Những "phim ăn theo" thành công và thất bại

8showbiz - 15/07/2015, 11:39

Trong khi "Annabelle" hay "Minions; đạt doanh thu cao gấp nhiều lần kinh phí sản xuất thì "Catwoman" hay "Elektra" lại thu về những con số khiêm tốn.

 
Spin-off (Phim ăn theo) là cụm từ ám chỉ những tác phẩm được làm về một nhân vật phụ được yêu thích trong một phim nổi tiếng trước đó, với mục đích ăn theo thành công của phim gốc. Khi xu hướng các nhân vật phụ được yêu thích hơn nhân vật chính trong phim ngày càng nở rộ, Hollywood nhanh chóng nắm bắt và tạo nên những sản phẩm điện ảnh thương mại. Tuy nhiên, không phải bộ "phim ăn theo" nào cũng đạt được thành công.
 
1. Minions (2015)
 
 
Những chú Minion màu vàng ngộ nghĩnh trong loạt phim hoạt hình Despicable Me được khán giả trên toàn thế giới yêu quý đến mức hãng Universal quyết định làm riêng một bộ phim về đội quân tí hon này. Trong phim mới ra mắt hè này, các Minion bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm ác nhân đáng ghét nhất để phụng sự sau khi nhiều chủ nhân của chúng - từ khủng long bạo chúa tới Napoleon - lần lượt biến mất theo thời gian.
 
Có kinh phí sản xuất khoảng 74 triệu USD nhưng chỉ sau tuần đầu chiếu rạp, Minions đã thu về hơn 400 triệu USD trên khắp thế giới. Các chuyên gia dự đoán phim có khả năng đạt được trên một tỷ USD và trở thành phim hoạt hình ăn khách nhất lịch sử.
 
2. Puss in Boots (2011)
 
 
Lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh vào năm 2004 trong phim Shrek 2, chú mèo đi hia chiếm được cảm tình khán giả nhờ khuôn mặt dễ thương, sự láu cá cùng khả năng đánh kiếm siêu việt. Đó là cơ sở để DreamWorks thực hiện dự án phim riêng về nhân vật này.
 
Câu chuyện trong Puss in Boots diễn ra trước thời điểm chú mèo đi hia gặp Shrek. Chàng hiệp sĩ mèo bảnh trai có một chuyến phiêu lưu với người bạn hình quả trứng kiêm quân sư Humpty Dumpty và cô mèo thông thạo đường phố Kitty. Cả ba phối hợp nhau để ăn cắp con ngỗng đẻ trứng vàng nổi tiếng.
 
Cũng giống như loạt phim Shrek, Puss In Boots là bộ phim thành công về thương mại của hãng DreamWorks. Doanh thu của tác phẩm này là 555 triệu USD trên toàn thế giới sau thời gian công chiếu.
 
3. X-Men Origins: Wolverine (2009)
 
 
Wolverine là một trong những siêu anh hùng được yêu thích nhất trong thế giới Marvel. Sau khi xuất hiện ấn tượng trong ba tập phim X-Men đầu tiên, nhân vật này được các nhà sản xuất “thưởng” riêng một tác phẩm. Với Hugh Jackman tiếp tục vào vai Wolverine, X-Men Origins: Wolverine đạt doanh thu 373 triệu USD.
 
Năm 2013, Hugh Jackman tiếp tục thủ vai dị nhân có bộ móng vuốt thép này trong The Wolverine. Bộ phim này có doanh thu cao hơn với 414,8 triệu USD tiền vé so với mức kinh phí 120 triệu USD. Dự kiến, bộ phim thứ ba về Wolverine ra mắt vào năm 2017 và sẽ là lần cuối cùng Hugh Jackman đảm nhiệm vai diễn này.
 
4. Penguins of Madagascar (2014)
 
 
Sau thành công của loạt phim Madagascar, các nhà làm phim quyết định thực hiện tác phẩm riêng về bốn chú chim cánh cụt Skipper, Kowalski, Rico và Private. Trong Penguins of Madagascar, bốn nhân vật này có nhiều đất diễn hơn để thể hiện trọn vẹn cá tính, sự nghịch ngợm và láu cá khi bước vào một chuyến phiêu lưu có một không hai.
 
Penguins of Madagascar có chi phí sản xuất không kém gì các phim bom tấn hành động - lên tới 132 triệu USD. Doanh thu của tác phẩm hoạt hình này cũng khả quan với 373,6 triệu USD trên toàn thế giới.
 
5. Annabelle (2014)
 
 
Annabelle gây được sức hút từ khi công bố dự án phim bởi đây vừa là phần tiền truyện (prequel) vừa là phần “ăn theo” (spin-off) của bộ phim The Conjuring - tác phẩm kinh dị đình đám của đạo diễn James Wan. Câu chuyện về búp bê Annabelle được dựa trên một sự kiện có thật vào thập niên 1970 của thế kỷ 20. Hàng loạt sự kiện khủng khiếp xảy đến với một gia đình sau khi mua về con búp bê này.
 
Cũng giống như phim gốc, Annabelle là tác phẩm kinh dị - tâm linh rất thành công với doanh thu 255,3 triệu USD trong khi kinh phí chỉ có 6,5 triệu USD.
 
6. Planes (2013)
 
 
Ban đầu, Planes chỉ là một bộ phim hoạt hình ăn theo loạt phim Cars do Disney Toon Studio sản xuất và dự kiến đem phát hành dưới dạng băng đĩa. Tuy nhiên, sau khi được xem thử, các lãnh đạo của Disney quyết định biến dự án thành phim hoạt hình ra rạp với kinh phí 50 triệu USD do nhìn thấy tiềm năng hốt bạc từ nó. Họ đã đúng khi doanh thu của Planes cao gấp bốn lần kinh phí.
 
Sau thành công này, Disney tiếp tục cho ra mắt phần hai với tựa đề Planes: Fire & Rescue cũng với mức kinh phí tương tự. Tập phim này, dù không thành công như phần một, vẫn thu về 151,2 triệu USD tiền vé. Dự kiến, phần ba được Disney giới thiệu trong thời gian tới để hoàn tấn một bộ ba phim (trilogy) về thế giới máy bay.
 
7. Catwoman (2004)
 
 
Miêu Nữ là một nhân vật phụ rất nổi tiếng trong loạt phim về Người Dơi. Nhân vật này được yêu thích tới mức mà các nhà làm phim ưu ái thực hiện một phim riêng. Catwoman có sự tham gia của hai ngôi sao sáng giá tại Hollywood là Halle Berry và Sharon Stone cùng kinh phí 100 triệu USD. Tuy nhiên, bộ phim chỉ thu về 82,1 triệu USD, chưa đủ mức hòa vốn. Cùng đó là bảy đề cử giải Mâm Xôi Vàng và giành bốn giải cho “Phim dở nhất”, “Đạo diễn dở nhất”, “Kịch bản dở nhất” và “Nữ diễn viên chính dở nhất”.   
 
8. Elektra (2005)
 
 
Sau màn ra mắt không như ý của bộ phim siêu anh hùng Daredevil, Marvel quyết định thực hiện một tác phẩm riêng về Elektra - nhân vật phụ được nhiều người yêu thích trong bộ phim này, do Jennifer Garner thủ vai. Trong bộ phim cùng tên, Elektra là một nữ sát thủ phải đối đầu với một tổ chức ninja hắc ám.
 
Tuy nhiên, số phận của Elektra còn thảm hại hơn cả bộ phim gốc Daredevil khi bị dư luận chê tơi tả và chỉ đạt 56,7 triệu USD trong khi chi phí là 43 triệu USD.
 
9. U.S. Marshals (1998)
 
 
Ra mắt năm 1993, bộ phim The Fugitive thu được thành công lớn cả về chất lượng nghệ thuật và doanh thu với bảy đề cử Oscar cùng 369 triệu USD tiền vé. Dù chỉ đảm nhiệm một vai thứ trong bộ phim này, diễn xuất của Tommy Lee Jones gây ấn tượng, qua đó giúp ông giành tượng vàng Oscar cho “Nam diễn viên phụ xuất sắc”.
 
Tiếp nối những thành công này, các nhà sản xuất thực hiện U.S. Marshals - một bộ phim riêng về nhân vật cảnh sát liên bang Samuel Gerard của Tommy Lee Jones. Bộ phim vẫn xoay quanh nhiệm vụ truy bắt tù nhân vượt ngục và trốn lệnh truy nã của viên cảnh sát này. Tuy nhiên, U.S. Marshals chỉ đạt doanh thu trên 100 triệu USD và bị chấm điểm thấp.
 
10. The Bourne Legacy (2012)
 
 
Thành công của loạt phim Bourne cả về nội dung và doanh thu khiến các nhà sản xuất muốn nối dài series này. Tuy nhiên, do tài tử Matt Damon và đạo diễn Paul Greengrass từ chối tham gia tập bốn nên phim phải xây dựng cốt truyện theo một nhánh mới.
 
The Bourne Legacy vẫn có nhân vật trung tâm là một điệp viên mù mịt về nhân thân, được đào tạo đặc biệt và bị truy sát. Những sự kiện xảy ra trong bộ phim là kết quả của các diễn biến trong ba tập trước. Mặc dù có nội dung tương đối hấp dẫn và diễn xuất của bộ đôi Jeremy Renner – Rachel Weisz khá ấn tượng, The Bourne Legacy chỉ đạt doanh thu 276 triệu USD trong khi chi phí lên tới 125 triệu USD. Đây được coi là một thất bại của các bom tấn trong năm 2012.
 
11. The Chronicles of Riddick (2004)
 
Không phải là một phim có doanh thu cao nhưng Pitch Black ra mắt năm 2000 nhận được nhiều đánh giá tích cực về nội dung. Tác phẩm này đánh dấu bước đột phá trong sự nghiệp của Vin Diesel với vai nhân vật phản anh hùng Richard B.Riddick. Đó là lý do các nhà sản xuất chấp nhận chi đến 120 triệu USD để thực hiện riêng một bộ phim về nhân vật này với tựa đề The Chronicles of Riddick vào năm 2003. Tuy nhiên, những gì họ nhận được chỉ là 115,7 triệu USD doanh thu, vô số lời chê bai và một đề giải Mâm Xôi Vàng “Nam diễn viên chính dở nhất” cho Vin Diesel.
 
12. The Scorpion King (2002)
 
 
Vua Bọ Cạp vốn là một nhân vật phụ, xuất hiện trong The Mummy Returns - tập phim thứ hai trong loạt phim The Mummy. Dù xuất hiện không nhiều, nguồn gốc đặc biệt của nhân vật này đã thuyết phục các nhà làm phim xây dựng riêng một câu chuyện về Vua Bọ Cạp. The Scorpion King có mức doanh thu khá khiêm tốn, khoảng 165 triệu USD - không đáp ứng kỳ vọng của nhà sản xuất.
 
Riêng với cựu đô vật Dwayne “The Rock” Johnson, việc trở lại với vai Vua Bọ Cạp giúp anh kiếm được khoản thù lao 5,5 triệu USD – mức cát-xê kỷ lục ở thời điểm ấy dành cho một nam diễn viên lần đầu đóng vai chính.
 
Theo Thanh Hải/Vnexpress

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất