Vì sao phim nhỏ "Spotlight" thắng bom tấn "The Revenant"?
Sự kiện "Spotlight" giành giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2016 được đánh giá là bất ngờ. Nhưng đó là phần thưởng xứng đáng dành cho một kiệt tác điện ảnh.
So về quy mô, dù tập trung nhiều diễn viên tên tuổi nhưng Spotlight có kinh phí sản xuất nhỏ, chỉ 20 triệu USD. Ngược lại, The Revenant là “bom tấn” thực sự với tổng đầu tư lên đến 135 triệu USD.
Spotlight có thể được coi là một thành công thương mại, nhưng không thực sự đáng kể với doanh thu 61 triệu USD. Còn The Revenant đã chứng tỏ sức mạnh phòng vé toàn cầu với hơn 405 triệu USD.
The Revenant là “của hiếm” của Hollywood bởi nó vừa có chất lượng nghệ thuật, thể hiện phẩm chất riêng của nhà làm phim, vừa là sản phẩm mang tính thương mại cao, có sức hút mạnh mẽ đối với khán giả. Vì vậy, ưu thế của The Revenant trước Spotlight là rất lớn.
Hình ảnh trong phim Spotlight. Ảnh: Anonymous Content |
Trước lễ trao giải Oscar ngày 28/2 (giờ địa phương), Spotlight gần như bị quên lãng, trong khi The Revenant với gương mặt đại diện là ngôi sao Leonardo DiCaprio đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Đó không phải là điều đáng ngạc nhiên, bởi theo báo Hollywood Reporter, hãng phim 20th Century Fox đã chi tới 8 triệu USD cho chiến dịch vận động để bộ phim của đạo diễn Alejandro G. Inarritu giành vinh quang Oscar.
Trong đêm hội Oscar, tưởng như The Revenant đã chắc thắng khi giành các giải quay phim, đạo diễn và nam diễn viên chính, trong khi Spotlight chỉ có giải kịch bản gốc. Nhưng chính điều đó khiến chiến thắng của Spotlight trở nên ngọt ngào hơn. Tại sao Spotlight có thể vượt qua The Revenant đầy bất ngờ như vậy?
Lý do đầu tiên có lẽ là lịch sử.
Nếu The Revenant chiến thắng, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử 88 năm của Oscar, một nhà làm phim sẽ có hai phim đoạt giải Phim truyện và Đạo diễn xuất sắc trong hai năm liên tiếp. Nhận định chung là The Revenant chưa đủ xuất sắc để xứng đáng với vinh quang mang tính chất cột mốc như vậy. Và đây là điểm mấu chốt.
So sánh một cách đơn giản bằng con số, The Revenant không được giới chuyên gia điện ảnh đánh giá cao bằng Spotlight. Trên trang web điện ảnh Rotten Tomatoes tổng hợp các bài phê bình, Spotlight đạt tỷ lệ ủng hộ tới 96% (nghĩa là 96% các nhà phê bình đã xem phim đều đánh giá là phim hay). Trong khi đó The Revenant chỉ có tỷ lệ 82%, một con số tương đối thấp so với các tác phẩm đoạt nhiều giải Oscar khác.
Leonardo DiCaprio trong The Revenant. Ảnh: 20th Century Fox |
Phân tích sâu hơn quan điểm của giới phê bình, có thể thấy Spotlight được ca ngợi là kiệt tác với đề tài thời sự, thông điệp sâu sắc và có ý nghĩa lớn, cộng với diễn xuất tuyệt hảo của toàn bộ dàn diễn viên. Điều quan trọng là Spotlight khiến người xem phải day dứt, trăn trở, suy nghĩ về cuộc sống, tôn giáo và quyền lực.
Bộ phim mô tả những nỗ lực không biết mệt mỏi của các phóng viên báo The Boston Globe để vạch trần tội ác tình dục khủng khiếp của các linh mục Thiên Chúa giáo ở Boston và chiến dịch che đậy sự thật của Nhà thờ.
“Cảm xúc luôn là yếu tố giúp một tác phẩm giành giải Oscar phim hay nhất” - báo Los Angeles Times dẫn lời một thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) khẳng định.
Trong khi đó, The Revenant tuy được khen nhiều, nhưng cũng có không ít nhà phê bình cho rằng bộ phim của đạo diễn Inarritu đã được đánh giá cao quá mức so với giá trị thực tế của nó. Họ chỉ ra rằng The Revenant có nhiều vấn đề như kịch bản quá đơn giản, nhân vật chính liên tục bị “tra tấn” đến mức khó tin, chủ yếu đẹp ở hình ảnh và nhẹ về cảm xúc…
Bản thân vai diễn của Leonardo DiCaprio dù được quảng bá là vô cùng khó khăn, vất vả, nhưng nhiều nhà phê bình đánh giá anh chỉ hoàn thành tốt vai diễn này chứ không thực sự để lại dấu ấn đặc biệt. Những gì DiCaprio đem lại với vai người thợ săn gan lì bị xem là không bằng một số vai diễn nổi tiếng của anh trước đây. Và diễn viên thể hiện hay nhất trong The Revenant không phải là DiCaprio mà là Tom Hardy.
Việc AMPAS trao giải Oscar Phim truyện xuất sắc cho Spotlight là sự tưởng thưởng dành cho kỹ thuật làm phim, chất lượng nghệ thuật đỉnh cao và trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời mà tác phẩm này đem lại. Kết quả Oscar ngày 28/2 gợi nhớ lại chiến thắng của 12 Years a Slave (12 năm nô lệ) trước bom tấn Gravity (Cuộc chiến không trọng lực) hồi năm 2013. Gravity cũng là một thành tựu kỹ thuật siêu hạng, nhưng 12 Years a Slave là nghệ thuật đích thực.
Chiến thắng của Spotlight khẳng định một chân lý rằng các tác phẩm dù nhỏ bé, không được quảng bá ồn ào nhưng nếu có giá trị nghệ thuật thực sự vẫn luôn có chỗ đứng vững chắc và được tôn vinh xứng đáng ở thánh đường Oscar.
Video được xem nhiều nhất