Cúng hóa vàng tiễn gia tiên cần lưu ý những gì?
Cúng hóa vàng là việc không thể thiếu trong mỗi dịp Tết nguyên đán. Vậy lễ cúng này có gì khác biệt?
Sau khi hết Tết, các gia đình sẽ tiến hành cúng hóa vàng để đưa tiễn gia tiên, ông bà. Lễ cúng hóa vàng thể hiện lòng tôn kính, sự cầu mong tổ tiên ban phước lành cho hậu thế, một năm nhiều may mắn, sức khỏe và thịnh vượng.
Thông thường trước đây, người ta thực hiện vào ngày mùng 3 Tết. Tuy nhiên ngày nay, khoảng thời gian này không cố định mà linh động hơn, tùy thuộc vào mỗi gia đình.
Có thể chọn bất cứ ngày nào trong khoảng thời gian từ mùng 3 đến mùng 10 để làm mâm cơm hóa vàng ngày Tết.
Mâm cỗ
Cúng hóa vàng cũng giống như những mâm cỗ những ngày trước đó, cần chuẩn bị đầy đủ: Hương, hoa tươi, quả tươi, trà, trầu cau (thường là 1 – 3 quả cau còn cuống với một lá trầu), đèn, nến, rượu, vàng mã…
Lễ cúng này không quá câu nệ mâm cỗ phải có đầy đủ những gì, cỗ mặn hay cỗ chay là theo nhu cầu của mỗi gia đình.
Nhưng nếu làm cỗ mặn thì không thể thiếu gà trống, bánh chưng, khoanh giò. Còn với cỗ chay thì có thể chế biến rau củ xào chay, canh rau củ, xôi gấc, đậu phụ... tùy theo gia chủ.
Hóa vàng
Cúng hoá vàng được thực hiện ở sân hoặc một góc vườn sạch sẽ. Chờ tới khi gần hết 1 tuần hương thì tiến hành hóa tiền vàng.
Trước khi hạ lễ, cần vái ba vái và khấn: "Gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới”.
Khi lễ xong, gia chủ sẽ vái 3 vái, cầu mong gia tiên phù hộ con cháu. Sau đó xin phép thu lộc, chia lộc (vật phẩm) cho con cháu.
Số vàng mã trong ba ngày Tết sẽ được đem hóa hết. Thứ tự khi hóa vàng thường là của gia thần trước rồi mới đến phần vàng mã của tổ tiên để không nhầm lẫn.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia lưu ý, những vàng mã dành cho người mới mất cũng cần được hóa riêng.
Dân gian quan niệm, khi hóa vàng xong, vẩy vài giọt rượu cúng trên bàn lên phần vàng mã vừa đốt. Vì cho rằng có làm vậy thì người ở cõi âm mới có thể nhận được số tiền vàng đó mà tiêu ở âm phủ.
Lưu ý
Người xưa quan niệm rằng, trong dịp Tết, các bậc thần, gia tiên luôn ngự trên bàn thờ. Vì thế đèn hương không bao giờ được tắt, các đồ dâng cúng như mâm ngũ quả, bánh kẹo… phải đợi đến ngày hóa vàng mới được đem xuống (trừ các đồ mặn, dễ thiu như thịt xôi…).
Nếu đèn hương tắt, nhất là việc hạ lễ trước khi hóa vàng sẽ phạm phải điều bất kính.
Ngoài ra, nhiều gia đình quan niệm đốt càng nhiều vàng mã là càng thể hiện lòng thành kính càng với ông bà, tổ tiên, người âm sẽ càng nhận được nhiều. Thế nhưng việc làm này là hoàn toàn sai lầm, sẽ chỉ dẫn đến lãng phí tiền của và ô nhiễm môi trường.
Lem (Tổng hợp)
Theo Vietnamnet
theo nguồn https://2sao.vn/phim-c-aaj/
Video được xem nhiều nhất