"Thảm họa" điện ảnh VN 2015: Hy sinh đời trai, Mỹ nhân, Tây du ký...

Người đưa tin - 07/01/2016, 13:25

Hy sinh đời trai, Mỹ nhân, Tây du ký hậ truyện là 3 trong số các tác phẩm "Thảm họa" điện ảnh VN 2015.

Năm 2015 vừa qua đánh dấu bước phát triển của nền điện ảnh nước nhà với nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn có những bộ phim hứng "rổ sạn" và là bước thụt lùi gây thất vọng cho khán giả.

Tây du ký hậu truyện

Ra rạp những ngày đầu năm 2015, phim Tây du ký hậu truyện đã được xem là “thảm họa mới” của điện ảnh phim Việt khi cộng đồng mạng ném đá không thương tiếc. Ngay cả các diễn viên tham gia trong phim cũng vô cùng thất vọng khi bộ phim công chiếu. Ca sĩ - diễn viên Phương Thanh (tham gia một vai trong phim) ngay khi đến dự buổi ra mắt trở về cũng lập tức "đăng đàn" than thở nỗi thất vọng lớn khi xem phim. Chị cho rằng bộ phim được làm quá ẩu và thay đổi nội dung, mọi thứ được chỉnh sửa một cách lấp liếm nên đã làm nên bộ phim thảm họa. Thực tế là nhiều khán giả đã bỏ về sau chừng 20-30 phút xem phim.

 - Ảnh 1

 

Được biết, Tây du ký hậu truyện ban đầu do “đạo diễn thảm họa” - Nhất Trung thực hiện sau đó đạo diễn trẻ Nguyễn Thành Nam tiếp nhận để sửa chữa nên không thể cứu vãn được gì. Sau gần 1 tuần ra rạp (với số lượng rạp chịu chiếu ít ỏi), phim gần như không nhận được bất kì sự quan tâm nào từ truyền thông và nhanh chóng "chìm vào quên lãng"

Có thể nói, tham vọng làm một bộ phim hoành tráng và lấy nhân vật chính là nhân vật Tôn Ngộ Không đã "ăn sâu" vào kí ức đông đảo khán giả so với năng lực nên đã cho ra đời một bộ phim rất tệ. Đây là bộ phim thảm họa bậc nhất của năm 2015.

Hy sinh đời trai

Bộ phim do Trần Bảo Sơn làm nhà sản xuất và đạo diễn Lưu Huỳnh đảm nhận, thế nhưng sự kết hợp này đã không mang lại thành công cho cả hai. Đây còn được xem là “bước lùi” của đạo diễn Lưu Huỳnh. Rất nhiều khán giả, người làm nghề từng ca ngợi và yêu mến anh ở “Áo lụa Hà Đông”, “Lấy chồng người ta”... vô cùng thất vọng.

 - Ảnh 2

 

Nội dung phim được xây dựng lủng củng, khi xem phim mà cảm giác rất “giật cục”, đến gần nửa phim khán giả vẫn không biết điểm nhấn của phim nằm ở đâu ngoài những nội dung lan man, thậm chí là “nhảm”. Thêm nữa, đây là thể loại phim ca nhạc do các chính các diễn viên trong phim hát cũng không thật sự hay, không thể đẩy mạch phim lên hay, tạo được cao trào. Việc mời cả dàn sao vào phim với hàng loạt tên tuổi có tiếng như Tấn Beo, Phi Nhung, Hồ Ngọc Hà, Lý Hùng, NSUT Việt Anh, Thân Thúy Hà, Phi Phụng, Cát Phượng...cũng không "cứu" được một tác phẩm bệ rạc và "chẳng còn điều gì để nói".

Việc PR quá đà cũng tạo nên “tác dụng ngược” vì với sự kỳ vọng trước đó cho đến khi phim ra rạp khiến khán giả vô cũng thất vọng. Việc “treo đầu dê – bán thịt chó” trên poster càng khiến khán giả ngỡ ngàng khi phim gây xôn xao với việc Hồ Ngọc Hà chỉ nhận lời trong vai trò khách mời và chỉ "phớt qua" chút xíu trong phim nhưng hình ảnh cô được xuất hiện khá hoành tráng, những diễn viên chính thì lại chiếm vị trí khiêm nhường trên poster.

 - Ảnh 3

Việc "mượn" hình ảnh Hồ Ngọc Hà để PR quá đà gây xào xáo truyền thông suốt thời gian phim ra rạp

Với sự “thất bại” toàn diện, Hy sinh đời trai là một bộ phim “đáng quên” của Trần Bảo Sơn lẫn đạo diễn Lưu Huỳnh.

Mỹ nhân

Ngay từ khi hé lộ thông tin về một bộ phim cổ trang ra rạp, Mỹ nhân ít nhiều gây chú ý vì thật sự đây là thể loại phim cần đầu tư kinh phí lớn và phải có đủ sự bản lĩnh mới dám thực hiện được. Tuy vậy, chỉ mới tung trailer phim Mỹ nhân đã gây tranh cãi kịch liệt với trang phục thực hiện khá cẩu thả và không đúng trang phục Việt ngày xưa.

 - Ảnh 4

 

Dù quy tụ dàn diễn viên "có chất" như Quách Ngọc Ngoan, Kim Hiền, Triệu Thị Hà, nhưng khi ra rạp, nội dung phim cũng không được đánh giá cao bởi sự thiếu tinh tế của phim cổ trang. Câu chuyện phim được thể hiện lủng củng rời rạc, nhiều phần kĩ xảo được thực hiện sơ sài, không chân thật.

Ngoài ra, nhiều cảnh nóng trong phim được xem làm dùng để câu view và có phần “thô tục”, không truyền tải được nội dung cần thể hiện của phim do góc quay, ánh sáng thiếu tinh tế mà ngược lại tạo sự phản cảm nơi người xem.

 - Ảnh 5

 

Kết quả, với kinh phí đầu tư lên đến 16 tỷ, phim chỉ thu về vỏn vẹn 500 triệu doanh thu cùng sự im lặng của truyền thông khi khán giả tỏ ra thất vọng và thờ ơ với bộ phim. Một yếu tố k khác cũng lý giải cho sự thất bại của phim là khâu quảng bá kém cỏi khi phim không có quá nhiều thông tin trước khi ra rạp và thời điểm ra mắt không phù hợp (Mỹ nhân ra rạp chỉ sau đó vài ngày của bộ phim đình đám Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được khán giả yêu mến và ủng hộ nồng nhiệt).

Tạm kết

Bước sang năm 2016, thị trường phim Việt hứa hẹn sẽ tiếp tục "tung hoành" màn bạc với rất nhiều tác phẩm "xếp hàng" ra mắt khán giả. Và với những thành công lẫn thất bại của phim Việt trong năm qua, phần nào cũng đánh giá được thị hiếu và sở thích cũng như tầm nhìn của khán giả dành cho phim Việt cũng dần thay đổi. Đó sẽ là "kim chỉ nam" để các nhà sản xuất, đạo diễn đủ tỉnh táo để tìm tòi sáng tạo và cho ra mắt những tác phẩm chỉn chu hơn.

Vũ Minh

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất