Phim bạo lực làm hại người Việt trẻ?
Và có thể nói, đây chính là môi trường tốt để nuôi dưỡng tội ác trong giới trẻ.
Tại cuộc hội thảo “Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người” vừa diễn ra tại TP.HCM, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đưa ra nhận định rất đáng chú ý: “Hiện nay ước tính trung bình một năm Việt Nam nhập 150 phim, trong đó có đến 80% là phim hành động, mang tính bạo lực. Và có thể nói, đây chính là môi trường tốt để nuôi dưỡng tội ác trong giới trẻ".
Xem phim bạo lực là nguy hại
Sau cuộc hội thảo, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã trò chuyện với phóng viên báo Nông thôn ngày nay để làm rõ thêm ý kiến của ông. “Không chỉ mình tôi thấy xót xa mà đã rất nhiều người đã không khỏi lo lắng cho tình trạng trẻ em xem quá nhiều phim mang tính bạo lực dễ tác động tới lứa trẻ, khiến tính cách chúng cũng trở nên hung hăng.
Không nói đâu xa, cứ theo con số thống kê một năm những vụ án chém giết, đánh nhau gây thương tích từ bên công an sẽ thấy được rằng, hầu hết những đứa trẻ phạm tội là những đứa trẻ rất thích bạo lực, bởi trước đó chúng được xem nhiều phim hành động mang tính bạo lực hoặc những game mang tính bạo lực. Khi bọn trẻ nghĩ bạo lực là chuyện gì đó rất đương nhiên, gần gũi với chúng thì rất nguy hiểm”- đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết.
Cảnh bạo lực trong phim “Người vận chuyển” do Mỹ sản xuất. Ảnh: I.T
Dưới góc nhìn của tâm lý học, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mai chia sẻ: “Phim hành động, phim bạo lực tác động rất lớn tới suy nghĩ đối với lứa tuổi trẻ từ nhi đồng, thiếu niên cho đến thanh niên. Đối với tuổi thiếu niên, lứa tuổi đang phát triển về tâm sinh lý với nhiều biến đổi cả về thể chất lẫn tinh thần, nếu tiếp xúc với quá nhiều phim bạo lực, hành động đẫm máu sẽ tác động khá lớn tới nhân cách của chúng. Thậm chí có những thiếu niên nghiện chơi những game đâm chém, bắn giết, khiến các em bị lệch chuẩn nhân cách, lúc nào cũng trong trạng thái hung hăng, muốn đánh, giết một ai đó”.
Xét về tính thương mại của điện ảnh, những phim ăn khách, hấp dẫn khán giả thường không phải là những phim mang tính nghệ thuật, triết lý sâu xa mà là những phim hành động, mang tính bạo lực pha lẫn chút sex. Có thể kể tên những phim “Kẻ săn người”; “Người vận chuyển”; “Võ đài sinh tử”; “Sát thủ”... do nước ngoài sản xuất.
Hơn nữa, theo nhiều nhận định của nhiều chuyên gia, với những phim nội dung hay, sâu sắc, đoạt giải quốc tế lớn thì giá nhập phim về Việt Nam chắc chắn sẽ rất cao, trong khi những phim hành động mang tính bạo lực được nhập ồ ạt và nhiều như vậy bởi giá nhập không cao, thậm chí còn rất rẻ. Những người nhập phim luôn tính toán rằng, mua thì không đắt nhưng hiệu quả về kinh tế lại cao.
Chia sẻ về điều này, ông Khuất Duy Tân - Trưởng phòng Phổ biến phim (Cục Điện ảnh), cho biết: “Việc nhập phim hiện nay không có hạn ngạch, bởi Việt Nam tham gia WTO và không còn quy định hạn ngạch một năm được nhập bao nhiêu phim nước ngoài. Ví dụ như Trung Quốc thì họ đưa ra hạn ngạch một năm nhập 30 phim hoặc hơn một chút về chiếu ở thị trường Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc là một thị trường rộng lớn để kinh doanh”.
Quy định không theo kịp thực tế
Theo ông Khuất Duy Tân, vài năm trở lại đây, việc nhập phim nước ngoài có phần khá ồ ạt như vậy, nên có nhiều văn bản quản lý nhà nước đã không bắt kịp với thực tế, cuộc sống. Chính vì vậy mà Cục Điện ảnh đang xin phép được sửa đổi, bổ sung trong việc phân loại và dán nhãn đối với các lứa tuổi khi xem phim. Dự định cuối năm nay, quy định này sẽ được ban hành.
“Việc khán giả ở tuổi vị thành niên xem phim bạo lực mà bị ảnh hưởng đến tâm lý, tác động đến nhân cách của đứa trẻ thì tôi nghĩ không chỉ các nhà quản lý mà gia đình cũng cần có trách nhiệm, khuyến cáo chính con em mình. Bởi vào thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có quy định cụ thể về lứa tuổi nào thì được phép xem, lứa tuổi nào thì không nên vẫn xảy ra tình trạng khán giả trẻ đi xem phim không đúng với lứa tuổi.
Tôi được biết ở nước ngoài, họ phân loại phim cho các lứa tuổi rất cụ thể và rõ ràng, với những em tuổi vị thành niên, dưới 16 tuổi khi đi xem bắt buộc phải có người lớn đi cùng. Hoặc có những nước họ yêu cầu giới trẻ đi vào xem phải trình giấy tờ chứng minh mình bao nhiêu tuổi. Tại Việt Nam, điều đó là rất khó kiểm soát nếu như không có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý và gia đình” - ông Tân nói.
NSND Đặng Nhật Minh cho biết: “Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt như ở kinh đô điện ảnh là nước Mỹ thì họ sản xuất phim đương nhiên sẽ có nơi tiêu thụ. Tuy nhiên trong một khối lượng khổng lồ các phim được chiếu thì số lượng dành cho phim hành động, bạo lực chỉ chiếm một phần trăm nhỏ, khiêm tốn trong bức tranh tổng thể về phim ra rạp. Vì vậy nó sẽ không có tác động nhiều, trong khi ở Việt Nam, khối lượng phim hành động là chủ đạo thì vấn đề bạo lực sẽ trở nên đậm đặc và ảnh hưởng lớn hơn so với những phim về nghệ thuật, về giáo dục nhân cách”.
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Khuất Duy Tân nhận định: “Với cơ chế kinh tế thị trường như hiện nay, các doanh nghiệp nhập phim chủ yếu là tư nhân và liên doanh nước ngoài nên họ sẽ nhập phim theo nhu cầu của người xem, phim nào có thể hút khách thì mới nhập. Những phim mang tính nghệ thuật, đoạt giải thưởng rất ít khán giả mua vé và tỷ lệ cho những bộ phim này quá chênh lệch, quá ít so với số lượng phim hành động được nhập về Việt Nam mỗi năm”.
Như vậy câu chuyện nhập phim hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào mục tiêu kinh doanh các doanh nghiệp, trong khi đó, việc kiểm soát độ tuổi người xem phim và những quy định dán nhãn theo nội dung thì vẫn chưa được các cơ quan quản lý thực hiện ráo riết hoặc có những biện pháp kiểm soát hiệu quả. Chính vì vậy, nếu ngay từ bây giờ mà không quan tâm điều tiết tỷ lệ phim bạo lực trong số lượng phim nhập hàng năm, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển tâm lý của một bộ phận giới trẻ.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Đổ lỗi cho phim chiếu rạp là sai Một đất nước Trung Đông Hồi giáo, không có chuyện chiếu phim bạo lực hay sexy ở rạp, nhưng tình trạng bạo lực thì khủng khiếp, xảy ra nhiều vụ giết người, hãm hiếp như bạn thấy trên các kênh tin tức mỗi ngày. Vì vậy, lâu nay xã hội cứ đổ lỗi cho phim chiếu rạp là sai. Bọn tội phạm bạo lực hay tình dục, chẳng bao giờ đến rạp. Tôi đã từng đi phỏng vấn phạm nhân ở nhiều trại giam nên tôi biết, họ chả bao giờ xem phim. Vì vậy tôi không nghĩ là phim chiếu rạp nhập của nước ngoài về ảnh hưởng tới nhân cách của giới trẻ nhiều hơn phim trên Internet, game online hay trên các kênh truyền hình nước ngoài. Tôi còn cho là sự kiểm duyệt quá chặt khiến phim chiếu rạp cắt nhiều cảnh bạo lực hơn cả các kênh HBO, Star Movies... Tôi hy vọng sắp tới, khi dán mác phân loại chi tiết cho phim, việc kiểm duyệt sẽ lỏng đi. Còn nhân cách của giới trẻ, tôi cho rằng lỗi lớn nhất là giáo dục của gia đình,và quản lý xã hội kém. Trẻ em và vị thành niên chẳng có chỗ chơi, chỗ sinh hoạt cộng đồng. Gia đình thì chịu nhiều tác động của kinh tế mở khiến cha mẹ hầu như phó thác con cho nhà trường, hoặc bỏ mặc nên chúng ta sẽ mất một vài thế hệ như thế này. Và đó là cái hệ quả tất yếu của việc phát triển kinh tế mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải chịu.
Nhà biên kịch Phan Thanh Tú: Thiếu những phim mang tính nhân văn, giáo dục Tôi nghĩ trẻ con chưa thể nhận thức được đầy đủ như người lớn, chúng còn quá non nớt và khờ dại, trong khi những trò giải trí bây giờ mang tính bạo lực nhiều, từ trò chơi game online đến phim ảnh được chiếu ở rạp hay trên truyền hình. Tôi nghĩ trẻ con bị ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường, chúng sẽ học cái xấu nhanh hơn cái tốt. Ngoài ra ở lứa tuổi ấy, chúng sẽ muốn chứng minh cái tôi của mình. Tôi cảm thấy tiếc vì ngày càng ít những bộ phim mang tính nhân văn, tính giáo dục. Ví dụ những bộ phim về những mối tình đẹp, những gương tốt, con người tốt, những triết lý mang tính giáo dục... điều đó sẽ thúc đẩy nhân cách con người vươn tới những điều tốt đẹp. Tôi cũng không hiểu vì sao giờ phim hành động, mang tính bạo lực lại được nhập nhiều như vậy, có phải chăng vì lợi nhuận, doanh thu mà người ta xem nhẹ điều kia. "Những phim mang tính nghệ thuật, đoạt giải thưởng rất ít khán giả mua vé và tỷ lệ cho những bộ phim này quá chênh lệch, quá ít so với số lượng phim hành động được nhập về Việt Nam mỗi năm” - Ông Khuất Duy Tân. Thanh Hà (ghi) |
Video được xem nhiều nhất