Những bộ phim siêu anh hùng dở nhất thế kỷ 21
Khán giả được chứng kiến sự bùng nổ của dòng phim siêu anh hùng trong 15 năm qua. Song, không phải tác phẩm nào cũng thành công như “The Dark Knight” hay “The Avengers”.
Daredevil (2003): Chính Ben Affleck từng chia sẻ anh rất “hối hận” khi tham gia dự án phim siêu anh hùng của Fox. Luôn có mặt trong danh sách các phim siêu anh hùng dở nhất mọi thời đại, Daredevil bị giới phê bình chê bai không tiếc lời và công chúng ghẻ lạnh với doanh thu toàn cầu chỉ là 102 triệu USD. Chính bộ phim khiến Ben Affleck ban đầu bị phản ứng dữ dội khi anh được trao vai Batman trong Batman v Superman: Dawn of Justice (2016). |
Hulk (2003): Người khổng lồ xanh là một nhân vật quan trọng trong thế giới truyện tranh của Marvel, cũng như có hai tập phim điện ảnh riêng vào năm 2003 và 2008. Tuy nhiên, phiên bản phim của Lý An hồi đầu thế kỷ 21 thường bị coi là “thảm họa” khi sở hữu phần nội dung nhạt nhẽo, các pha hành động kém đặc sắc. Đây được cho là một điều đáng tiếc bởi nhà làm phim người Đài Loan vừa thắng bốn giải Oscar với Ngọa hổ tàng long ngay trước đó. |
Catwoman (2004): Ngay cả những đường cong nóng bỏng của Halle Berry cũng không cứu vãn nổi Catwoman. Phim nhận bốn giải Mâm xôi vàng năm 2005 và mỹ nhân da màu là một trong những ngôi sao hiếm hoi tới “nhận giải”. Cô cay đắng chia sẻ rằng: “Cảm ơn Warner Bros. đã đưa tôi đến bộ phim dở tệ khỉ gió này”. Dù chỉ có kinh phí sản xuất 40 triệu USD, Catwoman vẫn bị lỗ tới một nửa. |
Elektra (2005): Không nao núng trước bài học thất bại của Daredevil, 20th Century Fox tiếp tục thực hiện phần phim ăn theo, tập trung vào nữ siêu anh hùng Elektra. Đáng tiếc là kết quả cũng chẳng khá hơn là bao khi Elektra khiến hãng phim thua lỗ nặng nề và phải hứng chịu không biết bao nhiêu lời chỉ trích. Có lẽ thành công duy nhất mà Daredevil và Elektra đem lại là tác hợp cho đôi uyên ương Ben Affleck - Jennifer Garner. |
Fantastic Four (2005): Câu chuyện nhàm chán về bốn phi hành gia có siêu năng lực nhờ ảnh hưởng từ bức xạ vũ trụ cứ thế được kéo dài trên màn ảnh từ năm này qua năm khác. Ngay cả dàn diễn viên trai xinh gái đẹp của phiên bản 2005-2007 cũng không thể khiến khán giả quên đi những màn tấu hài vô vị. Vớt vát lại chút cảm tình của người xem là phần kỹ xảo và tạo hình nhân vật tương đối đẹp mắt. |
Superman Returns (2006): Được không ít nhà phê bình khen ngợi, nhưng Superman Returns vẫn hứng chịu thất bại về mặt doanh thu. Trên thực tế, tài tử Brandon Routh tuy sở hữu ngoại hình phù hợp dành cho “Người đàn ông thép”, nhưng anh lại không gây được sức hút với khán giả. Ngoài ra, cốt truyện rập khuôn từ ba phần phim Superman kinh điển của Christopher Reeves khiến đại chúng không mấy hứng thú với bộ phim do đạo diễn Bryan Singer thực hiện. |
Spider-Man 3 (2007): Spider-Man 3 không phải là một tác phẩm quá tồi, nhưng nó gây thất vọng lớn nếu đứng cạnh hai tập phim trước đó. Hình tượng Peter Parker/Spider-Man bị phá hoại nghiêm trọng với cảnh nhảy múa như “phê thuốc” trên đường phố. Gwen Stacy xuất hiện thoáng qua như “bình hoa di động”, còn sự mờ nhạt của ác nhân Venom khiến nhiều fan của nguyên tác truyện tranh nổi giận. |
X-Men Origins: Wolverine (2009): Tập phim X-Men riêng về Wolverine bị chê chủ yếu vì nó cố gắng nhồi nhét quá nhiều nhân vật trong một bộ phim lẽ ra chỉ nên tập trung vào một nhân vật. Duy chỉ có tuyến truyện giữa hai anh em Logan và Victor Creed là có giá trị. Cùng lúc đó, sự biến tấu quá đà của nhà sản xuất với nhân vật Wade Wilson/Deadpool khiến không ít người hâm mộ thương hiệu X-Men phẫn nộ. |
The Green Hornet (2011): Được đầu tư khoản ngân sách lớn lên đến 120 triệu USD, nhưng cả đạo diễn Michel Gondry và bộ đôi Seth Rogen - Châu Kiệt Luân lại không có đủ kinh nghiệm thực hiện phim hành động bom tấn. Khi nhắc lại The Green Hornet, Seth Rogen cho rằng đó là “một quãng thời gian đen tối, một cơn ác mộng kinh hoàng” mà anh phải trải qua. |
The Green Lantern (2011): Thế giới của các siêu anh hùng ngoài vũ trụ thực sự rất thú vị trên trang truyện, nhưng ở trên màn ảnh thì không. Tài tử Ryan Raynolds đổ lỗi cho phần kịch bản thiếu điểm nhấn, nhàm chán với những câu thoại sáo rỗng. Trong khi đó, khán giả cho rằng kỹ xảo giả tạo, tạo hình nhân vật xấu xí mới là nguyên nhân khiến hình ảnh nhóm Green Lanterns Corp sụp đổ. |
Ghost Rider: Spirit of Vengeance (2012): Từng là một ngôi sao sáng giá, nhưng Nicholas Cage không có duyên lắm với dòng phim siêu anh hùng. Cả hai phần Ghost Rider của anh đều bị đánh giá “thê thảm” về mặt chất lượng. Phần hai bị đánh giá còn tệ hơn phần một do sự “đầu voi đuôi chuột” trong khâu sản xuất. Máy quay cầm tay khiến người xem chóng mặt và phần kỹ xảo dở tệ khiến Ghost Rider: Spirit of Vengeance thực sự là một tác phẩm đáng quên. |
Fantastic Four (2015): Đây là quả bom xịt mới nhất trong dòng phim siêu anh hùng. Ngay từ giai đoạn “trứng nước”, Fantastic Four khiến người hâm mộ không khỏi lo lắng vì những biến tấu quá xa so với nguyên tác (biến Human Torch thành người da màu, hạ thấp độ tuổi nhân vật...), cũng như mâu thuẫn liên miên giữa Josh Trank và nhà sản xuất. Hậu quả là phim trở thành “trò hề” khi ra rạp với phần kịch bản chắp vá và hình ảnh kỹ xảo thô sơ thua cả phiên bản cũ. |
Video được xem nhiều nhất