Đôi mắt thứ hai của đạo diễn
8showbiz -
05/08/2015, 11:28
Một đạo diễn hình ảnh xuất sắc là người có thể đưa các bối cảnh, góc máy đạo diễn đã chọn trở nên lung linh và đẹp nhất khi chiếu trên màn ảnh.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của đạo diễn khi bắt đầu một bộ phim là chọn được nhà quay phim hợp tác ăn ý với mình. Đó chính là một nửa sức mạnh của đoàn phim. Trong điện ảnh, quay phim hay thường gọi là giám đốc hình ảnh (Director of Photography) là một nghề rất khó, đòi hỏi phải trải qua đào tạo bài bản, có kinh nghiệm lâu năm…
HIỂU LẦM VỀ NGHỀ QUAY PHIM
Ngoài trường quay, quan trọng thứ hai sau đạo diễn chính là giám đốc hình ảnh. Qua ống kính của mình, người giám đốc hình ảnh chuyển tải tất cả những con chữ trong kịch bản, những ý tưởng của đạo diễn, diễn xuất của diễn viên… trở thành hình ảnh sống động trên màn ảnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam từ lâu đã có một quan niệm sai lệch về công việc của người quay phim. Quan điểm sai lầm này không chỉ xảy ra với khán giả mà còn gặp rất nhiều ở giới chuyên môn, từ các nhà báo đến cả bản thân nhà quay phim.
Phim Cuộc đời của Pi đã nhận được giải Oscar Quay phim xuất sắc nhất
Khi xem bộ phim có hình ảnh đẹp, đa số mọi người đều ca ngợi nhà quay phim về những bố cục khuôn hình chỉn chu, góc máy mới lạ táo bạo… Đúng là những hình ảnh trong phim đều do nhà quay phim thực hiện nhưng sự thật, chúng không phải do nhà quay phim nghĩ ra và quyết định, đó là dấu ấn sáng tạo, quyền hạn của đạo diễn. Công việc thực sự của một nhà quay phim không hoàn toàn là đứng phía sau máy quay.
Cách đây vài năm, một nhà quay phim nổi tiếng ở Việt Nam khi làm việc với đạo diễn Việt kiều đã vô cùng bức xúc khi đạo diễn là người toàn quyền quyết định góc máy, động tác máy, bố cục khuôn hình… Điều này khiến nhà quay phim cảm thấy bị xâm phạm nghề nghiệp và cản trở sự sáng tạo. Khi nhà quay phim chất vấn đạo diễn về công việc chính của anh là gì trên phim trường, đạo diễn trả lời: “Ánh sáng!”.
VẼ VỚI ÁNH SÁNG
Công việc của giám đốc hình ảnh có thể nói một cách nôm na là vẽ hình ảnh bằng ánh sáng (tự nhiên hoặc bằng đèn). Bố trí ánh sáng để phù hợp với khung cảnh và ý đồ của đạo diễn là công việc sáng tạo không hề đơn giản của người giám đốc hình ảnh. Có khi để quay một phân cảnh nhỏ, giám đốc hình ảnh phải đặt sáng cả ngày trời mới xong. Do đó người giám đốc hình ảnh còn có một danh xưng khác là đạo diễn ánh sáng.
Thường thì giám đốc hình ảnh ít khi trực tiếp cầm máy quay phim mà giao công việc đó cho các camera operator, gọi nôm na là “thợ bấm máy”. Tất cả các nhà quay phim đều bắt buộc phải trải qua nhiều năm làm camera operator trước khi được “lên hạng” giám đốc hình ảnh. Chúng ta khen quay phim đẹp tức là ánh sáng phim đó quá tuyệt chứ không chỉ là góc máy, chuyển động máy hay bố cục khuôn hình… những thứ mà bắt buộc nhà quay phim phải nắm rõ. Tuy nhiên, đó không phải là công việc của họ trên phim trường mà là chữ ký của đạo diễn.
Nhà quay phim vĩ đại
Nhà quay phim Robert Bridge Richardson
Robert Bridge Richardson (27–8–1955) là một trong những nhà quay phim xuất sắc nhất. Ông là một trong hai người còn sống từng đoạt đến ba giải Oscar Quay phim xuất sắc nhất (các phim JFK, The Aviator và Hugo). Năm ngoái, Richardson cũng một lần nữa nhận đề cử Oscar cho công việc của mình với bộ phim Django Unchained.
Theo Bá Vũ/Thế giới văn hóa
Video được xem nhiều nhất
Bình luận