Lồng tiếng trong phim Việt vẫn còn là một thảm họa!

Kênh 14 - 02/04/2018, 04:11

Trong khi các nước khác đã không còn lồng tiếng cho phim nữa thì các phim truyền hình Việt hiện nay đa số dựa vào phương pháp này. Vậy tại sao các nhà làm phim vẫn không chọn thu tiếng đồng bộ dù gặp nhiều rắc rối vì lồng tiếng?

Thời gian gần đây, phim truyền hình Việt có nhiều sự cải tiếng trong việc nâng cao chất lượng phim, bao gồm việc trang bị trang thiết bị quay phim hiện đại, công nghệ thu tiếng đồng bộ, kịch bản chất lượng mua về từ nước ngoài... Tuy nhiên, riêng yếu tố công nghệ thu tiếng đồng bộ hiện nay thì không phải bộ phim Việt nào cũng có được và vẫn đang là một "của hiếm" đối với các khán giả của màn ảnh nhỏ.

Hai ví dụ điển hình nhất cho thảm hoạ lồng tiếng của năm ngoái là Thương Nhớ Ở Ai và Hoa Cỏ May 3 cùng là của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Trong Thương Nhớ Ở Ai, lời thoại lồng tiếng không khớp với khẩu hình của nhiều nhân vật và khiến cho diễn xuất vốn không tròn trịa của dàn diễn viên chính không chuyên càng thêm phần thảm hoạ.

 - Ảnh 1.

Nhân vật Vạn rất hay có khẩu hình không khớp với lời thoại

Đặc biệt là vai diễn anh Vạn của Lâm Vissay. Là một diễn viên Việt Kiều lớn lên ở Đức, Lâm Vissay nói tiếng Việt không sõi nên khá lơ là trong việc rèn luyện đài từ, khẩu hình sao cho thật tốt. Cứ mỗi lần nhân vật Vạn có câu thoại trong phim là khán giả lại phải ngán ngẩm vì trông anh không khác nào đang mấp máy môi.

Còn ở Hoa Cỏ May 3, bộ phim thậm chí còn khiến người xem phẫn nộ vì có nội dung gần như là thảm hoạ từ đầu đến cuối. Lời thoại nhạt nhẽo, tình huống thiếu chân thực, diễn xuất non kém của dàn diễn viên mà đạo diễn Lưu Trọng Ninh thừa nhận là lựa chọn theo cảm tính đã khiến bộ phim mất điểm ngay khi lên sóng.

Dở nhất trong số những điểm dở chính là phần lồng tiếng của bộ phim. Cách xưng hô giả tạo, khẩu hình và giọng thoại bị lệch tiếng, biểu cảm nhạt nhoà khiến cho diễn biến của bộ phim vô tình trở nên hài hước trong mắt người xem. Rất nhiều khán giả đã bỏ dở bộ phim để không làm ảnh hưởng đến ấn tượng tốt đẹp của hai phần đầu.

Sau hai thảm hoạ đó, năm nay, phim Việt lại tiếp tục tiếp đãi khán giả bằng một bộ phim lồng tiếng thảm hoạ mới là Tình Khúc Bạch Dương. Bên cạnh những tranh cãi về tính xác thực của thực trạng sinh viên Việt Nam du học tại Nga trong phim, Tình Khúc Bạch Dương cũng khiến khán giả phải tụt hứng vì sự non yếu trong khâu lồng tiếng.

 - Ảnh 3.

 

Bắt đầu từ tập 11 trở đi, bộ phim quay về mốc thời gian hiện tại và dàn diễn viên được thay thế bằng những gương mặt già dặn hơn. Đạo diễn đã khéo léo chọn những diễn viên có khuôn mặt và thần thái gần giống với dàn diễn cũ nhưng việc lồng tiếng thảm hoạ đã phá hỏng tất cả.

Quá nhiều sự lệch pha giữa khẩu hình và lời thoại khiến cho bộ phim giảm bớt tính chân thực, trở nên giả tạo trong mắt người xem. Thậm chí, cách nói chuyện của nhân vật khi trưởng thành và lúc còn trẻ cũng không đồng nhất. Giả dụ như thời sinh viên, các nhân vật gọi thủ đô của nước Nga là Mát (gọi tắt của Mát-xcơ-va) thì bây giờ lại gọi là Moscow.

Trong khi các nước khác đã không còn lồng tiếng cho phim nữa thì các phim truyền hình Việt hiện nay vẫn đa số dựa vào phương pháp này. Vậy tại sao các nhà làm phim vẫn không chọn thu tiếng đồng bộ dù gặp nhiều rắc rối vì lồng tiếng?

 - Ảnh 4.

 

Thực tế, cách đây 4 năm, khi bộ phim thu tiếng đồng bộ Cầu Vồng Tình Yêu gây sốt màn ảnh nhỏ, diễn viên Hồng Đăng chia sẻ rằng phương pháp thu tiếng trực tiếp tạo ra nhiều khó khăn cho diễn viên hơn bởi nó đòi hỏi trước khi quay phải học thuộc thoại, thực sự nhập tâm vào vai diễn. Nếu như với phương pháp lồng tiếng, những hư từ như "à", "ừm" khi lên sóng sẽ được thay thế thì điều này lại không được xảy ra khi thu tiếng đồng bộ. Ngoài ra, những cảnh đòi hỏi diễn xuất nội tâm hoặc gào khóc cũng là một thách thức lớn đối với diễn viên.

Bên cạnh đó, việc thu tiếng trực tiếp cũng giới hạn lựa chọn casting của phía làm phim bởi những nhân vật có gốc gác miền Bắc thì chỉ có thể chọn diễn viên nói được giọng Bắc thủ vai. Trong khi với phương pháp lồng tiếng, không có giới hạn nào với xuất thân vùng miền của các diễn viên. Một số bộ phim thu tiếng đồng bộ còn phải sửa cả kịch bản để hợp lý hoá cho giọng nói của diễn viên. Chẳng hạn như trong Cả Một Đời Ân Oán, nhân vật bà Lan của NSƯT Mỹ Uyên đã có thêm một đoạn tiền truyện nho nhỏ kể về xuất thân thời trẻ ở Sài Gòn.

 - Ảnh 5.

Nhân vật của Mỹ Uyên được trang bị hẳn xuất thân mới để hợp lý hoá cho giọng nói trong phim

Ngoài ra, hiện nay cũng có rất nhiều ca sĩ, người mẫu lấn sân sang đóng phim, nhiều diễn viên trẻ có ngoại hình sáng được yêu thích nhưng khả năng đài từ và giọng nói của họ lại không đáp ứng được nhu cầu khi ghi hình nên lồng tiếng được coi là giải pháp cứu cánh cho tình trạng này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lồng tiếng không giúp sửa chữa được tình hình mà còn khiến cho cảnh quay trở nên giả tạo và kệch cỡm. Có lẽ vì các diễn viên biết trước được sẽ có lồng tiếng hỗ trợ nên thoại như đọc, không có ngữ âm, ngữ điệu. Đến khi lồng tiếng thì lại không thể khớp khẩu hình được vì nếu khớp thì giọng lồng cũng không thể nhấn nhá cho ra được ý của lời thoại.

 - Ảnh 6.

Nỗ lực của Việt Anh cho vai diễn Phan Hải rất đáng được ghi nhận và học hỏi

Vì vậy, để khắc phục được tình trạng lồng tiếng hiện nay thì chỉ có cách các diễn viên phải tự cải thiện chất giọng, đài từ của mình và cố gắng trau dồi kỹ năng học thuộc lời thoại và nhập vai. Thực chất, thu tiếng đồng bộ không chỉ làm tăng tính chân thực cho vai diễn mà còn kích thích sự nhập tâm, biến hoá của các diễn viên, trở thành chất xúc tác cho những màn thể hiện thăng hoa trên màn ảnh. Diễn viên Việt Anh thủ vai Phan Hải trong Người Phán Xử năm ngoái là một ví dụ rất đáng học hỏi về sự tâm huyết nghiên cứu kịch bản cũng như mạnh dạn bung toả kỹ năng diễn xuất để cống hiến cho khán giả vai diễn chất lượng.

Theo Minh Quân/Trí thức trẻ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất