Điện ảnh Việt có đang lạm dụng "Cameo" để quảng bá cho phim?
Cameo (Vai diễn khách mời) là một khái niệm không xa lạ gì trong điện ảnh. Thế nhưng ở Việt Nam, xu hướng này có vẻ bị lạm dụng quá đà, gây khó chịu cho khán giả.
Theo định nghĩa, cameo là sự xuất hiện ngắn ngủi trong phim của một người có tên tuổi, không nhất thiết là diễn viên mà có thể là đạo diễn, nhà thiết kế, thậm chí cả chính trị gia hay doanh nhân. Điện ảnh Việt Nam cũng tiếp cận trào lưu này từ hơn 10 năm nay, trong đó đi đầu là hai đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Vũ Ngọc Đãng khi cả hai thường xuất hiện trong phim của nhau. Theo thời gian, khái niệm này dần bị biến tướng, phục vụ cho mục đích câu khách nhiều hơn là tạo bất ngờ cho khán giả.
Số lượng dày đặc
Đối với điện ảnh Âu Mỹ, cameo như một món gia vị giúp bộ phim trở nên hấp dẫn hơn. Một số vai diễn khách mời thậm chí để lại ấn tượng với khán giả chẳng kém gì chính bộ phim, như Tom Cruise trong Tropic Thunder hay Neil Patrick Harris trong Harold and Kumar Go to White Castle. Song, hiệu ứng đó chỉ có thể được tạo ra khi cameo xuất hiện với số lượng và thời lượng vừa phải, hoàn toàn khác với phong cách quá lố của một số phim Việt.
Tom Cruise trong "Tropic Thunder"
Nhìn vào Hy sinh đời trai, một bộ phim mới ra mắt gần đây, khán giả sẽ không khỏi choáng ngợp khi phim quy tụ đến hàng chục nghệ sĩ trong các vai khách mời. Số lượng quá đông khiến biên kịch phải cố “nặn óc” nghĩ ra những tình huống thừa thãi để nhét các ngôi sao vào, dẫn đến một kịch bản vô cùng lủng củng. Mọi người đều có mặt nhưng ai cũng nhạt nhòa, chỉ để khán giả vận dụng trí nhớ để chơi trò “Ai là ai?” chứ không để lại dấu ấn gì.
Thương Tín và Thân Thúy Hà trong "Hy sinh đời trai"
Trên thực tế, chuyện nhồi nhét các ngôi sao vào phim vốn là “truyền thống” của hãng Phước Sang với hàng loạt tác phẩm như Võ lâm truyền kỳ, Phát tài, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Hello cô Ba. Cách làm này có thể gây tò mò ở 10 năm trước, nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi cộng đồng mạng tràn ngập tin tức giải trí mỗi ngày, có lẽ không còn việc khán giả bị “lôi kéo” ra rạp chỉ để xem vài giây nhạt nhòa của hàng chục ngôi sao nữa. Điều này dẫn đến cách dùng cameo thứ hai, không mời nhiều nhưng phải mời những người thật hot, thật gây sốc.
Diễn viên khách mời đủ kiểu
Các diễn viên khách mời xuất hiện trong phim Âu Mỹ hầu như đều có dụng ý về mặt điện ảnh, nếu không cũng là để tri ân như Stan Lee trong các phim Marvel hay Leonard Nimoy trong Star Trek. Ở Việt Nam, việc chọn lựa vai diễn cameo có phần dễ dãi, khi tiêu chí câu khách được đặt cao hơn so với chất lượng nghệ thuật. Có thể nói, bất kì ai có tên tuổi cũng có thể được mời góp mặt.
Năm 2012, phim Hello cô Ba câu khách triệt để bằng việc cho lực sĩ Phạm Văn Mách… khoe cơ bắp khoảng vài giây. Bộ phim Sơn đẹp trai thậm chí còn mời cả hiện tượng Lệ Rơi tham gia. Danh sách những người nổi tiếng từng vào vai cameo trải rộng mọi ngành nghề, trong đó có cả bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Đẻ mướn), thủ môn Tấn Trường (Bay vào cõi mộng) hay doanh nhân Hùng Cửu Long (Hương ga, Lật mặt).
Ngọc Trinh trong "Hoàng tử và Lọ Lem"
Cách đây hai năm, Ngọc Trinh gây bão dư luận khi xuất hiện trong một trailer của phim Hoàng tử và Lọ Lem (đạo diễn Ngô Quang Hải). Trong cảnh quay này, nữ hoàng nội y trồi lên từ mặt nước trong sự trầm trồ của những chàng Tây đen. Một cảnh quay khá có chất điện ảnh nhưng hoàn toàn... lãng xẹt vì chẳng ăn nhập gì đến nội dung phim.
Quảng bá quá mức
Có bao giờ bạn nghĩ đến việc tập The Avengers tiếp theo sẽ đưa Stan Lee lên poster chính, hay bộ phim thời trang The Devil Wears Prada xây dựng chiến dịch quảng bá xoay quanh vai diễn khách mời của siêu mẫu Gisele Bündchen? Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có điều ngược đời là nhà sản xuất quảng bá vai diễn cameo như con át chủ bài, thậm chí át cả vai chính.
Tiêu biểu cho trường hợp này là bộ phim Lọ lem Sài Gòn, ra mắt cách đây hai năm. Cậu bé “Psy nhí” Hwang Min Woo được quảng cáo rầm rộ nhưng chỉ xuất hiện có hơn một phút, khiến nhiều khán giả có cảm giác bị lừa sau khi xem phim. Khi được phỏng vấn, ông bầu Hoàng Mập cũng thừa nhận rằng đó là cách để phim được chú ý.
“Psy nhí” Hwang Min Woo
Trong năm nay, hai cái tên đang được khán giả yêu thích là Thái Hòa và Hari Won dường như cũng bị tận dụng quá mức. Thái Hòa là một thương hiệu “bảo chứng doanh thu”, nên các nhà sản xuất như Đức Thịnh (Ma dai) hay Trần Bảo Sơn (Hy sinh đời trai) đều cố mời anh bằng được. Sau vai chính trong Chàng trai năm ấy, Hari Won tiếp tục xuất hiện trong Ma dai, và mới đây nhất là cùng Ngô Kiến Huy trong 49 ngày, nhưng diễn xuất của cô nàng không để lại ấn tượng gì.
Ngô Kiến Huy và Hari Won trong "49 Ngày"
Gần đây nhất là những tranh cãi xung quanh vai diễn khách mời của Hồ Ngọc Hà trong Hy sinh đời trai. Hồ Ngọc Hà, Linh Chi và Andrea là ba ngôi sao choán gần hết poster, nhưng họ chỉ góp mặt trong những vai diễn “không thể nhỏ hơn”, trong đó nhân vật của Hà Hồ chỉ có một phân đoạn cùng Tấn Beo với bài hát Đừng xa em đêm nay. Sự căng thẳng còn được đẩy lên cao khi gương mặt của Hà Hồ bị ghép vào thân hình người khác trên poster, còn nữ ca sĩ thẳng thắn tuyên bố không để nhà sản xuất lợi dụng tên tuổi của mình, và cô cũng bày tỏ thái độ bằng việc không đến buổi ra mắt phim.
Hồ Ngọc Hà trong "49 Ngày"
Mặc dù những vai diễn khách mời chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc, nhưng nó thể hiện sự khéo léo và đẳng cấp của nhà làm phim. Quá lạm dụng yếu tố khách mời để câu khách sẽ khiến khán giả bội thực, hay tệ hơn là cảm giác như hụt hẫng sau khi rời khỏi rạp chiếu. Hy vọng trong những dự án tiếp theo, các nhà làm phim Việt sẽ khéo léo hơn trong việc sử dụng cameo, tránh đi vào lối mòn như các phim vừa qua.
Video được xem nhiều nhất