Hãy để tâm hồn bạn được đi nghỉ dưỡng, giữa những khung cảnh bạt ngàn thơ mộng trong những thước phim Nhật đẹp dung dị đến ngoạn mục này nhé!
Gần đây, "cái đẹp" trong bộ phim điện ảnh Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh đã làm khán giả Việt không khỏi xiêu lòng và xúc động. Bước vào rạp với sự tò mò về tuổi thơ, tìm lại với những cảm xúc trong trẻo khi thả hồn vào những cảnh quay tuyệt đẹp, khi ra về, họ mang theo mình một niềm nhung nhớ ngày xưa đầy ước vọng. Nếu say mê thể loại phim giàu chất thơ và đắm đuối trước những khung hình đẹp tựa tranh vẽ của bản phim chuyển do đạo diễn Victor Vũ dày công xây dựng, sau đây là những bộ phim Nhật Bản cùng thể loại mà bạn không thể bỏ qua.
Little Forest (Komori) là tác phẩm điện ảnh Nhật Bản chuyển thể từ bộ manga cùng tên của tác giả Igarashi Daisuke. Phim được chia thành 2 phần, được công chiếu cách nhau nửa năm: tập Hạ Thu vào tháng 8/2014, Đông Xuân vào tháng 2/2015.
Mở đầu bằng những khung hình ngập tràn sức sống và xanh mướt của núi rừng sau cơn mưa, Little Forest đưa người xem trở về làng quê nhỏ bé Komori. Việc sử dụng xen kẽ góc quay từ thấp đến cao, từ xa đến gần ngay từ đầu đã thành công vẽ nên cảnh sắc đặc trưng miền quê hoang sơ nhưng đầy mới mẻ vùng Đông Bắc nước Nhật trong mắt khán giả vốn đã quen với "nhan sắc" phổ biến của Nhật Bản thường xuyên gắn liền với những gốc anh đào trắng hồng.
Con đường xuyên qua cánh rừng
Sắc xanh trải dài mướt mát
Cẩm tú cầu sau cơn mưa
Làng Komori cực kì đơn sơ và bát ngát
Little Forest là bức tranh về cuộc sống lẻ loi của Ichiko (Hashimoto Ai) tại làng Komori. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, người mẹ - cũng là chỗ dựa duy nhất của Ichiko – bỗng dưng bỏ đi không một lời từ giã. Bên cạnh đó, do không thể thích ứng với cuộc sống đô thị, Ichiko trở về quê và sống một mình trong căn nhà gỗ đơn sơ.
Giống như mọi người ở vùng quê hẻo lánh này, mỗi ngày Ichiko tự trồng trọt, thu hoạch nông sản để nuôi sống bản thân. Từ hồi ức về những món ăn mẹ làm khi còn bé, Ichiko chế biến lại hương vị của ngày xưa bằng những nguyên liệu theo mỗi mùa, tựa như cô cũng đang nỗ lực khôi phục lại cảm xúc trong cuộc sống mình.
Dù mất 30 phút đạp xe từ nhà ra đến thị trấn, khung cảnh đẹp nao lòng này khó mà khiến Ichiko cảm thấy gian nan
Cô còn tự trồng trọt
và thưởng thức nông sản tươi ngon mỗi ngày
Trong Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, người xem được theo dõi câu chuyện thời thơ ấu của Thiều, Tường và Mận thì trong Litte Forest chỉ kể lại câu chuyện của một mình Ichiko. Mặc dù hàng xóm láng giềng của Ichiko vẫn còn đó nhưng cô không không có quá nhiều sự tương tác với họ. Chỉ khi ở một mình, Ichiko mới có thể cảm nhận hết cuộc sống và trở lại với chính mình. Hình ảnh Ichiko cẩn thận chuẩn bị cho mình từng bữa cơm, chậm rãi thưởng thức hương vị món ăn chế biến từ nông sản do mình tự tay thu hoạch, đây là cách cô khám phá và hưởng thụ một phương thức sinh hoạt hoàn toàn mới.
Người dân đều sống bằng nghề nông
“Mùa nào thức nấy”
Món ăn giản dị được chế biến và trình bày bắt mắt
Ichiko quen với những bữa ăn một mình
Xuân hạ thu đông lặng lẽ trôi qua, Ichiko không dựa dẫm, từ trong đơn độc và nỗ lực, cô tìm giá trị của sinh mệnh, nhẫn nại chờ thư của mẹ, nhưng cũng không quên đáp lại lòng tử tế của người địa phương này. Mặc dù mẹ ra đi không một lời từ biệt, Ichiko không tỏ ra quá oán trách mà kiên cường, tựa như một thân cây trong khu rừng nơi cô sống, uống nước mưa mà lớn lên, đón gió mà ca hát, thuận theo tự nhiên mà sinh tồn.
Mùa hạ trong trẻo
Ichiko đạp xe giữa khu rừng đã khoác lên mình tấm áo mùa thu
Tuyết phủ trắng xóa vào mùa đông
Hoa đào núi nở rộ lúc xuân về
Ichiko chờ từng bức thư của mẹ
Giống như
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Little Forest được cho là thiếu vắng cao trào và nội dung kịch tính. Tuy nhiên, nội dung và cảnh quan lại dẫn người xem trở lại với một bức tranh sinh hoạt ở nơi “thế ngoại đào viên”, rời xa bon chen và huyên náo, ở đó con người xem việc thưởng miếng ngon, dùng thức đẹp làm niềm vui.
Với cảnh sắc thiên nhiên trong phim, mỗi khung hình là một bức tranh sơn thủy khiến ta rợn ngợp trước mẹ thiên nhiên diệu kì. Nếu bạn đang mắc kẹt giữa cuộc sống rối ren, xem Little Forest chắc chắn là một lựa chọn mang lại cảm giác dễ dàng, thoải mái. Tựa như sau khi chạy bộ ngoài trời nóng bức có thể về nhà mở tủ lạnh, uống một cốc nước đậu xanh mát lạnh, thơm ngon và sảng khoái.
Bức tranh bốn mùa tuyệt đẹp ở làng Komori
Little Forest có thể xem là một bộ phim về đề tài ẩm thực, không ít khán giả sau khi xem đã tự rút ra cho mình một vài công thức chế biến món ăn gia đình. Ichiko mỗi ngày ăn bữa cơm tự nấu bằng nguyên liệu vừa thu hoạch. Mùa đông thổi bếp lò nướng những ổ bánh mì thơm phức, mùa hạ nóng ẩm thưởng thức một chén rượu gạo mát lạnh chính tay mình ủ nên; ban ngày ăn hoa quả tươi ngon, buổi tối lắng nghe âm thanh của núi rừng Từ những món ăn đơn giản phản ánh lối sống giản dị, bộ phim muốn nhắn gửi một thông điệp: hãy luôn trân trọng từng bữa cơm, từng ngày tháng bình yên, con người nếu có thể vứt bỏ đòi hỏi chấp nhất sẽ tìm được sự thanh thản và hài lòng.
Cho dù không có ai yêu thương, cho dù không còn người để dựa vào, Ichiko vẫn trân trọng sinh mệnh, chăm lo chính mình, sống thật tốt, chậm rãi tận hưởng mỗi một ngày yên bình, tự lực cánh sinh, tay làm hàm nhai. Từ Ichiko có thể rút ra được phương thức tu dưỡng bản thân bằng lối sống lành mạnh, cũng phản ánh một phần văn hóa Nhật Bản, đặc trưng sinh hoạt của địa phương và tinh thần kiên cường của người dân xứ mặt trời mọc.
Dù ăn cùng với ai...
...hay chỉ có một mình
Cũng cảm thấy mãn nguyện đủ đầy với hiện tại
Còn Taste Of Tea (Cha No Aji/ Vị Trà) là một phim điện ảnh khá cổ quái. Người xem phải kiên nhẫn với từng thước phim, tránh xem với một trái tim hời hợt, bởi nếu thế, chắc chắn bạn sẽ không hiểu câu chuyện muốn nói điều gì cũng như vì sao phim này lại đạt nhiều giải thưởng như thế.
Ba thế hệ nhà Haruno 6 người sống dưới một mái nhà nhỏ. Gia đình này thoạt nhìn có vẻ bình thường như bao gia đình khác, thế nhưng bên trong lại ẩn giấu nhiều điều thú vị, mỗi thành viên đều có một mối quan tâm riêng. Ông nội hay trêu cả nhà. Người cha làm thầy lang chữa bệnh tại gia bằng phương pháp thôi miên, mê việc đến mức quên gia đình. Người mẹ say sưa sáng tác truyện tranh, không màng dạy con.
Poster phim "Taste Of Tea"
Người con trai lớn đang học trung học (Sato Takahiro) phải lòng một giáo sinh, cứ day dứt với mối tình đơn phương vượt cấp. Cô bé gái mới vào tiểu học (Banno Maya) luôn bị ám ảnh bởi sự trưởng thành, luôn hình dung một “cái tôi” kích thước khổng lồ ở ngay bên cạnh. Ông bác thất chí từ Tokyo trở về nếu không phải uống rượu thì cũng chỉ biết kể chuyện ma quỷ hù dọa cháu nhỏ, nhưng trong lòng vẫn ôm ấp mộng tưởng với âm nhạc. Thế giới quan của từng người đầy màu sắc.
Ông nội cổ quái
Cha mẹ và 2 đứa con
Ông bác lôi thôi
Hương trà – phim cũng như tên, không liên quan trực tiếp với trà, nhưng khi xem, khán giả có thể phảng phất cảm nhận được hương vị thanh thuần mà ấm áp. Trước hết, phải nhắc đến những khung hình tràn đầy cảnh sắc tự nhiên tươi mát: một gốc cây, phiến lá, khóm hoa – vừa nhìn như chẳng có gì đặc biệt, nhưng lại đem đến cảm giác thân thiết. Bối cảnh ngoại ô thanh bình trong phim phản ánh cuộc sống giản dị đời thường, gợi lại ký ức của mỗi người xem giúp họ cảm thấy gần gũi với nhân vật và câu chuyện.
Khung cảnh yên bình
Ráng chiều rực rỡ
Thế giới nội tâm của mỗi nhân vật được đạo diễn hình tượng hóa, phóng đại thêm, trở nên ảo diệu. Tuy nhiên, xét cho cùng, họ cũng bình thường giống như mỗi người chúng ta. Họ đều theo đuổi khao khát riêng của bản thân: người cha muốn nâng cao sự nghiệp, người mẹ muốn làm họa sĩ truyện tranh, cậu con trai chấp nhặt với mối tình đầu, cô con gái nhỏ muốn trở thành vận động viên nhào lộn xinh đẹp, ông bác lôi thôi dằn vặt vì tình cũ... Những mộng tưởng này có thể không lớn lao, nhưng chỉ cần nỗ lực thực hiện, nhất định đẹp đẽ như hình ảnh mặt trời lúc hoàng hôn, ấm áp cả không gian.
Cô bé Sachiko bị ám ảnh bởi “cái tôi” khổng lồ của mình
Nhân vật người ông có thể nói là sợi dây vô hình nối kết các thành viên trong nhà. Lúc đầu khán giả sẽ phản cảm hoặc chán ghét những trò tinh quái ấu trĩ của ông, tuy nhiên càng xem, bạn sẽ càng nhận ra tình yêu sâu đậm của ông với từng người thân. Biết thời gian không còn bao nhiêu, ông muốn ghi nhớ kỹ từng thành viên trong gia đình bằng tranh vẽ, cố gắng giúp con cháu hoàn thành mơ ước. Để khi ông mất rồi, cả nhà tìm thấy tập tranh và nhận ra ông đã đem ấn tượng về mỗi người họa lại thật đáng yêu dí dỏm. Tình thương của ông lớn lao như thế, vậy mà lúc sinh thời, ai cũng chỉ nghĩ ông vừa lú lẫn vừa điên khùng.
Tập tranh của người ông quá cố gây xúc động
Có thời lượng 143 phút nhưng tiết tấu phim lại khá chậm, không cao trào dữ dội, không tình tiết kịch liệt, giống như bức tranh sinh hoạt buổi trưa nhiều, nhạt nhạt mà trôi đi. Xem Taste of tea cảm giác như đang đánh cờ uống trà, tâm tình phải bình thản, hoàn toàn thả lỏng tiếp nhận. Khá nhiều đạo diễn Nhật Bản và Đài Loan từng yêu thích phong cách làm phim này, giản đơn, nhưng đòi hỏi người xem sự kiên nhẫn.
Khung hình đẹp đến lặng người
Chậm rãi thưởng thức Taste Of Tea, có lẽ bạn sẽ thấy đồng cảm với nhân vật người bác trong câu chuyện. Đã nếm trải những ồn ã náo nhiệt nơi đô thị mới phát hiện sự yên tĩnh thanh bình miền nông thôn bên cạnh người thân yêu, mới là cuộc sống bản thân mong muốn nhất.
(Tổng hợp)
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Video được xem nhiều nhất
Bình luận