Phim tài liệu chiếu rạp bùng nổ - Lạ!

8showbiz - 11/11/2015, 15:31

Thực tế hiện nay cho thấy, những bộ phim giải trí thương mại trong và ngoài nước với sự tham gia của nhiều diễn viên, ngôi sao nổi tiếng... “đổ bộ” và thống trị các rạp chiếu phim trên cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, một số bộ phim tài liệu “made in Việt Nam” đem ra chiếu rạp đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, gây nên hiện tượng “cháy vé”.

Phim giải trí đôi khi chỉ là cái “mác”
 
Tâm lý chung của nhiều khán giả (chủ yếu người trẻ) hiện nay vẫn thường đến rạp chiếu phim để đón xem những bộ phim được mua bản quyền từ nước ngoài hoặc do các nhà làm phim trong nước sản xuất. Phim chiếu rạp chủ yếu thể loại hình sự, kinh dị, hài hước, khoa học viễn tưởng... có sự tham gia của các ngôi sao điện ảnh tên tuổi đến từ Hollywood (phim nhập khẩu) và các nghệ sĩ, ca sĩ, hot boy, hot girl (phim Việt Nam). Tuy nhiên, nhiều khi dòng phim thương mại trong nước, truyền thông, quảng bá một đường còn khi phim đến khán giả thì nội dung một nẻo như kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Đó là chưa kể, một số phim Việt chiếu rạp thời gian qua được xếp vào hàng thảm họa, nhảm nhí...tạo cảm giác hụt hẫng, ức chế cho người xem.
 
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng – phim tài liệu chiếu rạp từng tạo cơn sốt phòng vé trên khắp cả nước.
 
Chẳng hạn năm vừa rồi, phim Mất xác, trước công chiếu, nhà sản xuất trưng poster với hình ảnh nam diễn viên Hoàng Phúc cầm dao vượt quá đầu, chuẩn bị bổ xuống trong nét mặt rất hung bạo. Bên dưới là dòng chữ “không vớt được xác, không thể kết tội giết người”, cố gợi cho khán giả đây là phim liên quan đến vụ thẩm mỹ viện từng gây chấn động dư luận. Nhưng đáng nói, khi Mất xác chính thức công chiếu, khán giả mới té ngửa hóa ra mọi thứ chỉ là quảng cáo. Nhiều khán giả xem xong bộ phim này còn “cười trừ” khi phim chẳng nói lên điều gì được gọi là rùng rợn hay kinh dị. Ở bộ phim này, người xem nhận ra nội dung rất nhàm chán bởi chỉ là câu chuyện bi kịch nói về số phận hai mẹ con trong mối quan hệ luyến ái với hai cha con, bị ngăn trở bởi truyền thống “môn đăng hộ đối” và hiểu lầm về huyết thống.
 
Tiếp nữa là phim Cưới chạy từng làm khán giả ùn ùn kéo nhau đến rạp xem vì phim có sự tham gia độc quyền của danh hài Việt Hương, Chí Tài. Nhưng sau khi xem xong Cưới chạy thì khán giả cũng... chạy bạt vía vì sự nhảm nhí. Phim này đã cài đặt một tình huống éo le: hai vợ chồng phú ông miền quê vì muốn tăng sức ép lên đứa con gái đầu chưa chịu đi lấy chồng, bèn tung tin đứa em gái của cô lỡ “dính bầu” nên phải cưới gấp. Cô chị vội thuê ngay một anh chàng mà cô nghĩ là “gay” về ra mắt, trong khi cô em “dính bầu” thật. Các diễn viên trong phim thì nhảy tưng tưng, múa võ, nhíu mày, nhăn mặt... hết sức gượng gạo để chọc cười khán giả chứ chẳng liên quan gì đến nội dung muốn truyền tải.
 
Vì sao phim tài liệu gây “sốt”?
 
Hiện nay ở nước ta có một nghịch lý là phim tài liệu thường ít được đem ra chiếu rạp như phim thương mại giải trí, vì phim tài liệu vẫn được xem là thể loại... cứng nhắc, khô khan, kém hấp dẫn do đó kén khán giả. Thế nhưng, như đã nói, nhiều phim thương mại ở trên chỉ được lớp vỏ chứ “ruột” thì rỗng. Trong khi đó, một số phim tài liệu gần đây đem ra chiếu rạp, dù chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng bên trong lại có “chất” tư tưởng, nghệ thuật và tính nhân văn.
 
Từ giữa tháng 10 đến thời điểm hiện tại, bộ phim tài liệu Lửa Thiện Nhân kể về cậu bé Thiện Nhân từng chịu nỗi đau tột cùng ngay khi vừa sinh ra đã bị bỏ rơi, cơ thể đầy kiến bu, thú vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục (được phát hiện năm 2006 khiến dư luận rúng động). Toàn bộ nội dung bộ phim này đã truyền đi thông điệp về tình thương yêu của con người với nhau, sự sẻ chia để giúp con người vượt qua những khổ đau, mất mát về mặt tinh thần và thể xác. Phim tài liệu này đã dấy lên tinh thần nhân văn cao đẹp, bộ phim đã và đang tạo nên cơn sốt phòng vé tại TP.Hồ Chí Minh sau khi kết thúc đợt công chiếu ở Hà Nội (rạp Ngọc Khánh) gần đây với hầu hết các suất chiếu đều kín khán giả, nhiều khi quá tải khán giả còn phải ngồi... ghế nhựa để xem. Có chuyên gia điện ảnh nhận định, chưa bao giờ thấy một bộ phim tài liệu nào khi chiếu rạp lại tạo ra hiện tượng “cháy vé” như thế.
 
Trước Lửa Thiện Nhân, cuối năm ngoái và đầu năm nay, phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm đã được đem ra chiếu rạp trên cả nước và bộ phim này cũng để lại nhiều ấn tượng. Những buổi chiếu của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh vẫn kín khán giả. Tại Hà Nội, ban đầu nhà phát hành phim chỉ có ý định bán 3.500 vé vì sợ không có ai xem, nhưng sau đó đã tăng lên 5.000 vé vì chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công chúng.
 
Riêng tại TP.Hồ Chí Minh, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng với 30 suất chiếu, phát hành tất cả 10.000 vé nhưng cũng đều hết nhẵn. Bộ phim tài liệu này được công chúng đón nhận vì làm theo phong cách phim tài liệu trực tiếp, đạo diễn đã theo đoàn hội chợ của những người chuyển giới suốt 6 tháng để quay lại những thước phim chân thật nhất. Phim không kịch bản, không lời bình, nhưng hình ảnh và âm thanh chân thật về những con người thuộc giới tính thứ ba đã làm lay động trái tim khán giả, chạm đến mạch nguồn cảm xúc của người xem khiến tất cả phải động lòng suy nghĩ và trăn trở...
 
Có người cho rằng, nên chăng chúng ta hãy mạnh dạn đem phim tài liệu ra chiếu rạp nếu tác phẩm đó thật sự có giá trị, thay vì khán giả có lúc “nuốt” không trôi một số bộ phim “mì ăn liền” có nội dung nhảm nhí, nhạt nhẽo, vô bổ... như đã xảy ra thời gian qua?!
 
Theo Hoa Quỳnh/Sức Khỏe Đời Sống

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất