Phim tài liệu “Lửa Thiện Nhân”: Xúc động tận tâm can
Biết là mua vé vào xem phim chỉ để... được khóc, vậy mà nhiều người vẫn quyết tâm xem bằng được bộ phim này.
Khán giả đã phải đặt mua vé từ trước mới có cơ hội để được xem bộ phim tài liệu “Lửa Thiện Nhân” bởi phòng chiếu rạp Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) quá nhỏ. Biết là mua vé vào xem phim chỉ để... được khóc, vậy mà nhiều người vẫn quyết tâm xem bằng được bộ phim này.
Xúc động tận tâm can
Không ai ngờ khi “Lửa Thiện Nhân” ra mắt khán giả lần đầu tiên tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM hôm 15.10 vừa qua, nó lại được đón nhận nồng nhiệt đến thế. Có khán giả xem xong bộ phim này rồi lại quay trở lại lần nữa để mua vé xem cùng các con của mình.
Chị Lâm Thu Hiền ở đường Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Lâu lắm rồi tôi mới thấy Việt Nam có môt bộ phim tài liệu hay đến như thế, hay hơn mọi bộ phim truyện khác nếu nó được làm về đề tài này. Bởi là phim tài liệu nên “Lửa Thiện Nhân” có độ chân thực khiến mọi trái tim rung động. Tôi quyết định phải cho các con mình xem bằng được, để chúng lớn lên hơn sau khi chứng kiến câu chuyện này”.
Chị Mai Anh và bé Thiện Nhân (hàng đầu) cùng bạn bè em trong buổi công chiếu bộ phim “Lửa Thiện Nhân” tại Hà Nội ngày 15.10 (Ảnh: Hồng Giang)
Có lẽ không ai chưa từng nghe câu chuyện về Thiện Nhân - chú bé quê huyện Núi Thành (Quảng Nam), khi mới sinh ra năm 2006 đã bị mẹ bỏ lại trong rừng và bị thú rừng tấn công, mất 1 chân cùng bộ phận sinh dục. Nhưng bé đã vượt qua nỗi đau ấy để tiếp tục chiến đấu với số phận. Khi 16 tháng tuổi, bé được chị Mai Anh - Biên tập viên Tạp chí Heritage nhận về nuôi, từ đó 2 mẹ con đã bước vào một cuộc sống mới.
Đã có rất nhiều bài báo viết về câu chuyện của chị Mai Anh - một người phụ nữ bé nhỏ với quyết định đã từng bị nhiều người đánh giá là “điên khùng” khi nhận nuôi một đứa bé với quá nhiều nỗi đau trên cơ thể. Tuy nhiên, bộ phim tài liệu “Lửa Thiện Nhân” với sức mạnh của hình ảnh, âm thanh và một kịch bản được xây dựng sống động, chân thực lại đưa đến một câu chuyện khác. Câu chuyện của người trong cuộc. Xem phim, khán giả càng đồng cảm hơn với 2 mẹ con Mai Anh - Thiện Nhân, hiểu và yêu mến, khâm phục, ngưỡng mộ họ hơn.
Nếu gọi chị Mai Anh là “Bồ Tát giữa đời thường” có lẽ cũng không quá lời. Bản thân đã có 2 đứa con, với một người mẹ bình thường, chỉ việc quan tâm, chăm sóc 2 cậu con trai đó thôi đã là quá sức, thế nhưng chị vẫn dang tay đón nhận bé Thiện Nhân về nhà mình.
Suốt từ năm 2008 - thời điểm chị nhận nuôi bé, toàn bộ tâm trí, công sức và trái tim chị đã dành cho bé, bao nhiêu cuộc phẫu thuật đã trải qua để đưa bé về gần hơn với cuộc sống bình thường, tiền nong, công sức… có lẽ đã cao như một ngọn núi. Thế mà người phụ nữ bé nhỏ ấy cũng đã vượt qua, để rồi cuối cùng, điều quý giá nhất mà chị nhận được là khoảnh khắc khi lơ mơ tỉnh dậy sau một cuộc đại phẫu, bé Thiện Nhân đã bảo chị: “Sau này lớn lên con sẽ chăm sóc mẹ nhé”.
Đó chính là một trong rất nhiều khoảnh khắc khiến trái tim của khán giả rung động đến tận cùng sâu thẳm và chảy tràn nước mắt. Khoảnh khắc khiến chúng ta có được niềm tin xác tín hơn vào tình người.
Tình người lan tỏa
Tại sao “Lửa Thiện Nhân” lại được đông đảo công chúng đón nhận như thế? Câu hỏi này có lẽ rất cần lời giải đáp được đưa ra bởi chính những khán giả của bộ phim này. Anh Đức Hiền - một khán giả ở đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) bày tỏ sự xúc động: “Tôi là nam giới mà đã thực sự mủi lòng với bộ phim này và nhiều lần thấy nước mắt rơi trên mặt mình từ lúc nào. Tôi nghĩ bộ phim nên được chiếu ở tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc, bởi điều đó tốt cho khán giả.
Xem bộ phim này, chúng ta sẽ có niềm tin vào tình người, sự tử tế của những tấm lòng cao cả của những người đã ở bên Thiện Nhân và chị Mai Anh. Họ từ Mỹ, Anh, Italia… dù quốc tịch, màu da, tiếng nói khác nhau nhưng họ cùng có chung một điều, đó là tấm lòng cao cả. Đó mới là điều đẹp nhất gắn bó con người”.
Trong hoàn cảnh mỗi ngày mở báo ra, chúng ta lại đọc được những tin tức rùng mình về cái ác, cái xấu xa thì đúng là “Lửa Thiện Nhân” như một dòng suối mát, thanh trong có tác dụng xoa dịu và chữa lành mọi nỗi đau. Từ câu chuyện của bé Thiện Nhân, đã có hàng trăm đứa trẻ bị dị tật ở bộ phận sinh dục trên khắp đất nước Việt Nam được khám và chữa lành nỗi đau.
Từ sau khi chữa lành cho Thiện Nhân, vị bác sĩ người Italia đã tình nguyện sang Việt Nam hàng chục lần, phẫu thuật miễn phí cho hơn 90 đứa trẻ khác và con số này sẽ còn tăng lên trong tương lai. Có thể gọi ông như một “ông Phật sống”, người đã bỏ lại những giờ phẫu thuật đáng giá hàng chục ngàn Euro ở nước mình để đến phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo Việt Nam, mang lại hạnh phúc cho hàng trăm gia đình.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ: “Tôi từng không dám đọc hết mẩu tin nói về tai nạn của bé Thiện Nhân khi cháu mới sinh ra, nhưng đã từng đọc không sót một chữ nào của bài báo nói về chuyện chị Mai Anh nhận nuôi cháu. Thôi thúc trong lòng tôi một câu hỏi, tại sao người phụ nữ nhỏ bé ấy lại quyết định nhận nuôi cháu, và nhờ vậy mà đã có bộ phim này.
Suốt 3 năm từ 2011 đến 2014, tôi là ê kíp làm phim đã nhặt nhạnh từng viên gạch của lòng nhân ái để làm nên bộ phim này, chúng tôi muốn mang câu chuyện về sự tử tế này đến với mọi người. Trong thời đại của chúng ta, đó là một câu chuyện cổ tích có thật và xứng đáng được chia sẻ, lan rộng”.
Video được xem nhiều nhất