Từ 2017, phim Việt Nam 18+ đã có thể ra rạp
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa thông qua Bảng Tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi, áp dụng từ năm 2017, trong đó có phim dành cho người xem từ 18 tuổi trở lên.
Cụ thể, trong Bảng Tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi mới có các mức sau: P (phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), C13 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13), C16 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16) và C18 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18). Tiêu chí phân loại dựa trên chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ tục tĩu và tính kinh dị trong các phim.
Ở hạng mục C18, chủ đề của phim phải phù hợp với khán giả ở lứa tuổi trên 18. Nội dung phim phản ánh những vấn đề của người trưởng thành, như các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm tình dục nhưng phù hợp với nhận thức, tâm lý, sinh lý của khán giả trên 18 tuổi. Cảnh khỏa thân và cảnh bạo lực tình dục trong phim C18 phải phù hợp với nội dung tác phẩm, không được kéo dài hoặc lặp lại quá đà. Phim C18 chấp nhận các cảnh tả thực về bạo lực và đổ máu nhưng phải phù hợp ngữ cảnh tác phẩm. Ngoài ra, ngôn ngữ thô tục, ngôn ngữ nhạy cảm về văn hóa như lời chửi, câu rủa hoặc tiếng lóng, từ đệm gây phản cảm cho người xem có thể xuất hiện.
Một cảnh nóng trong "Bi, Đừng Sợ
Tuy nhiên, những tác phẩm 18+ vẫn cấm mọi hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy và các chất kích thích gây nghiện. Trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh ngôn ngữ phù hợp nội dung phim hoặc nhằm mục đích phản đối lên án những hành vi nêu trên nhưng không được miêu tả chi tiết hoặc thời lượng dài.
Song song với các tiêu chí trên, những phim C16, C13 và P có mức độ mô tả bạo lực, tình dục, kinh dị, chất kích thích và gây nghiện, và ngôn ngữ tục tĩu phản cảm giảm dần, phù hợp với lứa tuổi. Riêng phim P (dành cho mọi lứa tuổi) không được có cảnh bạo lực, cảnh khỏa thân, quan hệ tình dục, những cảnh sử dụng hoặc sản xuất chất kích thích, ma túy hoặc kinh dị gây sợ hãi cho trẻ em.
Nếu giữ ngày chiếu như dự định ban đầu là 28/1/2017, có lẽ "Chạy Đi Rồi Tính" sẽ nhận được phân loại C13 thay vì NC16 như bây giờ
Theo Cục trưởng Ngô Phương Lan từng chia sẻ: "Bảng phân loại phim này được làm dựa trên Bảng phân loại phim của Singapore. Mô hình phân loại phim của Singapore vừa cặn kẽ, vừa nghiêm, vừa mang tính chất Á Đông mà lại phù hợp với văn hóa Việt Nam". Ngoài ra, Cục điện ảnh cũng tham khảo các bảng phân loại của Mỹ, Anh và Úc để hoàn thiện.
Vào tháng 9/2015, Cục Điện ảnh tổ chức hội thảo sát hạch lần cuối dự thảo này với sự góp mặt của đại diện các hãng sản xuất và phát hành cùng báo giới. Bảng tiêu chí phân loại cuối cùng diễn giải các thuật ngữ "diễn ra thường xuyên", "thời lượng kéo dài", "hoạt động tình dục", "miêu tả chi tiết" cùng "Ngôn ngữ, âm thanh và hình ảnh thô tục" khác với dự thảo được đưa ra hồi tháng 9/2015. Trong dự thảo cũ, phim 18+ yêu cầu số cảnh khỏa thân, cảnh tình dục trong mỗi phim không quá ba lần và mỗi cảnh "nóng" chỉ được kéo dài dưới năm giây.
Với Luật mới, khán giả có quyền hy vọng những cảnh "nóng" sẽ không bị cắt đi như bây giờ
Ở Bảng tiêu chí phân loại đã thông qua, thuật ngữ "Diễn ra thường xuyên" được diễn giải là những hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh tương tự xuất hiện nhiều lần trong một phim. "Hoạt động tình dục" là hành động, âm thanh, lời nói, cử chỉ khêu gợi, kích thích được thể hiện trong phim nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục. "Miêu tả chi tiết" là mức độ sử dụng hình ảnh, âm thanh rõ nét, trực diện, chi tiết ở khoảng cách gần để miêu tả về người, cảnh, hành động trong phim. "Ngôn ngữ, âm thanh và hình ảnh thô tục" là những lời thoại, chữ viết, âm thanh, hình ảnh sử dụng trong phim thể hiện sự tục tĩu, phản cảm, thiếu văn hóa. "Thời lượng kéo dài" là khoảng thời gian mà hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh thể hiện trong phim nhiều hơn mức cần thiết.
Hiện tại, phân loại phim tại Việt Nam chỉ đang dùng 2 nhãn phân loại là phim được phổ biến rộng rãi (P) và phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi (NC 16). Theo Cục trưởng Cục điện ảnh là bà Ngô Phương Lan, bảng tiêu chí này gây khó khăn cho hội đồng duyệt phim quốc gia bởi có phim chỉ cần hạn chế trẻ em dưới 13 tuổi nhưng vẫn cấm khán giả dưới 16 tuổi bởi không có mức chi tiết. Ngược lại, những phim 18+ được mua về Việt Nam cũng khiến các nhà kiểm duyệt phải loay hoay vì không có quy định.
Captain America: Civil War vì vài cảnh bạo lực mà bị dán nhãn NC16 trong khi phân loại ở Mỹ là PG-13, tương tự C13 trong tiêu chí mới của Việt Nam
Với tình hình trên, khán giả điện ảnh đã có thể phần nào yên tâm trong việc thưởng thức các bộ phim tại rạp vì mức phân loại rõ ràng. Song song là các phim nước ngoài nhập về Việt Nam và trình chiếu từ 2017 cũng phải sửa đổi các mức phân loại cho phù hợp.
Video được xem nhiều nhất