"Spy" – Câu chuyện "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" muôn thuở
Ra mắt trong tháng phim hè 2015, bộ phim “toàn sao” này là một câu chuyện hài hước không hồi kết.
Người hâm mộ điện ảnh nói chung và người hâm mộ thể loại kinh dị chắc hẳn còn nhớ vào năm 2012 họ đã được thưởng thức Into the Wood – một bộ phim được giới phê bình nhận xét là đã “bóc mẽ” toàn bộ các chiêu trò của thể loại phim kinh dị trong nhiều thập niên qua. Trong năm 2015 này, họ sẽ tiếp tục được thưởng thức một bộ phim giống như vậy, tuy nhiên không phải thể loại kinh dị, mà là hành động – hài với tên gọi Spy (tên tiếng Việt Quý bà điệp viên). Đây là bộ phim hứa hẹn sẽ chỉ ra cho bạn tất cả những điểm “hào nhoáng một cách không cần thiết” trong cách mà các điệp viên xuất hiện và hoàn thành vai diễn anh hùng của họ.
Poster phim
Susan Cooper (do Melissa McCarthy thủ vai) là một điệp viên hoạt động cho CIA. Tuy nhiên công việc hằng ngày của cô chỉ là hỗ trợ từ hậu phương cho Fine – một điệp viên hào hoa phong nhã, từng là thầy của cô, và thậm chí là người mà cô thầm ngưỡng mộ. Một ngày “đẹp trời” nọ, khi đang tiến hành nhiệm vụ ám sát Raina Boyanov – con gái của trùm vũ khí khét tiếng, người thừa hưởng toàn bộ sự nghiệp của cha mình sau khi ông ta chết đi, Fine bị hạ sát. Kèm theo cái chết của Fine là thông tin động trời tiết lộ việc tất cả những điệp viện hoạt động trên chiến trường giống anh ta đều đã bị lộ. Và thế là không còn cách nào khác, Susan Cooper - "cô béo" luôn ngồi trong căn hầm chỉ huy đầy dơi và chuột chính thức lên đường thực chiến.
Làm thế nào mà một câu chuyện như vậy đủ sức “nắn lưng” cả một dòng phim điệp viên mà rất nhiều tựa phim trong đó thậm chí còn được liệt vào hàng siêu phẩm? Cùng nhớ lại nhé, ngay từ khi trailer bộ phim ra mắt, khán giả hẳn đã cười lăn lộn khi thấy cảnh điệp viên Fine (do Jude Law thủ vai) vô tình bắn lủng đầu nghi phạm chỉ vì anh này đột ngột hắt xì hơi. Lý do của cái hắt xì hơi là dị ứng đám phấn hoa tràn ngập căn phòng mà anh ta bước vào.
Điệp viên, bị dị ứng phấn hoa? Cũng có thể lắm chứ. Dù gì anh ta cũng là người mà.
Vai diễn playboy bóng bẩy của Jude Law
Tất nhiên Spy không chỉ chọc cười khán giả bằng câu chuyện dị ứng phấn hoa ấy, bộ phim còn kể về nhiều thứ thú vị hơn thế, những thứ có thể khiến nhiều người trong số chúng ta giật mình về cách hằng ngày chúng ta đối xử với những người xung quanh.
Một điệp viên ư? Trên chiến trường họ là một tay lão luyện, trong các vỏ bọc của mình, họ là những người đàn ông lịch lãm hay các quý cô với thân hình bốc lửa, mọi cử chỉ, hành động hay suy nghĩ của họ đều tinh tế, nhanh gọn và khéo léo. Thế nhưng anh chàng Fine bóng bẩy trong bộ suit thực ra chỉ là một gã đàn ông với sự tinh tế tiệm cận đáy mức trung bình, Rick Ford (do Jason Statham thủ vai) – gã điệp viên mắc chứng “ảo tưởng sức mạnh” lại là một ví dụ tiêu biểu nhất cho sự thô thiển và tình trạng bất bình đẳng giới. Nhân vật cuối cùng trong dàn điệp viên chả giống ai ấy là Susan Cooper – người phụ nữ với tấm lòng nhân hậu, đầy đủ năng lực, quyết tâm và trách nhiệm để hoàn thành tất cả mọi nhiệm vụ, trừ việc cô có thân hình của một cái bánh donut.
Bộ ba thảm họa Fine – Ford – Cooper này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho câu “đời không như là mơ”. Và điều bất ngờ nhất là gì? Là họ lại làm nên việc lớn, ngăn cản được âm mưu hủy diệt thế giới của kẻ phản diện. Họ làm nên việc, mà chả cần tới những cái bóng bẩy về ngoại hình hay vũ khí tối tân. Và hẳn là đã từ rất lâu rồi, khán giả mới lại được xem một bộ phim hành động mà trong đó các khẩu súng liên tục… hết đạn.
Bộ ba diễn viên chính trên thảm đỏ
Trên đà “đá xoáy” nhiệt tình những tình tiết hư cấu có phần quá đáng thường thấy trong các bộ phim điệp viên, Spy tiếp tục gửi đến khán giả thông điệp về tình trạng phân biệt đối xử vẫn hàng ngày hàng giờ xảy ra ở bất kì đâu.
Susan Cooper là một quý cô béo tròn phúc hậu luôn phải chịu cái nhìn thiếu thiện cảm từ mọi phía hướng vào mình. Tuy không phải ai cũng nói ra miệng, nhưng rõ ràng họ không đánh giá cao cô vì ngoại hình của mình. Susan có thể làm tất cả mọi thứ, cô có kĩ năng chiến đấu, cô phân tích và giải quyết thông tin hiệu quả, cô nhân hậu và luôn giúp đỡ mọi người… cô có tất cả, trừ một thân hình bốc lửa “đúng chuẩn điệp viên”.
Susan trong lốt nguỵ trang “dở hơi vô đối” của mình
Thế nhưng vượt qua những phớt lờ, những phân biệt đối xử, những lời xúc phạm đến ngoại hình của mình, Susan vẫn dấn những bước tự tin về phía trước, cô yêu bản thân mình, yêu công việc của mình, và chứng minh được rằng không cần đến ngoại hình, cô vẫn có thể làm tốt nó. Trong suốt bộ phim, không có một khoảnh khắc nào người xem phải nhìn thấy ánh mắt tự ti của Susan trước một rừng các cô gái xinh đẹp với thân hình bốc lửa, chỉ có một điệp viên ngầm Susan với sức mạnh tinh thần lấn át tất cả những quý cô bóng bẩy ấy. Susan là sức mạnh của bộ phim, và cũng là điều tạo nên tính hài hước duyên dáng của nó – điều rõ ràng không thể phủ nhận.
Tuy bộ phim có một kết cấu khá dễ đoán, đôi tình tiết bị đẩy lên một cách quá nhanh hay cốt truyện còn lỗ hổng… nhưng mặc kệ đi, phim hài mà. Sự xuất sắc của bộ phim xứng đáng để người ta quên đi những hạt sạn ấy.
Sau “Crank”, lâu lắm rồi khán giả mới thấy Statham “khùng” như thế
Không chỉ đơn thuần là câu nói: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, câu chuyện của Susan cũng đồng thời cho thấy góc nhìn khác biệt trong các bộ phim về đề tài này. Trong 100 Pounds Beauty của Hàn Quốc hay Love on a Diet của Hong Kong, các nhân vật chính với thân hình quá “đẫy đà” luôn có xu hướng tự ti, trầm cảm về ngoại hình của mình, họ lo sợ ánh mắt của những người xung quanh và tìm mọi cách để thoát khỏi hình ảnh đầy mỡ thừa ấy. Tuy kết thúc của các bộ phim luôn là nhân vật nhận ra điều quan trọng nhất là họ nghĩ gì chứ không phải họ nhìn trông ra sao, nhưng những cái tôi trong đó đều dường như quá yếu ớt để có thể cất tiếng “Tôi yêu bản thân mình”.
Tất nhiên vẫn có những cách biệt về bối cảnh và nền tảng văn hóa khi đem so sánh các bộ phim với nhau, nhưng với Spy, thông điệp thực sự đã quá rõ ràng: Chuyện béo gầy chẳng bao giờ là quan trọng khi đánh giá một con người. Điều quan trọng chính là thứ đang diễn ra sâu bên trong tâm hồn họ. Một tâm hồn đẹp chứ không thứ gì khác mới chính là thứ quyết định phẩm giá một con người.
Video được xem nhiều nhất