Những bộ phim hay nhất về đề tài người mẹ
Mối quan hệ giữa mẹ và con luôn là đề tài khơi gợi nhiều cảm xúc đối với các nhà làm phim trên toàn thế giới.
Mommie Dearest (1981)
Được làm dựa trên những hồi tưởng của Christina Crawford về những năm tháng thơ ấu bên nữ minh tinh một thời Joan Crawford, bộ phim tiểu sử pha hư cấu này là cái tên được nhắc đến trong không ít những bảng xếp hạng các bộ phim về hình tượng người mẹ.
Poster "Mommie Dearest".
Mommie Dearest nhận được vô số những lời nhận xét trái chiều từ cả phía khán giả lẫn giới phê bình điện ảnh. Không dễ để người xem có thể dễ dàng chấp nhận hình tượng một người mẹ độc đoán và bạo lực thoả sức hành hạ những đứa con của mình mà không phải chịu bất kì một lời phán xét nào, trừ một lớp vỏ bọc hào nhoáng ngày càng dày thêm của tiền tài và danh vọng.
Thế nhưng bất chấp những lời khen chê, Mommie Dearest vẫn là một trong những phim kén người xem khi nó yêu cầu ở họ một sự hiểu biết nhất định về bối cảnh lịch sử nơi câu chuyện bắt đầu. Những hiểu biết ấy sẽ là chìa khoá hé mở cánh cửa nội tâm của mỗi nhân vật trong câu chuyện.
Steel Magnolias (1989)
Bộ phim thứ hai trong danh sách là Steel Magnolias - một phim hài được chuyển thể từ một vở kịch cùng tên. Bộ phim khai thác mối quan hệ khăng khít giữa một nhóm những người bạn gái thân thiết, cách họ quan tâm chăm sóc lẫn nhau, và cách họ cùng nâng đỡ nhau vượt qua nghịch cảnh.
Poster phim "Steel Magnolias".
Trong một bộ phim với các nhân vật nữ “duyên dáng như hoa mộc lan, cứng rắn như thép nguội” này, khán giả sẽ bước chân vào thế giới của Shelby. Mới cưới, sắp được làm mẹ… thế giới hạnh phúc của Shelby bỗng bị đặt vào vòng nguy hiểm khi cô phát hiện ra mình đang mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo. Shelby đã nhờ đến sự trợ giúp của bốn người bạn thân để có được sức mạnh vượt qua nghịch cảnh, và chào đón đứa bé sắp ra đời.
Steel Magnolias là bộ phim ấm áp tiếng cười, nhiều mất mát nhưng cũng giàu hi vọng, như một lời khích lệ dành cho tất cả mọi người.
Mrs. Doubtfire (1993)
Được chuyển thể từ cuốn sách dành cho thiếu nhi của tác giả Anne Fine, bộ phim hài kể lại chuyện một ông bố đã hoá trang thành bà giúp việc để được ở bên những đứa con này sẽ khiến trái tim bạn tan chảy trong tình yêu thương của gia đình.
Robin Williama trong vai bà Doubtfire
Daniel Hillard là một ông bố vô trách nhiệm, bị vợ bỏ và chỉ được phép đến thăm các con duy nhất một lần một tuần. Hillard thì không, nhưng bà bảo mẫu Doubtfire phốp pháp lại có thể ở bên lũ trẻ mọi lúc. Một âm mưu điên rồ nhưng ngọt ngào của người bố trong nỗ lực giành lại tình cảm của các con cũng như làm lành với người vợ lúc nào cũng bận rộn để giữ cho gia đình sung túc. Nhiều khán giả sẽ rơm rớm nước mắt khi bộ đồ hoá trang bị tháo bỏ, nhưng chắc chắn họ sẽ mỉm cười khi gia đình bé nhỏ lại quay trở lại bên nhau.
Với những người hâm mộ Robin Williams, sẽ không có nhiều cơ hội họ được thấy người đàn ông với khuôn mặt phúc hậu này chui vào trong lốt bà bảo mẫu khệ nệ, mặt trang điểm trắng xoá, và trên hết, dịu dàng và ân cần như một người mẹ.
Freaky Friday (2003)
Đây là bộ phim mà bất kì cô bé tuổi teen nào cũng phải biết. Một lựa chọn hoàn hảo để xem cùng phụ huynh: thông điệp rõ ràng, nội dung tươi sáng, Lindsay Lohan thời kì đỉnh cao… và không có cảnh giường chiếu nóng bỏng – đây có lẽ là điều tối quan trọng.
Poster phim "Freaky Friday".
Không còn những ấm ức kiểu “mẹ không đứng ở vị trí của con để hiểu vấn đề” hay “con không phải là mẹ để hiểu được chuyện đó”, vì giờ đây hai mẹ con nhân vật chính đã hoán đổi vị trí cho nhau. Giờ đây, trong “đôi giày” của đối phương, họ buộc phải tìm cách thích nghi với hoàn cảnh oái oăm, đẩy khán giả vào những trận cười không dứt trước khi hiểu ra những khó khăn của người còn lại, và a lê hấp, ai về “nhà” nấy – trong trường hợp này là thể xác nấy.
Juno (2007)
Với diễn xuất tuyệt vời của Ellen Page, Jennifer Garner và Allison Janney trong vai ba người mẹ, bộ phim tuổi teen này đã mang đến cho người xem ba sắc thái của tình mẫu tử.
Trong Juno, Ellen vào vai Juno - một thiếu niên “dính bầu” với cậu bạn trong câu lạc bộ điền kinh. Việc trở thành mẹ nằm ngoài bất kì kế hoạch nào của cô bé, đẩy cô và những người xung quanh vào vô số rắc rối. Bà mẹ tuổi teen Juno cuối cùng đi đến quyết định sẽ sinh con và tặng đứa bé làm con nuôi cho một gia đình hiếm muộn. Tuy nhiên hành trình mang thai và sinh em bé là quá sức đối với một thiếu niên. Trong những giờ phút khó khăn nhất ấy, Juno nhận được sự trợ giúp của người mẹ kế về cả tâm lý lẫn chăm sóc sức khoẻ.
Kết thúc bộ phim, mỗi nhân vật đều tìm được vị trí của mình
Bộ phim với cái kết trọn vẹn nhất trong phạm vi có thể sẽ khiến người xem nhớ mãi, bởi cảm giác buồn buồn của tình yêu tan vỡ, của sự chia ly, nhưng cũng thấm đẫm sự ngọt ngào của tình cảm gia đình được hàn gắn, hay sự tha thứ và sẻ chia từ những sai lầm.
Juno là một bộ phim lạ lùng, với những quyết định lạ lùng đòi hỏi ở mỗi nhân vật không chỉ can đảm mà còn cả tấm lòng bao dung.
Mamma Mia! (2008)
Đây là một bộ phim hoàn hảo của hoàn hảo để cùng xem với mẹ. Âm nhạc ABBA, vũ điệu đẹp mắt, một câu chuyện đẹp về những hiểu lầm và tha thứ, khung cảnh bãi biển ngập tràn ánh nắng, và hai quý ông Pierce Brosnan cùng Colin Firth không thể hào hoa và quyến rũ hơn được nữa…
Poster phim "Mamma Mia!".
Mamma Mia! không chỉ là một bộ phim ca nhạc “ngàn sao”, nó còn là 108 phút phim hoài cổ dịu dàng. Cô con gái Sophie trước ngày cưới đã làm một chuyến hành trình đi ngược không gian và thời gian, ngược tuổi thanh xuân của người mẹ, trên nền nhạc thập niên 70 của ABBA, để tìm lại người cha thực sự của mình. Cô tìm lại ông, để tha thứ và được tha thứ, để gia đình họ một lần nữa lại gắn bó với nhau.
Changeling (2008)
Có một sự thật đã được công nhận, những bộ phim của Clint Eastwood không bao giờ dễ thưởng thức. Sẽ luôn có một vấn đề gì đó gai góc, thậm chí bi thảm khiến người xem khó có thể chấp nhận bộ phim từ những khung hình đầu tiên.
Poster phim "Changeling".
Trong bộ phim với sự tham gia của minh tinh bậc nhất Hollywood Angelina Jollie, khán giả sẽ phải đối mặt với nỗi đau của một người mẹ trẻ. Nỗi đau của cô không chỉ đến từ việc con trai mình đột nhiên mất tích, nó còn đến từ những âm mưu và sự lừa phỉnh của chính quyền nhằm ngăn cản cô tìm lại cậu bé ấy.
“Để tìm lại con trai mình, cô ấy sẽ làm những điều không ai dám.” – đó là dòng tagline được đặt trên poster của bộ phim. Và thực sự người phụ nữ ấy đã làm tất cả mọi thứ có thể, bất chấp những tai hoạ đổ ập xuống đầu mình, tất cả chỉ với một niềm tin sắt đá rằng con cô vẫn còn sống đâu đó ngoài kia, và nó xứng đáng với những sự hi sinh ấy.
Mother (2009)
Tiếp nối danh sách những bộ phim về mẹ là Mother (tên gốc: Madeo). Bộ phim điện ảnh Hàn Quốc của đạo diễn Bong Joon-ho này là một trải nghiệm đau đớn và dữ dội về tình mẫu tử.
Poster bom tấn Hàn Quốc "Mother".
Mother thể hiện rõ nét tất cả những đặc trưng trong phong cách làm phim của đạo diễn Bong Joon-ho nói riêng cũng như những bộ phim điện ảnh Hàn Quốc nói chung. Phim là cuộc hành trình tuyệt vọng của một người mẹ đi tìm kẻ giết người hàng loạt đã đổ vấy tội cho con bà.
Nếu trong Changeling, động lực để người mẹ đấu tranh là tình yêu dành cho đứa con và niềm tin vào bản thân mình, thì người mẹ trong Mother không còn gì khác ngoài nỗi tuyệt vọng, sự cô độc và tình yêu dành cho con mình. Tất cả những điều ấy tạo thành niềm tin rằng con mình vô tội nơi người mẹ, là động lực để bà lao vào vòng nguy hiểm.
Bộ phim nhận được nhiều lời đánh giá tích cực
Người ta nói con dại, cái mang. Và trong bộ phim dài 128 phút, dán mác R và giành được vô số giải thưởng danh giá này, cảm giác ấy mới thấm thía và khắc nghiệt tới mức độ khó lòng chấp nhận.
The Kids Are All Right (2010)
Một gia đình với bố và mẹ, thiếu bố hoặc thiếu mẹ đã là câu chuyện quá quen thuộc, với những vấn đề quen thuộc trong các bộ phim. Nhưng trong The Kids Are All Right, người xem sẽ buộc phải đối mặt với một vấn đề mới mẻ và lạ lẫm, phát sinh từ một nhu cầu tưởng chừng đơn giản của cuộc sống.
Poster phim "The Kids Are All Right".
Jules và Nic là một cặp đồng tính nữ. Họ sống với nhau rất hạnh phúc bên những đứa con là kết quả của việc thụ tinh trong ống nghiệm. Cuộc sống yên bình ấy một ngày kia rơi vào vòng sóng gió khi những đứa con đột ngột mang ông-bố-về-mặt-sinh-học đến ngay trước cửa. Những rắc rối, xung đột đã xảy ra trong cuộc cạnh tranh ngầm “Ai mới là bố của lũ trẻ”. Và trước khi kết quả của cuộc đua ấy ngã ngũ, người xem sẽ được tận hưởng một câu chuyện gia đình hài hước, quyến rũ, và cả… sexy theo một cách thông minh.
Tóm lại, việc một đứa trẻ gọi bạn là bố hay mẹ đâu có quan trọng bằng việc nó học được gì từ bạn, và bạn đối xử với nó như thế nào?
Pieta (2012)
Khép lại bản danh sách này là Pieta của đạo diễn Kim Ki-duk. Một bộ phim nhức nhối, được cho là đã đặt ra những câu hỏi lớn về đạo đức cho xã hội Hàn Quốc đương đại.
Bộ phim "Pieta" đã gây ra nhiều tranh cãi ngay từ khi mới ra mắt.
Trong bộ phim này, người xem sẽ bị thuyết phục để tin vào một người mẹ khao khát được bù đắp lại cho đứa con thất lạc bấy lâu những yêu thương đã mất, và một người đàn ông 30 tuổi lần đầu tiên biết đến cảm giác được yêu thương. Nhưng đó mới là phần nổi hạnh phúc cất giấu bên dưới nó tầng tầng lớp lớp những bí mật đen tối, đầy đau đớn và ám ảnh.
Cùng các nhân vật trải qua 104 phút phim đầy ám ảnh và hụt hẫng, người xem sẽ phải bất chợt thốt lên rằng: Ôi trái tim mẹ sao bao la mà cũng quá nhiều ích kỉ. Lòng bao dung vẫn ở cách quá xa sự sám hối muộn màng.
Video được xem nhiều nhất