Dòng phim thần thoại, hoạt hình Trung Quốc đang "chuyển mình"

Kênh 14 - 06/09/2015, 15:21

“Tróc Yêu Kí”, “Đại Thánh Trở Về” là hai đại diện tiêu biểu, chứng tỏ sự “lên ngôi” của dòng phim thần thoại, hoạt hình và hành động hài hước.

Nếu như ở những năm trước, thể loại phim võ thuật cổ trang luôn “cầm trịch” doanh thu với hàng loạt những cái tên được người xem ghi nhớ như Ngọa Hổ Tàng Long, Thập Diện Mai Phục, Diệp Vấn… thì sang đến 2015, thể loại thần thoại, hoạt hình và hành động hài hước đã hoàn toàn thống trị thị trường điện ảnh Trung Quốc. Trong số đó, không thể không nhắc đến những bộ phim đã “phá kỉ lục cũ, lập lên kỉ lục mới” như  Tróc Yêu Ký, Đại Thánh Trở Về - hai bộ phim đã cho thấy một sự “thay da đổi thịt” trong chiều hướng làm phim cũng như sự dịch chuyển rõ ràng trong thị hiếu của khán giả. 
 
Tróc Yêu Ký – Thần thoại, huyền ảo pha lẫn yếu tố hài hước
 
Tróc Yêu Ký được coi là “hiện tượng” của mùa phim hè năm 2015. Với doanh thu “khủng” 1 tỉ 275 triệu NDT (972 tỉ đồng) chỉ sau 10 ngày công chiếu, Tróc Yêu Ký đã đánh bại Lost In Thailand và trở thành bộ phim điện ảnh ăn khách nhất lịch sử. 
 
01-7e24f
 
Tróc Yêu Ký kể về cuộc truy bắt Tiểu yêu vương Hồ Ba – người đứng đầu trong thế giới yêu. Trong phim, Hồ Ba là căn nguyên dẫn đến việc thiên hạ đại loạn nên bị loài người và các loài yêu quái khác truy sát. Dưới sự bảo vệ của Thiên Âm (Tỉnh Bách Nhiên), Hồ Ba đã an toàn sống sót và đi đến một nơi khác để sinh sống.  Bộ phim chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi chứng minh Yêu và Người có thể chung sống được với nhau, đó là câu chuyện cảm động giữa hai phe tưởng chừng như đối lập nhưng vẫn có thể dung hòa. 
 
Ngoài việc nội dung mới mẻ, dễ tiếp cận, nhạc phim hay thì còn rất nhiều yếu tố làm nên thành công của bộ phim, trong đó phải kể đến việc kĩ xảo được dàn dựng ngay tại Trung Quốc. Đạo diễn Raman Hui đã có nhiều năm làm việc tại kinh đô điện ảnh Hollywood, ông đã đem những gì mình học được áp dụng tại quê nhà. Dù không thể sánh ngang với các siêu phẩm như Jurrasic World, nhưng hình ảnh kĩ xảo đẹp mặt trong Tróc Yêu Ký cũng đủ người hâm mộ phim sản xuất trong nước “nở mày nở mặt”.
 
02-7e24f
 
Chưa dừng lại ở đó, Tróc Yêu Ký còn mở ra một thời đại “khai quật” sách cổ thần thoại Sơn Hải Kinh, Hồ Ba là một nhân vật có thật trong đó. Cuốn sách này ghi chép lại những kiến thức về địa lý từ thời thượng cổ và những truyền thuyết dân gian như: Nữ Oa vá trời, Tinh Vệ lấp biển, Đại Vũ trị thủy… Nhiều người dự đoán, sau Tróc Yêu Ký, sách cổ Sơn Hải Kinh sẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho dòng phim giả tưởng phương Đông.
 
Đại Thánh Trở Về - Tiểu thuyết kinh điển được dựng thành phim hoạt hình
 
Có lẽ, khán giả Trung đã quá quen thuộc bởi hàng loạt phim người thật về Tây Du Kí, nhưng hiếm có nhà làm phim nào lại “mạnh dạn” dựng lại tác phẩm kinh điển này dưới dạng phim hoạt hình 3D. Đại Thánh Trở Về đã lập kỉ lục doanh thu 382 tỉ đồng sau 17 ngày chiếu, vượt qua bộ phim Kungfu Panda 2 của Hollywood để trở thành bộ phim hoạt hình ăn khách nhất mọi thời đại tại Trung Quốc. 
 

03-7e24f

 

Poster phim “Tây Du Ký: Đại Thánh Trở Về”

Nói về nội dung, Đại Thánh Trở Về vẫn được dàn dựng dựa theo cuốn tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Ngô Thừa Ân, song có nhiều chi tiết mới. Chuyện kể rằng, hơn 400 năm sau khi đại náo thiên cung, Tề Thiên Đại Thánh đã trở thành một truyền thuyết lưu truyền khắp dân gian. Khi đó, yêu quái đang hoành hành tại kinh đô Trường An. Đứa bé mồ côi Giang Lưu Nhi và hoà thượng vân du bốn phương Pháp Minh sống nương tựa vào nhau. Một ngày nọ, có một tên sơn yêu bắt cóc trẻ em trong làng, Giang Lưu Nhi đã cứu một cô bé nên đã bị sơn yêu truy sát. 
 
Trên đường chạy trốn, hai đứa bé chạy đến Ngũ Hành Sơn và vô tình giải được phong ấn của Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không được tự do, chỉ muốn về Hoa Quả sơn nhưng vì phong ấn trên tay vẫn chưa được giải, lại nợ ân huệ của Giang Lưu Nhi nên đành miễn cưỡng hộ tống Lưu Nhi trở về kinh thành Trường An. Trên đường trở về, họ đã bị Yêu vương giăng bẫy, Tôn Ngộ Không mất hết pháp thuật liệu có cứu được bọn trẻ? 
 
04-7e24f
 
Những thay đổi tình tiết như trên đã tạo nên sự hấp dẫn, tò mò với khán giả. Chưa kể, câu chuyện về “Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không” đã được dàn dựng theo phong cách của nhiều hãng phim hoạt hình danh tiếng trên thế giới như Walt Disney, Dream Works mà không cần đến sự trợ giúp của bất cứ nhóm làm phim Hollywood nào. Một điều càng khiến khán giả kinh ngạc hơn, đó là tổng chi phí sản xuất của Đại Thánh Trở Về chỉ có 10 triệu USD, đạo diễn Điền và đoàn làm phim của ông không đủ kinh phí nên họ đã cố gắng xây dựng kĩ xảo “theo cách riêng của mình”. 
 
Thần thoại, hoạt hình, kĩ xảo trong nước là hướng đi mới của các nhà làm phim
 
 Tróc Yêu Kí và Đại Thánh Trở Về đều có điểm chung là lấy cảm hứng, khai thác những câu chuyện thần thoại dân gian, tiểu thuyết nổi tiếng của Trung Quốc. Cộng với việc kĩ xảo làm ở chính quê nhà đã có thấy sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ làm phim. Không chỉ mang về những khoản doanh thu khổng lồ mà cả hai bộ phim còn nhận được sự phản hồi tích cực từ giới làm phim và đặc biệt là khán giả. Hàng chục triệu bình luận trên mạng xã hôi weibo đã khen ngợi nội dung và kĩ xảo không kém gì Hollywood và thoát được mặc cảm chất lượng thấp kém của các bộ phim giải trí, tình cảm dây dưa từ đầu năm tới giờ. 
 

05-7e24f

 

Poster phim "Tiểu Môn Thần"

06-7e24f

Poster phim Đại Ngư Hải Đường

Kể từ giờ cho đến năm 2016, các nhà làm phim Trung Quốc sẽ tiếp tục khai thác mảng đề tài này và cho ra mắt những tác phẩm như: Long Chi Cốc: Tinh Linh Vương Tọa; Tiểu Môn Thần hay Đại Ngư Hải Đường
 
(Tổng hợp SX)

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất