Kẻ Thứ Ba - phim đáng quên của Lý Nhã Kỳ

20/05/2022, 04:22

Bộ phim hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc với sự góp mặt của tài tử Han Jae Suk và Lý Nhã Kỳ mang đến cho khán giả ít bất ngờ nhưng nhiều thất vọng.

Kẻ Thứ Ba thuộc thể loại tâm lý, tình cảm pha trộn yếu tố giả tưởng, giật gân là dự án điện ảnh được công ty của Lý Nhã Kỳ đầu tư sản xuất. Ban đầu, phim có tên Paradise và khởi quay từ năm 2018. Tuy nhiên, vì nhiều trục trặc trong khâu sản xuất, dự án từng bị tạm dừng sản xuất khi đã hoàn thành tới 80%, khiến đạo diễn phim là ông Park Hee Jun phải bức xúc viết tâm thư gửi báo chí Việt Nam.

Sau bốn năm im ắng, tác phẩm đã ra rạp từ cuối tuần trước. Chia sẻ với truyền thông, Lý Nhã Kỳ cho biết bộ phim được đầu tư kinh phí sản xuất tới 33 tỷ đồng. Những ngày qua, nữ doanh nhân - cũng là người thủ vai một trong các nhân vật quan trọng - thường xuyên tổ chức các buổi xem phim và giao lưu với khán giả nhằm lôi kéo người xem cho tác phẩm.

Tuy nhiên, nỗ lực của nữ doanh nhân không mang lại hiệu quả khi sau 6 ngày, phim chỉ thu vỏn vẹn hơn 845 triệu đồng (theo Box Office Vietnam) - bằng 2,5% kinh phí sản xuất.

Lý Nhã Kỳ trong dòng thời gian hỗn loạn

Kẻ Thứ Ba bắt đầu bằng vụ tai nạn chết người. Nạn nhân là Thiên Di (Lý Nhã Kỳ), bác sĩ tim mạch tài năng. Một năm sau cái chết của Di, chồng cô - họa sĩ Quang Kha (Han Jae Suk) - vẫn không nguôi nhung nhớ. Anh tình cờ mua được chiếc laptop cũ từng thuộc về Kelly - một người dẫn chương trình truyền thanh danh tiếng (Kim Tuyến). Kha phát hiện ra thông qua chiếc laptop, mình có thể bắt liên lạc với Kelly, nhưng là cô ở thời điểm một năm về trước.

Nhận ra cơ hội trời cho, Kha lập tức tìm cách mua chuộc Kelly, mượn tay cô để cứu vợ mình khỏi kết cục bi thảm. Tuy nhiên, người đàn ông chẳng thể ngờ nỗ lực cứu tính mạng người bạn đời hằng nhung nhớ đã đặt tính mạng mình, con gái anh, Kelly và bất cứ ai biết về sự việc, vào vòng nguy hiểm.

Kẻ Thứ Ba - phim đáng quên của Lý Nhã Kỳ-1
Bộ phim do Lý Nhã Kỳ đầu tư sản xuất phải chất vật mất bốn năm để được hoàn thiện và ra rạp.

Tuy nhiên, thử thách của những bộ phim có nhiều hơn một dòng thời gian tồn tại, vặn xoắn và ảnh hưởng lẫn nhau chính là việc tách bạch cho khán giả ai đang ở dòng thời gian nào, một quyết định từ hiện tại sẽ ảnh hưởng đến quá khứ ra sao và ngược lại.

Những cốt truyện chơi đùa với dòng thời gian (và tâm trí khán giả) đã không còn hiếm gặp trên màn ảnh Việt. Năm 2021, khán giả từng được thưởng thức bộ phim Song song xoay quanh một người phụ nữ có khả năng liên lạc về quá khứ thông qua chiếc TV cũ trong đêm mưa bão bập bùng.

Với Kẻ thứ ba, khán giả không gặp khó khăn khi theo dõi bộ phim dù có hai mốc thời gian song song tồn tại. Sự mạch lạc (tương đối) này bắt nguồn từ việc tuyến nhân vật và sự kiện ở hiện tại đã hoàn toàn bị bỏ quên từ giữa hồi hai. Kết phim cũng dẫn người xem đến một nhánh thực tại mới, hoàn toàn khác so với "đầu bài".

Đây xét cho cùng lại là điều tốt với bản thân bộ phim thay vì gây hại. Một phần bởi tác phẩm không yêu cầu sự đúng đắn về tính logic hay khoa học. Mặt khác, nó giúp khán giả đỡ mệt mỏi khi phải theo dõi mạch truyện tương lai sớm không còn không gian để tiếp tục phát triển. Thời lượng phim ngắn, gói gọn trong chưa đầy 90 phút, cũng là điểm đáng khen ngợi nếu xét trên chất lượng tổng thể của tác phẩm.

Cốt truyện “quen mà lạ, lạ mà quen”

Thời điểm Kẻ Thứ Ba mới ra rạp, phim được nhiều lời khen cốt truyện khai thác đề tài giả tưởng kết hợp yếu tố điều tra, phá án mới mẻ. Tuy nhiên, sau ba ngày cuối tuần, trên Internet xuất hiện nghi vấn kịch bản phim được vay mượn từ nội dung cuốn tiểu thuyết Ngày mai (Demain) của Guillaume Musso.

Kẻ Thứ Ba - phim đáng quên của Lý Nhã Kỳ-2Kẻ Thứ Ba - phim đáng quên của Lý Nhã Kỳ-3
Lý Nhã Kỳ và Han Jae Suk trong các bộ ảnh quảng bá cho phim.

Các độc giả của Ngày Mai nhanh chóng chỉ ra được sự tương đồng giữa cuốn tiểu thuyết Pháp với diễn biến bộ phim của Lý Nhã Kỳ - từ chi tiết hai người cùng tới một quán cà phê nhưng không gặp mặt tới chuyện chàng đau buồn vì mất vợ trong khi nàng tìm kiếm người tình mới trong đời. Định mệnh đưa đẩy họ tới chỗ khám phá ra đối phương đang ở mốc thời gian khác, và chàng cần nàng cho một sứ mệnh khó khăn. Khác biệt lớn nhất trong hai tác phẩm chỉ đến ở hồi ba, với những xáo trộn trong cái kết - gắn liền với quyết định của người vợ rồi đây sẽ sớm qua đời.

Với khán giả yêu thích truyền hình Hàn Quốc, diễn biến trong hồi một của Kẻ thứ ba có thể còn khiến họ liên tưởng đến tình tiết trong các tập đầu của TV series Kairos (2020).

Trong phim, một người đàn ông từ hiện tại cũng tìm cách liên lạc với cô gái sống trong quá khứ nhằm lên kế hoạch ngăn cản vụ bắt cóc và sát hại con gái mình. Phim cũng xuất hiện cảnh hai nhân vật hẹn nhau ở quán cà phê nhưng không gặp do cách biệt không gian và thời gian.

Han Jae Suk không thể gồng gánh tác phẩm

Kẻ Thứ Ba vay mượn Ngày Mai, hay ngay từ đầu đây đã là phim chuyển thể, sự thật bộ phim thiếu thuyết phục về cả tình tiết lẫn diễn biến cảm xúc vẫn là điều không thể phủ nhận.

Thời gian là rào cản lớn nhất ngăn các nhân vật trong phim tương tác với nhau - khi Kha mắc kẹt giữa hiện tại còn Kelly sống ở quá khứ. Việc Kha một mực thúc giục Kelly mau đi cứu vợ mình vì “cô không còn thời gian” cũng giết chết cơ hội để tương tác cảm xúc giữa họ phát triển. Các nhân vật thậm chí không có cơ hội để thực sự trò chuyện, thấu hiểu lẫn nhau.

Một vấn đề khác với kịch bản của Kẻ thứ ba là không biết ai trong câu chuyện mới là nhân vật chính. Quang Kha, Kelly và Thiên Di đều lần lượt có sân khấu của riêng mình, nhưng đó là ba câu chuyện độc lập, bị bó buộc đầy miễn cưỡng vào nhau bằng vụ tai nạn gây chết người và kế hoạch ngăn chặn nó.

Kẻ Thứ Ba - phim đáng quên của Lý Nhã Kỳ-4
Sau một tuần ra rạp, phim của Lý Nhã Kỳ và Han Jae Suk vẫn chưa chạm mốc 1 tỷ đồng, đối mặt nguy cơ thua lỗ.

Quang Kha hiện tại là cái cớ để câu chuyện bắt đầu, nhưng anh hoàn toàn “tắt tiếng” ngay từ giữa tác phẩm.

Kelly ham vật chất nửa đầu phim đột ngột trở thành thám tử yêu nghề, phá án dựa trên câu chuyện nhiều phần được xây dựng từ trí tưởng tượng của chính cô. Nhân vật cũng đột ngột bị loại bỏ khi kịch bản không cần đến nữa ngay lúc cao trào, dù xoay quanh cô vẫn còn câu hỏi chưa được làm sáng tỏ.

Về phần Lý Nhã Kỳ, vai Thiên Di của cô là một dấu hỏi lớn. Trong số các nhân vật thiếu nhất quán xuất hiện trong bộ phim, Thiên Di là người khó hiểu hơn cả. Nhân vật có quá nhiều điểm vô lý trong cả động cơ và diễn tiến tâm lý.

Vì lẽ gì một nhân vật với tình yêu son sắt dành cho tình đầu lại lấy một người đàn ông khác, có con với anh ta trong khi âm mưu đoạt mạng người này?

Nếu mục tiêu của cô ngay từ đầu chỉ là lợi dụng Quang Kha để cứu người yêu đang mắc bạo bệnh, tại sao Thiên Di lại bắt bệnh nhân của mình chờ thêm biết bao năm trời? Chưa kể cô còn hành hạ anh ta khi bắt người yêu nhìn mình lập gia đình và sinh con cho người đàn ông khác.

Và hơn hết, khi cô đã quyết tâm giết chồng bằng một kế hoạch tinh vi, chỉ chờ giây phút móc tim anh mang thay cho người yêu sắp chết, thì vì cớ gì Thiên Di lại nói “em mệt quá rồi”? Trước đó, xuyên suốt hồi ba, khán giả khó mà tìm thấy một chi tiết nào bộc lộ sự lung lay về tâm lý ở nhân vật.

Sự hoàn lương của Thiên Di, xét cho cùng giống như một yêu cầu của chính Lý Nhã Kỳ với biên kịch, để “Nhân vật của tôi sau cùng không hiện ra tàn nhẫn quá. Tôi không muốn làm phản diện, tôi cần một lý do để trở thành nạn nhân”. Trở lại màn ảnh với vai diễn phức tạp, Lý Nhã Kỳ khiến người xem mệt mỏi vì biểu cảm gượng gạo cùng lối nhả thoại rề rà, méo chữ.

Sau cùng, Kẻ thứ ba thiếu một người dẫn chuyện đủ hấp dẫn (và thông thạo ngôn ngữ) để có thể kết nối ba câu chuyện rời rạc thành một bức tranh hài hòa và dẫn dắt bộ phim đến cái kết trọn vẹn. Rất tiếc, bộ ba diễn viên chính của phim đều thất bại trong việc gồng gánh trọng trách này.

Với Han Jae Suk, vai diễn đầu tay trong một bộ phim Việt Nam đòi hỏi anh trở thành người chồng u hoài, lạc lối trong nỗi đau. Xét cho cùng, tài tử Hàn Quốc đã làm hết những gì có thể. Khuyết điểm lớn nhất của anh không nằm ở diễn xuất - bộ phim không đòi hỏi, hoặc tạo nhiều cơ hội cho anh diễn các cảnh bộc lộ nội tâm.

Việc Han Jae Suk chỉ nói được tiếng Hàn khiến số cảnh của anh bị rút ngắn, và chủ yếu lấy các góc xa để tránh lộ cử động miệng quá khác phần lồng tiếng. Những cuộc hội thoại người nói tiếng Hàn kẻ đáp tiếng Việt càng khiến nhân vật của anh trở nên lạc lõng. Ngay cả nam chính còn bị cô lập khỏi bộ phim của chính mình, cũng dễ hiểu thôi khi Kẻ thứ ba chật vật trên con đường tìm kiếm khán giả.

Theo Zing

theo nguồn https://2sao.vn/phim-c-aaj/

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất