Passengers: Hơn cả "ngôn tình vũ trụ"
Có bao giờ bạn từng buồn bã thốt lên rằng: “Thế giới này có tới 7 tỷ người, người tôi yêu nơi đâu”? Passengers sẽ trả lời câu hỏi đó cho bạn: “Lên vũ trụ mà tìm”.
Hollywood đã làm hàng nghìn bộ phim lấy bối cảnh vũ trụ, nhưng có lẽ ở trên trời cao kia, ngoài những hiểm nguy với thiên thạch, sao chổi, hố đen và… người ngoài hành tinh, chỗ cho tình yêu còn rất ít. Tình yêu chỉ có thể là chi tiết lướt qua trong phim, khi nam anh hùng và nữ thuyền quyên vội trao nhau nụ hôn trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Yêu đương thì ở đâu mà chẳng thế, tại sao phải kéo lên vũ trụ làm chi cho… tốn kém tiền kỹ xảo?
Thế nhưng, đạo diễn Morten Tyldum đã vui vẻ nhận kịch bản Passengers vì từ lâu rồi, anh khao khát được kể một “chuyện tình vũ trụ”, một bộ phim viễn tưởng ngập tràn không khí lãng mạn. Giống như ước mơ ủ một mầm cây sinh sôi trên sao Hỏa, tình yêu nảy mầm giữa không gian bao la chẳng phải là điều đẹp nhất mà nhân loại từng tưởng tượng ra hay sao?
Hai vai diễn chính trải qua nhiều đợt tuyển lựa, nhiều lựa chọn khắt khe, cuối cùng thuộc về Jennifer Lawrence và Chris Pratt. Nhà sản xuất chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu USD để mời hai gương mặt đang rất thành công tại Hollywood này không chỉ vì muốn đảm bảo cho thắng lợi của phim, mà họ nhận ra nhân vật của mình trong chính hai diễn viên này. Aurora – nữ nhà văn trẻ thông minh, bản lĩnh, đoan trang nhưng ẩn bên dưới cô lại là một tâm hồn nồng nhiệt, dám nghĩ dám làm. Trong khi đó, Jim xuất thân từ kỹ sư cơ khí nên có chút thô kệch, vụng về trong chuyện tình cảm, nhưng lại đủ dịu dàng và tinh tế để quan tâm đến người con gái mình yêu từng li từng tí.
Họ chỉ là hai trong số hàng nghìn hành khách và phi hành đoàn được ngủ đông trên con tàu Avalon – thành tựu vĩ đại của thế giới tương lai – để thực hiện chuyến hành trình đến vùng đất mới trong 120 năm.
Passengers mở ra bối cảnh viễn tưởng khá độc đáo: trên con tàu đủ tiện nghi trôi nổi giữa không gian nhưng lại im ắng và tối tăm như một thành phố chết. Trên tàu có người, nhưng chính xác hơn là những thân xác đóng băng nằm trong những kén cấp đông, cho phép họ chìm vào giấc ngủ sâu hơn một thế kỷ trước khi được hồi sinh ở hành tinh mới. Giữa khung cảnh đó, một cái kén bị lỗi kỹ thuật nên bật mở trước thời hạn, đánh thức anh chàng “xui xẻo” Jim Preston tỉnh dậy trước mọi người những… 90 năm.
Hãy thử tưởng tượng, bạn sẽ làm gì nếu rơi vào hoàn cảnh của Jim lúc ấy? Chỉ có một mình giữa đống máy móc và phía trước là quãng thời gian cô đơn dài đằng đẵng? Anh chàng đã làm đủ mọi cách để giải khuây, tận dụng mọi tiện nghi để giúp mình quên đi tình cảnh trớ trêu. Có lúc, anh còn hoảng loạn tới nỗi muốn tự sát. Hóa ra, dù rằng có đủ lương thực thực phẩm, đủ phương tiện giải trí đi chăng nữa thì cô độc vẫn là con dao khoét dần sự tỉnh táo của con người. Lúc ấy, vàng bạc kim cương chàng Jim cũng chẳng màng. Anh chỉ cần hơi ấm của con người, của đồng loại, của bất cứ ai chứ không phải của con robot chỉ biết nói những lời máy móc, dù rằng nó được tạo ra đã cực giống với người thật.
Có câu: “Con người sinh ra một mình và chết đi cũng một mình”, nhưng ở giữa hai dấu mốc đó, chẳng ai có thể độc lập sinh tồn mà không cần đến đồng loại. Jim cũng chỉ là con người giản đơn với khao khát cơ bản: được tương tác với một ai đó giống mình vì cả không gian lẫn thời gian đều đằng đẵng trước mắt. Cuối cùng, chàng trai đi đến một quyết định liều lĩnh và ích kỷ nhưng lại rất “người”: cố tình đánh thức một cô gái để bầu bạn. Và số phận đã run rủi cho Jim đến với Aurora.
Không có gì khác để lý giải ngoài từ “duyên phận”. Anh có thể lựa chọn bất kỳ ai trong hàng nghìn cô gái trên tàu, nhưng lại chọn đúng Aurora vì nụ cười và cách nói chuyện hóm hỉnh của cô qua những đoạn clip tư liệu. Nhưng liệu Jim có chọn đúng không? Liệu cô gái này có thể chung sống hòa thuận với anh đến tận lúc lìa đời? Có lẽ lúc ấy chàng trai của chúng ta chẳng thể nghĩ được nhiều đến vậy. Sự cô đơn và nóng lòng đã thúc ép anh đi đến một hành động “chẳng khác gì giết người”.
Câu chuyện của Jim và Aurora có phần giống với truyền thuyết Adam và Eva: Adam tạo ra Eva từ xương sườn của mình để có người bầu bạn khi hành tinh chỉ có mình anh, và Jim cũng lựa chọn đánh thức Aurora khi không thể chịu đựng hơn nữa cuộc sống đơn côi. Vậy, nàng Eva ấy liệu có vui vẻ khi không được định đoạt chính số phận của mình? Tình yêu xây nên từ sự dối trá và ép buộc liệu có thể đi đến cái kết hạnh phúc?
Hành động của Jim với Aurora gây ra tranh cãi về đạo đức rất kịch liệt trong khán giả: người thì cho rằng anh đã hoàn toàn sai khi ép buộc một cô gái phải tỉnh dậy và “yêu” mình vì cô ấy chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài anh, người thì cảm thông vì suy cho cùng, Jim đã hối lỗi và tất cả những gì anh làm chỉ xuất phát từ nhu cầu cơ bản nhất của con người. Dẫu vậy, có lẽ tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng diễn xuất “máu lửa” của cặp đôi Jennifer Lawrence và Chris Pratt đã dẫn dắt câu chuyện đầy lãng mạn và dằn vặt này đi từ cung bậc này đến cung bậc khác một cách vô cùng thuyết phục. Khi họ giao hòa cả về xác thịt lẫn tinh thần cũng chính là khoảnh khắc tượng trưng cho âm dương, cho sự sinh sôi của mầm sống loài người giữa vũ trụ, báo hiệu sự khởi đầu mới cho nhân loại dù không còn trên Trái đất.
“Có một vũ trụ nơi anh tìm thấy em, nơi ta tìm thấy nhau”, đó phải chăng không phải vũ trụ to lớn ngoài kia mà chỉ là vũ trụ riêng của hai người, nơi có âm có dương, nơi có anh có em. Jim và Aurora đã sống như Adam và Eva thưở nào, trên con tàu được ví như chiếc thuyền Noah – cứu cánh của nhân loại. Vừa lãng mạn nồng nhiệt, vừa hành động gay cấn, lại ẩn dụ tính triết học, Passengers có chiều sâu hơn những gì người ta đang gán ghép cho nó: “ngôn tình vũ trụ”. Những khán giả không mấy để tâm tới ngôn ngữ điện ảnh sâu xa vẫn hoàn toàn có thể thưởng thức trọn vẹn bộ phim này, nhưng nếu có cơ hội chìm đắm thật sâu trong nó, biết đâu bạn sẽ thấy được rất nhiều điều đáng suy nghĩ về tính nhân bản của con người?
Video được xem nhiều nhất