Mad Max: Fury Road - Bom tấn hành động của thập kỷ

Kênh 14 - 16/05/2015, 14:59

Sau 30 năm chờ đợi, siêu phẩm "Mad Max: Fury Road" của đạo diễn người Úc George Miller đã không làm người xem thất vọng.

Vào năm 1979, cái tên George Miller đã trở thành một trong những biểu tượng lớn của dòng phim hành động khi tác phẩm Mad Max của ông ra mắt. Thế giới hậu khải huyền trong Mad Max đã làm tiền đề cho những bộ phim hành động như Doomsday, Death Race hay những tựa trò chơi nhập vai đình đám như Borderland hay Fallout. Thế nhưng, kể từ sau phần ba Mad Max: Beyond Thunderdome kết thúc vào năm 1985, người hâm mộ đã dần mất hy vọng về việc có thể tái ngộ Max “Điên” trên màn ảnh rộng lần nữa. Trên thực tế, ít người biết là Miller đã nung nấu ý định làm Mad Max: Fury Road từ hơn 10 năm qua, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà phải đến năm 2015, ông mới hoàn thành tâm nguyện này.

"Mad Max: Fury Road" sinh ra trễ đến... 30 năm

Tiếp nối tinh thần của ba phần trước, thế giới Mad Max: Fury Road được bao phủ bởi sa mạc, bụi cát và sự vô vọng. Người hùng cô độc Max Rockatansky (Tom Hardy) trên đường lang thang để trốn chạy những ám ảnh từ quá khứ đã chạm trán đám quân lính (War Boys) của bạo chúa Immortan Joe (Hugh Keays-Byrne), không may, Max bị chúng bắt giữ làm tù binh. Anh bị biến thành “túi máu” cho một tên War Boys lái xe ốm yếu mang tên Nux (Nicholas Hoult). Thành trì của Immortan Joe là một xã hội điên loạn bất công khi Immortan Joe là người kiểm soát nguồn nước và quyết định cung cấp cho người dân khi nào hắn muốn. Để thoát khỏi ách độc tài này, chỉ huy Furiosa (Charlize Theron) – đã lợi dụng cơ hội khi làm nhiệm vụ để chạy trốn cùng với năm người vợ của Immortan Joe (Những người mà hắn coi là "máy đẻ"). Lãnh chúa Joe phát hiện ra điều này và kéo toàn bộ đội quân của mình để cướp lại những vật sở hữu của hắn, trong đội quân có cả Nux và Max. Max điên "bất đắc dĩ" trở thành vị cứu tinh cho những niềm hy vọng cuối cùng của sa mạc.

Tại sao series Mad Max lại trở thành tượng đài của phim hành động? Vì chỉ George Miller mới có thể nghĩ ra những cảnh chiến đấu và rượt đuổi không tưởng. Do thời gian thai nghén lên đến 10 năm, những pha hành động đã được vị đạo diễn này chăm chút với hơn 3500 bản vẽ chi tiết minh họa cho những góc quay và chuyển cảnh. Mad Max: Fury Road đã thực sự trở thành một chiến trường đẫm máu. Các pha đối đầu, các trường đoạn đấu súng nghẹt thở được quay theo một phong cách “Điên” không kém gì Max với nhiều cú lướt máy nhanh gọn cùng những màn đánh nhau được “tua” nhanh có chủ đích. Sự "tàn bạo" trong Mad Max: Fury Road làm cho những bom tấn hành động năm nay như Fast & Furious 7 hay Avengers: Age of Ultron trở nên tầm thường và giả tạo. Cả bộ phim là một cuộc rượt đuổi điên rồ trộn lẫn giữa sự sống và cái chết, một cuộc chiến một mất một còn chứ không chỉ là những pha hành động dễ dãi được làm bằng kĩ xảo máy tính.

 

 

Trong Mad Max: Fury Road, Tom Hardy thay thế huyền thoại Mel Gibson hóa thân vào vai Max “Điên” – người hùng lạc lõng giữa thế giới hoang tàn. Năm 2013, anh tham gia một bộ phim nhỏ nhưng được các nhà phê bình đánh giá cao mang tên Locke, với bối cảnh chủ yếu diễn ra sau vô-lăng xe hơi. Vô tình, hình tượng Locke lại khá tương đồng với Max “điên”: không cần nhiều hội thoại, diễn xuất chủ yếu thông qua ánh mắt và biểu cảm. Gã “Bane” của The Dark Knight Rises, Tommy Riordan của Warrior đã kế thừa một cách trọn vẹn đến từng hơi thở của vai diễn từng một thời là niềm kiêu hãnh của Mel Gibson. Phong cách diễn xuất của Tom Hardy khiến các fan của Mad Max năm nào tiếp tục đắm mình vào vẻ phong trần pha lẫn bi thương của vị anh hùng lang thang.

Tom Hardy hóa thân xuất sắc vào hình tượng Mad Max

Thế nhưng, vai ấn tượng nhất trong phim không thuộc về Max của Tom Hardy mà lại chính là nữ chiến binh Furiosa của Charlize Theron. Kiều nữ gốc Nam Phi đã chứng tỏ vẻ đẹp và tài năng diễn xuất của mình có thể áp đảo bất cứ bạn diễn nào, ngay cả khi cô đã được hóa trang “dìm hàng” hết mức với quả đầu cạo trọc, nửa khuôn mặt bị bôi đen, một cánh tay cụt ngủn và bộ trang phục bẩn thỉu, rách rưới. Furiosa có lúc là một chiến binh lạnh lùng sẵn sàng tấn công không khoan nhượng kẻ thù, nhưng cũng có khi lại rất nữ tính trong những phân đoạn cần thể hiện cảm xúc.

Furiosa do Charlize Theron thủ vai mạnh mẽ và can trường

Bên cạnh hai tên tuổi lớn, nam diễn viên trẻ Nicholas Hoult cũng không tỏ ra “lép vế” khi vai Nux của anh nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nux trong phim là một War Boys yếu ớt, luôn sống với một ảo tưởng sẽ đến với con đường thánh thần Vahalla cùng với thủ lĩnh bất tử Joe.

 

Nicholas Hoult trong vai Nux
 
Nói đến Mad Max là nói đến những tên trùm bệnh hoạn với tạo hình kì dị nhưng không kém phần thú vị. Trong Mad Max: Fury Road, tên bạo chúa Immortan Joe xuất hiện như một đấng chúa trời, niềm hy vọng duy nhất cho đám quân lính hiếu chiến và những con người tuyệt vọng của sa mạc. Tuy khuôn mặt của Joe chưa bao giờ lộ diện đầy đủ trong phim, nhưng chỉ với ánh mắt cuồng nộ của mình, hắn đã làm cho tất cả những kẻ dám đối đầu với hắn phải dè chừng. Một điểm thú vị nữa là nam diễn viên Hugh Keays-Byrne thủ vai Immortan Joe cũng chính là người đóng Toecutter trong phần Mad Max đầu tiên.
 
Hugh Keays-Byrne trong vai bạo chúa Immortan Joe
 

Hugh Keays-Byrne trong vai Toecutter của "Mad Max" (1979)

Bên cạnh đó, tổ tạo hình và phục trang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi họ tạo ra những chiếc xe “độ” nâng cấp từ các loại xe hơi thông thường với bề ngoài cực kì “ngầu” và độc đáo. Trang phục của các nhân vật cũng mang hơi hướng punk-rock với mặt nạ đầu lâu, áo da, khuyên tai và hình xăm kì quặc… Phần lớn các phim hậu tận thế đều khó có thể làm toát lên tính thời trang trong những bộ đồ của phần giản đơn, bẩn thỉu thì trái lại Mad Max: Fury Road vẫn làm được điều đó.

Âm nhạc của phim do “phù thủy âm thanh” Junkie XL đảm nhiệm và ông đã không phụ sự tin tưởng của Geogre Miller khi hoàn thiện thế giới điên cuồng của Mad Max với những bản nhạc rock bốc lửa, tiếng guitar rít chói tai cùng tiếng trống dồn dập. Hóa thân của Junkie XL trong phim chính một nhân vật phụ độc đáo: tay chơi đàn guitar mặc đồ đỏ, đeo mặt nạ và ra trận cùng với một dàn loa “khủng” bên phe Immortan Joe.

Một nhân vật phụ khá ấn tượng trong phim

Bỏ qua sự xuất sắc về mặt hình ảnh, phim còn đậm tính triết lí. Giá trị nhân văn của Mad Max: Fury Road chính là vấn đề bảo vệ môi trường và một chút chính trị. Trong tương lai, nước và dầu là hai tài nguyên quan trọng nhất nhưng chúng đang bị cạn kiệt dần và bị những nhóm người đứng đầu nắm giữ độc quyền. Thường dân nghèo đói, khổ sở buộc phải trông chờ vào “lòng thương” của nhóm người ở cấp cao này. Cuộc chạy trốn của các cô vợ Immortan Joe dưới sự cầm đầu của Furiosa thể hiện cho phong trào đòi quyền bình đẳng giới mà các chị em phụ nữ đã đấu tranh trong suốt nhiều năm qua.

"Mad Max: Fury Road" còn là một bộ phim ca ngợi nữ quyền

Mad Max: Fury Road là minh chứng tuyệt vời nhất cho việc tái sinh một thương hiệu ăn khách sau hàng chục năm mà vẫn đạt được thành công, hơn nữa, nó tiếp tục mở ra con đường hoàn toàn mới cho dòng phim hành động hậu tận thế như chính những gì mà phần phim Mad Max đầu tiên đã làm được cách đây gần bốn thập kỷ. Đây chính là siêu phẩm hành động đỉnh nhất của năm 2015, hoặc trong vòng mười năm trở lại đây. Mad Max: Fury Road hiện đang được khởi chiếu trên toàn quốc.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất