"Điện ảnh Việt có những nét riêng không đâu có"
Đó là nhận định của bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục điện ảnh khi bàn về sức hút của điện ảnh nước nhà trong thời gian gần đây.
10 bộ phim đắt đỏ nhất lịch sử điện ảnh
Giới điện ảnh bùng nổ bút chiến vì "Hoa vàng, cỏ xanh"
"Câu chuyện lúc nửa đêm" thách thức fan điện ảnh
Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XIX chuẩn bị diễn ra tại TP.HCM trong bối cảnh bùng nổ phim Việt trong giai đoạn cuối 2015. Cùng với đó, nhiều hoạt động văn hóa, điện ảnh đã diễn ra khắp nơi. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục điện ảnh về những thành công và triển vọng của điện ảnh Việt thời gian qua.
- Để thăm dò độ nóng của Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XIX, phóng viên đã gõ cụm từ “Liên hoan phim Việt Nam 2015” trên thanh tìm kiếm Google và thấy hiển thị 696.000 kết quả. Với “Liên hoan phim Cannes 2015”, kết quả thu được là 324.000, còn “Liên hoan phim Venice 2015” thì được 187.000 kết quả. Là trưởng ban tổ chức LHP Việt Nam lần này, bà có nhận xét gì về những con số trên?
Chúng ta đều biết rằng được nhắc tới nhiều hay ít trên mạng chưa nói lên điều gì về chất lượng. Tuy nhiên, con số này có thể phản ánh một thực trạng là người Việt đã nhắc tới LHP Việt Nam nhiều gấp đôi, gấp ba lần các LHP hàng đầu thế giới khác. Như vậy cũng đáng mừng!
Thực tế, phòng vé ở Việt Nam cũng cho thấy lập kỷ lục doanh thu bao giờ cũng là phim Việt, cho dù nó có thể đang chiếu cùng thời gian với phim “bom tấn” của Hollywood hay thế giới. Tại sao lại như vậy? Tôi nghĩ điện ảnh Việt Nam có nét riêng mà không đâu có, nó phản ánh được tâm hồn Việt, tôn vinh giá trị Việt. Đó cũng chính là một trong những lí do mà LHP Việt Nam lần này nhấn mạnh đầu tiên đến tiêu chí “dân tộc”.
Chỉ khi chúng ta tìm thấy chính mình và tự hào về bản sắc của mình thì mới tạo được chỗ đứng riêng trong khu rừng điện ảnh muôn màu sắc của thế giới.
Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục điện ảnh.
- “Nhân văn” là tiêu chí thứ hai được đề cao ở đây, nhưng liệu yếu tố “nhân văn” trong một LHP ở thế kỷ 21 này có khác gì so với hàng chục năm trước đây không, thưa bà?
Ở thời đại “thế giới phẳng” này, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, mời đạo diễn, diễn viên, hay quay phim nước ngoài, cách tân hình thức... không khó lắm. Trên con đường mở ra thênh thang muôn hướng như thế, người ta lại càng phải biết mình là ai, mình cần gì để vững bước mà đi.
Có “Dân tộc” là nền tảng, “nhân văn” là kim chỉ nam, thì đổi mới đến đâu cũng không sợ đánh mất chính mình. Trong thời điểm mà điện ảnh Việt Nam đang phát triển nhanh chóng này, đổi mới tự thân nó đã là một nhu cầu, song “nhân văn” thì không phải ai cũng chú trọng, và vì thế, LHP lần này muốn nhấn mạnh vào điều đó.
Trong LHP lần này, “nhân văn” còn mang một ý nghĩa thiết thực nữa. Nó không những nằm trong nội dung các phim tham gia mà còn thấm nhuần cả từ khâu tổ chức, với mong muốn LHP không chỉ là buổi lễ đặc biệt cho một nhóm người làm nghề mà còn là ngày hội văn hóa thực sự với mọi người.
- Những LHP quốc tế danh tiếng như Berlin, Cannes, Venice, Oscar... cũng chỉ dành cho các ngôi sao và giới làm nghề, vé tham dự rất đắt. Còn LHP Việt Nam lần này lại muốn nó là ngày hội cho mọi người, như thế có làm giảm bớt phần trang trọng hay không?
Mỗi LHP, mỗi nước có một mục tiêu riêng. Tôi không định so sánh LHP của chúng ta với các LHP danh tiếng khác, vì so sánh thường hay khiễng, nhưng trong điều kiện VN hiện nay, một LHP mà lèo tèo người tham dự thì mới kém phần trang trọng. LHP không có đông đảo công chúng quan tâm thì thật thiếu hụt? LHP chỉ dành cho giới làm phim có khác nào mình hát mình tự vỗ tay?
Chúng tôi hi vọng LHP lần này sẽ là một sự kiện văn hóa đem lại niềm vui cho nhiều người, khán giả cùng được xem phim, đánh giá phim, thắp lên tình yêu với điện ảnh, đúng như ý nghĩa của từ “liên hoan” - hòa chung niềm vui.
- Được biết song song với chương trình của LHP còn có những hoạt động văn hóa khác cũng sử dụng phim tham gia LHP, như bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đã và đang được chiếu miễn phí cho trẻ em nghèo, khó khăn ở vùng sâu, vùng xa thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Tôi biết và rất ủng hộ chương trình từ thiện này. Tuy không trực tiếp liên quan tới LHP nhưng đây cũng là một chương trình rất nhân văn. Với chúng ta, vào rạp xem phim là chuyện quá thường, nhưng với trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa, điện ảnh có lẽ giống như một giấc mơ xa xỉ mà đa số các bé chưa từng được biết.
Vì thế, với các bé, được xem một bộ phim điện ảnh hay sẽ là sự kiện đầy ý nghĩa, khơi lên những ước mơ và cảm xúc tốt lành. Những bộ phim như thế, những địa điểm văn hóa như thế rất cần thiết vì nó mang lại không chỉ niềm vui chốc lát mà còn thắp lên tình yêu điện ảnh và niềm tin vào cái đẹp, sự tử tế trong lòng mọi người.
- Liền ngay sau LHP Việt Nam XIX, từ ngày 11 đến 15.12 lại diễn ra Tuần lễ phim Sinh viên TP.HCM với chủ đề “Những câu chuyện đẹp”. Bà đánh giá như thế nào về sự kiện này và chủ đề mà nó hướng tới?
Sự kiện văn hóa này góp thêm một tia lửa cho thấy sức nóng của điện ảnh trong xã hội ta hiện nay, nhưng điều đáng mừng không chỉ ở chỗ đó. Tôi rất thú vị khi chỉ cần nhìn vào một địa chỉ cụ thể là đã thấy diễn ra nhiều sự kiện văn hóa dồn dập, đều mang tính nhân văn, phi lợi nhuận, vì lợi ích cộng đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng chứng tỏ không chỉ nhà nước mà cả doanh nghiệp tư nhân bây giờ cũng chú trọng đến quảng bá văn hóa và cái đẹp. Bản thân nó đã là một “câu chuyện đẹp”, một địa chỉ đẹp để bắc cầu đưa thanh thiếu niên đến với điện ảnh.
Tôi hi vọng LHP Việt Nam lần thứ XIX sẽ thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu điện ảnh và sự nhân văn, để nó được nuôi dưỡng và cháy tiếp trong lòng thế hệ trẻ qua các sự kiện văn hóa như thế này.
- Cảm ơn bà về những chia sẻ!
Video được xem nhiều nhất