‘Người đàm phán’: Bức tranh sinh động thời Chiến tranh Lạnh

Zing - 27/10/2015, 08:37

Đạo diễn Steven Spielberg tạo ra bầu không khí đầy căng thẳng chỉ nhờ lời thoại khi hai cường quốc Mỹ và Liên Xô phải thực hiện cuộc đàm phán trao đổi tù binh không ai mong muốn.

Bridge of Spies lấy bối cảnh cuối thập niên 1950, khi Mỹ và Liên Xô đang trong tình trạng Chiến tranh Lạnh đầy căng thẳng. Tom Hanks sắm vai James B. Donovan, một luật sư bảo hiểm được chính phủ Mỹ yêu cầu bào chữa cho một điệp viên của Liên Xô có tên Rudolf Abel (Mark Rylance), người mới bị lộ danh tính và FBI bắt giữ tại Brooklyn, New York.

‘Người đàm phán’: Bức tranh sinh động thời Chiến tranh Lạnh

Tom Hanks sắm vai chính trong bộ phim lấy đề tài Chiến tranh Lạnh nhưng được kể dưới lăng kính đầy khách quan của đạo diễn Steven Spielberg.

 

Bất chấp sự phản đối, thậm chí đe dọa từ nhiều phía muốn nhanh chóng kết án tử hình Abel, James B. Donovan nhận lời bào chữa cho “kẻ thù quốc gia” một cách chuyên nghiệp và công bằng. Abel bị tòa án tối cao nước Mỹ kết tội gián điệp và phạt 30 năm tù giam.

Nhưng cùng lúc này, phía Liên Xô và chính quyền Đông Đức lại bắt được viên phi công do thám Francis Gary Powers (Austin Stowell) và một chàng sinh viên người Mỹ du học tại Berlin (Will Rogers) bị tình nghi là gián điệp. Chính phủ Mỹ chỉ định Donovan làm người đàm phán cho cuộc trao đổi tù nhân bí mật không được các bên công khai thừa nhận.

Bridge of Spies được xây dựng dựa trên những sự kiện và nhân vật lịch sử có thật, với nhiều sự kiện lớn diễn ra dàn trải trong suốt thời lượng 140 phút. Bộ phim bắt đầu bằng các chi tiết kịch tính quen thuộc ở một bộ phim mang đề tài gián điệp: FBI tìm cách theo dõi Abel và bắt giữ ông tại một căn phòng khách sạn với những chứng cứ buộc tội gián điệp.

Ngay sau đó, phim đi sâu vào lĩnh vực pháp lý với các hoạt động bào chữa của Donovan dành cho thân chủ Abel. Những âm mưu, mánh khóe tố tụng dần dần được bóc tách mỗi khi có nhân mới xuất hiện. Mỗi người bọn họ đều có toan tính riêng trong vụ án xét xử viên gián điệp của Liên Xô, chỉ ngoại trừ Donovan muốn theo đuổi công lý chính trực.

‘Người đàm phán’: Bức tranh sinh động thời Chiến tranh Lạnh

Luật sư James B. Donovan chấp nhận trở thành "kẻ thù số hai" của nước Mỹ khi quyết định bào chữa cho Abel một cách công bằng, chính trực.

 

Kịch tính ngày càng gia tăng khi Liên Xô bắt giữ và kết tội viên phi công do thám Powers, muốn dùng anh để trao đổi lại người của mình. Từ chỗ là luật sư bảo hiểm, không hề liên quan gì tới chính quyền, Donovan bất ngờ trở thành người trung gian cho một cuộc đàm phán không được cả hai cường quốc thừa nhận. Đó là trận chiến ngoại giao ảnh hưởng tới sinh mạng của các tù nhân và cả chính bản thân Donovan.

Sử dụng cốt truyện khá quen thuộc trong các bộ phim cũng thuộc đề tài Chiến tranh Lạnh, nhưng đạo diễn Steven Spielberg thành công tạo ra tác phẩm có tư tưởng hoàn toàn khác biệt. Bridge of Spies không miêu tả Liên Xô như những kẻ phản diện dù được đặt dưới lăng kính của nước Mỹ.

Nước Mỹ vốn là quốc gia luôn đề cao dân chủ và nhân quyền. Nhưng trong phim, chính người Mỹ lại bị ám ảnh bởi chiến tranh hạt nhân đến mức sẵn sàng gạt bỏ luật pháp và đạo đức khi xét xử một kẻ bị tình nghi là gián điệp. Gia đình Donovan phản đối việc ông nhận bào chữa cho Abel, bồi thẩm đoàn tìm mọi cách tuyên án tử hình Abel, còn quần chúng thì phẫn nộ đòi đưa Abel lên giá treo cổ... Cuối cùng, khi lâm vào thế bí, chính phủ Mỹ lại cử một người bình dị đi thực hiện nhiệm vụ đàm phán đầy khó khăn thay cho các quan chức.

‘Người đàm phán’: Bức tranh sinh động thời Chiến tranh Lạnh

Bức tranh thu nhỏ của thời kỳ Chiến tranh Lạnh dần hiện ra dưới bàn tay tài ba của Steven Spielberg trong 140 phút của Bridge of Spies.

 

Phía Liên Xô và Đông Đức cũng có những hành động, toan tính vì lợi ích riêng. Chỉ duy có James B. Donovan là con người chính trực hơn tất thảy. Là người Mỹ, nhưng ông không từ chối bào chữa cho Abel, chấp nhận trở thành “kẻ thù số hai” trong mắt công chúng chỉ sau thân chủ. Ông làm việc với tinh thần thượng tôn pháp luật, không để cảm tính cá nhân ảnh hưởng đến công việc, bởi Donovan tin rằng mọi người đều có quyền được xét xử công bằng.

Bất chấp sự thiếu minh bạch của tòa án, sự đe dọa của quần chúng quá khích, ông đã bảo vệ thân chủ của mình đến cùng, làm trọn vẹn phận sự của người luật sư. Nhờ đó, khán giả, thông qua góc nhìn của Donovan, có cơ hội nhìn nhận và đánh giá Abel khách quan hơn. Còn nhân vật chính, quả đúng như lời khen của thân chủ, là “một người đàn ông đứng thẳng” (standing man), luôn vững tâm, kiên định trước mọi hoàn cảnh.

Nam diễn viên gạo cội Tom Hanks rất thành công khi hóa thân vào vai luật sư Donovan. Ông sở hữu vẻ ngoài bình dị có phần khắc khổ, nhưng vẫn thể hiện được sự bình tĩnh, nhanh trí trước những âm mưu lắt léo của giới tình báo. Nhân vật gián điệp Rudolf Abel của Mark Rylance cũng là một vai diễn ấn tượng. Không có nhiều đất diễn, nhưng với nét biểu cảm tinh tế, lời thoại ngắn gọn đầy thông minh, Rylance đem đến hình ảnh một người chiến sĩ tình báo đầy bản lĩnh, luôn trung thành với lý tưởng của bản thân.

‘Người đàm phán’: Bức tranh sinh động thời Chiến tranh Lạnh

Bridge of Spies là lần hợp tác thứ tư giữa bộ đôi Tom Hanks - Steven Spielberg. Họ đều thực hiện thành công nhiệm vụ của mình.

 

Qua bàn tay nhào nặn của đạo diễn Steven Spielberg, Bridge of Spies tái hiện lại bối cảnh thế giới muôn mặt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Người dân Mỹ sống trong hòa bình, hạnh phúc, nhưng bộ máy tuyên truyền của chính phủ luôn ra rả về cuộc chiến hạt nhân có thể diễn ra bất cứ lúc nào, cũng như gieo rắc sự thù ghét dành cho đối thủ mà bản thân họ chưa bao giờ hiểu hết.

Nước Đức hiện lên như miếng bánh để các cường quốc xâu xé, tranh giành quyền lực. Bức tường Berlin được dựng lên chia đôi thủ đô và đất nước. Hai chế độ xung đột khiến nền kinh tế trở nên kiệt quệ, đời sống người dân khó khăn, an ninh bất ổn. Chỉ bằng những chi tiết nhỏ tưởng chừng không liên quan đến cốt truyện chính, Bridge of Spies khắc họa được phần nào hình ảnh những con người dưới các chế độ khác nhau trong thời kỳ hỗn loạn bằng góc nhìn đầy khách quan.

 

Phim không có cảnh hành động cháy nổ, tiết tấu luôn chậm rãi, nhưng vẫn tạo ra được bầu không khí căng thẳng chỉ cần qua những cuộc đối thoại. Tác phẩm càng về cuối càng trở nên dễ đoán. Số lượng nhân vật phụ đông đảo cũng có thể khiến người xem khó nắm bắt. Song, đó chỉ là những điểm trừ nhỏ trong một tác phẩm chất lượng đến từ bậc thầy Steven Spielberg. Bridge of Spies chắc chắn sẽ là một ứng cử viên nặng ký cho mùa giải thưởng điện ảnh 2015 - 2016 trong thời gian tới.

Bridge of Spies (Người đàm phán) khởi chiếu trên toàn quốc từ 23/10.

Zing.vn đánh giá: 4/5

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất