Điện ảnh Việt Nam không cần sự nài xin

31/05/2022, 08:41

Những ngày qua, giới điện ảnh đang truyền đi thông tin về một nhóm “quyền lực ngầm” chuyên chê bai phim điện ảnh thậm tệ trên mạng xã hội trước khi phim công chiếu. Hậu quả, những phim bị “đánh hội đồng, đánh dưới thắt lưng” sẽ chết yểu sau khi ra rạp.

Cụ thể, sau khi 2 phim bom tấn là Kẻ Thứ Ba (đạo diễn Park Hee Jun) và 578: Phát Đạn Của Kẻ Điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) thất bại, Lương Đình Dũng đã chính thức phát ngôn trên báo chí về việc phim của anh bị chơi xấu và phá hoại theo cách này. Ý kiến ấy nhận được phản hồi với những luồng ý kiến trái chiều.

Thông thường, trước khi một bộ phim ra rạp, nhà sản xuất sẽ tổ chức một buổi chiếu chiêu đãi cho báo giới và nghệ sĩ cùng thưởng thức. Có một quy luật bất thành văn rằng nếu phim dở, người xem hãy làm thinh để chiếu vài suất đã, sau đó muốn chê khen gì cũng được. Nếu phim hay thì dễ rồi, tha hồ khen.

Những người theo khuynh hướng này cho rằng làm phim trong bối cảnh Việt Nam vất vả, khó thu hồi vốn, vậy nên nếu chê phim sớm quá thì tội nghiệp nhà đầu tư và nhà sản xuất. Thậm chí, họ còn nài xin và kêu gọi mọi người đến rạp ủng hộ cho dù phim chất lượng kém. Những ai nhận xét khắt khe sẽ bị cho là ác ý, không có lương tâm.

Điện ảnh Việt Nam không cần sự nài xin-1
Poster phim "578: Phát Đạn Của Kẻ Điên"

Thế nhưng, có một thực tế rằng, hàng năm Việt Nam cho ra mắt từ 50 - 60 phim điện ảnh. Trong số đó, chỉ một số phim thành công doanh thu được công chúng nhắc đến, còn lại phần nhiều thất bại. Nhiều phim từ khi ra rạp đến khi nghỉ chiếu không ai biết đến. Những phim này, không bị bất cứ một thế lực nào chơi xấu hay trù dập, vẫn thất bại toàn tập.

Dù vậy, năm nào, cũng có 50 - 60 phim mới tiếp tục được sản xuất và ra rạp. Cái vòng lẩn quẩn cứ lặp lại vậy, khi chỉ vài phim được nhắc đến, còn lại rút lui không kèn không trống. Vậy thì câu hỏi đặt ra là: nếu có một nhóm người hay thế lực ngầm nào đó chuyên đi đánh phá phim thì họ nhắm đến mục đích gì, đối tượng là ai?

Câu hỏi này, đến giờ vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo, chỉ biết rằng sự truyền miệng về nhóm đập phá phim vẫn râm ran từ biên kịch, đạo diễn đến cả khán giả.

Gần đây, bộ phim Đêm Tối Rực Rỡ (đạo diễn Aaron Toronto) sau buổi chiếu ra mắt, được hệ thống các rạp xếp những suất đầu vào giờ chiếu không thuận lợi, vì họ không có niềm tin phim sẽ thu hút khán giả. Đây là một bộ phim có nội dung khô khan và không có một ngôi sao bán vé nào, nên việc các rạp không có hy vọng là điều tất yếu.

 Vậy nhưng, bù lại, cách kể của đạo diễn rất lạ, hay và hấp dẫn. Bất chấp đề tài bạo lực, nghẹt thở đến ám ảnh, phim vẫn nhận được phản hồi tốt qua mạng xã hội và cả báo chí chính thống. Dần dần, phim đã được tăng suất chiếu và cuối cùng được coi là thành công, trong sự hồi hộp và căng thẳng của nhà đầu tư kiêm sản xuất có số vốn khiêm tốn và ít ỏi.

Ngay sau Đêm Tối Rực Rỡ là Nghề Siêu Đễ (đạo diễn Lê Thanh Hòa) được làm lại (remake) từ phim nổi tiếng của Hàn Quốc. Với một lực lượng diễn viên là thần tượng của khán giả trẻ như Thu Trang, Tiến Luật, Kiều Minh Tuấn, Hứa Vĩ Văn và chất giải trí cao, phim dù không được đánh giá cao về nội dung vẫn thu về hơn 70 tỷ đồng.

Trong khi đó, chung cảnh thất bại về doanh thu, Kẻ Thứ Ba và 578: Phát Đạn Của Kẻ Điên đều được nhận xét chung là kịch bản rời rạc, diễn xuất không thuyết phục hay nói đúng hơn là một vài nhân tố giỏi không thể gồng gánh hết một tập thể yếu. Thực tế, cả 2 phim kể trên đều đã không được đánh giá cao từ phía những bạn bè thân hữu ngay sau buổi chiếu ra mắt.

Thẳng thắn, nếu thực sự có một nhóm người chuyên phá hoại các bộ phim trên mạng, giới làm phim có thể hành động cụ thể và thiết thực, chẳng hạn như thu thập bằng chứng gửi đến cơ quan có trách nhiệm để nhờ can thiệp.

Nhưng ở phía khác, nhà làm phim hãy bỏ suy nghĩ kêu gọi hay van xin khán giả đến rạp ủng hộ phim. Bởi vì đó là tư tưởng sẽ khiến cho nền điện ảnh thụt lùi.

Phim ảnh là một dạng hàng hóa đặc biệt, tuy là có yếu tố kinh doanh nhưng nó bao gồm nhiều yếu tố khác như mỹ học, tâm lý học, văn học…. Rõ ràng, một người làm điện ảnh phải có tài năng, để tạo ra một tác phẩm coi được hoặc là hấp dẫn.

Người làm điện ảnh là người dám chơi nghệ thuật và dám phiêu lưu cảm xúc nên cũng phải sòng phẳng và đủ mạnh mẽ, công bằng. Hãy dồn sức làm ra một bộ phim hay, chắc chắn khán giả sẽ bằng cách này cách khác tìm xem. Bởi vì, xem phim là một nhu cầu, nếu hay chắc chắn được ủng hộ và ngược lại.

Đừng nên nài xin khán giả đến rạp xem phim của mình mà hãy chỉ quảng bá nói một cách khách quan. Nếu một bộ phim hay nhưng kén khán giả tự thân nó đã có giá trị đặc biệt, không cần kêu gọi hay hô hào. Còn nếu bộ phim bình dân hay xàm xí mà được khán giả xem đông, thì nó cũng có lý do riêng, bởi giải trí xả stress cũng là một nhu cầu rất lớn của công chúng.

Khi đã chấp nhận bước vào cuộc chơi, hãy hiểu quy luật của nó. Dòng phim nghệ thuật, phim dự thi có một chỗ đứng riêng và phim thương mại, giải trí có chỗ đứng riêng. Muốn vừa có phim đoạt giải vừa là bom tấn phòng vé là một giấc mộng khó thành hiện thực.

Còn nếu làm phim thuần giải trí mà khán giả không xem, đạo diễn hãy xem lại cách làm của mình. Khán giả thời nay có nhiều nguồn thông tin để tiếp cận nhằm biết rõ sự tình. Thật khó có một nhóm quyền lực nào có thể khuynh đảo được lượng công chúng lớn như thị trường Việt Nam.

Cũng đừng nên trách hệ thống rạp chiếu, vì rằng họ cần phim bán được vé để duy trì doanh thu, nhằm tiếp tục hoạt động. Họ không dại gì từ chối những phim mà có khả năng sẽ thu hút đông đảo người xem.

Theo Thể thao & Văn hóa

theo nguồn https://2sao.vn/phim-c-aaj/

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất