Thần Kiếm - Bản trường ca của những giấc mộng giang hồ
Tác phẩm nổi tiếng Tam Thiếu Gia Đích Kiếm của nhà văn Cổ Long đã có một bản phim chuyển thể đẹp mắt dưới định dạng 3D.
Nhắc đến võ hiệp Trung Hoa thì tuyệt đối không thể bỏ qua hai "cây đại thụ" Kim Dung và Cổ Long. Những bộ tiểu thuyết đồ sộ lấy chủ đề giang hồ tranh đấu, anh hùng - mỹ nhân làm trọng tâm đã trở thành những kiệt tác điêu khắc mang dấu ấn thời gian.
Tân Tuyệt Đại Song Kiều 1992, một trong những tác phẩm chuyển thể nổi tiếng nhất từ truyện Cổ Long
Tuy nhiên, gần như rất hiếm khi những tiểu thuyết của họ được trở thành phiên bản điện ảnh. Có nhiều lý do nhưng điều dễ thấy nhất chính là lượng nhân vật quá nhiều. Ở mỗi một tác phẩm đều có đến hàng trăm nhân vật và rất nhiều câu chuyện đan xen được kể. Nếu bỏ bớt vài người sẽ rất khó để truyền tải đầy đủ những ý vị mà hai đại văn hào đã ươm mầm trong tác phẩm. Do đó, việc đưa Kim Dung hay Cổ Long lên màn ảnh rộng luôn là một thử thách với các nhà làm phim.
Vì lý do đó mà Thần Kiếm(tên gốc: Tam Thiếu Gia Đích Kiếm/ Master Sword ) bản điện ảnh năm 2016 của đạo diễn Nhĩ Đông Thăng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cổ Long được nhiều khán giả gạo cội trông chờ dù biết chắc thời lượng sẽ giới hạn nhiều thứ. Phiên bản Tam Thiếu Gia Đích Kiếm 2016 được giới thiệu như bản làm lại của bản phim năm 1977 mà Nhĩ Đông Thăng đóng vai chính.
Như một cơ duyên đầy thú vị, thần kiếm tiên sinh Tam Thiếu Gia ngày nào đã trở thành người "cầm trịch" cho phiên bản mới. Kết hợp với thế mạnh về vẻ đẹp trong phim võ thuật của giám chế Từ Khắc, Tam Thiếu Gia Đích Kiếm 2016 không chỉ mãn nhãn về hình ảnh mà còn như một phiên bản mở rộng của tác phẩm gốc.
"Thần Kiếm 2016"
Tam Thiếu Gia họ Tạ, Tạ Hiểu Phong (Lâm Canh Tân) vốn là một thần kiếm nổi danh giang hồ từ năm 12 tuổi. Nhưng vì quá ngán ngẩm cảnh giang hồ đổ máu và những mộng ước bá quyền nên Hiểu Phong quyết định từ bỏ tất cả, bố cáo thiên hạ rằng mình đã chết rồi sống một cuộc đời không tên. Một lần vô tình tìm đến Khổ Hải Trấn, Hiểu Phong trở thành gia nô tại một kĩ viện, được đặt cho cái tên mới là A Cát.
Cuộc sống mới tại kĩ viện tuy thấp hèn, lại còn bị mọi người bỉ bai bằng cái tên "A Cát vô dụng" nhưng lại rất thanh thản với vị thần kiếm ngày nào. Rồi Tiểu Lệ (Tưởng Mộng Điệp) cô nương nhanh chóng khuấy động cuộc sống bình lặng của A Cát, giúp anh tìm thấy những hương vị giản đơn mình tìm kiếm bấy lâu nhưng cũng chính cuộc tình với Tiểu Lệ đã mở lại cánh cửa buộc A Cát phải trở về thân phận Tam Thiếu Gia.
Tạo hình Tam Thiếu Gia của Lâm Canh Tân
Song song, kiếm khách Yến Thập Tam (Hà Nhuận Đông) nhận lời ủy thác của Mộ Dung Thu Địch (Giang Nhất Yến) tìm giết Tam Thiếu Gia vì ả bị người này bỏ rơi. Khi biết tin Tam Thiếu Gia không còn trên đời, Yến Thập Tam cảm thấy cuộc sống chẳng còn ý nghĩa vì mất đi đối thủ xứng đáng nhất. Anh quyết định dùng thời gian còn lại của cuộc đời chuẩn bị cho cái chết của mình nhưng rồi tại Khổ Hải Trấn, anh gặp A Cát và hai người trở thành thầy trò.
Đối với khán giả "ruột" của Cổ Long, chắc hẳn sẽ rất hài lòng với bộ phim vì nội dung bám rất sát nguyên tác. Không những thế, việc khai thác đời tư nhân vật Yến Thập Tam khiến tác phẩm trở nên sinh động hơn rất nhiều. Tuy nhiên đây cũng là một trở ngại với những khán giả chưa biết gì về Tam Thiếu Gia. Phần mở đầu câu chuyện tập trung vào Yến Thập Tam và cuộc giao dịch với Mộ Dung Thu Địch khá ấn tượng nhưng ngay sau đó câu chuyện lại rẽ hướng sang Tam Thiếu Gia khiến mạch phim bị loãng ở phần đầu.
Bản thân nhân vật và quá khứ của Tam Thiếu Gia rất phức tạp, vì thế việc bắt đầu bằng hình ảnh gã lang thang không tên tại kĩ viện cùng những lời kể về Tam Thiếu Gia qua những nhân vật khác khiến cho Hiểu Phong – A Cát trở nên một chiều. Chuyện tình trong quá khứ của Hiểu Phong và Thu Địch cũng không đủ "ngang trái" để khán giả thấu hiểu nhân vật. Cả mối quan hệ của A Cát với Tiểu Lệ cũng không đủ gắn kết để thúc đẩy thay đổi.
Tuy nhiên, đạo diễn Nhĩ Đông Thăng đã cứu vãn tình hình này bằng những đoạn hồi tưởng ở phần sau. Những kí ức về cuộc đời của Tam Thiếu Gia cũng như lý tưởng của Thu Địch được sắp đặt để xuất hiện theo tuần tự, trở thành những nút gỡ cho những ân oán giang hồ. Cộng với việc xây dựng hình ảnh ấn tượng cũng như tính cách độc đáo của Yến Thập Tam khiến phim nuột nà và gắn kết hơn ở đoạn sau.
Công trạng của giám chế Từ Khắc trong phim rất lớn khi đã khắc họa được những đường kiếm rất mãn nhãn của hai anh hùng. Đặc trưng của võ công trong kiếm hiệp kì tình chính là những chuyển động nhịp nhàng như múa kết hợp với vũ khí và điều này được thể hiện rất có hồn trong Thần Kiếm. Các phân đoạn luyện kiếm với kiếm khí tưởng tượng và những đoạn song đấu đều rất mãn nhãn.
Kĩ xảo của phim cũng được trau chuốt kĩ lưỡng, tạo được cảm giác tân thời nhưng vẫn giữ những đặc trưng truyền thống. Tuy nhiên việc lạm dụng CGI và đạo cụ cho quá nhiều bối cảnh khiến cho phim đôi chỗ bị giả và loạn màu sắc. Thần Kiếm cũng không khai thác vẻ đẹp hùng vĩ của Trung Hoa như nhiều phim điện ảnh bây giờ mà tập trung quá nhiều vào những bối cảnh hẹp, làm cho tổng thể bộ phim bị gò bó.
Nhưng nếu như bỏ qua những thiếu sót về kĩ thuật kể trên, chắc chắn khán giả vẫn cực kì hài lòng về Thần Kiếm vì tinh thần nguyên tác trong bộ phim rất mạnh mẽ. Sở dĩ gọi Thần Kiếm là một bản trường ca vì nó bao hàm đầy đủ những cung bậc trầm bổng, những đoạn hào hùng thống thiết cũng như đôi chỗ lắng sâu của một khúc nhạc phức tạp tấu lên những giấc mộng đa diện chốn giang hồ.
Mộ Dung Thu Địch là nhân vật nữ cực kì ấn tượng trong làng võ hiệp
Là giấc mơ gia đình nhỏ nhoi của Tiểu Lệ giữa chốn phù hoa, là khát vọng cả cuộc đời được đối đầu với kẻ cựu thù mình chưa từng gặp mặt của Yến Thập Tam, là mong ước tiêu dao của thần kiếm Tam Thiếu Gia lừng lẫy chốn giang hồ, là nỗi điên cuồng vì một chữ "tình" của Thu Địch và Trúc Diệp Thanh. Mỗi giấc mộng của họ được khảy lên ở những đoạn khác nhau, với tiết tấu khác nhau nhưng có sự tương hỗ đặc biệt về âm khúc và linh hồn bên trong, tạo thành một trường ca dai dẳng thấm đượm dư âm khoái lạc của kiếm, tửu, mộng và tình.
Nếu từng đọc qua tác phẩm Rurouni Kenshin của Nobuhiro Watsuki, khán giả sẽ dễ dàng nhận ra sự tương đồng trong suy nghĩ của Tam Thiếu Gia và lãng khách Kenshin, những anh hùng mệt mỏi vì thế sự nhưng sẽ chẳng thể nào buông kiếm. Quá khứ như thể vết sẹo trên má họ, còn tinh thần ấy như một hơi thở, một dòng chảy trung tâm củ những tác phẩm kiếm hiệp kì tình, nơi mà mỗi nhân vật dù xuất thân khác nhau, nhân sinh quan khác nhau nhưng vẫn sống chết cho lý tưởng của mình.
Hai kẻ "điên tình" trong "Thần Kiếm"
Hai kẻ "điên tình" trong "Thần Kiếm"Nếu những câu chuyện này được kể tốt như Thần Kiếm, tin rằng khán giả cũng sẽ thấy cái chết thật nhỏ bé so với những giấc mộng lớn của cuộc đời. Nhân vật và câu chuyện khắc họa rõ nét điểm này nhất là Yến Thập Tam và Mộ Dung Thu Địch. Sự cương quyết của họ vừa là nền tảng để những nhân vật khác bật lên chân lý của mình, vừa là những đường nét sắc ngạnh khiến khán giả được sống trong không gian cay nghiệt nhưng đẹp đến cực đoan của Cổ Long.
Thần Kiếm (Master Sword) đang được trình chiếu trên toàn quốc.
Video được xem nhiều nhất