The Martian - Khi Robinson lạc trên Sao Hỏa, thích đá đểu và nghe nhạc disco
Bộ phim mới "The Martian" của đạo diễn Ridley Scott đang nhận được phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và khởi đầu khả quan tại các phòng vé.
Dự án The Martian của hãng Fox gây chú ý ngay từ giai đoạn sản xuất bởi sự góp mặt của một loạt cái tên đình đám. Đảm nhận cương vị đạo diễn là ông hoàng của thể loại sử thi và viễn tưởng Ridley Scott, người từng ba lần được đề cử Oscar. Dàn diễn viên trong phim cũng ấn tượng không kém với sự góp mặt của những cái tên kỳ cựu như Matt Damon, Jessica Chastain hay Sean Bean, bên cạnh đó là những ngôi sao đang lên như Sebastian Stan (Captain America: The Winter Soldier) và Michael Peña (Ant-Man).
Ban đầu, The Martian được dự định ra mắt vào tháng 11/2015, nhưng rồi lại chuyển lên khởi chiếu từ tháng 10 để tránh những đối thủ nặng ký tại phòng vé. Thông tin Sao Hỏa có nước được NASA công bố gần ngày khởi chiếu càng làm tăng thêm sức nóng cho bộ phim. Khi trả lời phỏng vấn, Ridley Scott cho hay ông đã được tiết lộ rằng Sao Hỏa có nước từ trước đó 2 tháng, nhưng lúc này phim đã quay xong. Nếu biết sớm hơn, ông sẽ đưa vào phim một dòng sông băng vô cùng ấn tượng.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên năm 2011 của tác giả Andy Weir, The Martian xoay quanh phi hành gia Mark Warney (Matt Damon), đồng thời cũng là một nhà sinh vật học. Sau một trận bão dữ dội, Mark đã bị phi hành đoàn của mình bỏ lại trên Sao Hỏa vì cho rằng anh đã mất mạng. Trơ trọi giữa một nơi cách quê nhà hơn 300 triệu km, Mark phải cố gắng sinh tồn dựa vào những thiết bị còn sót lại, cũng như tìm mọi cách liên lạc để những người ở Trái Đất đến cứu mình.
The Martian được mệnh danh là câu chuyện về “Robinson Crusoe trên Sao Hỏa”, thế nhưng nó không chỉ kể về cuộc chiến của Mark. Phim còn lồng ghép thêm nhiều tuyến nhân vật khác, bao gồm các nhà khoa học của NASA làm việc gian khổ để giải cứu Mark, hay phi hành đoàn do Melissa Lewis (Jessica Chastain) chỉ huy với nỗi ân hận vì đã bỏ rơi người bạn đồng hành của mình.
Chính điều này làm cho bộ phim có sự đa dạng về tiết tấu, mạch chuyện trong suốt 141 phút, tránh cảm giác nhàm chán cho người xem. Thủ pháp chuyển cảnh liên tục giữa một Trái Đất đông đúc đầy toan tính và một Sao Hỏa vắng lặng gợi ra sự tương phản cho người xem. Những đoạn ngoại cảnh trên Sao Hỏa được quay ở Wadi Rum thuộc Jordan, dù thời lượng không nhiều nhưng chúng cũng đủ để làm khán giả mãn nhãn với vẻ đẹp hoang sơ lẫn sự ảm đạm đến ám ảnh của hành tinh này.
Sự kịch tính không hề thiếu vắng trong The Martian, tiêu biểu như những cảnh nhân vật chính thập tử nhất sinh hay pha hành động ngoạn mục ngoài không gian, song không khí của phim về tổng thể là khá hài hước. Nhân vật chính dù gặp phải nghịch cảnh nhưng không hề “bi kịch hóa” vấn đề của mình, ngược lại anh luôn giữ thái độ lạc quan, thậm chí còn đùa giỡn và… nói tục với những người mà mình liên lạc được.
Ở điểm này, phải dành lời ngợi khen cho cả tác giả văn học Andy Weir và biên kịch Drew Goddard vì đã xây dựng một hướng đi khác biệt. So với một Interstellar nặng về triết lý và cảm xúc hay Gravity với sự nhỏ bé của con người giữa không gian bao la, The Martian nhẹ nhàng hơn và nhấn mạnh vào khả năng xoay sở của con người trước biến cố, thay vì lồng ghép quá nhiều những ẩn dụ trừu tượng như kiểu “tình yêu vượt mọi không gian và thời gian”.
Đối với kiểu phim “lạc giữa đảo hoang” này, có thể nói gần một nửa thành công của phim phụ thuộc vào nhân vật chính. Và The Martian đã rất may mắn khi mời được Matt Damon. Nét diễn lúc hài hước, lúc nghiêm túc của anh đã hoàn toàn chinh phục được người xem. Khán giả khi xem phim sẽ đồng cảm với niềm hy vọng của Mark khi anh vuốt ve những mầm non đầu tiên trên cánh đồng khoai tây, cũng như cảm nhận được nỗi cô đơn của anh khi lặng nhìn đường chân trời xa tít tắp trên một hành tinh xa lạ.
Một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất là sự thay đổi về ngoại hình của Mark sau thời gian dài sống trên Sao Hỏa. Vốn là một diễn viên luôn hết mình vì vai diễn, Matt Damon đã định giảm cân để nhập vai, nhưng đạo diễn Ridley Scott không đồng ý và sử dụng công nghệ CGI (giống The Curious Case of Benjamin Button). Dù sao đi nữa, với Mark Watney, Matt Damon đã có một vai diễn đỉnh cao mới, sau một khoảng thời gian khá dài loay hoay với những phim không mấy thành công như The Monuments Men hay Elysium.
Khi viết tác phẩm The Martian, Andy Weir rất chú trọng tới sự chính xác về khoa học, và anh thậm chí còn nhờ độc giả phản hồi để chỉnh sửa lại. Cũng như vậy, phiên bản điện ảnh được các nhà khoa học đánh giá là khá chính xác. Khoa học trong The Martian bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau và mang tính thực tế hơn nhiều so với Prometheus, tác phẩm gần nhất về không gian của Scott và bị chỉ trích vì “chẳng ai hiểu nó nói về cái gì”.
Âm nhạc cũng là một điểm cộng khác của The Martian. Những bài nhạc disco như Turn the Beat Around, Waterloo, Hot Stuff được sử dụng rất hợp lý, có khi để không khí bớt nặng nề, có khi lại có ý mỉa mai hoàn cảnh của nhân vật chính. Cũng như với Guardians of Galaxy vào năm ngoái, những bài hát cũ của thập niên 80 trong The Martian hứa hẹn sẽ tạo ra một cơn sốt sau khi phim công chiếu.
Nhìn chung, The Martian không hào nhoáng nhưng là một bộ phim đầy thú vị. Sự cân bằng của đạo diễn giữa hài hước và kịch tính giúp phim không trở nên quá nặng nề mà vẫn có những khoảnh khắc đáng nhớ. Chủ nghĩa anh hùng kiểu Mỹ và tính triết lý được Ridley Scott tiết chế ở mức gần như tối đa, những gì còn lại là một câu chuyện đầy tính nhân văn về bản năng sống của con người. Tinh thần đúng đắn và những kỹ năng sống có thể giúp con người vượt qua mọi nghịch cảnh, như mầm sống khoai tây của Mark vươn mình trên mảnh đất cằn cỗi của Sao Hỏa.
Video được xem nhiều nhất