Những nhân vật phản diện đáng nhớ trong series "Mad Max"
Dưới bộ óc đầy sáng tạo của đao diễn George Miller, những phản diện trong "Mad Max" vốn là những con người bình thường bị đẩy vào đường cùng và trở thành những quái nhân dị hợm.
Bộ phim Mad Max: Fury Road do Tom Hardy thủ vai hiện đang làm mưa làm gió trong tuần này, phim đánh dấu sự trở lại sau 30 năm vắng bóng của loạt phim Mad Max. Lấy bối cảnh trái đất hậu tận thế, Max “Điên” phải đối đầu với một băng đảng War Boys lãnh đạo bởi bạo chúa Immortan Joe. Ở những phần trước, người hùng cô độc cũng phải chạm trán với những kẻ tàn ác và nguy hiểm không kém.
Mad Max - 1979
Là tên trùm của băng cướp cưỡi motor tập hợp toàn những tên tội phạm tâm thần Acolytes. Đặc điểm dễ nhận biết nhất ở Toecutter là mái tóc đen rối bù pha sợi bạc, cùng mắt phải có phần dị dạng. Tuy là một kẻ thô bạo và có những biểu hiện loạn trí, Toecutter lại là một tên cáo già ưa sử dụng đầu óc hơn là nắm đấm. Sau khi gã bạn thân cướp cạn “The Nightrider” bị sĩ quan cảnh sát Max Rocktansky (tên thật của Mad Max) hạ sát, Toecutter đã huy động binh đoàn xe máy cùng hai thuộc hạ đắc lực là Johnny the Boy và Bubba Zanetti săn lùng Max để báo thù.
Johnny the Boy và Bubba Zanetti
Johnny là một thành viên có vấn đề thần kinh nghiệm trọng nhất trong băng đảng của Toecutter, nhân vật phản diện này khá đáng thương khi luôn bị gã thủ lĩnh độc ác nhồi nhét những tư tưởng điên loạn nhằm biến hắn thành một sát thủ hoàn hảo. Johnny từng mắc rất nhiều trọng tội do không kiểm soát được hành vi của mình, trong đó có cưỡng hiếp và giết người. Johnny có mối tư thù với đồng nghiệp của Max là Jim Goose, do hắn từng bị Goose đánh đập và chế nhạo trong nhà giam.
Bubba Zanetti là quân sư của nhóm Acolytes, Bubba mưu mô hơn cả Toecutter nhưng lại là một kẻ rất trung thành. Với khuôn mặt lạnh lùng cùng mái tóc vàng khô khốc, hắn là kẻ duy nhất trong nhóm tỉnh trí và có thể đưa ra những quyết định tàn nhẫn nhất.
Mad Max: The Road Warrior (1981)
Chúa tể Humungus
Với chiếc mặt nạ khúc côn cầu cùng cơ bắp vạm vỡ, Humungus dễ khiến người xem liên tưởng đến tên giết người Jason Voorhees trong loạt phim Thứ sáu ngày 13. Là một kẻ vĩ cuồng, Chúa tể Humungus tập hợp tất cả phường du thủ du thực khét tiếng nhất vùng hoang mạc để lập nên một đế chế riêng cho mình. Gã “Chiến binh của vùng đất hoang” này có một quá khứ rất mập mờ khi không ai biết hắn đến từ đâu, chỉ biết rằng tên hắn luôn gắn liền với một nỗi ám ảnh tột cùng đến với các cư dân hậu tận thế. Vũ khí ưa thích của Humungus là khẩu súng ngắn Smith & Swesson có đường kính của nòng là 8 inches, ngoài ra hắn còn có cách xử tử tù nhân khá dã man là treo họ lên trước mũi giáo nhọn được gắn ở đầu xe của mình.
Wez và Golden Youth
Là một tên tay sai cùng nằm trong băng đảng của Humungus, Wez không thực sự là một trở ngại lớn đối với Mad Max trừ việc hắn bám đuổi anh quá dai dẳng. Luôn đi cùng với “bạn trai” đẹp mã Golden Youth, Wez sau đó tức điên lên khi nhân vật này bị sát hại. Trái với Wez, Golden Youth luôn im lặng, thứ duy nhất ấn tượng ở hắn là một khuôn mặt “đẹp như thiên thần”. Với vẻ đỏm dáng đến dị hợm của Wez và nữ tính của Golden Youth, nhiều fan đã tranh luận rằng đạo diễn George Miller ngày trước đã ẩn ý mang yếu tố đồng tính vào phim của mình.
Mad Max Beyond the Thunderdome (1985)
Aunty Entity
Là “nữ hoàng” của thị trấn biệt lập Barbertown, trước thời điểm tận thế mụ ta vốn là một kẻ vô danh không ai đoái hoài đến. Nắm bắt được thời cơ và thâu tóm Barbertown, Aunty Entity đã “tẩy não” các cư dân nơi đây và thành lập một “nền văn minh” riêng với mục đích tôn sùng mụ ta ngang hàng thần thánh. Ban đầu, Aunty Entity giả vờ làm đồng minh của Max, tuy nhiên nữ phản diện này thực ra lại là kẻ muốn lấy mạng anh hơn bất cứ ai. Đấu trường Thunderdome cho các tù nhân đánh nhau đến chết được xem là biểu tượng của uy quyền vô hạn mà “nữ hoàng” này phủ bóng xuống Barbertown.
Ironbar
Là đội trưởng lực lượng bảo vệ của Aunty Entity, Ironbar là một kẻ trầm lặng làm theo mọi mệnh lệnh mà nữ chủ nhân giao phó cho hắn. Điểm kỳ lạ và đáng nhớ ở Ironbar là hắn luôn mang trên lưng một chiếc cọc có treo một cái mặt nạ Kabuki trông như đầu người. Ironbar được Entity cử đi thủ tiêu Mad Max, sau khi anh ta đã giúp mụ hạ gục được đối thủ Master Blaster.
Master Blaster
Tên tí hon nham hiểm Master cưỡi trên gã khổng lồ to xác Blaster có thể không phải là những phản diện chính của phần ba, nhưng lại tạo được ấn tượng rất tốt cho các fan bởi ngoại hình lạ lẫm của chúng. Trong khi Master mắc hội chứng Người lùn, thì Blaster lại có trí tuệ của một đứa trẻ. Hợp tác cùng nhau như “khối óc” và “cơ bắp”, cặp đôi này đóng vai trò đốc thúc “một cách tàn bạo” những công nhân của nhà máy phát điện Underworld thuộc thị trấn Barbertown. Đồng thời chúng cũng là cái gai trong mắt của Aunty Entity, khiến mụ dùng kế hiểm dụ dỗ Mad Max triệt hạ cặp đôi này. Cuộc chiến “đu dây” giữa Max và Blaster trong lồng sắt Thunderdome là một trong những phân cảnh hành động ấn tượng nhất phim.
Mad Max: Fury Road (2015)
Immortan Joe
Vốn là một Đại tá trong quân đội, chiến tranh đã khiến khuôn mặt của Joe Moore biến dạng và không thể thở nếu thiếu đi chiếc mặt nạ dưỡng khí. Hắn thao túng một cộng đồng người dân và lập nên một giáo phái cho riêng mình, thuyết phục họ rằng mình đã trở về từ cõi chết. Được tôn thờ như một vị thần, Immortan Joe thường xuyên bắt cóc các phụ nữ xinh đẹp trong hoang mạc để làm nô lệ tình dục cho bản thân và duy trì một thế hệ đời sau mạnh khỏe hơn.
Chiếc mặt nạ xương cùng hơi thở khò khè khiến Immortan Joe trông như một con ác quỷ, những vẫn chưa đáng sợ bằng dã tâm độc chiếm nguồn nước sạch và bắt các cư dân hoang mạc phải phục tùng mình của hắn. Cưỡi trên cỗ xe đầy gai nhọn Gigahorse và được tháp tùng bởi bầy đoàn các chiến binh Warboys có nước da bạch tạng, Immortan Joe xứng đáng với hình ảnh của một tử thần gieo rắc chết chóc đến thế giới hậu tận thế.
Điều thú vị là nam diễn viên từng thủ vai gã phản diện Toecutter trong phần một của Mad Max - Hugh Keays-Byrne tiếp tục trở lại và thủ vai Immortan Joe trong phần này. Mad Max: Fury Road hiện đang được khởi chiếu trên toàn quốc.
Video được xem nhiều nhất