Macbeth - Tấn bi kịch kỳ vĩ về quyền lực
Bi tráng, cổ điển và chết chóc, con đường đi từ tột đỉnh vinh quang tới thảm bại của sát vương Macbeth xứ Scotland một lần nữa lại đỏ rực sau hơn 400 năm ráo mực trên những trang kịch của Shakespeare.
Cái ác nảy nở từ trong tình thân
Thật đau đớn khi chứng kiến "cái ác" như nọc rắn, tiêm nhiễm vào tâm hồn con người và đem theo cả những mưu mô, điên cuồng và dằn vặt. Quyền lực là thứ luôn được con người khao khát và mong muốn chiếm đoạt từ thuở ban sơ. Đối với Macbeth, tham vọng quyền lực là thứ đã manh nha trong đầu người đàn ông này. Như loài cỏ dại len lỏi trong tâm hồn người chiến binh dũng mãnh, được tưới tắm chăm bón bởi người vợ, sự tham vọng mù quáng này đã hút cạn tình thương trong con người của vị lãnh chúa. Chứng kiến quá trình tha hoá của Macbeth kéo theo hàng loạt bi kịch dẫn tới cái chết của rất nhiều sinh mạng, người ta rùng mình khi tự hỏi, từ thời điểm nào Macbeth đã chính thức sa lầy vào bi kịch mà chính mình tạo ra?
Bộ phim gợi nhắc chúng ta câu nói của Edward Abbey: "Quyền lực thì luôn nguy hiểm. Chúng dẫn tới những điều tồi tệ nhất và làm băng hoại những giá trị tốt đẹp nhất". Mù quáng vì những lời tiên tri và xúi giục từ người vợ, Macbeth đã giết chết người thân được mô tả như một bậc minh quân là vua Duncan lúc đó. Từ một chiến binh dũng mãnh, biết trân trọng mạng sống của người khác, vị vua Scotland đã vứt bỏ sự sáng suốt và nhân tính trên con đường leo lên nấc thang quyền lực xây bằng xác người.
Michael Fassbender và Marion Cotillard – cặp bài trùng trên màn ảnh
Một nam diễn viên người Đức gốc Ireland, một nữ diễn viên người Pháp, lặng thinh trong lụa là vàng bạc giữa tiền sảnh xa hoa của lâu đài trên đồi Dunsinane. Trong Macbeth, cả hai con người ngoại quốc kia đã chinh phục cả thế giới khi vào vai vị vua Scotland sa ngã và người vợ đầy hiểm độc. Điều thú vị là Michael Fassbender là người thứ tư trong dàn diễn viên của X-Men được sắm vai Macbeth trên màn ảnh, nhưng lại là người đầu tiên chưa từng kinh qua vai này trên sân khấu. Ba người tiền nhiệm, bao gồm 2 giáo sư X già trẻ: James McAvoy và Patrick Stewart, và cả Magneto già Ian McKellen đều đã trở thành Macbeth trên sân khấu trước khi xuất hiện như một Macbeth phiên bản điện ảnh. Tuy nhiên, “Magneto trẻ” tóc đỏ này không hề tỏ ra kém chú kém anh khi sức nặng của anh trong vai diễn là thứ khiến người xem phải há hốc miệng. Cách đôi mắt biết nói của Macbeth, khi đau đớn bất lực nhìn đứa con đã chết, khi vỡ ra giọt nước mắt lăn dài giữa nghi hoặc và mặc cảm tội lỗi, khi mờ dại đi trong cơn điên giữa những bóng ma ám ảnh… bằng diễn xuất tinh tế của mình, Michael Fassbender đã giảm bớt sự “sến sẩm” của những câu thoại hoa mỹ dài lê thê của Shakespeare.
Để rồi người xem bỗng quên rằng, đây là một vở kịch chuyển thể, bởi vì cái ác và quyền lực sau hơn 400 năm đến nay vẫn là điều nhức nhối. Chứng kiến một Macbeth ác tâm, điên cuồng và máu lạnh, nhưng khó có thể thể căm thù và ghê tởm nhân vật của Michael Fassbender vì suy cho cùng, Macbeth là một bi kịch lớn, sinh ra để xót xa. Để làm được điều đó, đạo diễn Justin Kurzel thừa nhận Michael Fassbender đã đọc đi đọc lại kịch bản hơn 200 lần trước khi tổng duyệt lần đầu. Từ những vai diễn đầu tay còn đầy ngẫu hứng trong Fisk Tank hay Eden Lake, nam diễn viên đã cho thấy mình tiến xa tới đâu bằng sự tận tuỵ và hi sinh. Michael Fassbender không được sinh ra cho vai diễn, nhưng anh sinh ra để chinh phục vai Macbeth và không còn nghi ngờ gì, tài tử này đã thành công.
Sánh vai với người đàn ông từng lọt top các quý ông đẹp trai nhất hành tinh là bóng hồng nước Pháp Marion Cotillard. Với những ai còn đang băn khoăn về ngữ điệu Pháp trong giọng nói của Lady Macbeth, đó là một chủ ý của đạo diễn Kurzel và đoàn làm phim. Nguyên tác của Shakespeare chưa bao giờ nhắc tới quốc tịch của Lady Macbeth, và chất giọng lạ lùng cùng vẻ đẹp lạnh lẽo chỉ làm tăng thêm sự phức tạp trong người phụ nữ này. Đó là người đàn bà đã gieo rắc vào người chồng ý tưởng về một cuộc ám sát đổ máu, khuyến khích cho Macbeth thủ ác.
Đối trọng với một vị vua Scotland dũng mãnh, nóng nảy, điên cuồng là một hoàng hậu lạnh lùng, mưu mô, để rồi lặng lẽ gặm nhấm cay đắng khi trót đưa cả hai sa lầy vào tội lỗi. Marion Cotillard từng mơ được trở thành một Lady Macbeth trên sân khấu nước Pháp, nhưng cô không ngờ một ngày mình sẽ trở thành hoàng hậu Scotland trong một bộ phim của Anh quốc. Giống như những gì Michael Fassbender thành công, bằng diễn xuất tài năng Marion Cottilard đã kéo khán giả lại gần hơn với những lời thoại đầy chất kịch (vì bản thân chúng vốn là vậy). Thật khó có thể tránh không bị ám ảnh bởi khuôn mặt đau đớn của Lady Macbeth, với nước mắt tuôn trào từ trái tim vụn vỡ khi chứng kiến người chồng dần đi tới vực thẳm mà chính mình đã dẫn lối.
Đạo diễn Justin Kurzel đã đi được con đường khá xa kể từ vai trò một nhà thiết kế trang phục và sân khấu cho vở kịch có vợ mình là Lady Macbeth, cho tới thực hiện một phiên bản điện ảnh chuyển thể mà sau này Variety đã bình chọn là một trong 21 bộ phim xuất sắc nhất tại Cannes 2015. Macbeth là một bộ phim đẹp, từng góc quay khung hình đều như một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ bắt lấy những diễn biến tinh tế nhất trên khuôn mặt của các diễn viên.
Trong phim, nhiều chi tiết nhỏ được đặc tả bằng các cảnh phim đầy ưu ái đã truyền tải được sức nặng cho tác phẩm, như lúc cận cảnh chiếc vương miện xa hoa nhưng lạnh lẽo đặt lên đầu Macbeth, hay đôi mắt đầy ám ảnh của một chiến binh trẻ đã bỏ mạng trên chiến trường. Khung cảnh của Scotland hiện lên, hùng vĩ hoang sơ nhưng đầy tăm tối giống như đã nằm đó trong suốt 1000 năm không đổi thay. Cách kết hợp tài tình giữa hiệu ứng âm thanh và cảnh quay chậm đã đem lại thành công không nhỏ khi đẩy người xem vào không khí của một cuộc nội chiến khốc liệt. Đây được coi như một tín hiệu tốt cho những ai yêu mến Assassin’s Creed, khi bộ phim chuyển thể từ game ra mắt năm 2016 sẽ đánh dấu sự hợp tác lần nữa giữa bộ ba Michael Fassbender – Marion Cotillard và Justin Kurzel.
Không có tác phẩm nào là hoàn hảo, Macbeth cũng vậy. Thoại phim chính là một trong những rào cản khá lớn đối với người xem. Vì được chuyển thể từ kịch, đạo diễn Justin Kurzel quyết định sử dụng thoại trong phim giống như trong nguyên tác (vở kịch). Điều này phần nào đòi hỏi người xem phải tập trung cao độ khi xem để lãnh hội hết những ẩn ý của phim. Tuy nhiên, nếu xét trên góc độ điện ảnh, đây vẫn là một tác phẩm thành công khi làm sống lại một vở kịch tưởng chừng đã quá quen thuộc, thổi vào đó phong cách điện ảnh mới.
Với những người yêu Shakespeare, Macbeth là một trong những phiên bản điện ảnh chuyển thể thành công nhất trong lịch sử. Còn với ai chưa từng biết tới Shakespeare và tác phẩm của ông, thật không dễ để hiểu hết giá trị mà bộ phim đem lại, thế nhưng Macbeth ít nhất đã gây ám ảnh cho tất cả về một bi kịch của tham vọng được vẽ nên bởi vị vua Scotland.
Video được xem nhiều nhất