Diễn viên nói gì khi vai Lương Bổng có bóng dáng giang hồ Thảo "Ma"?
Khi đảm nhận vai Lương Bổng trong "Người phán xử", NSƯT Trung Anh đã xây dựng nhân vật của mình với 3 gương mặt khác nhau, từ lạnh lùng, cởi mở đến tư lự.
- Lý do Phan Quân là nhân vật có sức hút nhất phim hot "Người phán xử"
- "Người phán xử" còn thua xa 3 ông trùm máu lạnh khét tiếng này!
- "Người phán xử": Phan Quân bị ám sát, Phan Hải công khai chuyện ngoại tình
- Cuộc sống ít biết của "ông trùm" khét tiếng phim Người phán xử
- Hé lộ về "trùm cuối" phản diện và cái kết của phim hot "Người phán xử"
Lương Bổng (NSƯT Trung Anh đóng) là nhân vật thứ chính quan trọng bậc nhất trong Người phán xử, xuất hiện từ đầu đến cuối bộ phim. Giang hồ cộm cán này trung thành tuyệt đối với Phan Quân (NSND Hoàng Dũng), đồng thời cũng là người được ông trùm tin tưởng nhất.
Phan Hải (Việt Anh) từng thắc mắc với cha mình: "Tại sao chuyện gì của Phan Thị, Lương Bổng cũng biết?". Ngay lập tức, Phan Quân trả lời "Lương Bổng đỡ cho tao một nhát dao, một vài phát đạn và kéo tao ra khỏi bẫy thằng điên".
Trước khi hôn mê phải nhập viên (trong tập 5), ông trùm Phan Quân cũng quyết định giao toàn quyền cho Lương Bổng, chứ không phải con trai Phan Hải, con nuôi Tuấn - Tú hay bất cứ đàn em thân cận nào khác.
Nhân vật Lương Bổng được truyền tải qua diễn xuất của NSƯT Trung Anh. |
'Tôi đánh vật với vai diễn trái chất'
- "Người phán xử" đã lên sóng được 5 tập. Anh nhận được những phản hồi như thế nào về vai Lương Bổng – một giang hồ cộm cán thân cận của ông trùm Phan Quân?
- Tôi thường bận về buổi tối nên chưa có thời gian xem cả 5 tập. Nhưng thông qua người thân, bạn bè, tôi biết là mọi người phản hồi rất nhiều. Có những người bạn, người em, ngày nào phim phát sóng cũng gọi cho tôi để chia sẻ về tình tiết mới. Sự tương tác của khán giả là điều mà đoàn làm phim rất mong muốn.
- Khán giả vẫn quen với những vai diễn hiền lành, khắc khổ của anh trên màn ảnh nhỏ. Khi vào một vai trái chất, anh gặp phải những khó khăn gì?
- Lương Bổng là một vai diễn khác hẳn với “chất” của tôi. Tất nhiên, đã là diễn viên chuyên nghiệp thì phải đóng được các dạng nhân vật. Nhưng không thể phủ nhận, với “Người phán xử”, tôi vất vả hơn phim khác, thậm chí phải đánh vật với nhân vật.
Về chủ quan, từng cảnh quay, từng trường đoạn, từng ánh mắt, tôi đều phải rất tập trung. Còn về khách quan, khi phải vào một vài ngược hẳn với mình, tôi cũng áp lực rất nhiều vì không biết diễn xuất của mình có thuyết phục được khán giả và vượt qua được hình ảnh đã quen thuộc của mình hay không.
- Nhân vật Lương Bổng có điều gì khiến anh thích thú?
- Khi nhận được kịch bản Người phán xử cho vai diễn Lương Bổng, tôi nhận lời ngay vì rất hứng thú. Không chỉ vì tôi muốn thử nghiệm trong việc thay đổi về lối diễn xuất, mà thực sự đây là một kẻ giang hồ có nội tâm, tính cách chứ không chỉ biết chém giết.
Lương Bổng chính là người đã giúp Phan Quân gây dựng được vị trí như hiện tại. Thời trẻ, 2 người này đã dùng mưu mẹo để đánh thắng được các băng đảng khác. Là bạn nhưng Lương Bổng tôn thờ và trung thành tuyệt đối với “Người phán xử”.
Lương Bổng không vợ con, gia đình và là kẻ trung thành tuyệt đối với "Người phán xử". |
Chia làm 3 gương mặt khi vào vai Lương Bổng
- Các diễn viên khi nhận vai diễn nhiều khi phải tự xây dựng lý lịch cho nhân vật của mình. Anh có bao giờ lý giải tại sao Lương Bổng lại trung thành với Phan Quân như vậy?
- Đó chính là đặc trưng tính cách của Lương Bổng. Không gia đình, không vợ con và cũng không vụ lợi về tiền bạc. Tôi cũng đã đặt ra những thắc mắc cho nhân vật này và chọn cách trả lời bằng diễn xuất.
Tại sao lại có một người chấp nhận sống khắc khổ, không giàu và làm mọi việc vì Phan Thị như vậy?
Lúc đầu, tôi suy nghĩ là liệu có phi logic không. Nhưng sau đó, tôi nhận thấy, ở ngoài đời không phải là không có những người như thế, tuy là rất hiếm. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi đã cố gắng hoàn thành vai diễn Lương Bổng để mọi người thấy tính cách của nhân vật không vô lý.
Khi vào vai Lương Bổng, tôi chia thành 3 bộ mặt khác nhau về mặt diễn xuất. Khi tiếp xúc với Phan Quân, Lương Bổng là một con người tâm tình, cởi mở, cư xử với nhau như bạn bè. Bộ mặt thứ 2 của Lương Bổng là bộ mặt lạnh lùng, đăm chiêu, mưu đồ với những người còn lại.
Bộ mặt thứ 3 là khi ông ấy ở một mình. Đó là một khuôn mặt đầy suy tư, tư lự, đúng kiểu của một người sống ẩn dật (Ngoài những thời gian ở biệt thự Phan Thị để phục vụ công việc thì Lương Bổng về một căn nhà được dựng ở trên núi).
- Bên cạnh những phản hồi tích cực, cũng có không ít ý kiến cho rằng phim quá bạo lực và không thích hợp phát sóng trên truyền hình. Quan điểm của anh thế nào?
- Người phán xứ là bộ phim có câu chuyện ngay từ đầu, do vậy dễ dàng cuốn hút được khán giả. Hành động, bạo lực là điều khó tránh đối với một bộ phim về tâm lý tội phạm. Nhưng đây là một tác phẩm chuyển thể từ kịch bản của Israel, và so với bản gốc thì bạo lực chỉ bằng 1%.
Đơn vị sản xuất đã tiết chế rất nhiều để phim không phản cảm. Qua bộ phim, mọi người sẽ thấy những mặt trái của xã hội của Việt Nam chứ không phải một nước nào khác. Và như mọi người biết thì VFC và bộ phận biên tập cũng phải tìm hiểu giới giang hồ của Việt Nam như Năm Cam và đàn em để xây dựng những nhân vật trong phim.
- Một nhà báo có nhiều năm theo dõi mảng pháp luật nhận định rằng trong nhân vật Lương Bổng có bóng dáng của trùm giang hồ Thảo "Ma". Anh đã phải tìm hiểu xã hội đen ngoài đời thực như thế nào để hoàn thành vai diễn của mình?
- Tất cả trùm giang hồ như Năm Cam, Phúc Bồ, tôi chỉ nghe nói và biết tên chứ không tìm hiểu. Tôi cũng có đọc Bố già và thấy cuốn sách này và kịch bản Người phán xử có một vài điểm tương đồng. Nhưng tôi cũng chỉ đọc để tham khảo.
Toàn bộ diễn xuất của tôi trong phim là căn cứ vào hoàn cảnh của nhân vật. Đây là một kịch bản viết tốt nên chỉ cần dựa vào kịch bản đã có thể hoàn thành tốt vai diễn.
Cảnh hậu trường nhân vật Lương Bổng chặt ngón tay của Tuấn. |
Không ngại tranh luận với đạo diễn
- Trong suốt thời gian gần một năm quay phim "Người phán xử", hẳn anh có nhiều câu chuyện hậu trường không thể quên?
- Những câu chuyện hậu trường lại thường gắn liền với những cảnh quay quan trọng. Do vậy, tôi chưa thể tiết lộ được nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của khán giả khi xem. Người phán xử là một phim mà các diễn viên và ê-kíp đã gắn bó với nhau như người một nhà. Chúng tôi rất vất vả vì phải vượt rừng, leo núi nhưng cũng rất vui.
Đây cũng là bộ phim mà các diễn viên phải mặc áo mùa đông trong thời tiết mùa hè. Đứng trên vực, nắng như đổ lửa nhưng tôi vẫn phải mặc áo len. Tất nhiên, khi tập trung diễn xuất thì mình cũng quên đi, nhưng cũng khó chịu lắm vì mồ hôi ra như tắm.
- Khải Anh chia sẻ rằng để xây dựng nhân vật Lương Bổng, các đạo diễn và anh đã có nhiều cuộc trao đổi. Trong những cuộc trao đổi đó, anh và các đạo diễn có tranh luận hay bất đồng gì?
- Tôi thấy phim nào cũng vậy thôi, một diễn viên có nhiều năm kinh nghiệm và một đạo diễn cởi mở sẽ dễ dàng xây dựng được một nhân vật tốt. Nghề diễn không đơn giản, không thể nhận cái kịch bản rồi diễn y chang từ đầu đến cuối. Muốn hoàn thành tốt, phải trao đổi lại với đạo diễn.
Khi xây dựng nhân vật Lương Bổng, tôi muốn nhân vật này phải có sự nhất quán về tính cách, ứng xử, tư tưởng trong phim. Để làm được điều này, tôi không ngại ngần tranh luận với đạo diễn. Nhiều phân đoạn, tôi góp ý về kịch bản, bổ sung lời thoại, để mang lại hiệu quả tốt cho nhân vật và bộ phim.
Theo Quang Đức/Zing
Video được xem nhiều nhất