Tốt và xấu của cơn bão đam mỹ chuyển thể đang mạnh dần ở xứ Trung
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều dự án đam mỹ chuyển thể ồ ạt ra mắt bất chấp sự xét duyệt gắt gao của Cục điện ảnh Trung Quốc.
Nhờ sự phát triển của webdrama – một hình thức phát hành phim nhiều tập không đòi hỏi kinh phí lớn hay phải chịu sự kiểm duyệt quá gắt gao – mà chỉ chưa đầy 2 năm, những bộ phim thuộc thể loại đam mỹ (đồng tính nam) ồ ạt ra đời. Tính đến nay, đã có hơn 10 tựa phim đã và đang trong quá trình quay. Ngoại trừ Trọng Sinh Chi Danh Lưu Cự Tinh, tất cả những phim còn lại hoàn toàn cộp mác 100% đam mỹ.
Trước tình hình đó, Cục điện ảnh Trung Quốc đã ban hành chế độ kiểm duyệt hà khắc hơn nhưng dường như đã không kịp ngăn sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim này. Hãy cùng điểm qua một số ảnh hưởng mà cơn bão đam mỹ chuyển thể mang đến trong thời gian gần đây!
Nối gót dòng phim hiện đại, tác phẩm cổ trang đam mỹ đầu tiên cũng sắp được ra mắt
Thu hút một nhóm khán giả mới
Nếu như phim truyền hình trước đây phần lớn hướng đến khán giả là các bà nội trợ và học sinh – sinh viên, thì thể loại phim đam mỹ lại phục vụ cho đối tượng hoàn toàn mới: hủ nữ. Việc xã hội có cái nhìn bao dung hơn về giới tính thứ ba và sự tràn lan của tiểu thuyết mạng, đã khiến một bộ phận giới trẻ Trung Quốc ủng hộ thậm chí yêu thích mối quan hệ đồng tính nam. Tuy nhiên trước đây, nhóm đối tượng này hầu như chỉ có thể dựa vào một số sản phẩm phim ảnh nước ngoài hay... trí tưởng tượng của bản thân để phục vụ sở thích.
Cùng với ngôn tình, tiểu thuyết đam mỹ cũng đã sớm phát triển ở Trung Quốc
Cách đây vài năm, tiểu thuyết đam mỹ hầu như "không có lối ra". Các tác giả đam mỹ sau khi nổi tiếng đều chuyển dần sang con đường sáng tác, biên tập ngôn tình vì nguồn thu nhập cao và ổn định hơn. Tình trạng này khiến bộ phận fan của họ nói riêng và hủ nữ nói chung vô cùng bất mãn. Hiện nay, khi các nhà đầu tư đổ xô mua bản quyền đam mỹ để sản xuất phim, tác giả đam mỹ lại có thêm cơ hội và động lực tiếp tục phát huy sở trường của mình.
Sài Kê Đản là "mẹ đẻ" của 2 bộ phim "Nghịch Tập" và "Thượng Ẩn"
Phim đam mỹ chuyển thể xuất hiện giúp những con chữ khô khan trở thành hình ảnh sống động. Khán giả nữ không còn phải phát ghen lên khi soái ca đem lòng yêu mỹ nữ, thay vào đó là cảm giác thỏa mãn và ngưỡng mộ với những cử chỉ ân cần của các mỹ nam dành cho nhau.
Để lấy lòng hủ nữ không thể thiếu những cảnh phim tình tứ
"Nhất tiễn song điêu"
Diễn viên đam mỹ đều thuộc lớp diễn viên trẻ, 90% là các chàng trai có ngoại hình bảnh bao, phù hợp với thị hiếu của hủ nữ. Vì giới hạn của webdrama cũng như kinh phí sản xuất, các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn những gương mặt mới đảm nhận vai chính. Cách làm này thực chất là một chiêu "nhất tiễn song điêu" (một mũi tên trúng hai đích): vừa tạo điều kiện phát triển cho các thần tượng trẻ, vừa tiết kiệm một số tiền không nhỏ vốn phải dùng cho cát-xê. Như vậy, cả công ty đại diện của diễn viên lẫn nhà sản xuất đều thu được lợi nhuận.
"Thượng Ẩn" là một phim đam mỹ thành công
Mặt khác, nhiều cuộc khảo sát cho thấy, hủ nữ dù số lượng chưa quá đông đảo, nhưng lại có thái độ cuồng nhiệt hơn nhóm khán giả thường. Một khi đã thích một (cặp) diễn viên đam mỹ nào, họ sẽ không tiếc tiền của và công sức ủng hộ cho thần tượng. Nắm được điểm này, các nhãn hiệu, tạp chí, hãng thu âm thường lợi dụng cơn sốt phim đam mỹ để hợp tác với các diễn viên, nhanh chóng cho ra đời hàng loạt sản phẩm "ăn theo" để kịp thu về nguồn lợi khổng lồ.
Tạp chí đăng shoot ảnh thân mật của cặp đôi Thượng Ẩn...
... và album của Hứa Ngụy Châu đều có lượng tiêu thụ ấn tượng
Nếu như các diễn viên truyền hình khác phải vất vả tham gia nhiều dự án mới có thể "quen mặt" khán giả truyền hình, thì các soái ca đam mỹ dù có khởi đầu thấp, nhưng lại chọn được lối đi tắt giúp thành công tới sớm hơn rất nhiều.
Dàn cast "Thượng Ẩn" còn được tổ chức fanmeeting ở nước ngoài
Thành công nhanh chóng của đam mỹ chuyển thể đã biến dòng phim này trở thành một mảnh đất màu mỡ, mà ở đó các nhà đầu tư, diễn viên và người hâm mộ đều được hưởng lợi. Dù vậy, không phải tự nhiên mà Cục điện ảnh Trung Quốc quyết định siết chặt quy định xét duyệt, làm chậm lại sự tràn lan của cơn sốt này.
Chất lượng phim không cao
Dùng tình yêu đồng tính nam làm đề tài tuy tạo ra cảm giác mới mẻ nhất thời, nhưng về lâu dài, có thể nhận ra rằng nội dung các phim đam mỹ chuyển thể đều khá đơn điệu. Hiện nay, phần lớn những bộ phim được yêu thích như: Tựa Như Tình Yêu, Thượng Ẩn, Chỉ Vì Gặp Cậu... đều chọn bối cảnh chính là trường học. Phim lấy đề tài học đường tương đối gần gũi, dễ làm, ít tốn kinh phí trang phục, đạo cụ nhưng cũng rất dễ trùng lặp, nhàm chán.
Phần lớn phim đều chọn đề tài học đường
Bên cạnh đó, những phim chọn bối cảnh xã hội lại khá sơ sài khi mô tả công việc và cuộc sống của các nhân vật chính như một người trưởng thành, mà chỉ tập trung vào các mối quan hệ tình yêu lằng nhằng.
Để tiết kiệm chi phí sản xuất, các nhà làm phim chọn những tác phẩm đơn giản, giới hạn dự án ở quy mô nhỏ, đặt mục tiêu vào lợi nhuận hơn là làm ra một bộ phim hay. Trong giới đam mỹ vẫn có những tiểu thuyết thiên hướng chính kịch, kết cấu chặt chẽ, nội dung xuất sắc. Tiếc thay chúng lại ít cơ hội được để mắt đến hơn những tác phẩm "thường thường bậc trung".
"Danh Lưu Cự Tinh" bị chê bai vì có nhiều chi tiết mâu thuẫn
Mặc dù nổi tiếng với vai trò một trong những cây bút tiên phong trong trào lư đam mỹ, nhưng các tác phẩm của Lam Lâm (tác giả Song Trình) bị đánh giá là thiếu đầu tư về bối cảnh xã hội, tình tiết đơn giản, sướt mướt. Một số nhà văn có bút lực cao hơn, lại phải chọn thể loại khác làm đất dụng võ: Hải Yến sửa đổi nội dung để Lang Gia Bảng nghiêng về tuyến tình cảm nam nữ; Ni La – biên kịch của Vô Tâm Pháp Sư – vốn là một tác giả nổi tiếng với tiểu thuyết đam mỹ về thời kỳ dân quốc / kháng Nhật...
Trước khi được chính tác giả cải biên, "Lang Gia Bảng" là một tác phẩm đam mỹ, thiên hướng chính kịch
Không được đánh giá cao nhưng nhiều tác phẩm của Lam Lâm vẫn nghiễm nhiên được dựng thành phim
Có thể nói, những phim đam mỹ chuyển thể hiện nay đều theo xu hướng "mỳ ăn liền": dễ sản xuất, dễ xem, dễ yêu thích và cũng rất... dễ quên. Ngoại trừ xuất hiện thêm yếu tố bị xã hội ngăn cấm, nhân vật hoang mang khi nhận ra tình cảm của mình, thì nếu thay một cặp đôi nam – nữ vào vai chính, câu chuyện sẽ ngay lập tức trở nên bình thường, thậm chí nhàm chán.
Tình tiết vô lý
Hủ nữ nói thường tuyên bố về tình yêu đồng tính rằng: đã là tình yêu thì không có giới hạn, không có quy luật... Tuy nhiên, dường như trong thế giới đam mỹ, không chỉ tình yêu, mà cả quy luật xã hội, chuẩn mực đạo đức đều có thể bị phớt lờ!
Nhân vật soái ca trong tiểu thuyết đam mỹ hay ngôn tình đều có đặc điểm chung là giàu có và bá đạo. Nếu như ngôn tình chuyển thể bị xét duyệt và chỉnh sửa cẩn thận mới phát sóng trên truyền hình, thì phim đam mỹ phát hành trên mạng tương đối dễ dãi với hành vi của vai chính.
Người xem thậm chí ủng hộ bất chấp đúng sai. Bạo lực, vũ phu, cưỡng bức, bất chấp thủ đoạn, vung tiền như rác... họ chẳng khác gì mẫu nhân vật phản diện điển hình nay lại được nâng cấp thành nam chính. Nhìn vào hình tượng nhân vật như thế này, người bình thường đều cảm thấy khó mà tin được một câu chuyện như thế này lại được dựng thành phim? Liệu nó sẽ làm chuẩn mực đạo đức của người xem đến mức nào?
Lục Phong (Song Trình), Tạ Viêm (Bất Khả Kháng Lực) đôi lúc có những hành vi chẳng khác gì vai ác
Thế giới mà họ sống đen tối đến mức... hư cấu: Chỉ cần có tiền có quyền thì việc gì cũng xong; quan hệ tình dục bừa bãi, loạn luân; bá đạo tổng tài trong nháy mắt vung mấy trăm nghìn NDT, muốn bắt người cũng chẳng cần xin phép tòa án mà trực tiếp sai khiến cảnh sát...
Xã hội trong "Nghịch Tập" dường như đang sử dụng "luật rừng"
Ngoài ra, một tình trạng khá phổ biến trong phim đam mỹ chính là xem thường phái nữ. Để tô đậm tình yêu của các chàng trai, vai nữ thường bị bôi đen vô tội vạ, họ xấu xí hoặc về ngoại hình và tính cách.
Nghiêm trọng hơn, một số nhân vật nam dù biết bản thân có xu hướng đồng tính nhưng vẫn cưới vợ sinh con nhằm che đậy hoặc an ủi người nhà. Sau đó, họ dễ dàng li hôn, bỏ vợ để đi tìm tình yêu đích thực. Đây là hành vi "lừa hôn" - một vấn nạn xã hội mới được chú ý gần đây – khi mà những người đồng tính lừa dối bạn đời để kết hôn, gây tổn hại về vật chất lẫn tinh thần cho người bạn đời lẫn con cái của họ.
Trong thế giới đam mỹ, nữ giới đều là "bánh bèo vô dụng"
Điều khó chấp nhận nhất chính là trong thế giới đam mỹ, cho dù hai nhân vật nam chính phạm sai lầm hay đối xử tệ với những người khác (đặc biệt là nhân vật nữ) thế nào, chỉ cần họ yêu nhau, mọi sai trái đều được xí xóa!
Diễn viên dùng nhiều cách đánh lừa thị giác
Dù nói rằng diễn viên phim đam mỹ đều là mỹ nam, tuy nhiên vẻ ngoài được-hủ-nữ-cho-là điển trai của họ rất khó phù hợp với xu hướng thẩm mỹ đại chúng. Hiện tại, các nhà làm phim Trung Quốc đã biết tận dụng các thủ thuật quay phim của Hàn Quốc như bảng phản quang, chỉnh mờ nét ảnh, lợi dụng vài góc quay chủ đạo để các chàng trai xuất hiện với làn da trắng tinh không tì vết.
Nếu để ý kỹ, sẽ nhận thấy những nam diễn viên này hầu hết đều sử dụng kính giãn tròng làm tăng vẻ nữ tính. Những chiêu trò này tuy có thể đánh lừa thị giác, nhưng nếu bước qua một bộ phim khác hay đụng phải một số góc quay bất cẩn sẽ dễ dàng bại lộ khuyết điểm trên gương mặt.
Sự chênh lệch nhan sắc của Từ Hải Kiều trong "Danh Lưu Tinh Cự" và các phim khác
Hoàng Tĩnh Tường và Hứa Ngụy Châu đều đeo lens để sở hữu đôi mắt long lanh
Việc sử dụng những gương mặt mới (đa phần là người mẫu, hotboy trên mạng xã hội) tuy có thể tiết kiệm kinh phí làm phim và tạo cơ hội cho các diễn viên trẻ, nhưng đồng thời khán giả cũng phải chấp nhận diễn xuất cứng nhắc của họ.
Hủ nữ - đối tượng của dòng phim này – vốn rất dễ dãi và không có yêu cầu cao với diễn viên. Nhưng nếu đổi thành một diễn viên nữ lại là chuyện khác. Hẳn chúng ta cũng không quên cư dân mạng nhiều lần ném đá Trịnh Sảng vì "mặt đơ", còn Đường Yên cũng bị chỉ trích vì đeo kính giãn tròng khiến đôi mắt vô hồn...
Lạm dụng kính giãn tròng có thể gây trở ngại cho diễn xuất
Vì những lí do này, nam chính trong phim đam mỹ dễ dàng lôi kéo được người hâm mộ trong nhất thời, nhưng sự nghiệp thì lại khó phát triển cao hơn. Bởi lẽ, khán giả truyền hình không quen nhìn những chàng trai thiếu nam tính có đôi mắt to vô hồn, còn các tác phẩm điện ảnh thậm chí còn đòi hỏi cao hơn về ngoại hình lẫn khí chất của diễn viên. Diễn xuất non nớt, biểu cảm cứng nhắc...
Diễn xuất non nớt, biểu cảm cứng nhắc...
... thậm chí có phần buồn cười của các diễn viên "tay ngang"
Nếu như trước đây, Hồ Ca dựa vào Lý Tiêu Dao là có thể nổi tiếng trong một đêm, Hoắc Kiến Hoa nhờ vào vai Chung Hiểu Cương mà được biết đến ở nhiều nước châu Á sau đó tấn công sang Đại Lục, Lý Dịch Phong sau Cổ Kiếm Kỳ Đàm đã liên tiếp nhận nam chính trong phim điện ảnh lẫn truyền hình... thì cơ hội đến tiếp sau của các mỹ nam đam mỹ hầu như không có sự đề thăng đáng kể.
Ngay cả sau một bộ phim thành công như Thượng Ẩn, Hứa Ngụy Châu tận dụng cơ hội ra album gặt hái tiêu thụ, còn Hoàng Cảnh Du liên tục tham gia các show truyền hình hoặc thời trang... chứ chưa hề nhận được một cơ hội đáng giá nào trong lĩnh vực phim ảnh.
Kết
Thành công của "Xuân Quang Xạ Tiết"...
... và "Lam Vũ" giúp sự nghiệp của các diễn viên bước sang trang mới
Mặc dù đề tài đồng tính không còn xa lạ với giới giải trí Hoa ngữ, nhưng gần 2 thập kỷ trôi qua từ sau thành công của những phim điện ảnh xuất sắc như Xuân Quang Xạ Tiết hay Lam Vũ, thể loại này hầu như không có thêm một tác phẩm đáng chú ý nào.
Hiện nay, dòng phim đam mỹ chuyển thể bởi vì còn khá mới mẻ mà dễ nhận được sự ủng hộ của giới trẻ. Nhưng hy vọng những nhà làm phim hãy tận dụng cơ hội này để cho ra đời những tác phẩm đáng giá, đưa đề tài đồng tính đến gần hơn với công chúng, thay vì giương cao ngọn cờ đam mỹ chỉ với mục đích lợi nhuận như hiện nay.
Video được xem nhiều nhất