Tại sao ‘Steve Jobs’ trở thành bom xịt tại phòng vé Bắc Mỹ?
Mở rộng quy mô trình chiếu từ 60 lên 2.493 cụm rạp từ 23/10, nhưng bộ phim xoay quanh người đồng sáng lập nên hãng Apple chỉ thu được vỏn vẹn 7,3 triệu USD sau ba ngày.
Năm 2014, khi Amy Pascal nhường lại dự án Steve Jobs cho Universal, người đứng đầu hãng Sony Pictures lo ngại rằng bà đã để vuột mất một “Citizen Kane của thế kỷ 21”. Pascal cho rằng kịch bản của bộ phim xoay quanh người đồng sáng lập nên hãng Apple là rất tuyệt vời, nhưng khả năng thương mại của nó thì không hề cao, nhất là bởi bà không tìm kiếm được ngôi sao hạng A cho dự án sau khi Leonardo DiCaprio và Christian Bale lần lượt từ chối hóa thân thành Steve Jobs.
Rốt cuộc, trong lúc còn chưa nguôi ngoai khỏi những thất bại của After Earth và White House Down một năm trước đó, Amy Pascal quyết định để Steve Jobs đến với hãng phim đối phương.
Steve Jobs khởi chiếu rộng rãi từ 23/10 tại Bắc Mỹ. Song, phim không được công chúng đón nhận dù được giới phê bình điện ảnh "hậu thuẫn" mạnh mẽ. |
Đến tháng 10 năm nay, Pascal đã mất việc, còn Steve Jobs nhận được hàng tấn lời khen ngợi sau khi trình làng tại các liên hoan phim danh giá như Venice, Toronto hay Telluride, bất chấp gây ra vô số tranh cãi. Bộ phim đúng là rất xuất sắc, nhưng sự thận trọng xoay quanh tính thương mại của dự án đến từ người đứng đầu hãng Sony một năm trước đó đồng thời trở nên có lý.
Steve Jobs quá thông minh, quá lạnh lùng và quá đắt đỏ. Michael Fassebender, chàng trai mang hai dòng máu Đức - Ireland là người thay thế Christian Bale để sắm vai Jobs, không thể tạo ra được sức hút lôi kéo khán giả tới rạp.
Sau khi bộ phim được giới phê bình “hậu thuẫn”, hãng Universal quyết định phát hành Steve Jobs ở quy mô hạn chế trước và thu được thắng lợi vang dội. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi phim mở rộng quy mô trình chiếu, từ 60 lên 2.493 cụm rạp từ ngày 23/10.
Tác phẩm chỉ thu được vỏn vẹn 7,3 triệu USD sau ba ngày, nhiều hơn một chút so với mức 6,7 triệu USD của Jobs, một bộ phim khác cũng xoay quanh Steve Jobs của Ashton Kutcher và từng bị giới phê bình chê bai cách đây hai năm. Hồi giữa tuần trước, giới quan sát còn tự tin cho rằng Steve Jobs của Universal và Michael Fassbender có thể thu tới 19 triệu USD, giành ngôi đầu phòng vé Bắc Mỹ. Vậy thì rốt cuộc điều gì đã xảy ra?
Lúc này, Universal vẫn tin rằng Steve Jobs có thể thay đổi tình thế. Các nhà sản xuất cho rằng điểm A- theo điều tra của Cinema Score cho thấy hiệu ứng truyền miệng dành cho bộ phim sẽ rất tích cực. Nếu như Steve Jobs trụ rạp được cho tới khi các giải thưởng Quả cầu vàng và Oscar công bố đề cử, nó hoàn toàn có cơ hội gỡ gạc.
Giới phân tích phòng vé thì khá bi quan và nghĩ rằng Steve Jobs không thể có lãi. Bộ phim tiêu tốn 30 triệu USD kinh phí sản xuất và ít nhấtmột khoản tương tự để quảng bá. Như thế tức là nó cần thu ít nhất 120 triệu USD nếu muốn thu hồi vốn.
Mang nặng tính hội thoại, lại không có ngôi sao hạng A, cơ hội dành cho Steve Jobs chỉ đến từ chính quê nhà Bắc Mỹ và Universal khó lòng có thể mong chờ điều gì từ các thị trường quốc tế. Thế mà giờ đây, phim mới chỉ thu được khoảng 10 triệu USD (tính cả hai tuần trình chiếu ở quy mô hạn chế).
Steve Jobs được so sánh nhiều với The Social Network (2010). Nhưng hóa ra, đó là một phép so sánh sai lầm. |
Trước giờ Steve Jobs ra rạp, có rất nhiều người so sánh bộ phim với The Social Network - tác phẩm kể lại sự ra đời của mạng xã hội Facebook và một phần cuộc đời Mark Zuckerberg. Cả hai đều xoay quanh những nhân vật đình đám trong làng công nghệ và đến từ nhà biên kịch nổi tiếng Aaron Sorkin. Cách đây 5 năm, The Social Network mở màn ở mức 22,4 triệu USD và sau đó thu tới gần 225 triệu USD toàn cầu.
Nhưng nết xem xét kỹ lưỡng, phép so sánh ấy hoàn toàn có vấn đề. The Social Network hưởng lợi bởi trước khi bộ phim trình làng, Facebook mới chỉ đang bắt đầu mở rộng tầm ảnh hưởng. Khi mạng xã hội đạt đến sự phổ biến nhất định, người ta vẫn chưa biết nhiều đến câu chuyện và những con người phía sau nó. Tất cả tò mò muốn tìm hiểu xem Mark Zuckerberg là ai và từ đâu mà anh ta có thể tạo ra được Facebook.
Ngược lại, Steve Jobs là một nhân vật đã được khai thác qua rất nhiều phương tiện khác nhau, từ sách vở cho đến phim ảnh, vẫn được báo chí khai thác và nhắc đến mỗi tuần. Sau khi ông qua đời năm 2011, người ta được thưởng thức tới ba bộ phim tài liệu và hai bộ phim điện ảnh (tính cả Steve Jobs năm nay) về nhân vật. Ông giờ không còn là một gương mặt xa lạ và gây tò mò đối với công chúng nữa.
Không ai phủ nhận tài năng của Michael Fassbender. Nhưng anh chưa phải là "cỗ máy kiếm tiền" hiệu quả tại phòng vé. |
Michael Fassbender nhận được nhiều lời khen ngợi khi sắm vai Steve Jobs và một trong năm đề cử của hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc tại Oscar năm nay dường như đã có chủ. Nhưng xét trên góc độ thương mại, ngoại trừ vai diễn Magneto thời trẻ tuổi trong series X-Men, anh chưa để lại dấu ấn nào nổi trội. Rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ sau khi Universal công bố Michael Fassbender sẽ là người sắm vai ông trùm Apple. Nếu đó vẫn là DiCaprio hay Bale, mọi chuyện có lẽ đã sáng sủa hơn vào lúc này.
Chưa kể, Steve Jobs còn chọn thời điểm không thích hợp để mở rộng quy mô trình chiếu. Bộ phim nhắm đến đối tượng khán giả lớn tuổi, nhưng hãy nhìn xem, Bridge of Spies của Steven Spielberg, The Intern của Nancy Meyers, Sicario của Denis Villeneuve, hay Black Mass có sự tham gia của Johnny Depp... Tập đối tượng ấy có quá nhiều lựa chọn khi đến rạp lúc này.
Steve Jobs đem đến cho khán giả những lát cắt cuộc đời của người đồng sáng lập Apple thông qua những sự kiện (chủ yếu là hư cấu) diễn ra ngay trước khi ông trình làng ba sản phẩm máy tính mới là Macintosh, NeXTcube và iMac.
Một điểm nhấn của bộ phim là mối quan hệ giữa Jobs và Lisa - cô con gái mà ông từ chối trong suốt nhiều năm trời. Steve Jobs có thể là một con người xuất chúng trong lĩnh vực công nghệ, hay nói chính xác hơn là marketing, nhưng cũng có những “khiếm khuyết” như bao người khác, giống như lời nhân vật thú nhận ở gần cuối phim. Nhưng chi tiết Steve Jobs từ chối con gái bất chấp sự thật hiển nhiên có thể khiến bộ phim không tìm kiếm được sự đồng cảm của khán giả trong quá trình quảng bá.
Sau một mùa hè gặt hái thắng lợi vang dội cùng Jurassic World hay Minions, Universal hẳn không quá bận tâm nếu như Steve Jobs có thất bại thảm hại. Nhưng với Sony, đó hẳn là một câu chuyện khác.
Amy Pascal là người phải chịu trách nhiệm khi để Sony Pictures rơi xuống thứ năm trong cuộc đua phòng vé năm nay và có một mùa hè tệ hại chưa từng thấy. Bà có lỗi khi “bật đèn xanh” cho những dự án như Aloha hay Pixels, khi loay hoay không tìm được cách khai thác hiệu quả thương hiệu Spider-Man, hay như khi để Seth Rogen giết chết Kim Jong Un trên màn ảnh và gây ra cuộc tranh cãi bất tận xung quanh The Interview, khiến Sony bị các hacker tấn công và thiệt hại hàng triệu USD.
Nhưng với Steve Jobs, Amy Pascal đã đúng. Đó là một bộ phim xuất sắc, nhưng là một phi vụ làm ăn tồi. Nó đồng thời phản ánh một sự thật đáng buồn khác tại Hollywood ngày nay: chất lượng không thể đảm bảo cho doanh thu.
Video được xem nhiều nhất