Những series phim truyền hình càng kéo dài càng dở (phần 3)

Kênh 14 - 05/06/2015, 14:52

Chắc chắn bạn đã hơn một lần cảm thấy "The Walking Dead" càng kéo dài càng bất hợp lí, "Scandal" có vị tổng tống "nhảm nhí" vẫn lên phim đều đều hay "Pretty Little Liars" cứ nhử rồi lại phủ nhận chi tiết làm khán giả thật bực mình.

1. Pretty Little Liars (2010- nay)

 

Dù mới lên sóng năm 2010 nhưng cho đến nay, Pretty Little Liars đã kịp chạy xong 6 mùa. Được chuyển thể từ tác phẩm trinh thám – kinh dị dành cho tuổi teen của tác giả Sara Shepard, Pretty Little Liars thành công đến nỗi đài ABC đã nâng từ 10 lên 12 tập cho mùa đầu tiên. Chuyện phim xoay quanh cuộc sống của bốn cô gái trẻ tại một thị trấn không có thật ở Pennsylvania sau khi bạn của họ Alison DiLaurentis mất tích. Một năm sau, họ bắt đầu nhận được tin nhắn từ nhân vật bí ẩn có tên là “A” đã đe dọa tiết lộ bí mật sâu thẳm nhất của họ, bao gồm cả những điều mà họ nghĩ rằng chỉ Alison biết. Lúc đầu, họ nghĩ đó chính là Alison, nhưng sau khi xác của cô được tìm thấy, các cô gái nhận ra rằng có người nào khác đang lên kế hoạch phá hoại cuộc sống hoàn hảo của họ.

 

Xuyên suốt cả bộ phim là hành trình tìm kiếm nhân vật bí ẩn “A” nhưng nhà văn Shepard đã thẳng thừng tuyên bố: “A” trong phim sẽ là người khác so với “A” trong truyện. Như vậy, quyền biến tấu hoàn toàn nằm trong tay các nhà biên kịch. Và sự thực là bộ phim khiến khán giả “phát ngấy” qua mỗi mùa với những tình tiết lặp đi lặp lại: mỗi khi ai đó biết quá nhiều về “A” thì họ bị giết, mỗi khi một trong bốn cô gái định tới sở cảnh sát đầu thú thì “A” liền ngăn cản họ. Biên kịch liên tục “nhử” người xem bằng những chi tiết gợi nhắc ai đó trong phim là “A” nhưng cuối cùng lại phủ nhận nó. Khán giả tự hỏi phải chăng ngoài bốn nhân vật chính, tất cả các nhân vật phụ xuất hiện đều chỉ để làm ứng viên cho “A” và có tác dụng đánh lạc hướng khán giả? Thật may là theo thông tin từ nữ diễn viên Lucy Hale cho biết, Pretty Little Liars sẽ chấm dứt sau mùa 7.

2. Desperate Housewives (2004-2012

 

 

Desperate Housewives là series truyền hình nổi tiếng và thành công vượt ra ngoài phạm vi nước Mỹ, trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của đài ABC một thời. Kéo dài qua 8 mùa với khoảng thời gian trong phim là 13 năm, nội dung phim xoay quanh cuộc sống của một nhóm phụ nữ sống ở khu phố ngoại ô Fairview thông qua góc nhìn của một người hàng xóm… đã chết ngay từ tập đầu tiên. Nhìn bề ngoài, họ là những người đàn bà nội trợ, chân yếu tay mềm nhưng bên trong gia đình mỗi người lại ẩn chứa những mâu thuẫn – thậm chí là tội ác tày trời – mà không ai dễ thấy.

 

Trong mùa đầu tiên, phim đã giành 6 giải Primetime Emmy Awards, 2 giải Quả Cầu Vàng và 2 giải Screen Actors Guild Awards. Tuy nhiên, số lượng đề cử cũng như rating giảm dần qua mỗi mùa chứng tỏ rằng Desperate Housewives cũng không nằm ngoài quy luật “dài – dai – dở” của phim truyền hình. Đặc biệt là từ mùa 5, dòng thời gian trong phim không tuân theo khái niệm “thời gian thực” nữa mà bị dồn lại (đó là lý do phim kéo dài 8 mùa mà lại trải qua 13 năm), khiến khán giả bị bối rối. Thêm vào đó là các tình tiết hài hước ngày càng khiên cưỡng, thậm chí có người nhận xét là dần thua cả những phim cũng lấy bối cảnh ngoại ô như Suburgatory hay Cougar Town. Ngay cả những âm mưu đen tối đằng sau các bà nội trợ cũng bị cho là dài lê thê và quá phức tạp.

3. Scandal (2012 – nay)

 

Scandal là “gà cùng một mẹ” với Grey’s Anatomy khi chung nhà sản xuất Shonda Rhimes. Nhân vật trung tâm Olivia Pope được cho là xây dựng trên nguyên mẫu bà Judy Smith – cựu trợ lý dưới thời tổng thống George H.W. Bush. Bối cảnh phim diễn ra tại thủ đô Washington, tập trung vào công ty xử lý khủng hoảng của Olivia Pope và cộng sự, cùng lúc khắc họa mối quan hệ phức tạp của cô với đương kim tổng thống Fitzgerald Grant III.

 

Series này là một ngoại lệ của phim truyền hình Mỹ khi nó không thành công rực rỡ từ mùa đầu mà bị người xem đón nhận với rất nhiều hoài nghi: họ không tin một series chính trị với nhân vật trung tâm là một nữ da màu lại có thể hấp dẫn. Tuy nhiên, lượng khán giả thực sự tăng vọt ở mùa 2 – 3 và đây cũng là khoảng thời gian thành công nhất với Scandal. Tiếp tục gây bất ngờ hơn nữa là series này lại… tụt giảm lượng người xem khi bước vào mùa 4, do những lời phàn nàn về cốt truyện không có nhiều phát triển và đang trở nên buồn tẻ. Nhân vật chính Fitzgerald Grant còn bị chỉ trích là “vị tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử truyền hình” khi anh hội tụ đủ những tính cách khó chịu như trẻ con, cố chấp, phân biệt giới tính... Có hẳn những từ khóa như #Scandal và #boring (nhàm chán) trên Twitter để khán giả bày tỏ sự thất vọng của mình với những tình tiết nhạt nhẽo, rắc rối trong phim. Không sớm thì muộn, đài ABC sẽ phải toan tính cách vực dậy series này hoặc định sẵn một cái kết cho nó.

 

4. The Walking Dead (2010 – nay)

 

Khó có thể phủ nhận sức hấp dẫn to lớn của bộ phim truyền hình lấy bối cảnh hậu tận thế và đề tài zombie này. Diễn viên Andrew Lincoln đóng vai chính Rick Grimes – vị phó cảnh sát trưởng tỉnh dậy sau một cơn hôn mê và phát hiện xung quanh tràn ngập thây ma ăn thịt người. Anh và những người sống sót buộc phải sinh tồn trong thế giới đầy hiểm nguy, không chỉ đến từ những thây ma mà còn từ chính đồng loại của mình. Từ khi lên sóng vào năm 2010 đến nay, The Walking Dead liên tục giữ vị trí series có lượng người xem lớn nhất trên truyền hình cáp và vẫn tăng đều qua mỗi năm.

 

Thế nhưng, thành công về tỷ suất người xem không có nghĩa là The Walking Dead hoàn toàn ổn. Nhiều khán giả trung thành bắt đầu phản ứng về một số điểm yếu bộc lộ dần qua mỗi mùa: cốt truyện lê thê ở một số tập và vội vàng ở một số tập khác, rất nhiều nhân vật mới xuất hiện để rồi bị… giết hoặc bỏ lại phía sau, các mốc thời gian chạy song song giữa các nhóm nhỏ khiến người xem khó kết nối… Thậm chí, những cuộc đối đầu giữa người sống và đám thây ma vốn được xem là “điểm thu hút” của phim cũng đang dần trở nên nhạt nhẽo và dễ đoán. Có khán giả còn phát hiện rằng trải qua 5 mùa phim tương đương với thời gian 2 năm, nhóm nhân vật vẫn chỉ… loanh quanh trong tiểu bang Georgia.

Dù vậy, phần lớn khán giả dễ tính sẽ không từ bỏ The Walking Dead do kết cấu phim vẫn tương đối ổn định, nhưng về lâu về dài nhóm biên kịch của phim nên cân nhắc lại phần cốt truyện để tránh sự hụt hẫng cho những fan trung thành.

5. NCIS (2003 – nay)

 

 

Là một cây đại thụ trong làng phim truyền hình Mỹ, NCIS là tên viết tắt của Naval Criminal Investigative Service (Cục điều tra tội phạm hải quân) chuyên xử lý những vụ án hình sự liên quan đến Hải quân Hoa Kỳ và Thủy quân lục chiến. Đây là bộ phim giờ vàng dài hơi nhất của Mỹ, chỉ đứng sau Law & Order: Special Victims Unit (1999 – nay). Ban đầu, NCIS được xây dựng như một phần phụ thêm của series JAG nhưng do sự ủng hộ nhiệt liệt của khán giả, nó đã được phát triển thành phim độc lập với 13 mùa phát sóng. Đi kèm với nó còn có 2 phần phụ khác là NCIS: Los Angeles và NCIS: New Orleans.

 

Do kéo dài lê thê nên NCIS bị đánh giá là “phong độ không ổn định” khi lượt xem tăng giảm thất thường qua các mùa. Khán giả tỏ ra nản chí với việc theo dõi NCIS từ mùa 7, tuy nhiên sau đó lượt xem lại tăng vọt ở mùa 10 rồi bỗng dưng… giảm dần trong hai mùa tiếp theo. Trên trang web tv.com gần đây xuất hiện hàng loạt lời bình luận bày tỏ sự thất vọng của người hâm mộ với series lão làng này. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cốt truyện nhàm chán (những âm mưu, vụ án không có gì mới mẻ), tính cách nhân vật có vấn đề (ví dụ như Bishop) và việc loại bỏ nhân vật Gibbs ở tập cuối mùa 12 đã khiến cơn phẫn nộ của nhiều người bùng nổ. Không ít khán giả đã thẳng thừng tuyên bố họ sẽ đoạn tuyệt với NCIS nếu Gibbs không còn và đây chính là hồi chuông cảnh báo cho nhóm biên kịch của phim.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất