Phi

 - Ảnh 7.

Huỳnh Hiên trong vai nhà thơ Bạch Lạc Thiên/Bạch Cư Dị

Thế nhưng, cái hay ho của giai thoại Dương Quý Phi trong Yêu Miêu Truyện được thể hiện khá thú vị qua góc nhìn của nhà văn Baku Yumemakura. Câu thơ nổi tiếng của Lí Bạch "Xiêm áo tựa mây, mặt tựa hoa" vốn được lưu truyền như một miêu tả xuất sắc về vẻ đẹp của Dương Ngọc Hoàn được lí giải như một thủ pháp "PR" quá đà của Lí Bạch - thi tiên nổi tiếng đời nhà Đường nhưng lại giống một "copy writer" đại tài chưa cần nhìn mặt đã có thể "tâng" mọi thứ lên đến mức độ mà khi nhìn người thật, chính ông cũng cảm thấy mình hơi quá lố.

 - Ảnh 8.

Vai diễn thi tiên Lí Bạch (Tân Bá Thanh đóng)

 - Ảnh 9.

Nam chính Sometani Shota trong vai nhà sư Không Hải

 - Ảnh 10.

Hiroshi Abe trong vai sứ giả Abe Nakamaro

Dương Quý Phi trong Yêu Miêu Truyện không đẹp đến độ hoa nhường nguyệt thẹn, nhưng lại thực sự là một nhan sắc khuynh thành bởi bản tính... tham lam tình yêu của người khác. Cô được triều đình đời Đường sử dụng như một chiêu bài quảng bá cho sự hưng thịnh, phồn vinh, niềm vinh hạnh của đất nước. Thế nên khi mọi thứ trở nên quá đà và có nguy sơ sụp đổ (do sự biến Mã Ngôi mà Trần Huyền Lễ khởi lên cùng Loạn An sử của An Lộc Sơn), một "bộ sậu" (hay ekip hùng hậu) từ hoàng đế, đến tham mưu Cao Lực Sĩ và cả "phù thủy truyền thông"/phù thủy huyễn thuật Hoàng Hạc đã phải nghĩ ra một kế sách để cứu nguy đất nước, cứu vãn ngôi vương bằng nước mắt (hay cả đôi mắt) của thiên tử, bằng máu của Dương Quý Phi và bằng sự phẫn uất của chú ngự miêu suốt 30 năm ròng.

Tình sử Dương Quý Phi được lưu danh sử sách như những trang viết diễm lệ và cao đẹp của đời nhà Đường, như bài thơ đẹp đến nao lòng "Trường Hận Ca" của Bạch Cư Dị nhưng trong phim được lật lại hoàn toàn, khiến khán giả vừa choáng mà cũng vừa cảm thương cho một kiếp người phải trả giá vì nhan sắc. Dương Ngọc Hoàn của Yêu Miêu Truyện khiến khán giả vừa cảm thấy đáng đời mà cũng thật đáng thương. Đặc biệt là ở tình huống khi cô chấp nhận uống chén rượu của hoàng đế ban cho trước khi chết, trao lại cho ngài chiếc túi chứa lọn tóc của mình rồi quay đi trong nước mắt.

 - Ảnh 11.

Âu Hào trong vai Đan Long

 - Ảnh 12.

Lưu Hạo Nhiên trong vai Bạch Long

Như lời của Không Hải đã nói trong phim, đến cuối cùng chẳng ai biết Dương Ngọc Hoàn yêu ai, nhưng cô chọn cái chết để bảo vệ Đường Huyền Tông vì cô nghĩ ông ấy xứng đáng nhất. Thế nhưng, đau đớn thay, cô lại chẳng biết bi kịch thực sự của mình lại xảy đến sau đó, như một đoạn tình đau thương nhất, bi kịch nhất của một giai nhân trong cuộc biến loạn, những điều bí mật chỉ được hé lộ trong Sa môn không hải: Đại Đường quỷ yến và Yêu miêu truyện.

Có thể nói dù giống một cuộn phim đồ sộ mang tầm vóc lịch sử và giả sử với màu sắc trinh thám cuốn hút, nhưng Yêu Miêu Truyện thực chất chỉ là hóa thân của những cảm giác về tình yêu và sự hy sinh của nam nữ khi càng về đến cuối. Hóa ra bao nhiêu thứ vĩ mô được ghi chép trong sử sách, bao nhiêu ý tứ cao đẹp được họa lại trong thơ, bao nhiêu thiên cơ mà Không Hải muốn ngộ ra từ "Vô Thượng Mật Pháp" lại nằm trong một chữ tình.

 - Ảnh 13.

Chú mèo Luna trong vai yêu miêu, "nhân vật" quan trọng bậc nhất trong phim

 - Ảnh 14.

Luna và Trương Vũ Kỳ (vai Xuân Cầm)

Bên cạnh đó, những quan niệm và góc nhìn văn hóa của người Nhật cũng được thể hiện khá rõ nét trong phim. Đó là sự quyết liệt nhưng cũng cam chịu vì "người con gái ta thương" của Abe khi quyết định ở lại Trường An, là sự bình tĩnh của người mẹ ru con ngủ giữa con cuồng nộ từ đại dương, là sự tinh tế cũng như quyết tâm của nhà sư Không Hải trong công cuộc tìm hiểu và chiêm nghiệm Phật pháp. 

Nhưng trên tất cả, chính là tình yêu của người Nhật dành cho... loài mèo. Thật sự là như vậy, vốn là một đất nước có tình yêu đặc biệt dành cho mèo, nhà văn Baku Yumemakura đã chọn yêu miêu để làm nơi khởi sự cho tất cả, để thể hiện sự hung ác trong sứ mệnh báo thù, để làm minh chứng cho sự cố chấp của tình yêu và cuối cùng là nỗi đau đẹp đến đau lòng của một kẻ si tình chẳng được đoái hoài.

 - Ảnh 15.

 

 - Ảnh 16.

 

 - Ảnh 17.

 

Thế nên, dù có hơi "châm biếm" khi nói Yêu Miêu Truyện như một hành trình vạch trần ca xử lý khủng hoảng truyền thông từ đời nhà Đường nhưng bên trong những lớp vỏ lịch sử, giai thoại cực kì đồ sộ, diễm lệ và cuốn hút lại chính là những chiêm nghiệm về tình yêu hết sức duy ý chí của người Nhật Bản. Mượn tình sử Dương Quý Phi, mượn những biến cố từ giai thoại yêu miêu, bộ phim kể lại những mối tình đơn phương cực kì đơn giản của rất nhiều con người.

Theo Phúc Du/Trí thức trẻ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất