Phim hài nhảm: Chiêu trò bạo, doanh thu cao!
Để được chú ý, nhiều phim điện ảnh Việt hiện nay còn "tranh thủ triệt để" những chiêu trò quảng bá, điển hình nhất là cảnh nóng hay tin đồn tình cảm.
Từ cảnh nóng tới phim giả tình thật
Bộ phim 49 Ngày vừa đón nhận tin vui đầu tiên sau 3 ngày công chiếu khi doanh thu của phim đạt mốc 15 tỷ đồng. Con số này hứa hẹn sẽ tăng lên rất nhiều lần, nhất là khi dịp nghỉ lễ 2/9 sắp đến gần.
Doanh thu của 49 Ngày khiến mọi người không quá bất ngờ bởi trong những ngày gần đây, đâu có bộ phim nào hot và được quan tâm hơn dự án phim này.
Có được thành tích này, chắc chắn công lớn nhất phải thuộc về Nhã Phương, Trường Giang – hai diễn viên chính trong phim đồng thời cũng là cặp đôi đang dính nghi án tình cảm, khiến dư luận xôn xao.
Trái với lẽ thường của giới showbiz, Trường Giang và Nhã Phương “mạnh dạn” nắm tay nhau tình tứ trong họp báo ra mắt phim rồi lại “mạnh dạn” trao nhau những cái hôn tình tứ trong mỗi lần đi ăn khuya thay vì cố gắng “che giấu” mối quan hệ như những ngôi sao khác vẫn làm.
Mặc kệ người ngoài cuộc đoán ra đoán vào, người trong cuộc vẫn úp mở: “Hình ảnh thì mọi người đã thấy trên báo hết rồi và mọi người hãy cứ tập trung vào phim 49 Ngày giúp mình đi” hay trên facebook, có bạn bình luận: ‘Vì họ là diễn viên, chắc gì họ đã yêu nhau’. Ở dưới có bạn khác trả lời: ‘Không họ yêu nhau đó, chứ ai mà rảnh đi diễn ngoài quán ăn’. Hai người đó nói đúng hết nên mình không nói nữa”.
Trường Giang trai chưa vợ, Nhã Phương gái chưa chồng có yêu nhau cũng là lẽ thường. Nhưng việc cặp đôi thắm thiết bên nhau rồi nói chuyện kiểu úp mở giữa lúc 49 Ngày vừa công chiếu lại khiến mọi thứ trở nên bất thường.
Bởi vậy, việc xuất hiện vô số ý kiến cho rằng “chuyện tình tin đồn” của Trường Giang, Nhã Phương thực chất chỉ để PR cho phim 49 Ngày âu cũng dễ hiểu. Nhất là khi mô típ này lại rất quen thuộc mỗi khi một bộ phim nào đó sắp được công chiếu.
Ngày bộ phim Thần tượng trình làng, hai diễn viên chính Hoàng Thùy Linh – Harry Lu cũng trở nên thân thiết, thậm chí gắn bó như hình với bóng trong mọi sự kiện.
Cách đây không lâu, Trương Ngọc Ánh và Kim Lý cũng tay trong tay xuất hiện khắp các sự kiện khi Hương Ga công chiếu. Thậm chí, cặp đôi còn không ngại khóa môi hay tình tứ trong những sự kiện quảng bá.
Tình cảm thắm thiết là thế, nhưng ngay sau khi phim kết thúc quảng bá, các cặp đôi trên đều nhanh chóng “đường ai nấy đi”.
Ngoài phim giả tình thật, còn một chiêu thức khác để các nhà làm phim Việt thu hút sự chú ý đó là… cảnh nóng.
Số dự án phim điện ảnh Việt sử dụng cảnh nóng gây sốc đến thời điểm này chắc chắn không thể đếm trên đầu ngón tay. Từ phim được quảng bá cách đây nhiều năm như Bẫy rồng cho tới Mỹ nhân kế, Mùa hè lạnh, Scandal… và gần nhất là Ngôi nhà trong hẻm… cảnh nóng đều được khai thác theo những góc táo bạo, trần trụi nhất.
Ngày mới công chiếu, phim điện ảnh Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Đăng Di đã gây xôn xao dư luận. Những hình ảnh người phụ nữ mạnh bạo thò tay vào quần chồng hay cảnh bà cô đêm đêm phải sử dụng những viên đá nhỏ để kìm nén dục vọng… đều bị đánh giá là không phù hợp với văn hóa Á Đông.
Hồ Ngọc Hà mới đây cũng bị “lợi dụng” đóng “cảnh nóng” để PR cho dự án phim Hy sinh đời trai. Không chỉ ngồi “vắt vẻo” ở vị trí trung tâm, to nhất, đẹp nhất trong poster quảng bá phim, Hồ Ngọc Hà còn gắn liền với hầu hết thông tin, teaser, trailer liên quan đến bộ phim.
Thậm chí, cảnh quay nữ ca sĩ “ve vãn” nhân vật nam chính do Tấn Beo đảm nhận cũng trở thành cảnh quay đắt nhất được báo giới quan tâm triệt để, còn khán giả thì hết mực quan tâm.
Khi đó, ai cũng ngỡ rằng, Hồ Ngọc Hà sẽ tái xuất phim ảnh sau 10 năm vắng bóng bằng cảnh nóng vô cùng táo bạo.
Thế rồi, Hi sinh đời trai ra mắt và khiến dân tình ngã ngửa khi vai diễn của Hồ Ngọc Hà nhỏ đến mức chỉ đếm theo phút. Trong phim, vai của Hồ Ngọc Hà ít thoại và không có cảnh nóng nào ngoài hành động “ve vãn” mà khán giả đã thấy trước đó.
Bản thân Hồ Ngọc Hà cũng phải phản ứng gay gắt vì bị sử dụng hình ảnh quá mức để PR cho phim.
Chi phí rẻ, hợp thị hiếu, hài nhảm vẫn lên ngôi?
Những cách thức PR nói trên đang phát huy tác dụng khi rất nhiều bộ phim, điển hình là 49 Ngày, Hy sinh đời trai… đã thu hút một lượng lớn khán giả tới theo dõi phim.
Thế nhưng, doanh thu lớn không đồng nghĩa với phim hay. Nhiều bộ phim có lượng lớn khán giả theo dõi, nhưng chính lượng khán giả đó lại dành những lời chê bai, chỉ trích cho phim mà họ xem.
Không chỉ “chọc cười” bằng những tình tiết rất khiên cưỡng, thậm chí là thô thiển, nội dung phim Hi sinh đời trai cũng không có gì đặc biệt, mới mẻ ngoài tư tưởng sợ đàn bà chỉ vì bạn thân bị vợ bỏ của nhân vật Linh (Tấn Beo).
Ngoài ra, vấn đề hòa hợp giữa tình yêu và chữ hiếu trong phim cũng bị chê là nửa vời và quá khô cứng, gượng ép.
Không chỉ Lưu Huỳnh mà nhiều đạo diễn nổi tiếng uy tín khác cũng đánh mất sự kỳ vọng của khán giả khi chạy theo phim hài nhảm. Điển hình là Charlie Nguyễn – người xây dựng danh tiếng bằng Dòng máu anh hùng rồi tự đạp đổ tất cả với Tèo em và Để mai tính 2.
Cả Tèo em và Để mai tính 2 đều rất hài hước nhưng hài theo kiểu thô thiển, nhàm chán và đôi khi là nhảm nhí, thô tục. Ảnh: Poly Media.
Nhà biên kịch Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM thậm chí đã phải thốt lên một cách bàng hoàng: “Tại sao đạo diễn có nghề như Charlie Nguyễn lại làm một phim hài nhảm như vậy?” khi được tham dự buổi ra mắt phim Để mai tính 2.
Nửa đầu năm 2015, phim Việt ra rạp chủ yếu là hài nhảm. Nửa sau năm 2015 tình hình có lẽ cũng không khả quan hơn khi loạt phim bị cho là hài nhảm như Liên minh huyền thoại, Những bà bầu hành động, Siêu trộm, Em là bà nội của anh, Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc, Nữ đại gia, Tèo Em 2… đang xếp hàng dài chờ ra mắt.
Xu hướng làm phim hài nhảm, quên đi chất lượng mà tập trung vào chiêu trò quảng bá, PR có lẽ đang là điều nhức nhối ở thị trường phim Việt. Thế nhưng, may mắn thay dường như xu hướng đó lại đang rất phù hợp với thị hiếu của khán giả trẻ khi doanh thu hài nhảm cứ tăng vèo vèo.
Nói về nguyên nhân khiến phim hài nhảm ngày càng nổi ở Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: “Phim hài nhạt nổi là điều hiển nhiên thôi, vì thị trường cần gì, cái gì hot là nhà sản xuất sẽ làm cái đó.
Hơn nữa, phim hài mang tính địa phương và được người dân ưa thích. Nó cũng ít bị so sánh với các thị trường phim khác, bởi ví dụ nếu muốn xem phim hành động, người ta thường xem phim Mỹ.
Ngoài ra, tiền đầu tư hài nó cũng thấp hơn và bản chất phim hài thì lúc nào cũng ăn khách”.
Khán giả còn thích, doanh thu còn tăng và đương nhiên nhà sản xuất sẽ còn làm. Vì lẽ đó, phim thiên về ý nghĩa, chiều sâu hay nghệ thuật có lẽ còn rất xa vời ở nước ta.
Video được xem nhiều nhất