Đạo diễn tiết lộ chuyện chưa kể về phim đoạt Oscar quay ở Việt Nam
Đạo diễn Régis Wargnier tiết lộ đối tác tại Việt Nam đã giúp đỡ ông rất nhiều. Qua đó, ê-kíp bộ phim "Indochine" không bao giờ bị các chính quyền địa phương gây khó dễ.
Đây là bộ phim Pháp gần nhất thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar, và có bối cảnh quay chủ yếu tại Việt Nam.
Phóng viên PV đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn phim Đông Dương.
'Mỗi ngày làm việc ở Việt Nam đều bất ngờ, thú vị'
Xin chào đạo diễn Regis Wargnier, điều gì khiến ông và ê-kíp quyết định phục dựng bộ phim ‘Đông Dương' sau 24 năm?
Quyết định phục dựng Đông Dương thành phiên bản kỹ thuật số 4K vốn là ý tưởng của StudioCanal - đơn vị hiện nắm giữ bản quyền tác phẩm. Tôi rất vui với điều đó, bởi đây là cách mà các studio lớn trên toàn thế giới lưu giữ các tác phẩm điện ảnh kinh điển cho thế hệ khán giả về sau.
Đã 24 năm trôi qua, khó còn bản phim nhựa 35 mm nào giữ được nguyên chất lượng như ngày xưa.
Theo ông, tại sao kể từ sau ‘Đông Dương', vẫn chưa có một phim Pháp nào khác thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar?
Oscar hay bất cứ giải thưởng điện ảnh nào khác không chỉ phụ thuộc vào mỗi mình chất lượng tác phẩm. Chúng ta phải đặt giải thưởng vào bối cảnh lịch sử, bối cảnh chính trị, những câu chuyện hậu trường xảy ra xung quanh giải thưởng…
Tôi nghĩ là nước Pháp đã có nhiều lần suýt chạm đến chiến thắng trong 24 năm qua, như với Amélie (2001) hay Mustang (2014). Nhưng để giành thắng lợi, các nhà sản xuất còn phải tìm cách quảng bá phim tại Mỹ để thu hút sự chú ý. Chuyện giải thưởng thường nằm ngoài tầm với của những người làm công tác đạo diễn.
Đạo diễn Régis Wargnier bên cạnh minh tinh Catherine Deneuve và đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary trong buổi họp báo ra mắt phiên bản 4K của Đông Dương. Ảnh: Việt Hùng.
Đâu là điều mà đến giờ ông vẫn còn nhớ về quá trình ghi hình phim ‘Đông Dương' tại Việt Nam?
Mỗi ngày ghi hình Đông Dương tại đây đều có chuyện hay để kể. Nhưng tôi nhớ nhất có một hôm ở vịnh Hạ Long, đoàn phim gặp cơn mưa nhiệt đới trái mùa rất lớn. Nhiều người lập tức tìm chỗ để trú mưa, nhưng tôi bèn ra lệnh đưa Vincent Pérez và Phạm Linh Đan lên con thuyền nhỏ, đẩy họ ra giữa mặt nước.
Quang cảnh lúc ấy rất đẹp và tôi nghĩ mình không thể bỏ qua điều đó. Trong phim, cơn mưa ấy giống như đã cứu Jean-Baptiste và Camille khỏi tình cảnh khó khăn mà hai nhân vật đang phải đối mặt. Điều tôi muốn nói ở đây là mỗi ngày làm việc ở Việt Nam đều có thể mang đến những bất ngờ thú vị.
'Bị cuốn hút bởi phần trình diễn tuồng của ông Lê Tiến Thọ'
Ông làm thế nào để tìm ra Phạm Linh Đan cho vai Camille?
Chúng tôi đã tổ chức một cuộc tìm kiếm diễn viên trên quy mô rộng khắp tại Pháp. Vòng sơ loại thì tôi chỉ theo dõi qua các đoạn băng mà đồng nghiệp ghi lại, rồi cùng họ chọn ra 30 cô gái lọt vào vòng tiếp theo.
Lần đầu tiên gặp Phạm Linh Đan ngoài đời, tôi nhớ cô ấy mặc một chiếc váy trắng. Gương mặt của Linh Đan khiến tôi rất có cảm tình, nhưng cô ấy vẫn phải tham gia thêm nhiều vòng thử thách nữa, cho đến khi chỉ còn lại ba ứng viên. Cuối cùng, tôi chọn Linh Đan bởi tin tưởng khả năng diễn xuất và gương mặt sáng của cô ấy.
Một cảnh quay tại Việt Nam của phim Đông Dương. Ảnh: StudioCanal.
Ông có gặp khó khăn nào từ phía chính quyền Việt Nam khi quay ‘Đông Dương' vào những năm đầu thập niên 1990 hay không?
Trước khi quay phim, tôi đã tìm được đối tác từ phía Việt Nam để họ chuyên lo liệu công tác hậu cần với chính quyền các địa phương như Hạ Long, Nam Định, Huế… Đi đến đâu, tôi cũng bị đe trước rằng sẽ gặp khó khăn đấy, sẽ phải mất nhiều thủ tục đấy. Nhưng rốt cuộc, chẳng có điều gì xảy ra cả.
Tôi cho rằng chính quyền hiểu rằng bộ phim Đông Dương giống như món quà tôi muốn dành tặng mảnh đất này. Tôi sinh ra vào những năm 1940, khi cụm từ 'Đông Dương' luôn gợi lên vẻ huyền bí cho nhiều người Pháp. Đam mê lịch sử và địa lý từ nhỏ đã thôi thúc tôi làm nên bộ phim.
Đến Việt Nam vào năm 1989 để khảo sát địa hình, tôi thấy đất nước các bạn hoàn toàn vắng bóng khách du lịch, dù đó là Hà Nội, TP.HCM hay những vùng biên giới. Tôi nghĩ Đông Dương đã giúp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển và chính quyền nhìn thấy cơ hội ấy từ bộ phim ngay từ khi nó chưa hoàn thành.
Cá nhân tôi quen rất nhiều người Pháp, hay thậm chí cả cựu chiến binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam, từng xem phim Đông Dương. Họ bảo bộ phim đã góp phần xóa tan những định kiến không hay về mảnh đất và thôi thúc họ đến đây để tìm tòi, khám phá.
Ông nhớ ai nhất trong số những con người Việt Nam từng tham gia phim ‘Đông Dương'?
9 năm trước, tôi có trở lại Việt Nam và gặp Lê Tiến Thọ, một trong những diễn viên Việt Nam tham gia phim Đông Dương. Khi đó, ông ấy đã là Thứ trưởng Bộ VHTTDL. Còn lần đầu chúng tôi gặp nhau, Lê Tiến Thọ là một nghệ sĩ tuồng và tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi màn trình diễn của ông ấy.
Như Quỳnh là một diễn viên có thực lực tại Việt Nam. Bà ấy rất tử tế khi chấp nhận một vai nhỏ trong bộ phim của tôi. Có một chuyện mà tôi vẫn nhớ mãi về Như Quỳnh.
Ngày mà bà ấy đã diễn xong vai của mình, tôi bèn gửi lời cảm ơn và chào tạm biệt. Nhưng sáng hôm sau, Như Quỳnh cùng một vài người khác vẫn quay lại. Họ muốn giúp đỡ ê-kíp hóa trang, phục trang…, tức từ diễn viên trở thành nhân viên hậu trường.
Đoàn phim Đông Dương của tôi trở thành một tập thể độc đáo chính vì những con người Việt Nam ấy.
NSƯT Tất Bình kể chuyện đoàn phim 'Đông Dương' tại Việt Nam: NSƯT Tất Bình từng sắm một vai nhỏ trong bộ phim thắng giải Oscar của điện ảnh Pháp, và từng giúp đỡ rất nhiều cho ê-kíp làm phim có cơ hội làm việc tại Việt Nam.
'Hãy cho tôi một kịch bản hay, tôi sẽ trở lại Việt Nam làm phim'
Sau thành công của ‘Đông Dương' và giải thưởng Oscar, tại sao ông không tới Hollywood làm việc như nhiều đạo diễn khác?
Tại Mỹ, cơ hội để những đạo diễn như tôi sáng tạo nghệ thuật là không nhiều, và bản thân tôi cũng không cảm thấy hứng thú lắm với hàng loạt kịch bản mà họ từng đề nghị mình thực hiện. Ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood giống như một cỗ máy, và người đạo diễn nhiều khi chỉ là một mắt xích nhỏ.
Làm phim tại đó chưa chắc đã được lựa chọn diễn viên theo ý muốn, chỉnh sửa hoặc sáng tạo kịch bản theo cảm quan cá nhân. Như thế, người đạo diễn sẽ chỉ giống như những 'kẻ đánh thuê', và tôi hoàn toàn không thích thú gì điều đó.
Sau 25 năm, ông thấy Việt Nam thay đổi như thế nào?
Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 25 năm qua, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Giờ là thời đại của Internet, tôi có thể thường xuyên cập nhật thông tin về đất nước và con người các bạn. Tại Pháp, tôi cũng được gặp nhiều người Việt Nam hơn, hay thậm chí xem một số phim của nền điện ảnh các bạn.
Tôi tin rằng Pháp và Việt Nam giờ rất gần gũi, và giờ nếu muốn làm phim tại đây cũng chẳng gặp phải khó khăn gì quá lớn. Hãy cho tôi một kịch bản hay, chắc chắn tôi sẽ quay lại Việt Nam để làm phim.
Xin cảm ơn ông!
Video được xem nhiều nhất