Wonder Woman - Có phải phim đã bị đề cao quá mức?

Kênh 14 - 15/06/2017, 06:00

Gal Gadot đẹp mê hồn thì không ai bàn cãi rồi, nhưng rõ ràng là kịch bản của "Wonder Woman" có quá nhiều vấn đề.

Sau hơn 1 tuần công chiếu, Wonder Woman - bộ phim riêng về siêu nữ anh hùng cùng tên của nhà DC - đã nhận được nhiều lời khen “ngút trời” từ phía cộng đồng fan cũng như khán giả phổ thông.

 - Ảnh 1.

Wonder Woman thành quán quân phòng vé trong hai tuần liền

Đành rằng phim sở hữu nhiều điểm nhấn như cốt truyện thu hút, đồng thời nữ diễn viên chính Gal Gadot thực sự “đẹp như một nữ thần”, nhưng Wonder Woman vẫn sở hữu nhiều hạt sạn không dễ chịu tí nào. Thực tế, theo cá nhân người viết, phim đã được đề cao quá mức so với giá trị giải trí thuần túy của mình.

Một kịch bản rập khuôn và có nhiều “xào nấu” từ phim khác

Trước hết, câu chuyện về một siêu anh hùng cầm khiên có tạo cho bạn cảm giác quen thuộc? Chưa hết, người hùng ấy còn sở hữu thể trạng cường tráng, chiến đấu chống lại quân đội Đức. Và vì lý do nào đó mà người ấy sống từ tận Thế chiến đến thời hiện đại, vừa kịp gia nhập một “Biệt đội” toàn những siêu anh hùng giống mình.

 - Ảnh 2.

Có điều ngực Capt to hơn...

Nhận ra rồi phải không? Wonder Woman sử dụng một kịch bản trùng khớp đến 90% với Captain America: The First Avenger. Công bằng mà nói, bản thân plot của Captain America cũng trung thành theo công thức phim siêu anh hùng chuẩn. Nên nếu Wonder Woman cũng đi theo công thức này và thành công, thì đó là điều tất yếu chứ không hề đáng khen. Là một bộ phim được xây dựng nhằm thay đổi định kiến của khán giả về các nữ siêu anh hùng, Wonder Woman lẽ ra nên được chăm chút một cốt truyện độc đáo và nguyên mẫu hơn.

Chưa dừng lại ở đó, mỗi bộ phim đều chọn cho nhân vật chính một lý tưởng để tin, thì đối với Diana, lý tưởng của cô lại là… tình yêu. Phải mà nàng còn có màn biến hình trước khi đánh trận nữa, thì đổi tựa phim thành Thủy thủ Mặt trăng: Sự khởi đầu chắc ai cũng tin. Chiến đấu vì tình yêu quả thực không sai, nó chỉ là đã quá… cũ kỹ và sáo rỗng, và hoàn toàn không hợp với tính cách mạnh mẽ của một nữ chiến binh Amazon.

 - Ảnh 3.

Có fanart hẳn hoi

Nhân vật chính quá… ngây thơ

Như hầu hết các siêu anh hùng khác, Diana tin rằng tồn tại một kẻ đại ác, một “Đại ma vương”, mà chỉ cần đánh bại được hắn thì thiên hạ sẽ thái bình. Đó là điều mà khi còn thơ bé nàng đã được mẹ kể, rằng tất cả mọi chiến tranh và tai ương đều do Ares gây ra. Hay nói cách khác, mỗi khi thế giới giao tranh, có thể tìm Ares và bắt hắn “đổ vỏ” (chả thế mà ông ấy nổi điên đòi lật đổ!).

 - Ảnh 4.

Đổi tên Ares thành “Thần đổ vỏ” chắc hợp lý hơn

Song, những câu chuyện thần thoại không thể phản ánh hoàn toàn sự thật, và hơn ai hết một người xuất thân từ một bộ tộc lấy chiến đấu làm lẽ sinh tồn lại càng phải hiểu rõ điều này. Diana được rèn luyện khắc nghiệt gấp 5, gấp 10 lần những chiến binh Amazon khác, nhưng có vẻ như thứ mà nàng được trui rèn chỉ là… cơ bắp? Nàng tự hào rằng mình thông thạo mọi ngôn ngữ và kiến thức của loài người, nhưng lại tỏ ra rất ngây thơ với thuật chiến tranh!?

Nàng tin rằng Ares luôn đứng giữa trung tâm cuộc chiến như một đại boss trong các game nhập vai, nàng tin rằng kế sách chiến đấu thông minh nhất là cứ thân trần lao thẳng và lằn tên lửa đạn của kẻ thù,...

 - Ảnh 5.

Ai dạy lớp chiến thuật cho Diana chắc thất vọng lắm

Và nàng còn tin vào nhiều thứ ngây thơ khác nữa, để đến khi mọi thứ không đẹp như giấc mơ của mình, nàng trở nên tuyệt vọng. Nàng không chấp nhận được sự thật rằng có hay không có Ares, con người vẫn sẽ giết chóc lẫn nhau.

Nàng dễ đánh mất lòng tin và dễ từ bỏ, chỉ đến khi chàng trai loài người Steve Trevor khuyên rằng nàng nên “tin tưởng” - một điều mà lẽ ra nàng phải mang theo từ đầu chuyến hành trình. Các bạn đã thấy hậu quả của việc điểm kiến thức thì cao mà thực hành thì kém chưa?

Và điều đáng ngạc nhiên nhất đến từ những người hâm mộ “quá khích”

Kể lại một câu chuyện cách đây 1 năm: Batman v Superman: Dawn of Justice khi ra mắt đã chịu vô số chỉ trích từ các nhà phê bình. Quả tình thì điểm số trên các trang IMDB, Rotten Tomatoes, Metacritic,... quả nhiên không đáng tin tuyệt đối; như quả thực bộ phim ấy ngoài kỹ xảo hoành tráng ra thì kịch bản rất tệ, cứ như phim 5 Anh em siêu nhân của thiếu nhi.

 - Ảnh 6.

"Batman v Superman: Dawn of Justice" cũng từng được “bênh” hết lời

Rồi các fan nói gì? Những fan ôn hòa chấp nhận rằng “Công nhận phim nhiều lỗ hổng thật, và mình cũng thấy nó khá ngớ ngẩn, nhưng cứ là fan thì đi xem bất chấp thôi!” Ngược lại, một số fan quá khích (hoặc FBT - Fan phong trào) sẵn sàng chầu trực trên các diễn đàn, “dìm đến chết” những ai dám đưa ra ý kiến trái mình.

Một số khác còn quỷ khốc thần sầu hơn, khi phân tích ý nghĩa biểu tượng sâu xa của phim, còn so sánh hình tượng Superman như Chúa. Hiển nhiên đạo diễn Zack Snyder cũng không nghĩ sâu được như vậy, nhưng chắc chắn cô giáo dạy văn cấp ba sẽ rất tự hào về các bạn.

 - Ảnh 7.

 

Chính sự quá khích từ phía cộng đồng fan, lại vô tình làm cho những khán giả đại chúng vốn nhìn thấy phim ở mức giải trí tốt, cũng có thêm ác cảm dành cho phim. Trường hợp cũng tương tự với Wonder Woman. Để rào trước đón sau, mình cũng là fan truyện tranh, đặc biệt là fan DC. Mình từng xem 9 lần The Dark Knight Rises, 5 lần Batman v Superman: Dawn of Justice (dù rằng mình nhận thức được hai tựa phim này bị đánh giá quá cao). Đối với mình, Wonder Woman làm tốt hơn Batman v Superman: Dawn of Justice rất nhiều, nhưng điều đó không khiến phim trở nên hoàn hảo như nhiều fan vẫn “thần thánh hóa”.

 - Ảnh 8.

 

Ở các diễn đàn về Wonder Woman, bất cứ comment nào có nội dung đại loại như “Phim cũng được”, “Phim không hay như mình nghĩ” sẽ nhận được những câu reply theo cấp độ từ “Vừa xem phim vừa ngủ à?” cho đến “Xem phim mà não để ở nhà à?” Thiệt tình, các bạn có hiểu mức độ những câu chửi ấy nặng nề thế nào không? Nếu Wonder Woman có thật ngoài đời, cô ấy cũng phải bật khóc vì những câu nói như vậy quá!

Theo Phúc Logic/Trí thức trẻ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất