Hollywood ngắm nghía Việt Nam và Đông Nam Á

Zing - 17/05/2016, 07:50

Với dân số đông đảo và trẻ trung, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng đối với ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ.

Theo báo Mỹ The Hollywood Reporter, sau Trung Quốc, Đông Nam Á với dân số 620 triệu người (gần gấp đôi Mỹ), tỷ lệ người trẻ cao và nền kinh tế tăng trưởng ổn định đang trở thành thị trường mới đầy cơ hội đối với Hollywood.

“Đối với nhiều người, Đông Nam Á là khu vực tăng trưởng nóng mới của ngành công  nghiệp điện ảnh toàn cầu”, The Hollywood Reporter dẫn lời chuyên gia Rance Pow, chủ tịch Artisan Gateway, công ty tư vấn điện ảnh tại châu Á, cho biết.

Hiện Đông Nam Á vẫn là vùng đất còn nhiều thách thức đối với Hollywood, bởi ngành công nghiệp điện ảnh của mỗi quốc gia khu vực có trình độ phát triển, hạ tầng, thói quen và khẩu vị khán giả khác nhau. Tuy nhiên, xu thế chung của thị trường điện ảnh Đông Nam Á là sự phát triển tích cực.

Các quốc gia phát triển nhất tại Đông Nam Á đã bắt đầu cất tiếng nói khẳng định vị thế tại các liên hoan phim quốc tế. Singapore đưa hai tác phẩm điện ảnh đến LHP Cannes năm nay. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển trong khu vực, hàng loạt rạp chiếu phim liên tục mọc lên.

Điều đó có nghĩa là cả các hãng phim địa phương và Hollywood sẽ được hưởng thêm lợi ích. Và những danh thắng tuyệt đẹp cũng như lịch sử văn hóa sâu dày của khu vực đang thu hút các dự án quay phim của Mỹ.

Mới đây, hãng Legendary Entertainment đã hoàn tất một số cảnh quay phim Kong: Skull Island (Kong: Đảo sọ người) ở miền bắc Việt Nam. Trong khi đó, nữ diễn viên – đạo diễn nổi tiếng Angelina Jolie cũng thực hiện xong bộ phim First they killed my father (Chúng giết cha tôi trước) tại Battambang, Campuchia.

Theo The Hollywood Reporter, 5 thị trường điện ảnh Đông Nam Á đang có những bước chuyển biến chóng mặt.

Thái Lan

Năm 2015 là một năm với những thăng giáng thất thường của ngành công nghiệp điện ảnh Thái Lan. Hãng phim giàu ảnh hưởng nhất Thái Lan GTH (từng sản xuất bộ phim Pee Mak đạt doanh thu kỷ lục 33 triệu USD) bị buộc phải giải thể vì một cuộc tranh chấp giữa các chủ sở hữu.

Hollywood ngam nghia Viet Nam va Dong Nam A hinh anh 1
Freelance của đạo diễn Nawapol Thamrongrattanarit đạt doanh thu 2,3 triệu USD

 

Trước khi đóng cửa, GTH kiếm được một thành công lớn với bộ phim Freelance của đạo diễn nổi tiếng Nawapol Thamrongrattanarit, kể câu chuyện một nhà thiết kế đâm đầu yêu vô vọng một nữ bác sĩ xinh đẹp. Bộ phim đạt doanh thu 2,3 triệu USD .

Năm ngoái cũng là thời điểm đạo diễn Apichatpong Weerasethakul quay trở lại. Tác phẩm Cemetery of Splendor (Nghĩa trang tráng lệ) của ông ra mắt tại LHP Cannes nhưng không được phát hành trong nước do đạo diễn lo ngại sẽ bị chính quyền quân sự phản đối.

Năm 2014, số dự án phim nước ngoài quay tại Thái Lan sụt giảm, nhưng năm 2015 đã tăng 15%. Các hãng phim Trung Quốc quay 48 phim tại vương quốc Chùa vàng.

Tài năng đáng chú ý: Nawapol Thamrongrattanarit

Sau khi giành giải Busan New Currents với tác phẩm đầu tay 36 hồi năm 2012 và đưa bộ phim thứ 2 Mary is happy, Mary is happy (Mary rất hạnh phúc) đến LHP Venice năm 2013, Nawapol gây địa chấn ở lễ trao giải thưởng của Hiệp hội Điện ảnh quốc gia Thái Lan, đoạt 8 giải với phim Freelance.

Dự án mới của Nawapol là Die Tomorrow (Chết vào ngày mai), một tác phẩm về ý nghĩa của cuộc sống, lấy cảm hứng từ những trường hợp tử vong do báo chí Thái Lan đăng tải.

Campuchia

“Nhờ những nỗ lực của các cá nhân và tổ chức, nhờ sự xuất hiện của các rạp chiếu chất lượng cao… ngành công nghiệp điện ảnh Campuchia đã có bước chuyển mình lớn trong những năm qua”, đạo diễn Pháp gốc Canada Davy Chou khẳng định như vậy.

Hollywood ngam nghia Viet Nam va Dong Nam A hinh anh 2

Angelina Jolie trên phim trường First They Killed My Father ở Campuchia

Đạo diễn Chou gây chú ý với bộ phim tài liệu Golden Slumbers (Những giấc ngủ vàng) kể về sự hình thành của điện ảnh Campuchia trong thập niên 1960 và sự đổ vỡ của nó do Khmer Đỏ gây ra. Ông Chou đánh giá có nhiều dấu hiệu cho thấy điện ảnh Campuchia đã bắt đầu tự đứng vững trên đôi chân của mình.

Đó là việc đạo diễn Kulikar Sotho đoạt giải Tinh thần châu Á tại LHP Tokyo (Nhật) và việc ngày càng nhiều nhà làm phim Campuchia tham gia vào Viện Hàn lâm điện ảnh châu Á ở Busan (Hàn Quốc). Ngoài ra, ngày càng nhiều đạo diễn trẻ làm phim ngắn.

Campuchia cũng trải thảm đỏ chào đón các đoàn làm phim Hollywood, bởi đây là cơ hội để các nhà điện ảnh nội địa học hỏi được từ trình độ đỉnh cao của điện ảnh Mỹ. Đoàn làm phim First They Killed My Father của Angelina Jolie đã đào tạo một số lượng đông đảo các kỹ thuật viên của Campuchia.

Tài năng đáng chú ý: Davy Chou

Đạo diễn Davy Chou là một trong những nhà tiên phong của làn sóng điện ảnh Campuchia mới. Năm 2009, ông mở xưởng phim tại 4 trường học ở Phnom Penh và lập một hội dành cho các nhà làm phim trẻ. Tác phẩm đầu tay Golden Slumbers của ông được Diễn đàn Berlinale và LHP Busan lựa chọn.

Năm nay, Chou trở lại LHP Cannes với bộ phim truyện đầu tay Diamond Island (Đảo kim cương), câu chuyện về sự trưởng thành của một con người trong giai đoạn hiện đại hóa chóng mặt của xã hội Campuchia hiện nay.

Việt Nam

Doanh thu phòng vé của Việt Nam tăng 10% lên 85,2 triệu USD vào năm 2015. Sự tăng trưởng đáng kể này đã kích thích ngành sản xuất phim nội địa chạy đua dữ dội.

“Hiện tại, gần như tuần nào cũng có phim Việt mới. Cách đây 5 năm, cả năm chỉ có 10 phim Việt”, Victor Vũ, đạo diễn bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đạt kỷ lục doanh thu năm ngoái, khẳng định.

Hollywood ngam nghia Viet Nam va Dong Nam A hinh anh 3

Đạo diễn Kong: Skull Island Jordan Vogt-Roberts (phải) khoe ảnh chụp ở Việt Nam

Sự thiếu hụt các nhà làm phim có kinh nghiệm bị xem là điểm yếu lớn nhất khiến ngành công nghiệp điện ảnh trong nước chưa thể tận dụng tối đa những cơ hội mới của thị trường đang mở rộng.

“Từ biên kịch, dựng phim cho đến người cân chỉnh màu, nhu cầu tuyển dụng người có kinh nghiệm để theo kịp tốc độ phát triển của thị trường là rất lớn”, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho biết.

Bà Trần cùng các đạo diễn Phan Đăng Di, Trần Anh Hùng tổ chức một diễn đàn điện ảnh thường niên tại Đà Nẵng, có tên Gặp gỡ mùa thu. Tại đây họ tổ chức hội thảo với các đạo diễn, nhà làm phim.

Tài năng đáng chú ý: Nguyễn Phương Anh

Sinh tại Việt Nam, học tại Anh và Mỹ, Nguyễn Phương Anh viết kịch bản và thực hiện một số phim ngắn đáng chú ý trước khi viết kịch bản tác phẩm Người vợ thứ 3.

Đạo diễn Mỹ lừng danh Spike Lee đã chọn kịch bản Người vợ thứ 3 để trao giải của Quỹ Sản xuất phim Spike Lee hồi năm 2014.

Tháng 3, dự án Người vợ thứ 3 đoạt giải tại Diễn đàn Tài chính điện ảnh Hong Kong châu Á. Lấy bối cảnh thế kỷ 19, Người vợ thứ 3 kể câu chuyện về một cô gái 14 tuổi vật lộn với cuộc hôn nhân sắp đặt với một người chồng lớn tuổi. Bộ phim sẽ được khởi quay vào cuối năm nay.

Malaysia

Năm 2013, chính phủ Malaysia giảm thuế tới 30% cho các dự án sản xuất phim trong nước. Cùng thời điểm đó, studio Pinewood Iskandar 150 triệu USD chính thức được thành lập.

Nhờ đó, điện ảnh Malaysia đang khởi sắc. Hãng Netflix ký hợp đồng quay phần hai loạt phim truyền hình Marco Polo tại Pinewood Iskandar.

Hollywood ngam nghia Viet Nam va Dong Nam A hinh anh 4

Studio Pinewood Iskandar ở Malaysia 

Hồi tháng 3, hãng phim Imaginarium của ngôi sao Andy Serkis cũng tuyên bố sẽ lập môt trung tâm sáng tạo nội dung và phát triển công nghệ bắt hình động ở Pinewood Iskandar.

Malaysia hy vọng sự xuất hiện của các chuyên gia quốc tế tại đây sẽ giúp nâng cao trình độ của ngành công nghiệp điện ảnh trong nước.

Hiện Cơ quan Phát triển phim quốc gia Malaysia và tổ chức Nội dung Sáng tạo Malaysia đang tổ chức chương trình Malaysia Goes to Cannes (Malaysia đến với LHP Cannes) từ ngày 16 đến 20/5 để giới thiệu các tài năng điện ảnh và những bộ phim đáng chú ý.

Tài năng đáng chú ý: Syamsul Yusof

Tác phẩm kinh dị mới nhất Munafik của đạo diễn 31 tuổi Syamsul Yusof trở thành phim nội địa ăn khách thứ 2 hồi năm ngoái, đạt doanh thu 4,3 triệu USD.

“Bộ phim kinh dị Hồi giáo đầu tiên” kể câu chuyện về Adam, bị ám ảnh bởi cái chết của người vợ trong một vụ tai nạn. Đến nay Yusof đã có trong tay 8 bộ phim.

Singapore

Năm 2016 là năm tươi sáng của điện ảnh Singapore khi có hai phim nước này đến với LHP Cannes.

Đó là Apprentice (Kẻ học việc) của Boo Junfeng ở hạng mục Un Certain Regard (Góc nhìn đặc biệt) và A yellow bird (Con chim lông vàng) của K.Rajagopal tại International Critic’s Week (Tuần lễ các nhà bình phim quốc tế).

Hollywood ngam nghia Viet Nam va Dong Nam A hinh anh 5

Nhà làm phim Boo Junfeng của Singapore

Năm 2013, tác phẩm  Ilo Ilo của Anthony Chen đoạt giải Camera d’Or (Camera vàng) tại LHP Cannes, giúp khẳng định vị thế của điện ảnh Singapore.

“Đó là cột mốc đối với ngành điện ảnh Singapore. Và việc làn sóng đó tiếp diễn với các phim năm nay là điều tuyệt vời”, ông Chen khẳng định.

Các phim Singapore được đánh giá cao thường là những tác phẩm nặng ký, dữ dội và u ám. Các tác phẩm của Boo đề cập đến hệ thống án tử hình của Singapore, còn phim của Rajagopal là câu chuyện về một cựu tù nhân muốn làm lại cuộc đời.

Singapore có hệ thống rạp chiếu phim dày đặc và doanh thu phòng vé năm ngoái đạt 161 triệu USD. Nhà làm phim Chen cho rằng để mở rộng ảnh hưởng quốc tế, ngành điện ảnh Singapore cần tập trung vào những bộ phim mang khẩu vị địa phương, những câu chuyện chân thực, toát lên trải nghiệm Singapore.

Tài năng đáng chú ý: Boo Junfeng

Boo làm bộ phim đầu tay Sandcastle (Lâu đài trên cát) năm 2010. Tác phẩm này xuất hiện tại International Critic’s Week ở LHP Cannes và đoạt một số giải thưởng. Ngoài ra Sandcastle cũng giành giải ở LHP Quốc tế Việt Nam. Năm nay Boo trở lại Cannes với Apprentice.

Tác phẩm mô tả hệ thống án tử hình của Singapore đã khiến Boo dành 5 năm để nghiên cứu, viết kịch bản và sản xuất.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất