‘Sóng tử thần’ - Phim thảm họa sóng thần đến từ Bắc Âu
“The Wave” đặt người xem vào tình huống khi cơn sóng thần khủng khiếp ập tới và bạn chỉ có đúng 10 phút để có thể thoát thân.
Những bộ phim mang đề tài thảm họa thiên nhiên vốn là món ăn quen thuộc đối với các tín đồ điện ảnh. Mỗi năm, Hollywood sản xuất ra vài ba bộ phim thuộc dòng thể loại ấy, sở hữu công thức na ná nhau mà vẫn có thể thu lợi, như Into the Storm (2014), Godzilla (2014) hay mới đây là San Andreas (2015).
Nhưng đối với nền điện ảnh Na Uy, The Wave là phim về thảm họa đầu tiên, dựa trên một câu chuyện có thật và không hề xa lạ với người dân quốc gia Bắc Âu.
Bộ phim The Wave đến từ Na Uy, nền điện ảnh còn khá xa lạ với khán giả Việt Nam. |
Chuyện phim của The Wave lấy bối cảnh tại Geiranger, thị trấn nhỏ nằm khép mình dưới chân núi Akerneset. Nơi đây là niềm tự hào về du lịch của Na Uy, thu hút nhiều du khách quốc tế và từng được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2005. Tuy nhiên, ẩn dưới vẻ đẹp khó có thể chối cãi của thiên nhiên là khả năng xảy ra thảm họa tàn khốc.
Geiranger bị dự đoán là có nguy cơ xói mòn và việc sát lở núi có thể gây ra sóng thần cực lớn, quét sạch thị trấn trong vỏn vẹn 10 phút. Với niềm say mê những bộ phim thảm họa thiên nhiên của Hollywood, đạo diễn Roar Uthaug quyết định biến tất cả dự đoán ấy trở thành sự thật trên màn ảnh
Nhân vật chính của bộ phim là Kristian (Kristoffer Joner), một nhà địa chất sinh sống ở Geiranger. Công việc chính của anh là theo dõi và phân tích tình trạng xói mòn nơi đây. Năm 1905, thảm họa từng xảy ra tại thị trấn và cướp đi sinh mạng hàng chục con người vô tội. Kristian là người đầu tiên phát hiện ra những điểm đáng ngờ và cho rằng lịch sử rất có thể sẽ lặp lại.
|
The Wave khá tương đồng với The Impossible (2012), khi chỉ mượn đề tài thảm họa thiên nhiên để nói lên chuyện con người. |
Nhưng mọi người không tin anh. Nên dù rất say mê công việc, Kristian quyết định chuyển về thành phố để làm việc cho một công ty dầu mỏ, chăm lo tài chính cho gia đình gồm vợ và hai con. Giá như anh quyết định sớm hơn một chút nữa, cả gia đình Kristian đã tránh được thảm họa chết người.
Những ai trông đợi The Wave sẽ giống như các bom tấn đề tài thảm họa Hollywood hẳn sẽ thất vọng. Tác phẩm không có nhiều cảnh hành động dồn dập, gây cấn, hay những trường đoạn sử dụng kỹ xảo để đánh mạnh vào thị giác người xem. Thay vào đó, phim giống như một tác phẩm chính kịch, mượn chuyện thiên nhiên để nói về con người.
Về cốt truyện, kịch bản The Wave có nhiểu điềm tương đồng với The Impossible (2012) khi cùng chọn đề tài thảm họa sóng thần để đề cao tình cảm gia đình. Đạo diễn Roar Uthaug xử lý câu chuyện như một quả bom nổ chậm và chỉ cho “phát nổ” ở giữa phim, bẽ gãy câu chuyện thành hai mảnh đối lập: trước và sau cơn địa chấn.
Ở đầu phim, anh tập trung vào câu chuyện gia đình và công việc của Kristian. Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu Roar Uthaug không dụng công lựa chọn những góc máy đẹp, chuẩn xác, phô bày toàn bộ vẻ đẹp của vùng núi Åkerneset. Những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng ẩn hiện phía xa, xen giữa bầu trời bồng bềnh mây, nằm la đà trên mặt nước biển xanh rờn sóng vỗ.
Cách kể chuyện củaThe Wave còn khá an toàn và chưa có được dấu ấn riêng. |
Sự tĩnh lặng của thiên nhiên hoàn toàn trái ngược với tâm trạng bất ổn của nhóm nhân vật trong phim, tạo ra sức ép không nhỏ để “cú nổ” diễn ra thành công. Khi tiếng còi báo động vang lên khắp vùng Geiranger, thì cũng là lúc cơn ác mộng ập đến, đúng như lời dự báo ở đầu phim rằng: “Tất cả chỉ là vấn đề thời gian”.
Tuy nhiên, The Wave có lẽ sẽ hay hơn nếu như Roar Uthaug tìm cách né tránh những lối mòn quen thuộc trong các bộ phim đề tài thảm họa của Hollywood. Anh lựa chọn cách kể chuyện an toàn, và sự đơn điệu trong đường dây kịch bản cùng những tình tiết dễ đoán, khiến cái kết của bộ phim trở nên không quá bất ngờ.
Dẫu vậy, The Wave vẫn có vài cảnh khiến người xem sững sờ, khi đạo diễn đặt nhân vật vào những tình huống rất “bản năng”. Chẳng hạn như một nhân vật trong phim, khi đang tìm cách vật lộn với tử thần, đã ra tay sát hại chính người ân nhân mới cứu mạng mình.
The Wave đến từ Na Uy, nền điện ảnh còn khá xa lạ với khán giả Việt Nam. Chỉ có kinh phí chưa đầy 7 triệu USD, Roar Uthaug có thể tự hào khi thực hiện được một bộ phim không kém cạnh Hollywood là bao. Đây cũng là tác phẩm được quốc gia Bắc Âu chọn tham gia tranh giải Oscar 2016 tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.
The Wave (Sóng tử thần) khởi chiếu trên toàn quốc từ 4/12.
Zing.vn đánh giá: 3/5
Video được xem nhiều nhất