Những bộ phim ám ảnh đến từ phái đẹp

Zing - 08/03/2016, 17:52

Chỉ khoảng 5% số đạo diễn hiện nay tại Hollywood là nữ giới. Nhưng con số ít ỏi đó đủ để mang đến cho công chúng nhiều tác phẩm ấn tượng, day dứt, thậm chí là ám ảnh trong quá khứ.

Citizenfour (2014): Laura Poitras là một người phụ nữ đa tài phía sau màn ảnh, khi bà có thể đảm nhận các vị trí sản xuất, đạo diễn, quay phim, dựng phim, dàn dựng âm thanh, biên kịch… Trên cương vị đạo diễn của Citizenfour, bà được Viện hàn lâm trao giải Oscar tại hạng mục Phim tài liệu xuất sắc hồi đầu năm 2015. Đó là tác phẩm kể lại câu chuyện xoay quanh nhân vật gây tranh cãi Edward Snowden - người cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã tiết lộ hàng loạt bí mật xoay quanh những chương trình theo dõi người dân của chính phủ Mỹ và Anh cho giới truyền thông. Ảnh: Radius-TWC

Stories We Tell (2012): Bạn sẽ làm gì nếu biết mình thực chất là đứa con của mối tình vụng trộm giữa mẹ và tình nhân? Nữ đạo diễn Sarah Polley đưa ra quyết định thật khó tin: thực hiện một bộ phim tài liệu về mối quan hệ của cha mẹ, qua đó khám phá xuất thân thực sự của bản thân. Dù nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, cũng như “chinh chiến” tại nhiều LHP danh giá, Stories We Tell năm ấy vẫn bị Oscar làm ngơ. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể khiến cho tác phẩm bị giảm đi giá trị hay sự cảm động mà nó đem lại cho người xem. Ảnh: Roadside Attractions

We Need to Talk About Kevin (2011): Nữ đạo diễn Lynne Ramsay là người thích sử dụng những hình ảnh ẩn dụ để kể chuyện, hơn là thông qua lời thoại hay hành động cụ thể. Cô tiếp tục áp dụng thủ pháp quen thuộc cho We Need to Talk About Kevin. Nội dung phim là chuyến hành trình tìm kiếm lời giải đáp của bà mẹ Ava (Tilda Swinton), cho chuyện tại sao con trai mình lại có thể nhẫn tâm thảm sát các bạn ở trường trung học. Cái kết của bộ phim chắc chắn sẽ khiến người xem, đặc biệt là các bậc làm cha mẹ, đặt ra nhiều câu hỏi, cũng như bị ám ảnh trong một thời gian dài. Ảnh: BBC

Winter’s Bone (2010): Jennifer Lawrence nhận đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp khi sắm vai một thiếu nữ 17 tuổi ở vùng núi Orzark. Cô gái quyết tâm đi tìm kiếm người cha nghiện ngập sau khi ông mất tích, bất chấp sự ngăn cản của những người thân trong họ hàng. Winter’s Bone mới là tác phẩm điện ảnh thứ hai trong sự nghiệp của nữ đạo diễn Debra Granik, người chỉ được phép xoay sở với nguồn kinh phí ít ỏi 2 triệu USD. Nhà làm phim rõ ràng đã có công lớn khi khai phá trọn vẹn tài năng của JLaw và đặt nền móng vững chắc cho thành công hiện tại của “cục cưng Hollywood”. Ảnh: Roadside Attractions

The Hurt Locker (2009): Ngày 7/3/2010 đánh dấu thời khắc lịch sử của giải thưởng điện ảnh Oscar: lần đầu tiên sau 82 năm, một nhà làm phim thuộc phái đẹp được vinh danh ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc. Đó là Kathryn Bigelow với The Hurt Locker. Sau đó chừng 20 phút, bộ phim kể về những người lính Mỹ chuyên đi tháo bom tại chiến trường Iraq có kinh phí sản xuất chỉ là 15 triệu USD của bà tiếp tục được xướng tên ở hạng mục Phim truyện xuất sắc, qua đó đánh bại bom tấn Avatar của James Cameron (vốn cũng là chồng cũ của Bigelow). Đó chắc chắn là thời khắc đầy cảm xúc, đồng thời tiếp thêm sức mạnh và hy vọng cho những nữ đạo diễn đang làm việc tại Hollywood. Ảnh: Summit

An Education (2009): Sở hữu khoảng 10 tác phẩm điện ảnh lớn nhỏ, nhưng nữ đạo diễn Lone Scherfig đến từ Đan Mạch hẳn được biết đến nhiều nhất qua An Education. Bộ phim ra đời năm 2009 nhận ba đề cử Oscar, trong đó có hạng mục Phim truyện Nữ diễn viên chính xuất sắc (cho Carey Mulligan). Phim lấy bối cảnh năm 1961 tại London, Anh, với nhân vật trung tâm là cô nàng Jenny Mellor đang ở tuổi 16. Chuẩn bị đặt chân tới ngôi trường Đại học Oxford danh giá, cô bỗng bị cuốn vào mối tình đầy trắc trở và khó lường với gã đàn ông điển trai David Goldman (Peter Sarsgaard). Ảnh: BBC

Lost in Translation (2003): Phải sống dưới cái bóng của người cha Francis Ford Coppola, rồi bị trao giải Mâm xôi vàng khi đóng trong The Godfather: Part III (1990) của ông, nhưng Sofia Coppola không hề thoái chí. Cô ít xuất hiện trước ống kính hơn và lui về phía sau hậu trường làm biên kịch kiêm đạo diễn. Kết quả là năm 2003, Viện hàn lâm phải công nhận tài năng của cô gái thuộc dòng họ Coppola với giải Kịch bản gốc xuất sắc cho Lost in Translation - câu chuyện tình lãng đãng giữa một ngôi sao điện ảnh hết thời và một thiếu nữ trẻ tại thành phố Tokyo, Nhật Bản. Sau thành công đó, Sofia Coppola tiếp tục trình làng khán giả một số tác phẩm thú vị nữa như Marie Antoinette (2006), Somewhere (2010) hay The Bling Ring (2013). Ảnh: Focus Features

American Psycho (2000): Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Bret Easton Ellis, American Psycho là tác phẩm châm biếm xã hội cũng như đàn ông nước Mỹ của cuối thập niên 1980. Nhân vật chính trong phim là một tay đầu tư tài chính thành đạt vào ban ngày, nhưng lại hóa điên và trở thành kẻ sát nhân hàng loạt hàng đêm, do tài tử Christian Bale thể hiện. Thật khó tin là những cảnh tình dục, máu me, đâm chém, giết người bạo lực của American Psycho lại đến từ một nữ đạo diễn. Đó là Mary Harron và tới nay, đây vẫn là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của bà. Ảnh: Lionsgate

The Piano (1993): Câu chuyện về Ada McGrath - người phụ nữ câm, sở hữu khả năng chơi dương cầm thiên phú, nhưng bị số phận đưa đẩy tới miền đất New Zealand xa xôi cùng con gái vào cuối thế kỷ XIX, từng gây xôn xao dư luận bởi nhiều tầng ý nghĩa ẩn chứa, cũng như cảnh nóng trần trụi giữa hai diễn viên Holly Hunter và Harvey Keitel. Viện hàn lâm rất yêu thích The Piano và trao giải Oscar cho nữ đạo diễn kiêm biên kịch Jane Campion tại hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc. Trước đó, cũng nhờ bộ phim, bà chia sẻ vinh quang Cành cọ vàng giải Đạo diễn xuất sắc với Trần Khải Ca tại LHP Cannes 1993. Ảnh: Miramax

Triumph of the Will (1935): Ngược dòng lịch sử, trở lại thời điểm Adolf Hitler lên nắm quyền tại nước Đức bằng chế độ phát xít, bộ phim tài liệu Triumph of the Will đã khắc họa chi tiết những gì đang xảy ra ở quốc gia châu Âu khi đó. Tác phẩm mau chóng trở thành công cụ tuyên truyền hiệu quả dành cho chính phủ Hitler, thậm chí khiến các đối thủ của người Đức phải e dè. Tất cả là nhờ công lớn của nữ đạo diễn Leni Riefenstahl, người đã tạo ra những thước phim chuẩn mực cho dòng phim tài liệu và tuyên truyền sau này. Tuy nhiên, do có mối quan hệ mật thiết với Hitler, sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, bà không còn nhiều cơ hội để tiếp tục phô diễn tài năng làm phim. Sau bộ phim điện ảnh Lowlands (1954), phải mãi tới năm 2001, bà mới thực hiện tác phẩm tiếp theo mang tên Underwater Impressions thuộc dòng tài liệu, khi đã 99 tuổi. Khoảng hai năm sau, Leni Riefenstahl qua đời tại Pöcking, nước Đức ở tuổi 101. Ảnh: Universum Film AG

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất