Điểm danh "Tứ đại mỹ nhân" khiến khán giả hoảng hốt

8showbiz - 18/06/2015, 14:47

Giữa dàn người đẹp thể hiện mỹ nhân nổi tiếng, không ít người khiến fan "ngã ngửa".

Tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Hoa – Điêu Thuyền, Tây Thi, Dương Quý Phi và Vương Chiêu Quân đã từng được chuyển thể lên màn ảnh qua sự thể hiện của rất nhiều nữ diễn viên. Việc thể hiện thành công và gây ấn tượng trong lòng khán giả đòi hỏi có sự kết hợp của nội dung phim và diễn xuất của diễn viên. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để một nữ diễn viên được thể hiện vai này phải là sắc đẹp phù hợp với sự miêu tả về nét đẹp của những giai nhân này đã được ghi lại trong sử sách. Nhưng giữa rất nhiều những diễn viên đã thể hiện những nhân vật nổi tiếng này, có không ít những người khiến khán giả phải “ngã ngửa” về độ chênh so với sắc đẹp của nhân vật. Hãy cùng điểm lại những “đại mỹ nhân” xấu nhất trong lịch sử showbiz Hoa ngữ.

1. Tây Thi

Khó có thể coi Tây Thi (Châu Dương) là một người đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

Theo sử sách, Tây Thi là cô thôn nữ nước Việt, mang nét đẹp trong trẻo, tinh khôi, được mệnh danh là người có vẻ đẹp “trầm ngư” (cá lặn). Khán giả Việt Nam cũng từng được xem rất nhiều tác phẩm về mỹ nhân này, và ấn tượng nhất có lẽ là Phùng Bửu Bửu trong bộ phim truyền hình của những năm 80.

Trong khi đó, khán giả khó có thể hài lòng với nhan sắc của Tây Thi, cho diễn viên Châu Dương thể hiện trong phim Việt vương Câu Tiễn (2005). Châu Dương có ngoại hình cao, gầy, khá cứng cùng gương mặt cá tính và đôi mắt thiếu nét nhu tình, mềm mại. Hơn nữa, phim tập trung vào tuyến nhân vật nam nên Chu Dương cũng không phát huy được những điểm mạnh của mình.

 

Quách Thiện Ni bị "đuối" với vai Tây Thi.

Cựu hoa hậu Hồng Kông Quách Thiện Ni cũng để lại trong lòng khán giả hình ảnh của một Tây Thi… vừa già vừa xấu khi là nữ chính của phim Tranh hùng xưng bá. Người đẹp tham gia đóng phim khi đã 34 tuổi với những dấu ấn thời gian đã bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt và phần cổ, nên cô không mấy thích hợp để vào vai nàng Tây Thi tuổi đôi tám ngập tràn sức sống. Hơn nữa, là một diễn viên “tay ngang”, Quách Thiện Ni không thành công trong việc thể hiện hình ảnh một mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành với nhiều tâm tư trong cuộc chiến giành quyền lực của đấng mày râu.

Ô Tĩnh Tĩnh chỉ đạt ở mức độ dễ thương.

Tuy nhiên, hai nàng Tây Thi kể trên đều xuất hiện trong các bộ phim thiên về các nhân vât nam như Ngô vương Phù Sai, Câu Tiễn hay Phạm Lãi. Nàng Tây Thi khiến khán giả thất vọng nhất phải kể đến Ô Tĩnh Tĩnh, bởi cô là nữ chính trong Tây Thi mật sử, bộ phim xoay quanh cuộc đời của mỹ nhân này từ khi còn là thôn nữ đến những tháng ngày xoay vần về sau. Dù vậy, ngay từ lúc mới khởi quay, khán giả đã thất vọng não nề trước nhan sắc chỉ dừng lại ở mức độ trung bình của Ô Tĩnh Tĩnh. Dáng người xương gầy, khuôn mặt không thanh tú, đôi mắt to nhưng hơi dữ tướng, và đặc biệt là thiếu kinh nghiệm diễn xuất, Ô Tĩnh Tĩnh đã không khắc họa được nàng Tây Thi trong bộ phim dã sử hoành tráng này.

2. Dương Quý Phi

Hình mẫu chung của Dương Quý Phi là nhan sắc săc xảo, mặn mà, thân hình đẫy đà...

Dương Quý Phi, tên thật là Dương Ngọc Hoàn, là một mỹ nhân thời nhà đường có sắc  đẹp “tu hoa” (khiến hoa phải hổ thẹn). Nàng được miêu tả có có thân hình nảy nở, quyến rũ, mang nét đẹp chuẩn mực của phụ nữ thời Đường, có biệt tài múa với đôi chân xinh xắn khiến Đường Minh Hoàng mê mẩn, cướp con dâu về làm phi tần. Các diễn viên thể hiện vai diễn này đa phần đều có khuôn mặt hơi tròn, và thường có yêu cầu phải tăng cân để có được vẻ đẹp đầy đặn của nàng quý phi.

Hướng Hải Lam không có phong thái của một mỹ nhân như Dương Quý Phi.

Tuy nhiên, trong số rất nhiều những nữ diễn viên đã thể hiện vai diễn này, Hướng Hải Lam, trong bộ phim Dương Quý Phi do TVB sản xuất đã khiến khán giả phải “hoảng hốt” trước nhan sắc của mỹ nhân này. Hướng Hải Lam có vẻ đẹp khá hiện đại, dáng người cao gầy, khuôn mặt hơi gãy, không có bất cứ một nét nào giống như vị quý phi này. Hơn nữa, đây lại là vai diễn chính đầu tiên của cô nên không có gì bất ngờ khi Hướng Hải Lam không làm nên chuyện. Dù vậy, Dương Quý Phi phiên bản TVB vẫn dành được cảm tình của người xem nhờ biên kịch tốt, cùng một dàn diễn viên vào vai các phi tần hậu cung có ngoại hình đẹp và diễn xuất sắc sảo.

3. Điêu Thuyền

Trần Hảo (2007) và Trần Hồng (1994) đều làm nên những Điêu Thuyền ấn tượng.

Điêu Thuyền là một mỹ nhân thuộc thời Tam Quốc, từng nhiều lần xuất hiện trên màn ảnh lớn nhở, từ vai chính đến vai phụ. Khán giả có lẽ ấn tượng nhất với Điêu Thuyền của Trần Hồng trong bản Tam Quốc diễn nghĩa 1994, tuy đất diễn không nhiều nhưng rất có hồn. Nàng Điêu Thuyền đẹp nhất là Trần Hảo, cũng trong Tam Quốc diễn nghĩa phiên bản năm 2007. Còn nàng Điêu Thuyền kém sắc nhất tính đến hiện nay, có lẽ là Hàn Tuyết. Cô là một diễn viên đẹp, thậm chí được coi là một mỹ nhân cổ trang.

Trong khi đó, phiên bản mới nhất (2014) - Điêu Thuyền của Hàn Tuyết lại kém sắc hơn hẳn.

Tuy nhiên, ở thế kỷ 21 với sự phát triển vượt bậc của công nghệ hóa trang, trong một bộ phim được làm muộn nhất so với các tác phẩm khác, Điêu Thuyền của Hàn Tuyết vẫn tỏ ra kém thế so với các thế hệ trước. Phục trang, trang điểm đều thiếu điểm nhấn. Hàn Tuyết nhợt nhạt, kém duyên và có nhan sắc không gây ấn tượng, khó có thể ví von với vẻ đẹp “bế nguyệt” đã được miêu tả.

4. Vương Chiêu Quân

Khó ai có thể coi nhan sắc của Lâm Đại có sức nặng "thay đổi giang sơn".

Vương Chiêu Quân là một người đẹp thời Hán, nhập cung từ sớm, nhưng do hậu cung đấu đá nên đã không được đức quân vương để mắt tới. Sau đó, nàng được gả cho vua Hung Nô để giữ mối giao hảo giữa hai dân tộc. Trong lịch sử, Chiêu Quân được ghi chép không chỉ là người con gái đẹp, mà còn có tấm lòng nhân hậu, yêu nước thương dân.

Tuy nhiên, so với 3 mỹ nhân khác trong danh sách Tứ đại mỹ nhân, số lượng phim làm về Vương Chiêu Quân có vẻ khiêm tốn hơn. Có những diễn viên đã ghi dấu ấn với giai nhân này, nhưng cũng có không ít người thất bại. Bàn về góc độ nhan sắc, nữ diễn viên Lâm Đại đã khiến khán giả ít nhiều bối rối với bộ phim Vương Chiêu Quân, bản điện ảnh được sản xuất vào năm 1964. Thật khó để đánh giá hay so sánh toàn diện một bộ phim cách đây nửa thể kỷ với các tác phẩm của thời đại mới, nhưng có thể thấy, nhà sản xuất đã đầu tư khá nhiều vào trang sức, phục sức. Tuy nhiên, nhan sắc của Lâm Đại, dù là ở những năm 60 hay với góc nhìn của thế kỷ 21, cũng khó có thể nói đây là một mỹ nhân khiến chim phải sa xuống (lạc nhạn).

 

Dương Mịch có nét đẹp thơ ngây, đáng yêu hơn là nét ấn tượng của một nhan sắc nức tiếng cổ kim.

Ngoài ra, Dương Mịch cũng không được đánh giá cao khi đảm nhận vai diễn này vào năm 2005, khi cô chưa đụng dao kéo chỉnh sửa nhan sắc. Dương Mịch sở hữu nét đẹp tinh anh, trong sáng, giống như một thiếu nữ mới lớn hơn là một người đẹp u sầu khi phải xa quê hương, xuất giá nơi biên ải với nhiều nỗi niềm canh cánh trong lòng. Ở Dương Mịch, thiếu đi nhan sắc chỉ là thứ yếu, so với việc cô thiếu đi khí chất thực sự cần có ở nhân vật này.

 

Theo L.N/ Khám Phá

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất