Khi nhắc đến quan hệ về cha mẹ - con cái, không ít người phải bùi ngùi bởi vòng lặp này:
"Ngày con cái còn nhỏ, cha mẹ bận kiếm sống không có thời gian ở gần. Để khi họ già rồi, con cái lại lo toan sự nghiệp mà không thể về nhà.
Con cái thì nỗ lực phấn đấu ở thành phố lớn. Còn cha mẹ lại cứ thế dần già đi ở quê nhà."
Tôi có một anh bạn thân, năm nay 32 tuổi, bởi vì mãi lo toan sự nghiệp nên vẫn chưa lấy vợ.
Mấy năm trời, anh ấy chỉ có thể về nhà được vài lần, thường là vào dịp Tết!
Tết năm nay, bởi vì công ty thưởng lớn cho những ai ở lại tăng ca. Anh ấy đã không ngần ngại mà đăng kí ở lại. Ba mẹ anh ấy ở quê chờ con đến tận 30 Tết vẫn chưa thấy anh ấy về, liền vội vã gọi điện hỏi thăm xem anh ấy có việc gì không?
Chẳng ngờ, anh ấy vừa gặp mâu thuẫn với khách hàng xong, nên đã buồn bực nói với mẹ rằng: "Tết năm nay con không về. Vậy đi, con đang làm nên đừng gọi nữa."
Anh ấy mãi mãi không thể ngờ được rằng, đây chính là lần cuối cùng anh ấy được nói chuyện với mẹ mình.
Khi dịch bùng phát mạnh, nơi anh ấy ở bị phong tỏa, thì anh ấy mới bàng hoàng nhận ra mọi chuyện trầm trọng đến mức độ nào.
Công việc không làm được, anh ấy bị bắt đi cách ly, đến khi về nhà mới hay tin mẹ anh ấy ở quê đã mất vì bệnh tim tái phát đột xuất.
Kể từ đó, anh ấy luôn ân hận vì những lời mình đã nói hôm đó. Phải chi anh ấy đừng ham kiếm thêm tiền, về quê đúng dịp Tết thì có lẽ đã được ở cạnh mẹ thêm vài tháng.
Bạn biết không, có nhiều bạn trẻ hay than vãn với tôi, rằng cha mẹ họ càng lớn càng trẻ con. Nhưng mà chúng ta rồi cũng sẽ như vậy thôi.
Một khi con người ta già đi, suy nghĩ và nhu cầu sẽ dần giống như những đứa trẻ.
Lúc còn trẻ, chúng ta muốn bố mẹ không đi làm để dành thời gian cả ngày bên cạnh mình. Thì bây giờ cha mẹ cũng như vậy, họ mong đợi, nhưng không dám đòi hỏi.
Càng lớn tuổi, ai lại chẳng mong có thể đồng hành cùng con cháu nhiều thời gian hơn, bạn nói có phải không?
Khi tham gia vào hoạt động từ thiện, giúp đỡ người già neo đơn. Tôi mới nhận ra, ở đó có khá nhiều cụ già có gia đình và con cái đầy đủ.
Nhưng bởi vì dù sống cùng con cháu, họ vẫn cảm thấy cô đơn, thế nên họ mới quyết định vào viện dưỡng lão để trò chuyện cùng những người giống mình.
Con cháu đi làm, đi học về lại bận chuyện riêng, hoặc là bấm điện thoại, máy tính, hoặc trò chuyện với bạn bè, có khi ở chung nhà, nhưng chẳng ăn được mấy bữa cơm chung với nhau. Chính vì vậy, không khí trong nhà ngày càng lạnh lẽo và xa cách.
Nếu bạn muốn báo hiếu cha mẹ của mình, cách tốt nhất là bầu bạn với họ. Hãy quan tâm và thấu hiểu nhiều hơn đến cảm xúc riêng của cha mẹ.
Cũng đừng để cha mẹ cảm thấy rằng: "Bản thân đã già, trở nên không có giá trị gì, không giúp gì được cho con cái."
Đừng để cha mẹ phải cô đơn và mặc cảm trong chính ngôi nhà của mình. Người già rất nhạy cảm, họ có cô đơn cũng không dám nói ra, vì sợ sẽ làm bạn phiền lòng.
Bạn biết xót thương cho những người cô đơn, và bạn thấy họ đáng thương. Như vậy, hãy về nhà và dành thời gian ngắm nhìn cha mẹ nhiều hơn, dẫn họ đi ngắm cảnh, cùng họ trồng hoa, nuôi cá, du lịch, đánh cờ.
Đưa cha mẹ hòa nhập vào dòng bạn bè xung quanh, để màu sắc của họ thêm rực rỡ.
Dù là ai cũng cần có người chia sẻ bầu bạn, đừng nghĩ rằng bố mẹ đã lớn tuổi mà chẳng cần sự sẻ chia.
Trên thực tế, có thể kinh nghiệm sống và hiểu biết của họ vượt xa bạn. Nhưng khi thời đại càng thay đổi, họ lại càng sợ hãi và cần bạn ở bên nhiều hơn để chỉ dẫn, để đem lại cho họ cảm giác an toàn.
So với việc không thể bắt kịp thời đại, thật ra thứ mà họ sợ hãi nhất, chính là không thể bắt kịp con cái của mình!
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Video được xem nhiều nhất