"The Danish Girl" và điện ảnh Việt: Trông người lại ngẫm đến ta

Kênh 14 - 25/01/2016, 08:43

Cách xây dựng nhân vật người chuyển giới trong "The Danish Girl" xứng đáng để các nhà làm phim Việt Nam học hỏi.

Ra mắt tại Việt Nam từ ngày 15/1, The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch) đang gây sốt tại các cụm rạp. Với nội dung táo bạo cùng màn trình diễn xuất thần của nam tài tử Eddie Raymane, bộ phim được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất về người chuyển giới.

The Danish Girl: Chuyến hành trình dũng cảm của Lily

Vào đầu thập niên 1920 tại Copenhagen, nữ họa sĩ Gerda Wegener (Alicia Vikander) nhờ chồng là Einar Wegener (Eddie Redmayne) làm mẫu vẽ thay cho một người mẫu nữ. Quá trình giả gái đã đánh thức bản năng phụ nữ trong Einar. Anh xuất hiện với nhân dạng mới là Lili và trở thành người đầu tiên làm phẫu thuật chuyển giới.

The Danish Girl và điện ảnh Việt: Trông người lại ngẫm đến ta - Ảnh 1.

Eddie Redmayne thủ vai người chuyển giới đầu tiên trong lịch sử

Ngay cả ở Hollywood, người chuyển giới cũng là đề tài nhạy cảm. Cách đây vài thập niên, họ chủ yếu xuất hiện với kiểu nhân vật bệnh hoạn như Elliot (Michael Caine) trong Dressed to Kill hay Buffalo Bill (Ted Levine) trong Silence of the Lamps. Năm 1999, Boys Don't Cry với một giải Oscar cho Hilary Swank đánh dấu một bước tiến mới cho người chuyển giới trên màn ảnh.

Trong tác phẩm này, nhân vật chính Brandon Teena (Hilary Swank) đã là người chuyển giới từ đầu phim, trong khi câu chuyện tập trung vào thái độ kì thị của xã hội dành cho anh. Cũng tương tự như vậy là nhân vật Rayon của Jared Leto trong Dallas Club Buyers, bên cạnh vấn đề giới tính còn đề cấp đến tâm sinh lý của những người mắc căn bệnh thế kỷ.

Khi bắt tay vào dự án The Danish Girl, đạo diễn Tom Hooper lại chọn một hướng tiếp cận khác. Ông nhấn mạnh vào quá trình định hình tâm lý của người chuyển giới, với tư liệu là cuốn tiểu thuyết cùng tên của David Ebershoff. Ngoại trừ Eddie Raymane được đo ni đóng giày cho vai chính, nhà sản xuất còn mời cả Ben Whishaw, một diễn viên đồng tính ngoài đời, thủ vai bạn trai của Lili.

The Danish Girl và điện ảnh Việt: Trông người lại ngẫm đến ta - Ảnh 2.

Nhân vật được phát triển từ nhửng tình huống nhỏ

Tom Hooper là đạo diễn có sở trường xây dựng nhân vật từ góc độ đời thường. The Damned United dù là bộ phim về bóng đá nhưng lại ít mô tả các trận đấu mà xoay quanh tâm lý của HLV huyền thoại Brian Clough cùng các cầu thủ. Trong The King's Speech, hình ảnh của hoàng gia Anh hiện lên một cách rất gần gũi với những nỗi trăn trở đậm chất cá nhân. Cách tiếp cận đầy tính nhân văn này một lần nữa phát huy hiệu quả trong The Danish Girl.

The Danish Girl mang nội dung đầy nhạy cảm từ câu chuyện đời thực của Einar. Song, điểm hay của đạo diễn là không "lên gân", cường điệu hóa những biến chuyển tâm lý của nhân vật. Thay vì vậy, phim đi vào khai thác những cảm xúc rất đời thường của Einar. Trong đoạn mở màn của phim, anh mang đôi tất và ướm lên người chiếc váy của cô người mẫu. Không tốn nhiều lời thoại, chỉ cần những ngón tay run run vuốt ve cũng đủ khiến người xem nhận ra sự rung động trong tâm hồn anh.

The Danish Girl và điện ảnh Việt: Trông người lại ngẫm đến ta - Ảnh 3.

"Show, don't tell" một câu dụ ngôn của các nhà làm phim

Ở Einar, vấn đề không chỉ là giới tính mà còn là trạng thái đa nhân cách. Trong anh luôn có hai con người, một chàng Einar họa sĩ và một nàng Lili dịu dàng. Sự xung đột giữa hai nhân cách đó được thể hiện qua những tình huống. Có khi đó là những trường đoạn thơ mộng như khoảnh khắc Lily bước vào bữa tiệc, có khi lại trần trụi như cảnh Einar kẹp bộ phận nam giới giữa hai đùi và đứng soi mình trước gương.

Tất nhiên, mọi nỗ lực của Tom Hooper sẽ là vô nghĩa nếu ông không có Eddie Redmayne. Là diễn viên hạng A ở Hollywood, thật bất ngờ khi Eddie dám rũ bỏ hình ảnh điển trai quen thuộc để vào vai một phụ nữ. Ánh mắt đắm đuối đầy ám ảnh, từng cái nháy mắt, phất tay đầy nữ tính của anh đã thổi hồn vào nhân vật. Suy cho cùng, The Danish Girl thành công bởi nó ủng hộ cộng đồng LGBT bằng chính câu chuyện của một người đi trước, cổ vũ họ tiến lên giành lấy hạnh phúc cho mình.

Trông người lại ngẫm đến ta

Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong những nền điện ảnh "thích" đưa chủ đề LGBT lên phim. Chỉ riêng năm 2015 vừa qua, phải đến hơn một nửa số phim ra rạp có nhắc đến vấn đề này. Song, hình ảnh cộng đồng LGBT trong phim Việt còn bị khá hạn chế, chưa khai thác đúng tâm lý nhân vật và nhiều khi còn méo mó.

Những nhân vật người đồng tính thường được xây dựng theo kiểu "bóng lộ" để gây cười. Họ thường đóng vai phụ, điểm xuyết cho tác phẩm, nhưng lại cố lôi kéo khán giả bằng lối diễn ẽo ợt, màu mè. Khởi nguồn của kiểu nhân vật này là từ Anh Vũ và Minh Nhí trong Gái nhảy và Lọ lem hè phố, hai bộ phim ăn khách của đạo diễn Lê Hoàng. Kể từ đó, những người đồng tính ngúng nguẩy dường như là "gia vị" không thể thiếu trong các phim hài.

The Danish Girl và điện ảnh Việt: Trông người lại ngẫm đến ta - Ảnh 4.

Thái Hòa trong "Để mai tính 2" bị chỉ trích

Thành công nhất trong số này là nhân vật của Thái Hòa trong Để mai tính, đến nỗi đạo diễn Charlie Nguyễn phải thực hiện thêm một phần phim nữa nói riêng về "chị Hội". Mặc dù Thái Hòa sở hữu nét diễn duyên dáng, vai diễn này cũng chịu không ít ý kiến trái chiều từ cộng đồng LGBT. Bên cạnh anh, đếm không xuể những phim kệch cỡm về người đồng tính, gần đây có Bảo mẫu siêu quậy hay Điệp vụ chân dài. Chính những bộ phim này đã khiến công chúng có cái nhìn lệch lạc về người đồng tính ngoài đời.

Hay gần đây trong bộ phim Hùng Ali, Long Nhật thủ vai một người chuyển giới, vai diễn khá "lạc quẻ" trong một phim giang hồ. Trên thực tế, anh diễn không tồi nhưng lại sa vào kiểu cường điệu. Trong nhiều phân cảnh, nam ca sĩ lạm dụng sự la lối, gào khóc để thể hiện nhân vật, nhưng không tạo được sự đồng cảm từ phía khán giả.

The Danish Girl và điện ảnh Việt: Trông người lại ngẫm đến ta - Ảnh 5.

Nhân vật của Long Nhật còn thiếu tiết chế

Đôi khi, đạo diễn có góc nhìn đúng đắn, nhưng cách thể hiện còn yếu. Đó là trường hợp của  Cầu vồng không sắc và Yêu . Cầu vồng không sắc đưa ra thông điệp "Đồng tính không phải là bệnh" nhưng câu chuyện còn dàn trải, thiếu cao trào. Với Yêu, nội dung đơn giản về hai người yêu nhau bị gia đình phản đối có vẻ nhàm chán. Một số cảnh quay còn mang nặng tính ước lệ như cảnh Nhi (Chi Pu) nhắm mắt bịt tai khi bị bạn bè chế giễu, hay vai nữ phụ luôn tỏ ra đanh đá theo đúng kiểu phim truyền hình. Các nhân vật đều giải quyết mâu thuẫn bằng những tràng dài thoại, mà quá thiếu những rung động cảm xúc từ hình ảnh.

Đối với các nhà làm phim Việt Nam, The Danish Girl hẳn đã mang đến nhiều bài học về cách xây dựng nhân vật LGBT. Trước hết, đó là sự dũng cảm để bước ra khỏi định kiến và những chiêu thức câu khách rẻ tiền. Sau đó là cách tiếp cận nhân vật từ bên trong, lôi kéo khán giả thông qua hình ảnh thay vì những lời thoại sáo rỗng. Những cảm xúc dung dị nên đến từ chuyến hành trình nội tâm, thay vì những hình ảnh phô trương bên ngoài. Với thành công của mình, tác phẩm của Tom Hooper xứng đáng là một "case study" cho các đạo diễn Việt trong nhiều năm sắp tới.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất