Có đến cả chục "trứng khủng long” trong "Jurassic World: Fallen Kingdom", bạn soi được mấy quả rồi?
Dù không trực tiếp gợi nhắc quá nhiều về Jurassic Park như phần đầu tiên ra mắt vào năm 2015, "Jurassic World: Fallen Kingdom" vẫn cài cắm rất nhiều easter eggs (trứng phục sinh - các chi tiết ẩn) dành cho fan ruột của loạt phim hồi sinh khủng long này.
Tiếp nối sự thành công rực rỡ của Jurassic World (2015), hãng Universal nhanh chóng bắt tay vào làm ngay một phần phim lấy bối cảnh vài năm sau sự kiện lũ khủng long "phá chuồng" xổng ra ngoài làm náo loạn hòn đảo Isla Nublar mang tên Jurassic World: Fallen Kingdom (Thế Giới Khủng Long: Vương Quốc Sụp Đổ) .
Lúc này, một ngọn núi lửa cổ đại trên đảo bắt đầu hoạt động trở lại và sự phun trào của nó sẽ mang đến thảm họa diệt vong cho toàn bộ sinh vật tại nơi đây. Không thể nhắm mắt làm ngơ trước quyết định để cho lũ khủng long "tự sinh tự diệt" ở Isla Nublar, cựu quản lý công viên Jurassic World Claire Dearing cùng nhà nghiên cứu hành vi động vật Owen Grady quyết tâm cùng trở lại "thế giới khủng long" nhằm giải cứu chúng đến vùng đất an toàn.
Xuyên suốt Jurassic World: Fallen Kingdom, có rất nhiều chi tiết nhỏ để gợi nhắc và tri ân những phần phim trước đó. Cùng điểm qua 10 easter eggs nổi bật nhất nhé!
1. "Quái kiệt" Mosasaurus vẫn thống trị biển cả
Một trong những chi tiết ấn tượng nhất Jurassic World (2015) đó chính là cảnh tượng ông hoàng mặt nước Mosasaurus trồi lên bờ và "húp trọn" tên khủng long tưởng-đâu-là-trùm-cuối Indominus Rex.
Trở lại một chút về thân phận của Indominus Rex, đây là một con khủng long hoàn toàn được tạo nên trong phòng thí nghiệm với bộ gen "loạn xì ngầu" cực kỳ nguy hiểm. Nó kế thừa phần lớn thân hình của khủng long T-Rex, cộng thêm sự lanh lợi của loài săn mồi velociraptor, một chút máu lạnh của trăn rừng và sở hữu cả khả năng đổi màu da của tắc kè hoa. Vì thế, xuyên suốt bộ phim, Indominus Rex đã gieo rắc nỗi kinh hoàng tột độ cho tất cả các sinh vật trên hòn đảo Isla Nublar, thậm chí bạo chúa T-Rex cũng phải "chào thua" người anh em lai tạp này.
Tuy nhiên, 30 chưa phải là Tết, ngay khi Indominus Rex đang dương dương tự đắc sau khi "làm gỏi" T-Rex thì nó bất ngờ bị một con Mosasaurus kéo xuống nước. Theo đó, Mosasaurus mới xứng đáng là loài khủng long khát máu nhất.
Căn cứ vào những điều đã xảy ra trong Jurassic World: Fallen Kingdom, con Mosasaurus ngày nào vẫn còn sống nhăn khỏe mạnh, ngày ngày bơi lội tung tăng trong lòng đại dương. Xem ra con người còn phải làm rất nhiều điều để có thể thu phục được quái thú này
2. Sự trở lại của Ian Malcolm
Sau 21 năm vắng bóng, nhà khoa học lỗi lạc Ian Malcolm (Jeff Goldblum) – trước đó đã từng dẫn đầu một nhóm người đến đảo Isla Nublar để ngăn chặn kẻ xấu mang những con khủng long vào về đất liền trong Jurassic Park: The Lost World (1997) – đã quay trở lại và tiếp tục cảnh báo về sự nguy hiểm của giống loài từng là bá chủ Trái Đất. Lần này, Malcolm xuất hiện tại một buổi điều trần ở đầu phim, thừa nhận rằng việc hồi sinh khủng long vào năm xưa là một sai lầm to lớn đồng thời cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ để yên cho hòn đảo khủng long bị núi lửa thiêu rụi.
3. Nhà di truyền học Henry Wu – sống, sống nữa, sống mãi
Khi tận mắt nhìn thấy Henry Wu xuất hiện trong Jurassic World: Fallen Kingdom với chiếc áo blouse trắng quen thuộc, rất nhiều fan quen mặt của franchise khủng long phải thốt lên: Ôi vẫn còn sống này! Sở dĩ các fan ngạc nhiên đến "ngán ngẩm" khi nhìn thấy Henry Wu là bởi lần nào ông cũng xuất hiện, nói được vài ba câu là bị khủng long rượt chạy trối chết. Nhưng, dù cho thế sự có hỗn loạn đến cỡ nào thì Wu và mấy cái vali chứa ADN khủng long của ông vẫn an toàn.
Năm 1993, Wu làm việc cho John Hammond (cha đẻ của Jurassic Park), và nhiệm vụ của ông khi ấy là nhân bản những cá thể khủng long bộ từ các bộ gen còn sót lại trong một số hóa thạch muỗi có niên đại 65 triệu năm trước. Đến năm 2015, Henry Wu lại bất ngờ xuất hiện và đang làm việc cho tập đoàn Masrani. Ở vị trí mới, ông đã lai tạo ra quái vật Indominus Rex làm "điêu đứng" cả thế giới. Và sang năm 2018, một lần nữa, Henry Wu lại "khai sinh" ra hậu duệ của I-Rex – một cá thể khủng long tàn bạo và thông minh với tên gọi Indoraptor.
4. Nữ hoàng giày cao gót Claire Dearing
Nhớ lại Jurassic World (2015), rất nhiều khán giả đã phẫn nộ bởi phân cảnh cô nàng Claire Dearing cầm pháo chạy trước để nhử một con T-Rex. Lý do là vì làm gì có ai chạy đua với khủng long mà lại mang giày cao gót cao cả thước nhưng vẫn chẳng bị xơi tái chứ!
Sang phần phim mới, có vẻ các nhà sản xuất đã chịu tiếp thu ý kiến của khán giả khi để cho Claire mang boot đế thấp trông thoải mái hơn hẳn. Tuy nhiên, ở những cảnh quay đầu phim, người xem vẫn đùa rằng cựu quản lý công viên Jurassic World là một cuồng giày cao gót chính hiệu. Dù phụ nữ mang giày cao gót thì chẳng có gì để nói, nhưng vì Claire từng "thời trang phang hoàn cảnh" trong phần phim trước nên lần này, khán giả có phần khắt khe hơn với cô nàng.
5. Cây gậy của Benjamin Lockwood
Ngày xưa, chính Benjamin Lockwood là người cộng sự đã cùng John Hammond rót vốn và xây dựng nên Công viên Kỷ Jura, hồi sinh những bạo chúa năm xưa của Trái Đất. Về sau, cả hai xảy ra mâu thuẫn và không cùng nhau tiếp tục sự nghiệp nữa. Tận sâu trong lòng, Lockwood cảm thấy có lỗi với những sinh vật do chính mình góp phần hồi sinh khi chúng đang phải đối mặt với nạn tuyệt chủng lần thứ hai.
Để tưởng nhớ đến đồng sự của mình, Lockwood luôn cầm theo một cây gậy có đỉnh được nạm một viên hổ phách – chìa khóa lưu giữ những bộ gen khủng long ngày nào.
Cây gậy này sau đó đã bị phá hủy trong cuộc vật lộn giữa Lockwood và Eli Mills mà kết quả là Eli đã giết chết Lockwood.
6. Isla Sorna
Trong một phân cảnh, Benjamin Lockwood có nhắc đến cái tên Isla Sorna - nơi được dùng để nghiên cứu chứ không phải tham quan như Isla Nublar. Đây cũng chính là vị trí trung tâm cho những sự kiện xảy ra xuyên suốt The Lost World (1997) và Jurassic Park III (2001). Khán giả có quyền thắc mắc về những gì đã xảy đến với Isla Sorna, vì tình trạng của số khủng long ở đó cho đến tận bây giờ vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
7. Đi tìm Owen Grady
Ở đầu phim, Claire Dearing phải đi tìm Owen Grady để nhờ anh ta giúp cô giải cứu những con khủng long. Những biểu hiện hồi hộp của Claire khi đi tìm Owen – lúc này đang loay hoay sửa chữa chiếc xe kéo của mình – là hoàn toàn trùng khớp với những gì cô đã làm ở phần phim Jurassic World (2015).
Claire sau đó đã phải thuyết phục đến "gãy cả lưỡi" thì Owen mới chịu đi giải cứu khủng long
8. Vết cào trên mặt T-Rex
Nhiều người tin rằng con khủng long bạo chúa ở Jurassic World: Fallen Kingdom cũng chính là con T-Rex từng xuất hiện ở phần phim đầu tiên Jurassic Park (1993). Trên mặt của nó còn in rõ một viết xước do trận ẩu đả với lũ velociraptor ngày trước, đúng tại vị trí má bên phải.
9. Cánh cổng của Jurassic Park
Trong dinh thự Lockwood, bên cạnh những bộ xương và mô hình khủng long khổng lồ, chiếc cổng mang tính biểu tượng của Công viên Kỷ Jura cũng được tái hiện kỹ càng. Đây là một chi tiết thể hiện rõ mục đích tri ân loạt phim Jurassic Park tên tuổi, bởi cánh cổng gỗ được đốt đuốc này đã trở thành dấu ấn vĩnh viễn cho một tượng đài văn hóa đại chúng (pop culture).
10. Khủng long ăn cỏ Brachiosaurus
Gặp gỡ đàn khủng long - Trích đoạn trong "Jurassic Park" (1993)
Khi nhóm giải cứu khủng long trong Jurassic World: Fallen Kingdom lần đầu tiên đến đảo Isla Nublar, loài khủng long "chào đón" họ chính là loài ăn cỏ cổ dài Brachiosaurus nổi tiếng. Đây chính là một easter egg gợi nhắc đến Jurassic Park (1993) vì đây cũng chính là loài khủng long đầu tiên mà du khách được chiêm ngưỡng.
Bộ phim Jurassic World: Fallen Kingdom hiện đang được công chiếu rộng rãi tại các cụm rạp trên toàn quốc.
(Nguồn: RadioTimes)
Theo Thùy Nhiên/Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất