Phim lịch sử mềm mại hơn với mỹ nhân
Lịch sử thường lưu danh những người đàn ông, đấng quân vương, tướng lĩnh, có công với nhân dân, đất nước… Nhưng liệu có góc nào đó dành cho những người phụ nữ nhỏ bé đã sống và chết thật lặng lẽ giữa vòng xoáy tranh quyền đoạt vị?
Mỹ nhân – cách nhìn về lịch sử mềm mại và dễ cảm hơn
Xưa nay, phim lịch sử vẫn thường bị chê là “khô khan, giáo điều”. Tìm được một câu chuyện đủ hấp dẫn để khai thác, một kịch bản đủ hay để dựng phim đã khó, lại còn phải nghiên cứu tư liệu, dựng lại bối cảnh… muôn trùng khó khăn, tốn kém hơn nhiều so với những phim bình thường nhưng đổi lại thường là sự ghẻ lạnh của khán giả. Giữa rừng bom tấn trong và ngoài nước ra rạp mỗi tháng với nội dung hiện đại, giải trí, dàn diễn viên trẻ đẹp, quen mặt, phim lịch sử phải làm gì để thu hút sự chú ý của khán giả và kéo họ đến rạp để thưởng thức bộ phim mất khoảng thời gian dài gầy dựng? Đạo diễn Đinh Thái Thụy đã kể lại một giai đoạn đầy biến động và hào hùng của dân tộc nhưng với một cách hoàn toàn mới lạ và dễ gần hơn đó là lồng ghép vào câu chuyện số phận của hai mỹ nhân: Tống Thị và Thị Thừa. Cả hai nàng đều có thật và được ghi lại trong sử sách, nhưng ngoài những câu chữ vô hồn, ta gần như chưa bao giờ có cơ hội nhìn sâu vào nội tâm các nàng để hiểu, để cảm. Và Đinh Thái Thụy đã giúp chúng ta làm điều đó.
Thị Thừa do Hoa hậu dân tộc Triệu Thị Hà thủ vai đã hiện lên như một “nàng Kiều” xinh đẹp mà số phận nhiều oan trái. Gia cảnh khó khăn khiến nàng phải trở thành con hát mạt hạng kiếm tiền nuôi thân. Cũng nhờ điệu múa thanh thoát như loài hạc trắng mà nàng lọt vào mắt xanh của thái tử Nguyễn Phúc Tần. Đôi uyên ương trai tài gái sắc quyến luyến nhau không rời, yêu thương bằng cả trái tim nhưng ngờ đâu mối lương duyên này lại không được quần thần chúc phúc. Thân phận “xướng ca vô loài” cùng lời ong tiếng ve của thiên hạ đã khiến Phúc Tần phải đi tới một quyết định và để lại mối ân hận day dứt khôn nguôi trong lòng ngài cho tới tận lúc lìa đời.
Phải nói, dù là lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh nhưng có thể thấy Triệu Thị Hà đã rất cố gắng trong vai diễn này. Biểu cảm còn gượng gạo, động tác múa còn vụng về hay ngón tay gảy đàn còn chưa quen, nhưng người đẹp thực sự đã làm tròn vai của cô đào hát Thị Thừa số phận gian truân, khiến nhiều người phải rơi nước mắt.
“Bà mẹ hai con” Kim Hiền đã rất tốt khi thể hiện hình ảnh một người đàn bà đầy mưu toan, sắc sảo mà lả lơi, quyến rũ. Trong sách sử, Tống Thị thường được nhắc đến như mẫu phụ nữ xấu xa, lăng loàn nhưng “Mỹ Nhân” đã khai thác thêm khía cạnh khác của nàng: một người mẹ yêu thương và lo lắng cho tương lai của con đến nỗi không từ thủ đoạn nào để chiếm đoạt ngôi vị về cho con mình. Nếu xét từ khía cạnh ấy, những việc làm của Tống Thị trở nên dễ hiểu và dễ cảm thông hơn nhiều. Tống Thị là vai khó nhất trong dàn nhân vật vì sự phức tạp và đa chiều trong tính cách của nàng. Kim Hiền sẽ khiến cho khán giả phải tức giận cùng nàng, phải tò mò và khám phá chính bản thân của nàng.
Về phần Quách Ngọc Ngoan – nam chính của bộ phim, anh đã có nhiều tiến bộ nếu so với “Long thành cầm giả ca” năm nào. Khí thế uy dũng trên chiến trường, nét hiền lương đạo mạo khi lên ngôi vua hay vẻ đắm say dịu dàng khi ở bên người con gái mình yêu, rất nhiều sắc thái của Phúc Tần đã được Ngọc Ngoan lột tả. Tuy nhiên, Ngọc Ngoan vẫn chưa thể thể đẩy cảm xúc của mình lên cao trào và vẫn còn thu mình trong ngưỡng an toàn.
Mỹ Nhân – những điểm trừ đáng tiếc
Nhìn chung, “Mỹ Nhân” là một bộ phim lịch sử khá chỉnh chu, sạch sẽ, dàn diễn viên từ chính tới phụ hợp vai, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thậm chí cả cảnh nóng cũng được quay dưới góc độ nghệ thuật. Mặc dù đã đầu tư vào thiết kế để trang phục nhân vật thuần Việt hơn, nhưng sự sơ sài, cẩu thả ở những chi tiết nhỏ vẫn có thể thấy được và chưa có độ bắt mắt khi khán giả hiện giờ đã tiếp cận với rất nhiều phim cổ trang của Trung Quốc với phục trang khiến bao người mê đắm. Ngoài ra, lời thoại và lồng tiếng vẫn là “điểm yếu muôn thuở” của phim Việt. Thoại dài, sáo, lồng tiếng “kịch”, khô khan khiến cho phim bị hạn chế khi muốn tiếp cận đối tượng khán giả trẻ. Kỹ xảo ở tầm trung, chưa thể khiến người xem mãn nhãn hay hình dung trọn vẹn về một thời lịch sử hào hùng.
Kết:
Khác với những gì “Mỹ Nhân” được đánh giá trước ngày ra mắt, đây thực sự là bộ phim có chất lượng khá so với mặt bằng chung phim Việt hiện nay, đặc biệt là ở mảng cổ trang, chính sử. Phim sở hữu một số trường đoạn rất ấn tượng và giàu cảm xúc, tuy bị ảnh hưởng với một số hạn chế về mặt kỹ thuật xử lý. Rõ ràng, chúng ta cần có cái nhìn cởi mở và khoan dung hơn với một tác phẩm đang cố bứt phá, mở lối đi cho một thể loại phim rất khó làm. Nếu bạn là người tâm niệm “dân ta phải biết sử ta”, yêu thích và muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà, “Mỹ Nhân” sẽ là sự lựa chọn không tồi để bạn tới rạp vào tháng 11 này.
Video được xem nhiều nhất