Lời khuyên tỉnh táo nhất của 9 nhà văn đoạt giải Nobel: Hãy tránh xa những người không đáng và những chuyện không đâu!

22/05/2022, 03:14

Nếu bạn cảm thấy mờ mịt, không thấy rõ phương hướng cuộc sống, có thể tham khảo đáp án của 9 nhà văn từng đoạt giải Nobel này, biết đâu chúng có thể gạt bỏ đi lớp sương mù và giúp bạn nhìn rõ con đường phía trước hơn.

Hơn 2000 năm trước, nhà thơ Khuất Nguyên của Trung Quốc viết ra tác phẩm có tên "Thiên vấn", ở đó ông đặt ra 173 câu hỏi để hỏi về ý nghĩa cuộc đời. 

Chúng ta của hiện tại có lẽ cũng có nhiều những hoài nghi và lo lắng thường trực trong lòng. 

Tác gia Zhou GuoPing nói: "Bài kiểm tra cuộc sống luôn được đặt trước mặt mọi người, không ai có thể trốn tránh, ai ai cũng phải viết ra đáp án của mình." 

Nếu bạn cảm thấy mờ mịt, không thấy rõ phương hướng cuộc sống, có thể tham khảo đáp án của 9 nhà văn từng đoạt giải Nobel này, biết đâu chúng có thể gạt bỏ đi lớp sương mù và giúp bạn nhìn rõ con đường phía trước hơn. 

1. Chúng ta nên đối xử với người mình không thích như nào? 

"Chúng ta sống trên đời vốn đã chẳng dễ dàng gì, vì vậy hãy sống vì người mà mình yêu mến. Đây mới chính là thái độ sống tốt nhất, đừng đánh mất niềm vui vì người mà mình không thích, rồi lại quên mất hạnh phúc khi ở cùng người thích mình." 

--- Mạc Ngôn – nhà văn Trung Quốc đầu tiên nhận giải thưởng Nobel Văn học vào năm 2012, tác phẩm tiêu biểu, "Cao lương đỏ". 

Nhà văn Mạc Ngôn 

Tác gia nổi tiếng Xu GuangZhong được nhiều người biết tới thông qua tác phẩm"Hương sầu" (tạm dịch: "Nhớ quê hương"). 

Tuy nhiên, một tác gia khác có tên Li Ao lại có hẳn một bài viết để chỉ trích ông, đồng thời công khai gọi ông là "kẻ lừa bịp". 

Khi ấy, rất nhiều nhà văn khác đã đứng ra lên tiếng hộ Xu GuangZhong, đồng thời hi vọng ông sẽ đứng ra phản bác lại, nhưng Xu GuangZhong từ đầu tới cuối không hề tỏ bất cứ thái độ nào. 

Mãi cho tới vài năm sau, trong một cuộc phỏng vấn, khi bị hỏi tới vấn đề này, Xu GuangZhong mới nhàn nhạt đáp: "Ngày nào anh ta cũng mắng mỏ tôi, điều đó có nghĩa là thế giới của anh ta không thể không có tôi; tôi không để ý tới anh ta, có nghĩa là thế giới của tôi có thể không có anh ta." 

Thực ra trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi được việc sẽ gặp phải những người mà mình không thích, nhưng nếu quá để tâm tới điều đó, bạn sẽ chỉ tự làm hao mòn chính mình mà thôi. 

Thay vì như vậy, hãy mời họ bước ra khỏi thế giới của mình. 

Tác giả người Hồng Kông, Yishu từng nói: "Đời người có vài chục năm, điều quan trọng nhất là làm khiến bản thân vui thay vì làm hài lòng người khác." 

Thứ tình cảm đánh đổi bằng việc tôi làm hài lòng anh/cô, nhất định không thể dài lâu; thứ quan hệ cưỡng cầu mới có được, có thân tới đâu cũng chẳng thể thoải mái. 

Đời người không dài, hãy nhớ làm hài lòng bản thân nhiều hơn và kết giao với những người quan tâm đến bạn. 

2. Luôn rất bận rộn, nhưng lại vẫn chẳng có gì, phải làm sao? 

"Thay vì dành thời gian và sức lực đi đào nhiều cái giếng nông, chi bằng dành thời gian và sức lực đó đi đào một cái giếng sâu." 

--- Romain Rolland, nhà văn người Pháp đoạt giải Nobel Văn học năm 1915, tác phẩm tiêu biểu, "Jean-Christophe". 

Nhà văn Romain Rolland 

Có một lần, Warren Buffett và Bill Gates cùng được mời tham gia một chương trình truyền hình, MC hỏi: 

"Theo các vị thì đâu là thứ đáng quý nhất trong thời đại ngày nay?" 

Hai người không hẹn mà cùng nói ra một đáp án: "Focus" – tập trung. 

Ở cái thời đại mà nhịp sống nhanh như hiện nay, sự tập trung đã trở thành điều gì đó rất hiếm có. 

Rất nhiều người hay làm việc theo kiểu chỗ này một việc, chỗ kia một việc. 

Trông thì có vẻ rất vội vàng bận rộn, nhưng kết quả lại chẳng thu lại được là bao, rồi lại oán trách xã hội không công bằng. 

Lý Tiểu Long từng nói: "Tôi không sợ người luyện cả ngàn chiêu thức, tôi chỉ sợ người luyện một chiêu thức cả ngàn lần." 

Làm việc, quý ở "tinh", không phải quý ở "nhiều". 

Sức lực của một người là có hạn, không thể nào cùng một lúc làm được tất cả mọi chuyện. 

Tập trung sức lực và tinh thần làm tốt một việc tới cực hạn sẽ tốt hơn là làm 10000 việc ở mức hời hợt. 

Chỉ bằng cách cống hiến hết mình cho một sự nghiệp và trau dồi bản thân, bạn mới dễ dàng đạt được thành công hơn. 

3. Vì sao phải bước ra khỏi vùng an toàn? 

"Nếu không có dũng khí rời xa bờ biển, một mình lênh đênh trên biển trong thời gian dài, vậy thì bạn sẽ không thể nào phát hiện ra được mảnh đất mới." 

--- Andre Paul Guillaume Gide, một trong những nhà văn người Pháp xuất chúng của thế kỷ 20, ông đoạt giải Nobel Văn học năm 1947, tác phẩm tiểu biểu, "La Porte Étroite". 

Nhà văn Andre Paul Guillaume Gide 

Mỗi người đều có một lĩnh vực mà mình giỏi, khi được vùng vẫy trong lĩnh vực đó, chúng ta sẽ như diều gặp gió. 

Nhưng nếu chỉ chọn đi làm việc mà mình giỏi, bản thân sẽ rất dễ bị đóng khung và giới hạn. 

Đời người, không sợ đi nhầm đường, chỉ sợ dậm chân tại chỗ, chìm đắm trong sự thỏa mãn của chính mình, tự cắt đứt đi những khả năng trong cuộc sống. 

Xã hội tồn tại không ít người 10 năm như một chỉ làm đúng công việc mà mình giỏi, mỗi ngày mở mắt ra là một ngày biết cuộc sống hôm đó của mình ra sao, cứ tới cuối tuần sẽ lại biết chu kỳ của tuần sau thế nào. 

Lỗ Tấn tiên sinh từng nói: "Không thỏa mãn, là bánh xe đi lên." 

Nếu quá hài lòng với hiện tại, cho bản thân một cuộc sống quá an nhà, lâu dần, chí tiến thủ sẽ bị mài mòn, thậm chí mất đi năng lực ứng phó với những thay đổi của thời cuộc. 

Học cách bứt phá, phá vỡ cái kén của bản thân, sẵn sàng nghênh đón những thử thách mới, bạn mới nhìn được những phong cảnh xa hơn, mới có thể đem lại cho cuộc sống của mình nhiều khả năng hơn. 

4. Làm sao để đối mặt với những sai lầm và hối tiếc trong cuộc sống? 

"Khi bạn khóc vì bỏ lỡ ánh mặt trời, bạn cũng sẽ bỏ lỡ mất những vì sao." 

--- Rabindranath Tagore, người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học vào năm 1913, tác phẩm tiêu biểu, "Gitanjali". 

Nhà văn Rabindranath Tagore 

Có người nói, cuộc đời là một quá trình không ngừng có được, và không ngừng mất đi. 

Và điều đáng buồn nhất là chúng ta hay có xu hướng lãng phí thời gian để tự thương hại cho quá khứ. 

Có lẽ ai cũng đều đã từng phạm phải sai lầm, nhưng nếu mê đắm một cách mù quáng, bám víu vào những nỗi đau trong quá khứ, ôm đồm quá nhiều, nó sẽ cản trở chúng ta tiến về phía trước. 

Tất cả mọi sai lầm và hối tiếc, nếu đặt nó vào 20,30 năm sau, tất cả đều không đáng nhớ. 

Chấp nhận hiện tại, coi sóng gió trong quá khứ là điều hiển nhiên, xem những gì đã qua là bài học trải nghiệm quý giá. 

Đời người, chẳng qua cũng chỉ là một hành trình du lịch, thứ chúng ta nên quan tâm là phong cảnh trước mắt. 

Đừng tiếc nuối quá khứ, hãy sống cho hiện tại, đừng sợ hãi tương lai, nuôi dưỡng một trái tim rộng mở và thấu đáo, làm một người ung dung tự tại. 

5. Vì sao phải tránh xa những người và chuyện không đâu? 

"Nếu bạn cứ dừng lại để ném đá vào mỗi một con chó sủa với mình, bạn sẽ không bao giờ tới được nơi mình cần đến." 

--- Winston Churchill, thủ tướng Anh duy nhất nhận giải Nobel Văn học, tác phẩm tiêu biểu, "The Second World War". 

Cựu thủ tướng Anh Winston Churchill 

Có một câu chuyện như này. 

Một ngày nọ, nhà thơ Goethe đi dạo trong công viên, trên một con đường hẹp, ông bắt gặp một nhà phê bình đang tiến theo hướng ngược lại. 

Hai người đứng đối mặt với nhau, nhà phê bình nói một cách ngạo mạn: "Tôi không bao giờ chịu nhường bước cho một kẻ ngốc." 

Trước sự khiêu khích trắng trợn, Goethe không hề tức giận mà chỉ cười nói: "Tôi thì lại hoàn toàn ngược lại." 

Nói xong, ông đứng sang một bên, nhường đường cho nhà phê bình. 

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ phải gặp rất nhiều những chuyện và người không đâu. 

Bạn càng vướng bận, sẽ càng khiến bản thân mất nhiều hơn là được, thay vào đó, hãy buông bỏ và "bơ" đi mà sống, coi như giải thoát cho chính mình. 

Cũng giống như câu nói: đừng khóc vì hộp sữa bị đổ. 

Đối mặt với những người và chuyện không đâu, điều duy nhất chúng ta cần làm là bước một bước lớn về phía trước, không vấn vương, vướng bận. 

Không tính toán, so đo thiệt hơn, thản nhiên mà chấp nhận, rồi sau đó bước qua. 

Người có tầm nhìn xa, cái tâm ắt rộng, quan tâm chính mình, bước tốt con đường của mình là đủ. 

6. Luôn có người đàm tiếu sau lưng, phải làm sao? 

"Khi đã lựa chọn con đường ‘khác người’ (ít người đi), bạn cần gì phải quan tâm người khác nhìn bạn với con mắt ‘khác người’". 

--- Doris Lessing, nhà văn người Anh đoạt giải Nobel Văn học năm 2007 và là người phụ nữ thứ 11 đoạt giải Nobel trong lịch sử  106 năm giải thưởng này, tác phẩm tiêu biểu, "The Golden Notebook". 

Nhà văn Doris Lessing 

Nhà văn người Nhật Haruki Murakami, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Rừng Na Uy" trước 30 tuổi, là một kẻ thất bại theo định nghĩa của người đời. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông vay tiền và mở một quán bar, nhưng công việc kinh doanh rất ảm đạm. 

Sắp bước vào tuổi 30 mà vẫn chưa làm được gì, mọi người xung quanh thường xuyên chỉ chỉ trỏ trỏ vào ông, rồi khuyên ông tìm một công việc "nghiêm túc" mà làm. 

Nhưng Murakami không hề bị lay chuyển, ông vẫn đi theo con đường riêng của mình, và ý tưởng viết tiểu thuyết đã xuất hiện. 

Cứ như vậy, ông nằm xuống bàn ăn và bắt đầu viết, mà chẳng thể ngờ được rằng mình lại ngày càng tiến xa hơn trên con đường viết lách như vậy. 

Cuộc sống vốn là của mình, chứ không phải là vô số những phiên bản khác nhau trong mắt người khác. 

Người thực sự chín chắn sẽ không bao giờ quan tâm ánh mắt người đời. 

Dũng cảm sống theo ý mình, gieo hạt trong thế giới tâm hồn của mình, bạn chắc chắn sẽ thu hoạch lại được khu vườn mà mình yêu thích. 

7. Không hài lòng với hiện tại, nhưng lại muốn thay đổi người khác, phải làm sao? 

"Một người lý trí nên thay đổi bản thân để thích nghi với thế giới, chỉ có những người không lý trí mới muốn thay đổi thế giới để nó thích nghi với mình." 

--- George Bernard Shaw, nhà viết kịch người Ireland được trao giải thưởng Nobel Văn học năm 1925, tác phẩm tiêu biểu, "Saint Joan". 

Nhà viết kịch George Bernard Shaw 

Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những tình huống như này: 

Có những người vô cùng quan tâm tới đối phương, nhưng lại thường xuyên bị nói là quản quá đà. 

Có những người lại đặt hết hi vọng của mình lên một người khác, hi vọng thành toàn bản thân thông qua việc thay đổi đối phương, nhưng sau cùng lại khiến đối phương ngày càng rời xa mình hơn. 

Lý do muốn thay đổi người khác thì có cả ngàn cả vạn, nhưng kết quả cuối cùng lại thường là thất bại. 

Có người nói rằng nếu bạn muốn bẩy được thế giới, điểm tựa tốt nhất không phải là trái đất, cũng không phải người khác mà chính là chính bản thân. 

Nếu không đổi được hướng gió thì hãy tìm cách điều chỉnh buồm, nếu không đổi được người khác thì hãy thử tu dưỡng bản thân. 

Thay đổi người khác là một cuộc chiến, thay đổi bản thân là một loại trưởng thành, một kiểu tiến bộ. 

Giống như câu nói: "Núi không tới thì tôi qua". 

Khi bạn thay đổi bản thân, bạn sẽ phát hiện ra, người khác thay đổi rồi, thế giới cũng thay đổi rồi. 

8. Có lời nào dành cho những người sợ thất bại không dám hành động? 

"Mọi hành động và tư tưởng vĩ đại đều có một khởi đầu khiêm tốn." 

--- Albert Camus, nhà văn người Pháp đoạt giải Nobel Văn học năm 1957, tác phẩm tiêu biểu, "Người xa lạ". 

Nhà văn Albert Camus 

Một cuốn sách nước ngoài có tên "Đổi cách sống" đã tổng kết lại 25 điều hối tiếc của cuộc đời: 

Không làm chuyện mà mình muốn; không đi hiện thực hóa ước mơ, không tới nơi mình muốn du lịch… 

Rất nhiều người sống trong trạng thái không hài lòng với cuộc sống của mình ở hiện tại, muốn thay đổi, nhưng lại không thể bước những bước đầu tiên, tất cả chỉ dừng lại ở "mong muốn." 

Có một câu chuyện như này: 

Có một thiền sư muốn tới bái Phật tại chùa Phổ Đà. 

Ngôi chùa hiện tại cách chùa Phổ Đà hàng ngàn dặm, các đệ tử đều khuyên thiền sư: "Con đường tới đó quá xa xôi, sư phụ, hay Người từ bỏ ý định đó đi?" 

Thiền sư nói: "Khoảng cách giữa lão nạp và chùa Phổ Đà có 2 bước chân thôi, sao lại nói là nó xa xôi?" 

Các đệ tử không hiểu. 

Thiền sư cười nói: "Lão nạp bước một bước trước đã, rồi lại tiến thêm một bước, vậy chẳng phải là tới rồi sao." 

Các đệ tử giác ngộ. 

Rất nhiều chuyện đều là như vậy, trông thì có vẻ xa vời, nhưng chỉ cần bước được bước đầu tiên, phần khó nhất, thực ra đã qua được một nửa. 

Tuyệt đối đừng xem thường những bước đi đầu tiên, không bước qua được, cái hố vẫn ở đó; bước qua được rồi, tiền đồ ắt rộng mở. 

9. Nếu thường xuyên cảm thấy chán nản, đau khổ, phải làm sao? 

"Cuộc sống luôn khiến chúng ta đau đớn, nhưng sau này, những vết thương ấy nhất định sẽ trở thành nơi mạnh mẽ nhất của chúng ta." 

--- Ernest Hemingway, tiểu thuyết gia người Mỹ nhận giải thưởng Nobel Văn học năm 1954, tác phẩm tiêu biểu, "Ông già và biển cả". 

Tiểu thuyết gia Ernest Hemingway 

Tác phẩm "Ông già và biển cả" của Hemingway kể về câu chuyện của ông lão đánh cá Santiago. 

Mặc dù đi câu cá hàng ngày, nhưng ông lão Santiago lại không tìm thấy gì trong 84 ngày liên tục, trở thành một "gã đen đủi" nổi tiếng trong khu phố. 

Đến ngày thứ 85, ông vẫn ra khơi đánh cá một mình. 

Lần này, ông đã vượt qua thử thách và bắt được một con cá kiếm khổng lồ, ông buộc nó vào mạn thuyền để mang về nhưng đàn cá mập lại đánh hơi thấy mùi của con cá mà ông bắt được nên đã ùa tới, ông cũng rất dũng cảm đem hết sức mình chống chọi với lũ cá mập, phóng lao và thậm chí dùng cả mái chèo để đánh. Cuối cùng ông giết được khá nhiều con và đuổi được chúng đi, nhưng cuối cùng khi ông về đến bờ và nhìn lại thì con cá kiếm của mình thì nó đã bị rỉa hết thịt và chỉ còn trơ lại một bộ xương trắng 

Kinh nghiệm của Santiago nói với thế giới rằng con người có thể bị tiêu diệt, nhưng họ không thể bị đánh bại. 

Trong thế giới người lớn, ai rồi cũng gặp phải những rắc rối, có thất vọng và cả chán nản. 

Bi Shumin, một tiểu thuyết gia người Trung Quốc, nói: 

"Bạn không thể đòi hỏi một đại dương cuộc sống không có bão tố, bởi lẽ đau đớn và vất vả là một phần của cuộc sống." 

Một đại dương không có bão tố không phải là biển, nó là một ao bùn. 

Vận mệnh không phải lúc nào cũng như ý muốn. 

Tuy nhiên, chính giữa muôn vàn nỗi đau, bao mâu thuẫn, gian khổ, con người ta mới thực sự trưởng thành.  

Theo Trí Thức Trẻ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất