Tuổi thanh xuân 2 lên sóng: Liệu có gặp cảnh "theo voi ăn bã mía"?
Liệu hợp tác với nước ngoài có nâng cao trình độ điện ảnh Việt hay biến chúng ta trở thành thị trường khai thác của phía đối tác nước ngoài, chỉ họ có lợi còn ta phải "ăn bã mía"?
Một lần nữa, bộ phim Tuổi thanh xuân phần 2 lại được lên sóng với rất nhiều kỳ vọng của khán giả. Trước đó phần 1 của bộ phim Tuổi thanh xuân' hợp tác giữa Đài truyền hình Việt Nam và Tập đoàn CJ E&M của Hàn Quốc đang phát sóng trên VTV3 tạo được nhiều ấn tượng cho người xem. Sự thành công của Tuổi thanh xuân cũng đã cho thấy một tác phẩm hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và nước ngoài khá thành công.
Tuy nhiên, sản phẩm hợp tác này phía bạn có vẻ chi phối nhiều hơn khi lối làm phim đậm chất Hàn. Trước Tuổi thanh xuân phần 1 và phần 2, chúng ta cũng đã từng có phim 'Người cộng sự', một bộ phim lịch sử về nhà yêu nước Phan Bội Châu được hợp tác với kênh TBS của Nhật Bản. Bộ phim cũng đã tạo được một số tiếng vang trong nước. Bộ phim 'Người cộng sự' là bộ phim đánh dấu việc mở rộng hợp tác sản xuất phim của Đài truyền hình VTV với các đài truyền hình lớn trong khu vực và thế giới, đạt chuẩn kỹ thuật quốc tế.
Hi vọng rằng sau Tuổi thanh xuân 2, điện ảnh Việt sẽ có những bước phát triển mới.
Thành công của Tuổi thanh xuân1, 2 và Người cộng sự đã mở đường cho nhiều dự án hợp tác và cách làm phim mới tạo ra cho người Việt phong cách mới trong thưởng thức điện ảnh. Những kỹ thuật tiên tiến, những kỹ thuật mới sẽ tốt cho nền điện ảnh nước nhà và đó là nền tảng để chúng ta có thể cho ra đời những tác phẩm điện ảnh theo kịp trình độ trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mới, việc hợp tác với các hãng phim lớn cũng đã khiến điện ảnh Việt đứng trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Trước tiên, việc liên kết đầu tư từng bộ phim, rõ ràng với sự non kém của điện ảnh Việt hiện nay rất khó để chúng ta tạo được dấu ấn rõ nét của hồn Việt vào tác phẩm. Việc sẵn sàng trao tặng bản quyền để phát sóng những tác phẩm của họ trên kênh truyền hình quốc gia Việt Nam có vẻ như là một lợi thế nhưng thực tế ta có thể trở thành kênh quảng bá miễn phí cho họ.
Bên cạnh vấn đề tích cực là cơ hội giao lưu hợp tác văn hóa, xem 'Tuổi thanh xuân 1' và những tập đầu của phần 2 khán giả dễ dàng nhận thấy làn sóng văn hóa Hàn được gửi gắm vào bộ phim. Trong phần 1 những bối cảnh vô cùng lãng mạn tại Hàn Quốc như đảo Nami, tháp Namsan, công viên Sky Park, những khu vui chơi, khu mua sắm trong phim… đã trở thành kênh quảng bá hữu hiệu cho du lịch đến đất nước này. Trong khi đó, dấu ấn của Việt Nam trong bộ phim này khá mờ nhạt.
Không phải ngẫu nhiên mà Tập đoàn CJ E&M của Hàn Quốc đặt tham vọng thành lập liên doanh sản xuất phim tại Việt Nam để một năm ra mắt 3 – 5 bộ phim mang phong cách Hàn Quốc. Việt Nam là một quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, năng động, đồng thời rất dễ tiếp nhận văn hóa mới, các dự án hợp tác điện ảnh sẽ có cơ hội và mang đến nhiều lợi nhuận.
Ssamziegil - Điểm hẹn cực lãng mạn tại Hàn Quốc được truyền tải tinh tế đến khán giả Việt.
Bên cạnh đó, việc hợp tác làm phim với nước ngoài rất dễ dẫn đến một sản phẩm văn hóa lai căn, một biến thể khó hiểu của phim Việt. Đó là một nguy cơ hiện hữu bởi khoảng cách giữa hòa nhập và hòa tan rất mong manh, nhất là trong điều kiện phía bạn mạnh hơn ta về mọi mặt, việc hợp tác rất dễ bị phụ thuộc.
Thiết nghĩ, muốn có sản phẩm điện ảnh mang đậm chất Việt Nam cần dựa trên văn hóa và tinh thần của người Việt. Việt Nam là một đất nước có bề dày về văn hóa lịch sử và con người, không có lý do gì ta phải đi vay mượn văn hóa một cách thụ động. Vẫn biết trong lĩnh vực điện ảnh, chúng ta còn thiếu và yếu về kỹ thuật lẫn nhân lực, nhưng chúng ta cần phải có tầm tư duy quốc tế trong việc phát huy nội lực văn hóa Việt.
Mong rằng xu hướng hợp tác làm phim với nước ngoài chỉ là một nhịp cầu giao lưu văn hóa, không lấy lý do nâng cao trình độ điện ảnh Việt mà biến chúng ta trở thành thị trường khai thác của phía đối tác nước ngoài, chỉ họ có lợi còn ta 'ăn bã mía'.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Video được xem nhiều nhất