Điều nguy hiểm nhất chính là khi đứng trên đỉnh cao của sự thiếu hiểu biết nhưng lại tưởng mình thông minh

19/12/2021, 15:30

Bất kỳ ai cũng từng ngộ nhận mình là người hùng trước khi bị sự thật trần trụi và phũ phàng đập thẳng vào mặt.

Bạn có từng hào hứng khoe hiểu biết với cả thế giới nhưng sau đó lại muốn độn thổ vì hóa ra mình biết quá ít? Càng học nhiều càng thấy mình biết ít, đó là trạng thái tâm lý mà ai cũng từng trải qua và có hẳn một hiệu ứng tâm lý được đặt tên cho nó – hiệu ứng Dunning-Kruger. Bạn sẽ không nhận ra mình ngốc nghếch và thiếu hiểu biết đến đâu, cho đến khi bạn rơi vào giai đoạn thứ 3 của hiệu ứng này.

Hiệu ứng Dunning-Kruger là một loại thiên kiến nhận thức khi một người tự đánh giá bản thân cao hơn trình độ thực tế của chính mình. Khái niệm này được đưa ra bởi hai nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger vào năm 1999 sau loạt nghiên cứu thực nghiệm.

Hiệu ứng này gồm 5 giai đoạn.

Điều nguy hiểm nhất là đứng trên đỉnh cao thiếu hiểu biết nhưng lại tưởng mình thông minh

Giai đoạn 1: Không biết gì (Knowing-nothing)

Bất cứ ai trong chúng ta khi sinh ra cũng đều là một trang giấy trắng và khi đứng trước những lĩnh vực mới cũng vậy. Bạn không biết gì cho đến khi bạn học được một điều gì đó. Sự thiếu hụt kiến thức thôi thúc chúng ta học hỏi, tìm tòi không ngừng.

Ví dụ, bạn đi đâu cũng nghe người ta nói đến tài chính cá nhân, đầu tư chứng khoán, bitcoin, trong khi bạn chẳng biết gì về chúng. Để không bị tụt hậu lại phía sau, bạn bắt đầu tìm hiểu học hỏi và biết thêm nhiều kiến thức thú vị.

Giai đoạn 2: Đỉnh cao ngu ngốc (Peak of Mount Stupid)

Khi học được thứ gì đó mới mẻ, hấp dẫn, tâm trí bạn như sáng “bừng nắng hạ”, “mặt trời chân lý chói qua tim”. Bạn tự trách bản thân sao không biết đến những điều này sớm hơn? Bạn thấy những người xung quanh sao mà thiếu hiểu biết, không chịu học hỏi gì cả. Chẳng hạn, bạn thấy người ta cứ cắm cúi lầm lũi đi làm thuê, “xây dựng ước mơ cho kẻ khác”. Thời buổi bây giờ là phải tự kinh doanh, khởi nghiệp, đạt được tự do tài chính và để đồng tiền làm việc cho mình. Bạn quyết định phải làm một cuộc cách mạng đổi đời. Và có khi, đời chưa thấy đổi mà đã phải đánh đổi quá nhiều thứ.

Đây chính là giai đoạn nguy hiểm nhất trong hiệu ứng Dunning-Kruger, khi một kẻ ngu nhưng lại tỏ ra nguy hiểm. Nhưng điều trớ trêu này khi rơi vào giai đoạn này, người đó lại trở nên rất hấp dẫn và lôi kéo được sự chú ý của những người xung quanh.

Điều nguy hiểm nhất là đứng trên đỉnh cao thiếu hiểu biết nhưng lại tưởng mình thông minh

Giai đoạn 3: Thung lũng tuyệt vọng (Valley of Despairs)

Khi “high” mãi cũng phải có lúc rơi xuống mặt đất, đó là khi bạn vỡ lẽ nhận ra những gì mình biết là quá ít. Cũng là lúc bạn thấy rằng những lý thuyết bạn mới học được sẽ chẳng có tác dụng gì nếu không được vận dụng đúng cách. Mỗi năm có biết bao nhiêu người khởi nghiệp, nhưng có bao nhiêu trong số đó trụ nổi vài năm? Giờ bạn đã biết ai cũng muốn tự do tài chính nhưng vì sao người ta vẫn phải cắm mặt làm thuê cho người khác chưa? Có những người đổi đời nhờ chứng khoán, bitcoin, nhưng cũng không ít người vỡ nợ, phá sản. Mọi thứ vốn chẳng hề dễ dàng.

Giai đoạn 4: Sườn dốc giác ngộ (Slope of Enlightenment)

Khi đã nếm đủ vị cay đắng, ít nhiều chúng ta sẽ được giác ngộ, khai sáng. Đó là sự giác ngộ chân chính chứ không phải là thứ ánh sáng chói chang hào nhoáng ở Đỉnh cao ngu ngốc trước đó. Đó là khi một người nhận thức được sự thiếu sót của mình và từng bước học hỏi, họ sẽ dần mở rộng kiến thức, hiểu biết hơn và cũng khiêm tốn hơn. Đây cũng là giai đoạn người ta nhận ra mình không giỏi như mình vẫn tưởng và càng học nhiều càng thấy mình biết ít. Nhưng không sao cả vì họ đang đi trên con đường đúng đắn.

Điều nguy hiểm nhất là đứng trên đỉnh cao thiếu hiểu biết nhưng lại tưởng mình thông minh

Gia đoạn 5: Cao nguyên bền vững (Plateau of sustainability)

Đó là khi người ta đã thu thập kiến thức và kinh nghiệm đủ nhiều để có hiểu biết sâu sắc về một lĩnh vực nào đó. Họ sẽ không còn nông cạn, tự cao tự đại, cũng không chìm trong vực thẳm của sự tuyệt vọng, tự ti. Ví dụ một người sau vài lần đầu tư thua lỗ sẽ tích lũy được những kiến thức, kinh nghiệm và tâm lý vững hơn trong việc “để tiền đẻ ra tiền”. Đầu tư hiệu quả là một cách khôn ngoan để đảm bảo an toàn tài chính khi sức lao động của con người giảm dần theo thời gian.

Làm sao để mình không trở thành kẻ thùng rỗng kêu to?

Nếu bạn thấy mình đâu đó trong hiệu ứng Dunning-Kruger, nếu bạn đã từng tự cao tự đại hoặc rơi xuống tự ti thì không sao đâu, bởi hiệu ứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Điều quan trọng là khi đã vượt qua giai đoạn 2 và 3, bạn vẫn luôn có ý thức học hỏi để đi đến cao nguyên vững bền của sự hiểu biết.

Với những người trẻ tuổi, ngựa non háu đá, rất khó để kiềm chế sự tự tin thái quá của bản thân. Nhưng cuộc đời sẽ dạy cho chúng ta những bài học mà ai cũng phải học, rồi bạn cũng sẽ học được thôi.

Điều nguy hiểm nhất là đứng trên đỉnh cao thiếu hiểu biết nhưng lại tưởng mình thông minh

Để giảm thiểu ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger lên quá trình học hỏi của chúng ta, hãy là người ham học hỏi, không ngừng trau dồi kiến thức nhưng nên chia sẻ những gì mình biết với một thái độ khiêm tốn, cầu thị. Mở lòng đón nhận những ý kiến đóng góp của người khác, bạn sẽ có thêm những góc nhìn mới, hoàn thiện những thiếu sót của mình.

Nếu bạn từng rơi vào “Thung lũng tuyệt vọng”, không sao cả vì có đau đớn mới mau lớn. Chính những cú ngã này sẽ là động lực để bạn không ngừng hoàn thiện bản thân, đạt đến sự hiểu biết sâu sắc.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất