Những bộ phim gây rúng động khi kể về số phận phụ nữ Ấn Độ
3 bộ phim tài liệu dưới đây đã tiếp cận trực tiếp để ghi lại chân thực những cuộc đời, số phận bi thương của người phụ nữ ở Ấn Độ. Những bộ phim đã gây rúng động ngay khi ra mắt.
The Holy Wives (2010) – đạo diễn Ritesh Sharma
Phim The Holy Wives là một cuộc hành trình tranh đấu đầy đau khổ của phụ nữ thuộc 3 cộng đồng người khác biệt ở Ấn.
Cách đây vài thập kỷ, phụ nữ từ một số tầng lớp xã hội bị buộc trở thành vợ Thánh ở một số khu vực ở Ấn. Họ phải sống quanh các điện thờ, thực hiện các nhiệm vụ ở đây và tham gia vào chức năng tôn giáo khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, mại dâm đã trở thành một giao dịch truyền thống trong tầng lớp Bedini ở tỉnh Madhya Pradesh. Phần lớn phụ nữ ở đây vẫn chưa kết hôn và làm gái mại dâm để kiếm sống.
Hình ảnh hậu trường bộ phim tài liệu The Holy Wives.
|
Không có con đường nào khác để kiếm tiền, cũng như có được sự chấp nhận của cộng đồng, những cô gái trẻ ở đây tham gia vào các đường dây mại dâm như một sự tất yếu.
Các bé gái 13-14 tuổi bắt đầu hành nghề thông qua một buổi đấu giá tự do trong làng của mình. Các bé gái bị buộc phải quan hệ tình dục với một người đàn ông ở đẳng cấp trên và sau đó là một cuộc sống nô lệ tình dục, trở thành gái mại dâm được thánh hóa.
Bộ phim tài liệu The Holy wives đã ghi lại cuộc đời của một người phụ nữ, bị hãm hiếp nhân danh truyền thống trước cả khi cô có thể hiều được ý nghĩa của tình dục. Và cuối cùng, cuộc sống nghèo khổ dẫn tới cái chết bi thảm của cô. Bộ phim cũng đi sâu vào cuộc đấu tranh của phụ nữ từ cộng đồng này để duy trì phẩm giá và lòng tự trọng.
Tác phẩm đã đem đến cái nhìn chân thực về cuộc sống của ba cộng đồng khác nhau. Họ đều là nạn nhân của việc lạm dụng tình dục dựa trên phân tầng xã hội. Sau khi công chiếu, bộ phim gây rúng động dư luận ở Ấn trước những câu chuyện chân thực mà nó đã kể. Phim nhận được nhiều phản hồi tích cực từ truyền thông nước nhà và được đánh giá cao khi so sánh với những bộ phim Bollywood nhạt nhẽo, vô nghĩa.
Phim Gulabi Gang (2012) – đạo diễn Nighitha Jain
Băng đảng Gulabi được thành lập bởi Sampat Pal Devi - một bà mẹ 5 con và một số nhân viên y tế của chính phủ, để đối phó với nạn bạo hành đang ngày một phổ biến trong nước và những vụ hiếp dâm phụ nữ ngang nhiên. Các thành viên của băng đảng này sẽ tới gặp những ông chồng ngược đãi vợ và đánh họ bằng gậy tre trừ khi họ từ bỏ hành vi này.
Bộ phim đã khai thác cuộc sống hàng ngày của những người phụ nữ trong băng đảng Gulabi cũng như theo sát cuộc hành trình với phong trào và sức ảnh hưởng ngày một lớn mạnh tới phụ nữ ở Sampat Pal. Bộ phim cũng lột tả sự thật trần trụi về một xã hội gia trưởng, mà ở đó chính những người phụ nữ thậm chí chối bỏ tiếng nói của mình trong công cuộc giành lại nữ quyền.
Người phụ nữ trong tác phẩm Gulabi Gang. |
Tác phẩm của đạo diễn Jain đã có tác động lớn đến công chúng, nhắc nhở chúng ta về những tổn thương mà phụ nữ ở nông thôn Ấn Độ phải chịu đựng. Ngay sau khi công chiếu bộ phim đã được đón nhận nhiệt tình và gặt hái nhiều giải thưởng danh giá. Phim đã liên tiếp dành chiến thắng tại các liên hoan phim quốc tế tổ chức tại Nauy, Dubai (2012), Ba Lan, Nam Phi (2013) và giành giải thưởng Biên tập xuất sắc nhất và Phim hay nhất về các vấn đề xã hội tại liên hoan phim trong nước (2014).
Phim Mango Girls (2013) – đạo diễn Kunal Sharma.
Nhà sản xuất Robert Carr đã phát hiện ra những câu chuyện khủng khiếp của phụ nữ Ấn Độ khi họ bị quấy rối, bị tra tấn, giam cầm và thậm chí bị giết hại bởi gia đình nhà chồng. Những câu chuyện bi thảm này liên quan tới truyền thống về của hồi môn, tiền hoặc quà tặng trao cho chú rể và gia đình khi cưới. Nên khi một người bạn làm phim của Carr - Kunal Sharma tìm thấy một ngôi làng mà trong suốt 200 năm không còn những cái chết liên quan đến của hồi môn, họ đã được truyền cảm hứng để làm bộ phim tài liệu Mango Girls, nói về vấn nạn này và đưa ra một giải pháp thay thế.
Bộ phim tài liệu Mango Girls |
Bộ phim bắt đầu từ một ngôi làng nhỏ ở Bihar có tên là Dharhara, nơi những người dân đã tìm ra cách để đối phó với những cái chết vì của hồi môn. Họ có truyền thống trồng cây ăn quả quanh làng, trong đó, cứ mỗi khi một bé gái chào đời, gia đình đó sẽ trồng một cây xoài. Sau 5-7 năm, khi cây có thể thu hoạch, tiền bán trái cây sẽ góp phần giúp các cô gái trang trải cho đám cưới và những phúc lợi sau này. Cách thức này là một ví dụ cho việc cứu mạng những người con gái của họ, cũng như tạo được nền kinh tế bền vững, và có lợi cho hệ sinh thái.
Trước thực trạng hàng năm có hơn 8000 trường hợp phụ nữ là nạn nhân của bạo lực hồi môn, bộ phim đã đào sâu những bi kịch của các gia đình khi họ tìm mọi cách để giết các bé gái sơ sinh vừa được sinh ra. Đạo diễn Sharma và nhà sản xuất Carr hy vọng, tác phẩm của họ sẽ thu hút được sự chú ý của thế giới về vấn nạn này ở Ấn cũng như mong giảm được vấn đề bạo lực với phụ nữ, thúc đẩy phúc lợi kinh tế của người dân Ấn Độ và hỗ trợ họ về giáo dục.
Video được xem nhiều nhất