Trung Quốc cứu bom tấn ‘Kong: Skull Island’ thoát lỗ trong gang tấc
Sau hơn ba tuần trình chiếu, bộ phim mới về King Kong của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đạt doanh thu 477 triệu USD toàn cầu. Nhưng liệu đây có thể coi là thành công?
- "Kong: Skull Island" lại lập kỷ lục khi thu về 104 tỷ đồng sau 7 ngày công chiếu tại Việt Nam
- ‘Kong: Skull Island’ sẽ bị hạ bệ bởi ‘Người đẹp & Quái vật’?
- 13 chi tiết vô lý đến nực cười trong bom tấn "Kong: Skull Island"
- Sau ''Kong: Skull Island'' theo chân chàng trai 9X khám phá Quảng Bình tuyệt đẹp
- Gặp gỡ "thủ lĩnh" làng thổ dân trong Kong: Skull Island: "Đóng phim là hết mình luôn"!
Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cho rằng thế giới vẫn chưa biết Việt Nam đẹp lộng lẫy như thế nào, và ông đã tạo nên một "Đảo Đầu Lâu" tuyệt vời cho bộ phim bom tấn của mình.
Ba ngày cuối tuần qua, Kong: Skull Island gặp phải sự cạnh tranh dữ dội tại Trung Quốc bởi The Devotion of Suspect X - tác phẩm trinh thám Hoa ngữ được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Nhật Bản nổi tiếng Suspect X. Theo thống kê của Cục Điện ảnh Trung Quốc, cả hai phim đều cán đích với thành tích 22,6 triệu USD.
Như vậy, sau 10 ngày có mặt tại quốc gia tỷ dân, Kong: Skull Island đạt mức doanh thu 123 triệu USD. Hiện doanh thu toàn cầu của bom tấn có nhiều cảnh quay tại vịnh Hạ Long, Ninh Bình và Quảng Bình là 477 triệu USD và phim hoàn toàn có thể sớm chạm ngưỡng 500 triệu USD trong thời gian tới.
Doanh thu toàn cầu lúc này của Kong: Skull Island là 477 triệu USD. |
Trước đó, Warner Bros., Legendary Entertainment cùng các đơn vị đầu tư đã rót cho Kong: Skull Island nguồn kinh phí sản xuất lên tới 185 triệu USD.
Cộng thêm chi phí marketing và việc phải chia tiền với nhà rạp, giới quan sát đưa ra nhiều con số khác nhau để Kong có thể hòa vốn. Theo tính toán, tác phẩm của Jordan Vogt-Roberts cần đạt trên 450 triệu USD mới có thể yên tâm và nó rốt cuộc đã làm được điều đó.
Vượt khó tại Bắc Mỹ
Tại thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới, Kong: Skull Island khởi chiếu từ 10/3. Cách đây hơn ba tuần, giới quan sát nhận định phim chỉ có thể thu 43,5 triệu USD sau ba ngày đầu tiên. Song, nhiều bài bình luận tích cực từ giới phê bình giúp Kong rốt cuộc ra quân ở mức 61 triệu USD, qua đó truất ngôi Logan.
Có một điều thú vị rằng trong số các bộ phim phát hành rộng rãi tại Mỹ từ 10/3 tới nay, Kong: Skull Island là tựa đề duy nhất nhận chứng nhận “fresh” (tươi) trên chuyên trang Rotten Tomatoes với điểm 77%. Ngay cả bom tấn Beauty and the Beast của Disney hay tác phẩm kinh dị Life cũng không có được điều đó.
Dĩ nhiên, thành tích mở màn của Kong: Skull Island còn kém xa tác phẩm cùng thể loại cách đây ba năm là Godzilla (93,1 triệu USD). Nhưng con số 61 triệu USD cho thấy thế giới phim quái vật (monsterverse) mà Legendary và Warner Bros. đang cố gắng theo đuổi có lượng fan không hề nhỏ.
Kong: Skull Island đã làm hết sức có thể tại thị trường Bắc Mỹ sau khi có ba ngày đầ ra quân mỹ mãn. |
Bước sang tuần thứ hai, Kong: Skull Island bị giảm doanh thu tới 54,4% khi chỉ còn mang về 27,8 triệu USD. Đây là điều dễ hiểu bởi ra rạp trong tuần 17/3 là bom tấn Beauty and the Beast của Disney với thành tích ấn tượng 174,8 triệu USD. Lúc này, sau 20 ngày, Kong: Skull Island có được 147,8 triệu USD và cơ hội để chạm mốc 200 triệu USD nội địa là gần như không còn nữa.
Chọn thời điểm ra quân là 10/3 thực sự đặt Kong vào thế khó. Trước đó, khán giả còn đang bận rộn chia tay nhân vật Wolverine của Hugh Jackman trong Logan. Chỉ bảy ngày sau, Beauty and the Beast xuất hiện và cuốn phăng đi tất cả. Tuần 31/3 lại chứng kiến hai bộ phim tiềm năng mới là The Baby Boss và Ghost in the Shell, khiến lượng khán giả ra rạp càng trở nên phân tán.
Với cùng kỳ thời gian ba tuần hồi mùa hè 2014, Godzilla đã kiếm được 178 triệu USD. Nhưng tại thời điểm đó, “vua của các loài quái vật” hưởng lợi khi The Amazing Spider-Man 2 gây ra tranh cãi lớn về mặt chất lượng và thất bại. Dù sao, Kong: Skull Island cũng đã làm hết sức có thể tại Bắc Mỹ sau ba ngày mỹ mãn và gây bất ngờ cho ngay cả đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.
Trung Quốc lại đóng vai trò giải cứu
Sự thành bại của một bộ phim tại phòng vé lúc này không chỉ dựa vào mỗi thị trường Bắc Mỹ. Cơ hội có thể đến từ các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc - nơi đã “giải cứu” hàng loạt bom xịt tại quê hương như Pacific Rim hay Warcraft trong những năm gần đây.
Trường hợp của Kong: Skull Island cũng gần giống như vậy. Doanh thu ngoại địa của bom tấn hiện là 329,5 triệu USD, tức chiếm tới 69% thành tích tổng 477 triệu USD. Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò quan trọng bởi chỉ riêng quốc gia tỷ dân đã mang về cho Kong tới 123 triệu USD.
Sau 10 ngày, doanh thu của Kong: Skull Island tại Trung Quốc là 123 triệu USD. |
Do đó, công chúng không hề ngạc nhiên khi thấy đoàn phim Godzilla: King of Monsters (2019) - tác phẩm tiếp theo trong chuỗi monsterverse sau Kong - chọn thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc) làm một trong nhiều bối cảnh quay thời gian tới. Và chuyện chọn Cảnh Điềm vào một vai “vô thưởng vô phạt” trong chuyến phiêu lưu lên đảo Đầu lâu là hoàn toàn “có lý”.
Giống như tại Bắc Mỹ, Kong: Skull Island vấp phải sự cạnh tranh dữ dội từ Logan và Beauty and the Beast tại các thị trường ngoại địa. Lúc này, phim đã giảm nhiệt nhiều và sự có mặt của Ghost in the Shell hay tới đây là Fast & Furious 8 sẽ khiến “kỳ quan thế giới thứ 8” dừng bước. Nhưng con số 500 triệu USD toàn cầu lúc này hoàn toàn nằm trong tầm tay của bộ phim do Jordan Vogt-Roberts thực hiện.
Lãi sẽ đến từ đâu?
Ngay cả khi những người bi quan cho rằng mức hòa vốn của Kong: Skull Island là 500 triệu USD, bộ phim cũng sẽ làm được điều đó trong khoảng 7-14 ngày tới. Do đó, có thể coi tác phẩm quái vật là một thành công ở mức vừa phải tại phòng vé, giúp Warner Bros. và Legendary Pictures tạm thở phào nhẹ nhõm.
Kong: Skull Island giờ có thể giúp Warner Bros. và Legendary Pictures đếm lãi nhờ phát hành qua các hệ thống VOD và băng đĩa. |
Họ đã có thể bắt đầu tính đến chuyện thu lãi với Kong: Skull Island nhờ phát hành VOD, các sản phẩm băng đĩa, truyện tranh, trò chơi hoặc đồ chơi ăn theo… Song, các nhà sản xuất cũng cần phải tính toán lại chiến lược cho chuỗi phim quái vật, nếu họ muốn Godzilla: King of Monsters (2019) hay Kong vs. Godzilla (2020) gặt hái thắng lợi thực sự vang dội.
Nếu như Kong: Skull Island chỉ có kinh phí sản xuất khoảng 130-150 triệu USD thôi, sức ép mà Warner Bros. cùng Legendary Pictures phải gánh chịu trong thời gian qua sẽ rất khác và họ đã có thể mở tiệc lớn để ăn mừng từ lúc này. Ngoài ra, nếu chọn thời điểm phát hành khôn ngoan và bớt chật chội hơn, King Kong chắc chắn sẽ còn gầm vang hơn nữa tại phòng vé.
Nhưng có một điều khán giả có thể chắc chắn: King Kong và các loài quái vật sẽ còn trở lại, như đoạn phim post-credits của Kong: Skull Island đã gợi ý.
Tại Việt Nam, Kong: Skull Island khởi chiếu từ 10/3 và xô đổ hàng loạt kỷ lục khi thu về 82 tỷ đồng chỉ sau ba ngày phát hành. Ngày 24/3, nhà phát hành thông báo bom tấn đạt mức gần 150 tỷ đồng, chính thức vượt qua Fast & Furious 7 (2015) để trở thành bộ phim điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại tại thị trường quốc gia Đông Nam Á.
Tính đến hết ngày 2/4, Kong: Skull Island thu tổng cộng 170 tỷ đồng từ 2 triệu lượt vé tại thị trường Việt Nam.
Theo Tuấn Lương/Zing
Video được xem nhiều nhất